(Baothanhhoa.vn) - Nghị quyết 68 nếu triển khai kịp thời, hiệu quả sẽ được ví như một “phao cứu sinh” giúp người lao động và người sử dụng lao động vượt qua khó khăn; đồng thời, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.

Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống bằng quyết tâm và trách nhiệm cao nhất: Bài 2 - Tâm tư và kỳ vọng

Nghị quyết 68 nếu triển khai kịp thời, hiệu quả sẽ được ví như một “phao cứu sinh” giúp người lao động và người sử dụng lao động vượt qua khó khăn; đồng thời, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.

Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống bằng quyết tâm và trách nhiệm cao nhất: Bài 2 - Tâm tư và kỳ vọngÔng Ngô Thế Anh, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, trực tiếp xuống xưởng sản xuất của Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức nắm tình hình phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: P.V

Tin liên quan:
  • Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống bằng quyết tâm và trách nhiệm cao nhất: Bài 2 - Tâm tư và kỳ vọng
    Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống bằng quyết tâm và trách nhiệm cao ...

    Ra đời giữa bối cảnh cả nước đang dồn lực cho cuộc chiến cam go với đại dịch, có thể khẳng định, Nghị quyết 68/NQ-CP (gọi tắt là Nghị quyết 68) ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đã làm “sáng lên” tinh thần nhân văn, tinh thần dân tộc và là minh chứng thuyết phục về một Chính phủ hành động vì Nhân dân!

Là lao động tự do, chị Ngô Thị Phương ở xã Thiệu Quang (Thiệu Hóa) chưa bao giờ thấy cuộc sống của mình khó khăn như lúc này. Dịch COVID-19 đã khiến chị phải nghỉ việc mấy tháng ròng. Chị Phương chia sẻ (qua điện thoại): Trước đây, 2 vợ chồng vào miền Nam làm ăn sinh sống. Rủi ro ập đến sau một ngày chồng chị đi làm về bị mệt rồi ngủ luôn không bao giờ tỉnh lại. Khi chồng mất, chị phải vay 20 triệu đồng thuê xe đưa thi thể anh về quê chôn cất. Xong việc cho chồng, mẹ con chị lại dắt díu nhau quay vào Nam thuê một căn nhà nhỏ vừa ở, vừa buôn bán kiếm tiền nuôi con, trả nợ. Do dịch COVID-19, nơi chị ở thực hiện giãn cách xã hội nên chị phải dừng buôn bán. Nằm trong diện được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết 68, chị Phương cho biết: “Dù mức hỗ trợ có thể không nhiều nhưng vô cùng quý giá đối với mẹ con tôi lúc này. Cảm ơn Đảng, cảm ơn Chính phủ đã quan tâm đến những người dân như chúng tôi”.

Anh Ngọ Văn H., một trong bốn lao động tự do đi từ TP Hồ Chí Minh trở về địa phương (huyện Nông Cống) vào ngày 27-7, được phát hiện mắc COVID-19 khi đang cách ly tập trung tại khu cách ly của huyện và được chuyển về Bệnh viện Phổi Thanh Hóa điều trị từ tối ngày 28-7. Trao đổi qua điện thoại, anh H. cho biết: Là lao động chính trong gia đình, tôi vào TP Hồ Chí Minh mưu sinh nhưng không ở cố định một chỗ mà đi theo công trình xây dựng. Từ khi quận Gò Vấp và phường Thanh Lộc (quận 12) áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (từ 0 giờ ngày 31-5-2021) thì cuộc sống của anh bị đảo lộn. Vì không có việc làm, thu nhập, lại lo sợ nhiễm COVID-19 và không đủ điều kiện để cầm cự lâu hơn, anh đã cùng một số anh em quê Thanh Hóa rủ nhau thuê xe trở về quê. Qua lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Biết mình thuộc diện được thụ hưởng chính sách của Nghị quyết 68 trong thời điểm khó khăn, bệnh tật, anh H. mong sớm được nhận kinh phí hỗ trợ để bản thân và gia đình bớt phần khó khăn.

Trao đổi về những khó khăn của doanh nghiệp lúc này, ông Nguyễn Duy Nở, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Tuấn, cho biết: Hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, kinh doanh vật liệu xây dựng... nên các công trình, đơn hàng của công ty không chỉ ở trong tỉnh, mà còn ở các tỉnh, thành trong cả nước. Dịch COVID-19 bùng phát trở lại đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Trong thời gian thực hiện cách ly (đối với ban lãnh đạo, người lao động đi lại làm việc ở các tỉnh, thành vùng có dịch trở về phải thực hiện cách ly 21 ngày), công ty vẫn trả lương đầy đủ cho người lao động, chưa kể chi phí cho những lần test nhanh COVID-19, giá hàng hóa leo thang... Các công trình, dự án bị thu hẹp, dòng vốn chậm, nhưng công ty vẫn nỗ lực duy trì hoạt động để bảo đảm việc làm, đời sống cho gần 250 lao động. Mặc dù vậy, so với cùng kỳ năm 2020, doanh thu của công ty đến thời điểm này đã sụt giảm 1/3.

