(Baothanhhoa.vn) - Vật lộn đớn đau giữa hai bản án, một của pháp luật nghiêm minh, một của lương tâm giằng xé, nhiều phạm nhân đã tìm được cho mình điểm tựa cứu cánh để làm lại cuộc đời. Và phía sau những cuộc làm lại ấy, là biết bao mồ hôi, tâm huyết, lòng bao dung, tình nhân ái của những cán bộ, chiến sĩ cảnh sát trại giam.

Đường về... lương tâm (Bài cuối): Gieo mầm thiện trong những phận đời tội lỗi

Vật lộn đớn đau giữa hai bản án, một của pháp luật nghiêm minh, một của lương tâm giằng xé, nhiều phạm nhân đã tìm được cho mình điểm tựa cứu cánh để làm lại cuộc đời. Và phía sau những cuộc làm lại ấy, là biết bao mồ hôi, tâm huyết, lòng bao dung, tình nhân ái của những cán bộ, chiến sĩ cảnh sát trại giam.

Đường về... lương tâm (Bài cuối): Gieo mầm thiện trong những phận đời tội lỗiPhạm nhân lao động cải tạo ở Trại giam Thanh Phong. Ảnh: P.V

Cảm hóa bằng tình người

Trại giam Thanh Cẩm (Cẩm Thủy) “quy tụ” khá nhiều giang hồ, cộm cán ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước với 2/3 trong số gần 3.000 phạm nhân phạm tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nhiều lần. “Nhập trại”, ban đầu những “con ngựa bất kham” ấy phần đa tâm lý phức tạp, chẳng chịu hợp tác, chịu sự quản thúc ràng buộc, thường bày đủ chiêu trò mánh lới chống đối... Nhưng bằng các biện pháp nghiệp vụ và sự kiên trì trong cảm hóa, giáo dục của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát trại giam, những đại ca giang hồ ấy lần lượt tự rũ bỏ vẻ mặt trơ lì, vênh váo, hướng về lẽ thiện “trả nợ đời” với niềm mong mỏi hoàn lương.

Năm nay 44 tuổi, quê ở TP Hà Nội, nhưng Nguyễn Văn Minh (tên phạm nhân đã được thay đổi - PV) đã có hơn nửa thời gian trong nhà đá với 24 năm. Ở Trại giam Thanh Cẩm, y được gọi bằng cái danh Minh “trốn” bởi “thành tích” 5 lần trốn, 4 lần xử chẳng mấy phạm nhân “sánh kịp”. Cứ sơ hở là y trốn. Ra ngoài lại gây án. Nhưng chẳng lần nào thoát, chậm thì 9 ngày, nhanh thì sáng trốn, chiều y lại bị bắt về “quy án”. Cũng vì trốn trại rồi gây tội, mà từ bản án ban đầu 24 năm, y đã phải trả tổng 27 năm, 6 tháng, 20 ngày tù.

Lần đầu tiên Minh trốn trại là cuối năm 2001 khi cũng ở Trại giam Thanh Cẩm. Lần thứ 2, y trốn khỏi Trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng) vào năm 2008. Lần 3 trốn Trại giam Vĩnh Quang (Vĩnh Phúc) vào tháng 8/2010, lần 4 trốn khỏi Trại tạm giam Công an tỉnh Vĩnh Phúc vào tháng 12/2012. Gần năm sau, khi về “trả án” tại Trại giam số 5 (Yên Định), Minh lại trốn trại rồi bị bắt lại tại xã Thạch Quảng (Thạch Thành). Qua 5 lần trốn ấy, Minh được “chăm sóc” cẩn thận hơn trong khu giam giữ dành riêng cho những phạm nhân có thành tích bất hảo.

Theo lời các cán bộ quản giáo ở Trại giam Thanh Cẩm, Minh thuộc diện đa tài. Ngoài có trí nhớ tốt, vẫn thường chơi cờ tưởng với người ở phòng giam bên cạnh cách ngăn bức tường, y còn có khiếu kể chuyện rất hấp dẫn. Thứ chuyện y kể thường là trinh thám, hoặc tiểu thuyết chương hồi... Có hôm Minh kể chuyện Lữ Bố cứu Điêu Thuyền trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, những phạm nhân phòng bên đều phăng phắc ngồi nghe. Nhưng bị giam riêng, chỉ khi nào tâm trạng thoải mái, y mới thể hiện tài năng của mình. Còn phần nhiều thời gian, y dành để chống đối, thách thức cán bộ quản giáo và bất hợp tác cải tạo.

Đường về... lương tâm (Bài cuối): Gieo mầm thiện trong những phận đời tội lỗiĐại tá Đàm Minh Phong, Giám thị Trại giam Thanh Cẩm thăm hỏi, động viên phạm nhân Nguyễn Văn Minh.

