Níu chân du khách bằng cảnh quan xanh - sạch – đẹp
Nhiều năm trở lại đây, ngành du lịch của tỉnh Thanh Hóa có bước phát triển mạnh mẽ thể hiện ở lượng khách và tổng thu du lịch ngày càng gia tăng. Từ đó, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Có được kết quả đó, ngoài việc làm mới và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, thì công tác bảo vệ, giữ gìn cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp luôn được coi là nhân tố quyết định.
Đội vệ sinh môi trường đang chăm sóc cây xanh trong khuôn viên Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân).
Đến khu du lịch bản Mạ (Thường Xuân) những ngày cuối năm, ấn tượng của chúng tôi là không khí trong lành, thoáng đãng, đường đi lối lại có nhiều cây xanh, cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Từ nhiều năm nay, bản Mạ đã và đang là địa điểm thu hút rất đông du khách tìm đến tham quan, trải nghiệm. Anh Vi Văn Ngọ, chủ homestay tại bản Mạ cho biết: "Những năm gần đây, xu hướng của du khách là đi du lịch tìm về thiên nhiên, những nơi có không khí trong lành, thoáng đãng. Nắm bắt được nhu cầu đó nên hầu hết các hộ làm du lịch cộng đồng tại bản Mạ đã nhanh chóng xây dựng, hình thành không gian sinh hoạt, nghỉ ngơi mang hơi hướng tự nhiên, xanh mát. Đồng thời, để đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ, an toàn, hạn chế rác thải, tại các homestay đều lắp đặt thùng rác và có biển chỉ dẫn du khách bỏ rác đúng nơi quy định. Ngoài ra, bản Mạ đã thành lập các đội vệ sinh môi trường tổ chức luân phiên thu gom, vận chuyển rác đến nơi quy định, không để xảy ra tình trạng ô nhiễm, góp phần tạo ấn tượng tốt với du khách.
Ông Lê Hữu Giáp, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thường Xuân cho biết: "Thường Xuân có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, cùng hệ thống sông, suối, thác rất phong phú và những công trình văn hóa tâm linh có ý nghĩa lịch sử. Bởi vậy, nơi đây có rất nhiều tiềm năng để phát triển đa dạng các loại hình du lịch như, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch lòng hồ... Do đó, để thu hút du khách ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng phục vụ du khách, các khu, điểm du lịch trong huyện đều chú trọng đến việc giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường, lắp đặt thùng rác, biển chỉ dẫn bỏ rác đúng nơi quy định. Từ đó, tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện cho du khách đến tham quan. Cùng với đó, công tác thông tin, truyền thông về bảo vệ môi trường du lịch cũng được huyện chú trọng thực hiện thông qua hệ thống các biển quảng cáo, băng rôn, khẩu hiệu trên các đường phố, tại các khu, điểm du lịch. Huyện cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch gắn với việc tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của người dân, các hộ kinh doanh du lịch.
Thanh Hóa hiện có trên 1.500 di tích lịch sử - văn hóa. Các di tích này là nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn quý giá để phát triển loại hình du lịch tâm linh. Chính vì vậy, các địa phương, ban quản lý di tích trên địa bàn tỉnh đã tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, cảnh quan di tích để thu hút du khách đến tham quan, chiêm bái. Điển hình là tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân) những năm qua luôn thu hút được đông đảo du khách đến tham quan. Theo Trưởng Ban Quản lý di tích lịch sử Lam Kinh Nguyễn Xuân Toán cho biết: "Để đảm bảo cảnh quan của khu di tích luôn sáng - xanh - sạch - đẹp, chúng tôi luôn quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải, bố trí thùng rác hợp lý, đảm bảo mỹ quan trong khu di tích, thân thiện với môi trường. Đồng thời, thành lập đội vệ sinh môi trường chuyên cắt tỉa, chăm sóc cây xanh, thu gom, vận chuyển rác xung quanh khu di tích đến nơi tập kết rác thải. Nhờ đó, cảnh quan môi trường ở khu di tích luôn sạch sẽ, thoáng đãng, hấp dẫn du khách".
Thời gian qua, cùng với việc đầu tư nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, thì công tác bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch được người làm du lịch, các địa phương quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh sự vào cuộc của chính những người trong cuộc thì cần hơn nữa sự vào cuộc của các cấp, ngành trong tỉnh, của cả người dân và du khách đến tham quan. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở các lớp tập huấn về bảo vệ môi trường cho Nhân dân, những hộ kinh doanh du lịch.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
- 2024-11-02 14:27:00
Cư dân miền biển thờ Tứ vị Thánh nương
- 2024-10-30 16:34:00
Kết nối du lịch Thanh Hóa với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên
- 2023-12-24 09:09:00
Xây dựng Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn
Du lịch Thanh Hóa vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức
Khách nội địa dự báo tiếp tục “cứu cánh” cho ngành du lịch trong năm 2024
Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng ở bản Ngàm Pốc
Thanh Hóa có gì hấp dẫn trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2024?
Flamingo Ibiza Hải Tiến tổ chức các chương trình khuyến mãi lớn tri ân địa phương
Phát triển du lịch ở Như Thanh
Hoàng Việt Travel - Công ty du lịch Trung Quốc giá rẻ, chất lượng
Kỳ vọng khách du lịch từ các thị trường mới
Loạt sự kiện mở màn năm du lịch sôi động tại Flamingo Ibiza Hải Tiến