Vận tải hành khách là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID–19. Nhất là từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay, nhiều đơn vị vận tải hành khách trong tỉnh đã phải cắt giảm từ 40 đến 50% lượng xe; doanh thu giảm khoảng 35-40% so với cùng kỳ năm 2020. Ông Lê Xuân Long, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Thanh hóa, cho biết: Có rất nhiều đơn vị không chỉ thiệt hại về doanh thu mà còn thêm gánh nặng bảo đảm đời sống của người lao động, chi trả lương hàng tháng và các khoản phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ, phí bảo dưỡng... cho dù phương tiện không hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Chính vì vậy, Nghị quyết 68 của Chính phủ được xem như chiếc “phao cứu sinh”, góp phần giúp các đơn vị kinh doanh vận tải vượt qua giai đoạn rất khó khăn này.

Với quyết tâm “Chống dịch như chống giặc”, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và mạnh mẽ nhiều biện pháp nên tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt, không để lây lan diện rộng. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng đã ảnh hưởng đến một bộ phận người lao động và người sử dụng lao động. Theo kết quả rà soát, tính đến ngày 30-7, toàn tỉnh có 6.370 đơn vị, doanh nghiệp với 264.336 lao động được giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, với tổng số tiền tạm tính giảm mức đóng 12 tháng (từ ngày 1-7-2021 đến 30-6-2022) là 74.503.173.321 đồng; 319 người là viên chức hoạt động nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch được hỗ trợ, với kinh phí dự kiến là 1.183.490.000 đồng. Về chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, dự kiến có 5.404 hộ kinh doanh được hỗ trợ, với kinh phí dự kiến là 16.212.000.000 đồng. Tính đến hết ngày 27-7, toàn tỉnh có 299 trẻ em đã hoàn thành thời gian cách ly y tế tập trung, 105 trẻ em đang thực hiện cách ly y tế tập trung và 8 trẻ em đang điều trị COVID-19. Những đối tượng khác đang được các ngành, đơn vị, địa phương rà soát, lập danh sách, hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định.

Tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 400 doanh nghiệp đang hoạt động với khoảng 96.000 lao động, trong đó có gần 1.000 lao động là người nước ngoài. Theo ông Ngô Thế Anh, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, để Nghị quyết 68 được triển khai thực hiện có hiệu quả, kịp thời hỗ trợ, động viên người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn, Ban Thường vụ Công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền và triển khai hướng dẫn, tổ chức thực hiện ở cơ sở. Những vấn đề phát sinh, vướng mắc được ban thường vụ công đoàn tổng hợp báo cáo lên Liên đoàn Lao động tỉnh để có biện pháp giải quyết kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho đoàn viên, người lao động. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, không để trục lợi chính sách.

Để chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh theo quy định tại điều 38, 39, 40, 41 Quyết định số 23, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã phối hợp cùng cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh và các cơ quan chức năng chỉ đạo, hướng dẫn NHCSXH tại các địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện. Ông Nguyễn Tiến Trứ, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh, cho biết: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23 về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã tổ chức triển khai rà soát đối tượng được vay vốn theo Quyết định số 23; tiếp nhận hồ sơ đề nghị của người sử dụng lao động và tổ chức thẩm định, phê duyệt trên tinh thần nhanh chóng, kịp thời, thuận tiện, đúng đối tượng. Tính đến ngày 30-7, qua rà soát có gần 700 doanh nghiệp, nhưng mới có 3 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn là Công ty May Xuân Lam và HTX dịch vụ nông nghiệp xã Quảng Phú (huyện Thọ Xuân); Công ty CP Xây lắp và Dịch vụ điện Tín Nghĩa, xã Lương Sơn (huyện Thường Xuân). NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo chi nhánh NHCSXH huyện Thọ Xuân và Thường Xuân hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị vay vốn, nếu đủ điều kiện sẽ giải ngân theo quy định.

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, mong mỏi lớn nhất lúc này của người lao động và các doanh nghiệp là chính quyền các cấp, các ngành chức năng quan tâm triển khai nhanh gói hỗ trợ của Chính phủ, nhất là chính sách miễn giảm thuế, tiền đóng bảo hiểm xã hội, hỗ trợ người lao động phải tạm ngừng việc, mất việc... Qua đó, giúp họ giảm bớt gánh nặng, ổn định đời sống và tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nhóm Phóng viên Văn hóa - Xã hội

Bài cuối: Hỗ trợ phải kịp thời, đúng đối tượng.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]