Cuộc làm lại của Nguyễn Văn Minh có lẽ bắt đầu từ khi Đại tá Đàm Minh Phong được chuyển đến đảm nhận chức vụ Giám thị Trại giam Thanh Cẩm (năm 2017). Với cách cảm hóa, giáo dục phạm nhân bằng tình người, Đại tá Phong đã tìm hiểu kỹ lưỡng hồ sơ, hoàn cảnh, nhân thân, nguyên nhân, động cơ phạm tội và thường xuyên trò chuyện với y. Qua những cuộc chuyện ấy, Đại tá Phong hiểu được nguyên nhân sâu xa khiến Minh lầm đường lạc lối, chống đối, bất tuân. Minh đáng trách nhưng cũng đáng thương. Giá như bố mẹ không bỏ nhau, giá không phải thường xuyên chịu những trận đòn roi của người bố dượng đến bầm dập mặt mày... thì Minh chắc gì đã đến nỗi. Thậm chí, ám ảnh từ những trận đòn roi thuở nhỏ mà Minh vẫn thường vội vàng cầm nắm một vật gì đó như một cơ chế bản năng tự vệ khi người khác lại gần.

Hiểu nhân thân, tính cách, vết thương tâm lý, những lần khuyên bảo Minh, Đại tá Phong cũng chỉ câu chuyện mộc mạc về lẽ sống, tình đời. Về được mất giữa chống đối và hợp tác, giữa làm lại và tiếp tục lầm lỗi... Dần rà, khuôn mặt lầm lì, câng câng của Minh cũng đã giãn ra. Thi thoảng nơi phòng giam riêng, anh vẫn rú lên oang oang trách móc bản thân, lời khẩn thiết xin người thân tha thứ... Và anh xin hứa với Đại tá Phong sẽ chuyên tâm lao động, cải tạo tốt để sớm trở về quê cũ.

Năm 2021, bằng nghị lực, sự kiên trì, nỗ lực trong cải tạo, Minh được ra ở chung với các phạm nhân sau 9 năm ròng rã ở khu giam riêng. Với anh, đó đã là điều có ích lớn lao đầu tiên mình làm được kể từ ngày đi tù. Hôm tôi đến, Nguyễn Văn Minh vừa trở về buồng giam từ khu lao động cải tạo. Gặp lại Đại tá Phong, anh vồn vã đủ thứ chuyện, từ bữa ăn, giấc ngủ cho đến công việc. Đó chẳng phải giữa giám thị và phạm nhân, cuộc trò chuyện ấy gần gũi, thân mật, không khoảng cách giữa hai người đàn ông trưởng thành.

Từ lao động cưỡng bức đến lao động tự nguyện

Đại tá Đàm Minh Phong nói: “Chẳng có giáo án chung nào cho tất cả phạm nhân. Mỗi người trong họ một tính cách, một hoàn cảnh, động cơ phạm tội, một biểu hiện côn đồ, mánh khóe khác nhau... Nhưng ẩn sâu trong họ đều có tình người và người cán bộ quản giáo phải giáo dục, cảm hóa bằng tình người, sự bao dung, lòng hướng thiện. Để thức tỉnh lương tri, giúp phạm nhân nhìn thấy tương lai, trách nhiệm với gia đình, xã hội, tự mình nỗ lực cải tạo tốt, để sớm được trở về”. Và ngoài nhiệm vụ chỉ huy đơn vị, bao lâu nay Đại tá Phong vẫn dành thời gian tìm hiểu những trường hợp phạm nhân cá biệt, phạm tội nghiêm trọng để giáo dục, cảm hóa. Với anh, đó chẳng riêng là trách nhiệm, nghĩa vụ, mà còn là lương tâm của người cảnh sát trại giam".

Mà những mầm thiện, niềm tin ấy còn có ở những rõ ràng, rành mạch trong thực hiện chế độ của Nhà nước với phạm nhân, là chính sách lao động cải tạo, dạy nghề và tạo việc làm. Bởi phần nhiều người phạm tội thường lười lao động, học tập, chỉ thích hưởng thụ, “nhàn cư vi bất thiện”, dễ dẫn tới hành vi phạm pháp. Qua lao động cải tạo, không những giúp phạm nhân hiểu được giá trị của mồ hôi công sức và thành quả của chính bản thân mình làm ra, mà khi vượt định mức, họ còn được hưởng một phần tiền công. Tiền ấy tuy ít, nhưng dành dụm, tích cóp, nhiều phạm nhân đã mua được phần quà nhỏ gửi về vỗ về con cái, an ủi mẹ già, như thay lời ăn năn, hối hận.

