(Baothanhhoa.vn) - Cùng với sự mở cửa trở lại ngành du lịch Việt Nam, du lịch Thanh Hóa cũng đã và đang có những bước khởi động, nhằm bắt nhịp với xu hướng và nhu cầu của du khách. Trong đó, triển khai đa dạng các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trong suốt năm 2022 sẽ góp phần kích cầu nhằm thúc đẩy du lịch Thanh Hóa tăng trưởng sau chuỗi ngày gián đoạn do dịch bệnh COVID-19.

"Du lịch an toàn - du lịch bền vững” (Bài 3): Kích cầu tạo đòn bẩy tăng trưởng du lịch

Cùng với sự mở cửa trở lại ngành du lịch Việt Nam, du lịch Thanh Hóa cũng đã và đang có những bước khởi động, nhằm bắt nhịp với xu hướng và nhu cầu của du khách. Trong đó, triển khai đa dạng các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trong suốt năm 2022 sẽ góp phần kích cầu nhằm thúc đẩy du lịch Thanh Hóa tăng trưởng sau chuỗi ngày gián đoạn do dịch bệnh COVID-19.

Du lịch an toàn - du lịch bền vững” ( Bài 3): Kích cầu tạo đòn bẩy tăng trưởng du lịch

Đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Tổng cục Du lịch Việt Nam, Hiệp hội du lịch Thanh Hóa phát động Chương trình kích cầu du lịch năm 2022.

Đa dạng hóa hoạt động để thu hút du khách

Việc Việt Nam mở cửa hoàn toàn đối với du lịch vừa là thời cơ, song cũng đặt ra không ít thách thức khi các địa phương đều cạnh tranh gay gắt để thu hút du khách. Trong cuộc đua giành thị trường khách, thì sức hấp dẫn của điểm đến trước hết thể hiện ở sản phẩm chất lượng, giá cả cạnh tranh được xem là nhân tố quyết định. Đồng thời, cần đa dạng hóa các hoạt động để vừa thu hút, vừa giữ chân du khách. Xác định rõ điều đó, mới đây, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu xây dựng và trình UBND tỉnh dự thảo Chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch Thanh Hóa năm 2022, với nhiều hàng chục hoạt động liên quan. Cùng với đó, theo dự kiến sẽ có khoảng 40 sự kiện/hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch được các địa phương, đơn vị đăng ký tổ chức. Đồng thời, nhiều đơn vị, doanh nghiệp du lịch cũng đã tái khởi động và chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để đón, phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Thanh Hóa, gắn với thông điệp “Điểm đến an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn”.

Theo đó, trong suốt năm 2022 có khoảng 40 sự kiện/hoạt động được tổ chức. Điển hình là ngày 11-3-2022 tỉnh đã tổ chức thành công Lễ công bố biểu trưng và khẩu hiệu du lịch Thanh Hóa; phát động chương trình kích cầu du lịch Thanh Hóa năm 2022 và mở cửa đón khách du lịch quốc tế đến Thanh Hóa. Trong đó, công bố Bộ nhận diện thương hiệu du lịch Thanh Hóa; công bố các chương trình thuộc Chiến dịch xây dựng điểm đến Thanh Hóa – an toàn, thân thiện, hấp dẫn; trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch Thanh Hóa… Sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt, bởi đây là bước khởi động cho một năm du lịch hứa hẹn thành quả mới. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tổ chức đón đoàn famtrip doanh nghiệp Hoa Kỳ (từ ngày 17-21/2/2022), khảo sát các khu, điểm du lịch trong tỉnh và ký kết hợp tác phát triển du lịch.

Du lịch an toàn - du lịch bền vững” ( Bài 3): Kích cầu tạo đòn bẩy tăng trưởng du lịch

Lễ hội Cầu phúc Đền Độc Cước, thành phố Sầm Sơn.

