(Baothanhhoa.vn) - Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây nên, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến kinh tế. Theo báo cáo của WHO, Việt Nam hiện đứng thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất trên thế giới.

Gia tăng bệnh lao kháng thuốc

Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây nên, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến kinh tế. Theo báo cáo của WHO, Việt Nam hiện đứng thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất trên thế giới.

Gia tăng bệnh lao kháng thuốcBệnh nhân lao kháng thuốc điều trị tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa.

Mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 169.000 ca mắc lao mới, trong đó có khoảng trên 5.000 ca lao kháng thuốc. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Phổi Thanh Hóa đã phát hiện, điều trị cho khoảng hơn 1.000 bệnh nhân lao, trong đó tỷ lệ bệnh nhân bị lao kháng thuốc chiếm hơn 30%. So với cùng kỳ các năm trước, số ca mắc lao được phát hiện, điều trị có xu hướng giảm, song số trường hợp bị lao kháng thuốc lại gia tăng.

Lao kháng thuốc là tình trạng vi khuẩn lao kháng lại các thuốc chống lao khiến việc điều trị trở nên khó khăn. Điều nguy hiểm là bản thân người bệnh trở thành nguồn lây lan vi khuẩn lao kháng thuốc cho cộng đồng. Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất (chiếm 80% - 85% tổng số ca bệnh) và là nguồn lây chính cho người xung quanh. Bệnh lan truyền từ người sang người qua đường hô hấp, vi khuẩn lao từ các hạt nước bọt li ti sẽ dễ dàng bị hít vào phổi, xuống tận phế nang và nhân lên, gây bệnh tại phổi. Từ phổi, vi khuẩn có thể qua máu, bạch huyết đến các tạng khác trong cơ thể (hạch bạch huyết, xương, gan, thận,...) và gây bệnh tại các cơ quan đó của cơ thể. Hiện nay, bệnh lao là bệnh có thể chữa khỏi được, tỷ lệ khỏi trên 90%. Tuân thủ điều trị là yếu tố quan trọng trong việc điều trị khỏi bệnh lao, từ đó giúp giảm gánh nặng về bệnh tật và kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân lao.

Theo Bộ Y tế, có 4 nguyên tắc trong điều trị bệnh lao, bao gồm: Phối hợp các thuốc chống lao, dùng thuốc đúng liều, dùng thuốc đều đặn, dùng thuốc đủ thời gian và theo 2 giai đoạn tấn công (kéo dài 2 đến 3 tháng nhằm tiêu diệt nhanh số lượng lớn vi khuẩn có trong các vùng tổn thương để ngăn chặn các vi khuẩn lao đột biến kháng thuốc) và duy trì (kéo dài 4 đến 6 tháng nhằm tiêu diệt triệt để các vi khuẩn lao trong vùng tổn thương để tránh tái phát). Hiện nay, Chương trình Chống lao quốc gia đang hỗ trợ miễn phí toàn bộ thuốc điều trị cho bệnh nhân lao và có thêm nhiều hỗ trợ trong quá trình điều trị đối với bệnh nhân bị lao kháng thuốc. Bệnh nhân lao nên tuân thủ đúng nguyên tắc điều trị để đạt hiệu quả tốt nhất. Để phòng chống lao kháng thuốc, người bệnh phải tuân thủ nghiêm phác đồ điều trị từ thời gian, liều lượng thuốc đến các quy định liên quan khác trong quá trình điều trị.

Tại Thanh Hóa, mạng lưới phòng, chống lao luôn được duy trì, củng cố từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện và các xã, phường, thị trấn; đồng thời triển khai đến 4 trại giam và 1 cơ sở cai nghiện ma túy, để mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ phòng chống lao. Chỉ tính riêng trong năm 2023, Bệnh viện Phổi Thanh Hóa đã quản lý và điều trị cho trên 2.800 bệnh nhân.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Phòng chỉ đạo tuyến, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phổi Thanh Hóa cho biết. Công tác phòng, chống lao hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì có khá nhiều người bệnh không điều trị đầy đủ và theo đúng phác đồ. Đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng bệnh lao kháng thuốc đang có chiều hướng gia tăng. Năm 2023, Bệnh viện Phổi Thanh Hóa đã phát hiện, điều trị cho gần 1.700 bệnh nhân mới mắc lao, trong đó có 60 bệnh nhân bị lao kháng thuốc. Điều trị bệnh lao thông thường đã rất tốn kém, việc điều trị lao kháng thuốc lại càng tốn kém hơn. Thời gian điều trị lao kháng thuốc có thể cần kéo dài đến 24 tháng, phải kết hợp nhiều loại thuốc lao hơn bình thường và các thuốc lao cũng có nhiều tác dụng phụ hơn. Có những bệnh nhân lao kháng thuốc ở mức độ ít nghiêm trọng chỉ kháng một loại thuốc, nhưng có những bệnh nhân kháng thuốc mức độ nặng gọi là lao đa kháng thuốc, nặng hơn là siêu kháng thuốc. Để khỏi bệnh hoàn toàn, người bệnh cần phải uống thuốc chống lao đủ liều lượng theo quy định, người bệnh phải uống thuốc đều đặn hàng ngày và phải thực hiện điều trị đủ thời gian, đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.

Mục tiêu của ngành y tế Thanh Hóa trong năm 2024 là khống chế số người mắc lao trong cộng đồng giảm xuống 120 người/100.000 dân; giảm tỷ lệ mắc lao tử vong xuống dưới 5 người/100.000 dân và giảm số người mắc lao đa kháng thuốc trên bệnh nhân lao mới xuống dưới 3%, phấn đấu cùng cả nước chấm dứt bệnh lao vào năm 2035. Để đạt được mục tiêu này, rất cần sự hưởng ứng của cả cộng đồng để thực hiện thành công việc thanh toán bệnh lao trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Những dấu hiệu của bệnh lao phổi: Ho khạc kéo dài trên 2 tuần là triệu chứng hay gặp nhất của bệnh lao phổi, ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng khác: Ho ra máu; sốt nhẹ kéo dài, đổ mồ hôi ban đêm; đau tức ngực; gầy sút cân.

Phòng lây nhiễm bệnh lao cho cộng đồng: Để phòng chống bệnh lao có hiệu quả, ngay tháng đầu sau sinh, tất cả trẻ đều phải tiêm phòng vắc-xin BCG nhằm giúp ngăn ngừa mắc bệnh lao. Mọi người khi ho kéo dài hơn 2 tuần cần đi khám, xét nghiệm đờm, chụp Xquang phổi để phát hiện bệnh lao. Bị bệnh lao phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan cho những người trong gia đình và người xung quanh. Bên cạnh đó, bệnh nhân lao không được khạc nhổ bừa bãi, tốt nhất đeo khẩu trang liên tục trong 2 tháng đầu điều trị. Cần phơi chăn, chiếu, vật dụng của bệnh nhân lao ra nắng mỗi ngày. Giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng, rèn luyện nâng cao sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý.

Nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào nghi ngờ mắc bệnh lao cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện sớm, tránh lây bệnh cho người khác.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]