Đường về... lương tâm (Bài cuối): Gieo mầm thiện trong những phận đời tội lỗiMột bữa cơm gia đình ấm áp tình người được Trại giam Thanh Cẩm tổ chức cho phạm nhân.

Rồi qua mô hình “Phạm nhân nói”, Ban Giám thị Trại giam Thanh Cẩm đã thường xuyên lắng nghe trao đổi, tâm tư, nguyện vọng của phạm nhân. Đại tá Phong còn thẳng thắn “trưng cầu” ý kiến phạm nhân, để họ lao động, cải tạo tốt hơn, ban giám thị trại giam, cán bộ, chiến sĩ cảnh sát trại giam cần phải làm thêm những gì? Phía sau những cuộc trao đổi thẳng thắn ấy luôn có kết quả ngoài mong đợi, là sự tương tác hai chiều, dân chủ. Nhưng lớn hơn, việc giáo dục, cải tạo phạm nhân được chuyển từ mệnh lệnh một chiều đến tương tác hai chiều tích cực; chuyển lao động cải tạo từ cưỡng bức thành lao động cải tạo tự nguyện. Thậm chí, qua “Phạm nhân nói”, Ban Giám thị Trại giam Thanh Cẩm đã kịp thời phát hiện, uốn nắn chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ còn chưa nghiêm...

Mầm thiện ấy còn là những bữa cơm ấm áp tình người, được Trại giam Thanh Cẩm tổ chức cho phạm nhân có thành tích cải tạo khá, tốt ngồi chung mâm quây quần với người thân, gia đình. Hay những cuộc gặp vợ chồng sau bao ngày xa cách trong căn phòng “hạnh phúc” nơi cổng trại... Những việc làm nhân văn ấy được gom góp, cộng hưởng, lan tỏa như cơn gió mát lành, xoa dịu đi những cơn sóng dữ bên trong tâm hồn, thức tỉnh lương tri mỗi phạm nhân.

Ở Trại giam Thanh Phong cũng thế, ngoài sự nghiêm minh của pháp luật, còn là tình người trong giáo dục, cảm hóa. Như câu chuyện của nữ phạm nhân Nguyễn Thị Thu Huyền, qua 7 lần dính án 4 lần ở tù, được Đại úy Trần Văn Quỳnh, Đội 25, Phân trại số 1, trực tiếp giáo dục, cảm hóa thì tư tưởng cũng đã khác, ăn năn và hối cải. Hay câu chuyện Đại úy Mai Trọng Ninh, Đội 22, Phân trại số 1, cảm hóa, giúp phạm nhân Đ.T.N. (SN 1961) nỗ lực cải tạo, “bẻ án” thành công từ chung thân xuống tù có thời hạn 30 năm...

Khi vật lộn đớn đau giữa hai bản án, một của pháp luật nghiêm minh, một của lương tâm giằng xé, người đời chê trách, nhiều phạm nhân đã tìm được cho mình điểm tựa cứu cánh để nỗ lực cải tạo, làm lại cuộc đời. Dẫu biết rằng, mỗi cuộc làm lại ấy trước hết ở nghị lực, bản lĩnh, là mầm thiện còn lại của mỗi phạm nhân. Nhưng phía sau là biết bao mồ hôi, tâm huyết, lòng bao dung, tình người của những cán bộ, chiến sĩ cảnh sát trại giam.

Vậy đó. Đường hoàn lương vẫn luôn rộng mở với những người lầm lỗi biết ăn năn, hối cải...

Phóng sự của Đỗ Đức

Tin liên quan:
  • Đường về... lương tâm (Bài cuối): Gieo mầm thiện trong những phận đời tội lỗi
    Đường về... lương tâm (Bài 1): Nợ đời phải trả...

    Gieo nhân ác phải gặt quả đắng, những đại ca, ông trùm khét tiếng một thời đâm thuê chém mướn, giết người, cướp của, hay “đi buôn thần chết”,... rồi cũng phải tra tay vào còng, trả giá phía sau song sắt nhà giam. Và nơi đó cũng là cơ hội còn lại duy nhất của cuộc đời cho họ sửa chữa lỗi lầm, làm lại để hoàn lương.

  • Đường về... lương tâm (Bài cuối): Gieo mầm thiện trong những phận đời tội lỗi
    Đường về... lương tâm (Bài 2): Không phải là dấu chấm hết

    Như cố nhà văn Nguyễn Khải đã viết: ...“ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”... Nơi trại giam hẻo lánh, được giáo dục, cảm hóa, không ít đại ca giang hồ khét tiếng một thời đang miệt mài cải tạo để hoàn lương.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]