Ngoài ra, thời gian tới các địa phương cũng sẽ tổ chức một loạt các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch như lễ kỷ niệm 452 năm ngày mất Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm; lễ hội Rước Nước Chùa Phủ Báo Ân; lễ kỷ niệm 620 năm Vương triều Hồ Khai Đàn Nam Giao và 600 năm ngày mất Hoàng đế Hồ Qúy Ly; lễ hội Tình yêu - Hòn Trống Mái; lễ hội đền Trần Khát Chân; lễ hội Bánh Chưng - Bánh Giầy; lễ hội Cầu Ngư - Bơi Chải; lễ hội Lam Kinh; Lễ hội Lê Hoàn; lễ hội đền Bình Khương; kỷ niệm 450 năm, năm sinh Danh nhân văn hóa - Quân sự Hoằng Quốc công Đào Duy Từ (1572-2022)… Đồng thời, đăng cai tổ chức giải vật vô địch các CLB toàn quốc; giải bóng bàn, cầu lông gia đình toàn quốc; giải đua xe đạp địa hình vô địch trẻ quốc gia; hội thao quần vợt bãi biển toàn quốc; giải bóng đá bãi biển vô địch quốc gia năm 2022. Khai trương điểm du lịch cộng đồng tại làng Lập Thắng; khai trương du lịch Thác Mây; tổ chức lễ hội du lịch biển Nghi Sơn năm 2022; lễ hội du lịch biển Hải Tiến năm 2022; lễ kỷ niệm 115 năm du lịch Sầm Sơn, 5 năm Sầm Sơn được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh Thanh Hóa và khai mạc lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2022.

Đặc biệt, nằm trong chuỗi các hoạt động nhằm kích cầu, xúc tiến, quảng bá du lịch, tỉnh sẽ tổ chức kích cầu du lịch Thanh Hóa tại Hà Nội, với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, giới thiệu các sản phẩm du lịch, ẩm thực đặc trưng của Thanh Hoá. Đồng thời, tổ chức hội nghị liên kết và phát triển du lịch qua đường hàng không, nhằm đón các doanh nghiệp lữ hành và các cơ quan báo chí từ các tỉnh, thành phố qua đường hàng không đến khảo sát, kết nối và tuyên truyền cho du lịch Thanh Hoá; tổ chức hội nghị liên kết và phát triển du lịch thường niên với các tỉnh/thành Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, TP. Hồ chí Minh, Cần Thơ... để khảo sát tiềm năng du lịch và thảo luận, góp ý xây dựng, liên kết phát triển du lịch; đón các doanh nghiệp du lịch các tỉnh về khảo sát du lịch Thanh Hóa; công bố tour du lịch Khu di tích Lam Kinh - đền Cửa Đạt - hồ Cửa Đạt - thác Yên - bản Mạ.

Cùng với đó, tỉnh sẽ tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh quảng bá, xúc tiến, liên kết đầu tư phát triển, thông qua việc tham dự các sự kiện, hội chợ du lịch thường niên (Năm du lịch quốc gia 2022; Ngày hội du lịch thành phố Hồ Chí Minh 2022; Hội chợ du lịch quốc tế thành phố Hồ Chí Minh - ITE HCMC 2022). Đồng thời, tổ chức Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2022 tại TP Thanh Hóa (dự kiến quy mô 400 gian hàng); tổ chức Hội chợ du lịch, sản phẩm du lịch Pù Luông; Ngày hội văn hóa các dân tộc tại Khu du lịch Pù Luông; công bố thành lập Chi hội du lịch Pù Luông; Hội nghị kết nối cung - cầu, kết hợp trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, tỉnh Thanh Hóa năm 2022. Ngoài ra, tỉnh sẽ tổ chức giới thiệu các tour, tuyến, điểm du lịch bằng hình thức trực tuyến trên nền tảng xã hội, trong đó, mời những người nổi tiếng làm nhân vật trải nghiệm trong các video để xúc tiến, quảng bá du lịch Thanh Hoá trên nền tảng số.

Đặc biệt, nằm trong chuỗi sự kiện dự kiến sẽ tổ chức xuyên suốt năm 2022 còn có nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, như Tuần lễ Văn hóa hữu nghị Thanh Hóa - Hủa Phăn nhân kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 45 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác Việt Nam – Lào và 55 năm ký kết hợp tác giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn; Ngày văn hóa Ấn Độ tại tỉnh Thanh Hóa…

Cần cơ chế kích cầu mạnh mẽ hơn

Để tạo thêm trợ lực giúp du lịch Thanh Hóa nhanh chóng trở lại “đường đua”, thì việc xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách kích cầu phù hợp, hiệu quả là yêu cầu đặt ra cho tỉnh ta lúc này. Tại lễ công bố Biểu trưng du lịch Thanh Hoá; phát động Chương trình kích cầu du lịch năm 2022 và đón khách du lịch quốc tế đến Thanh Hoá (diễn ra ngày 11-3 vừa qua), đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh, đã khẳng định: Trong 2 năm 2020, 2021 và các tháng đầu năm 2022, cùng với du lịch cả nước, du lịch Thanh Hóa cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Song, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và hiệu quả, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tích cực, chủ động phát huy nội lực, đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc giải quyết khó khăn và khôi phục ngành kinh tế du lịch. Đồng thời, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để hưởng ứng, phát động, tổ chức các chương trình kết nối, các hoạt động kích cầu du lịch.

