Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch
Việc phát huy giá trị các di sản văn hóa để thúc đẩy du lịch phát triển bền vững luôn được ngành du lịch Thanh Hóa chú trọng thực hiện. Bởi vậy, khi đến với Thanh Hóa ngoài việc được khám phá cảnh sắc thiên nhiên phong phú và đa dạng, thì du khách còn được tìm hiểu về các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng và được hòa mình vào các giá trị văn hóa phi vật thể phong phú của đồng bào các dân tộc sinh sống ở đây.
Nhà sàn ở xã Thạch Lâm (Thạch Thành) được lưu giữ, phục dựng phục vụ khách tham quan.
Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thạch Thành Lê Thị Hương cho biết, huyện có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa phong phú cùng nhiều thác nước đẹp, địa hình, sông núi, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn lưu giữ được nhiều bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mường thông qua nhà sàn truyền thống, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, trò chơi, trò diễn... Bởi vậy, huyện luôn xác định việc khai thác các di sản văn hóa sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn du khách. Ngược lại, khi du lịch phát triển sẽ tạo ra nguồn lực quan trọng đóng góp vào công tác bảo tồn các di sản văn hóa trên địa bàn. Trên cơ sở đó, những năm qua huyện đã triển khai một cách có hiệu quả việc gắn các di sản văn hóa với phát triển du lịch.
Hiện tại, huyện đã xây dựng và phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch có thế mạnh như du lịch văn hóa, tâm linh, với các điểm tham quan là đền Phố Cát, di tích lịch sử Chiến khu du kích Ngọc Trạo, di tích quốc gia đặc biệt Hang Con Moong, khu du lịch thác Mây (Thạch Lâm), thác Voi (thị trấn Vân Du), khu du lịch và nghỉ dưỡng sinh thái suối khoáng nóng Thành Minh và các khu vực lân cận là thác Đẹn, thác Mơ, hồ Vũng Sú, hồ Bỉnh Công... du lịch nông nghiệp gắn với phát triển các trang trại nông nghiệp công nghệ cao tại khu vực thị trấn Vân Du và các xã lân cận như Thành Công, Thành Tân, Thành Tâm... Ngoài ra, hằng năm huyện còn tổ chức các lễ hội truyền thống thu hút đông đảo Nhân dân và du khách tham gia như lễ hội Mường Đòn (xã Thành Mỹ), lễ hội Đình Tam Thánh, lễ hội Đền Mẫu (xã Thạch Bình), lễ hội Đền Phố Cát (thị trấn Vân Du)...
Cùng với huyện Thạch Thành, nhiều địa phương khác đã chú trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, tạo nên thương hiệu du lịch riêng biệt của địa phương mình. Chẳng hạn, tại Bá Thước đã tích cực khai thác các giá trị văn hóa bản địa của đồng bào Thái, Mường như các làn điệu dân ca, dân vũ, các phong tục, tín ngưỡng truyền thống, văn hóa ẩm thực, các di tích lịch sử- văn hóa... để thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch tâm linh. Hay như tại TP Thanh Hóa luôn chú trọng đến phát triển du lịch tâm linh thông qua nhiều điểm đến nổi tiếng như chùa Thanh Hà, khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng... hay phát triển các sản phẩm du lịch khác gồm không gian văn hóa Hội An, du lịch về làng cổ Đông Sơn; xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm tour du lịch “Ngược xuôi sông Mã”...
Để khai thác các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong phát triển du lịch, thời gian qua tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch như Kế hoạch bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025.
Tỉnh cũng dành nhiều nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Đối với di sản văn hóa vật thể, tính riêng trong giai đoạn từ năm 2021-2023 toàn tỉnh đã có 79 dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích được chấp thuận chủ trương đầu tư; có 24 di tích được cấp kinh phí tu bổ, tôn tạo. Nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo trở thành những điểm du lịch hấp dẫn du khách, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung.
Cũng trong giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh đã có thêm 7 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các di sản văn hóa phi vật thể được vinh danh không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc hấp dẫn du khách.
Thực tế cho thấy, di sản văn hóa đóng vai trò quan trọng thúc đẩy du lịch phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc khai thác quá đà các di sản văn hóa cũng không tránh khỏi nguy cơ làm xói mòn giá trị của di sản. Chính vì vậy, để bảo tồn di sản một cách bền vững trong phát triển du lịch đòi hỏi sự nỗ lực, phối hợp của các cấp, các ngành, đặc biệt sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại địa phương.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
- 2024-11-08 14:40:00
Thu hút khách từ thị trường các tỉnh Tây Bắc đến với Thanh Hóa bằng lợi thế và sự khác biệt
- 2024-11-08 11:41:00
Nhiều điểm du lịch tâm linh tạo sức hút du khách
- 2024-01-02 09:06:00
Đầu năm “gà đẻ trứng vàng” và hy vọng “đầu xuôi, đuôi lọt”
Khách du lịch kỳ nghỉ lễ Tết Dương lịch tăng 38,6% so với cùng kỳ
Du lịch bứt tốc
Ngày đầu kỳ nghỉ lễ, thời tiết không thuận nhưng các khu điểm du lịch trong tỉnh vẫn đảm bảo lượng khách
Níu chân du khách bằng cảnh quan xanh - sạch – đẹp
Xây dựng Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn
Du lịch Thanh Hóa vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức
Khách nội địa dự báo tiếp tục “cứu cánh” cho ngành du lịch trong năm 2024
Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng ở bản Ngàm Pốc
Thanh Hóa có gì hấp dẫn trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2024?