Khôi phục hoạt động du lịch sau nhiều thời điểm gần như “tê liệt” là yêu cầu trước mắt; song để tạo “bệ đỡ” cho du lịch phục hồi mạnh mẽ và phát triển bền vững, thiết nghĩ thời gian tới tỉnh cần tập trung nguồn lực hoàn thiện và nâng cấp hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Đồng thời, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, uy tín để thực hiện các dự án du lịch, mà trước mắt là sớm hoàn thành các dự án du lịch trọng điểm như Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn và Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp du lịch biển Sầm Sơn; Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp Bến En; Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn giai đoạn 2; Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương… Từ đó, hình thành những tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đẳng cấp để nhanh chóng tạo sản phẩm du lịch cao cấp, có tính cạnh tranh khác biệt, nổi trội.

Thời gian tới sẽ là mùa du lịch biển – sản phẩm mũi nhọn của du lịch Thanh Hóa. Do đó, tỉnh cần chú trọng gia tăng trải nghiệm cho du khách bằng các loại hình vui chơi giải trí biển. Thực tế phát triển sản phẩm nghỉ dưỡng biển cho thấy, việc thiếu các loại hình vui chơi giải trí biển khiến du khách nhanh nhàm chán và không thể tiêu tiền. Để khắc phục nhược điểm này, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch cho rằng, tỉnh Thanh Hóa cần có những công viên biển, khu vui chơi giải trí quy mô, tầm cỡ quốc tế. Muốn vậy, việc thu hút nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp là yếu tố quyết định. Được biết tới đây, Khu công viên vui chơi giải trí và đô thị Nam Sông Mã, có quy mô hơn 130 ha, sẽ được Tập đoàn Sun Group phát triển theo hướng công viên chủ đề, mang thương hiệu Sun World như những công viên nổi tiếng tại Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Quốc. Dự án này nếu được hiện thực hóa sẽ góp phần đưa Thanh Hóa trở thành tâm điểm giải trí mới và thỏa “cơn khát” được trải nghiệm các hoạt động vui chơi, giải trí đa dạng, hiện đại của người dân xứ Thanh và hàng triệu du khách khi về với Thanh Hóa.

Cùng với đó, để góp phần đa dạng sản phẩm và nâng cao sức hấp dẫn của điểm đến, tỉnh cần tập trung đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng phục vụ phát triển du lịch. Trong đó, trọng tâm là các di tích Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, đền Bà Triệu, đền thờ Lê Hoàn, Thái miếu Nhà Hậu Lê, Lăng miếu Triệu Tường, Phủ Trịnh - Nghè Vẹt, Hang Con Moong và các di tích phụ cận…

Đặc biệt là sớm phối hợp với Cục Di sản Văn hóa và các đơn vị chuyên ngành để xây dựng kế hoạch nghiên cứu, lập hồ sơ di tích khảo cổ Hang Con Moong đề nghị UNESCO công nhận di sản thế giới. Ngoài ra, tỉnh cần quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm sinh thái, cộng đồng. Điển hình như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ Lang Chánh; tổ chức các giải thể thao mạo hiểm, marathon băng rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông; tuyến du lịch sông Mã, lòng hồ cửa Đạt, Bến En. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng và triển khai sản phẩm du lịch làng nghề bánh gai, chiếu cói, đúc đồng…; tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố, đường hoa, phố đi bộ, chợ đêm…

Có thể khẳng định, với sự nỗ lực, quyết tâm của tỉnh trong việc khôi phục bằng cơ chế, chính sách kích cầu phù hợp và khơi dậy tinh thần cộng đồng trách nhiệm của doanh nghiệp, người dân, đến thời điểm này, tỉnh ta đã sẵn sàng đón và phục vụ du khách trong nước, quốc tế đến với xứ Thanh để có những trải nghiệm thú vị và trọn vẹn.

Trần Hằng


Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]