(Baothanhhoa.vn) - Thiếu nguồn nhân lực sẽ tạo ra “lỗ hổng” lớn trong ngành du lịch, nhất là vào thời điểm các hoạt động du lịch đang trở lại điều kiện “bình thường mới”. Do đó, cùng với các địa phương trong cả nước, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng là quản lý, lao động trong lĩnh vực du lịch nhằm đảm bảo nguồn nhân lực thiếu hụt sau dịch bệnh COVID-19.

Đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ du lịch - nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh bình thường mới

Thiếu nguồn nhân lực sẽ tạo ra “lỗ hổng” lớn trong ngành du lịch, nhất là vào thời điểm các hoạt động du lịch đang trở lại điều kiện “bình thường mới”. Do đó, cùng với các địa phương trong cả nước, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng là quản lý, lao động trong lĩnh vực du lịch nhằm đảm bảo nguồn nhân lực thiếu hụt sau dịch bệnh COVID-19.

Đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ du lịch - nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh bình thường mới

Du khách nghe thuyết minh tại Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (huyện Thọ Xuân).

Theo WTTC (Hội đồng lữ hành thế giới), chỉ trong hai năm 2020-2021, đại dịch đã làm mất đi 62 trên tổng số 334 triệu việc làm trong ngành du lịch. Theo như khuyến nghị của nhiều tổ chức quốc tế và các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, rất dễ xảy ra khủng hoảng nguồn nhân lực du lịch trong quá trình phục hồi và mỗi quốc gia nên có sự chuẩn bị để không phải đối mặt với việc này.

Đánh giá nguồn lực lao động trong ngành du lịch hiện nay, tại hội thảo “Khôi phục và phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh bình thường mới” (ngày 2-4, diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2022), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy, cho biết: Trải qua hơn 2 năm đại dịch COVID-19, ngành du lịch đã mở cửa trở lại với nhiều cơ hội và thách thức lớn. Tuy nhiên, một trong những vấn đề đặt ra cho toàn ngành đó là thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch. Để bổ sung nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn tới, nên chăng tính đến việc mời những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch quay trở lại với nghề, đào tạo lại, đào tạo tại chỗ, cầm tay chỉ việc cho nhân lực; đào tạo nhân lực chất lượng cao phù hợp với các ngành nghề, các địa phương. Cùng với đó, các địa phương, cơ quan quản lý, khu điểm du lịch cần đánh giá lại thực trạng du lịch, phối hợp với các trường đào tạo xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Tại Thanh Hóa, việc thiếu hụt nguồn nhân lực cũng không phải ngoại lệ. Để tháo gỡ khó khăn về nhân lực, cùng với sự đồng hành, định hướng của tỉnh và các sở, ngành, địa phương, các doanh nghiệp cũng đã chủ động xây dựng sản phẩm gắn với thu hút và đào tạo nguồn nhân lực. Trong đó, chú trọng công tác đào tạo tại chỗ gắn với tình hình thực tiễn.

Trong những kỳ nghỉ lễ vừa qua, Tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Anh Phát 3 - Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn) là địa điểm thu hút được sự quan tâm của đông đảo du khách. Có những ngày nơi đây đón tới hàng nghìn du khách trong và ngoài tỉnh đến trải nghiệm dịch vụ. Ông Đỗ Viết Thi, Giám đốc Tổ hợp nhà ở Anh Phát Nghi Sơn cho biết: “Với ưu thế dịch vụ khép kín, đồng bộ, được vận hành trong một không gian rộng để du khách không phải di chuyển ra ngoài, do đó đòi hỏi một số lượng lao động lớn, đảm bảo về kỹ năng, nghiệp vụ. Ngay từ đầu năm 2022, trước khi đi vào vận hành Tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Anh Phát 3 - Nghi Sơn, chúng tôi đã phải tuyển dụng gần 200 lao động và tổ chức đào tạo cho các vị trí khác nhau. Để đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, cùng với việc lên phương án huy động lực lượng bổ sung thời gian cao điểm, chúng tôi đã tăng cường các hoạt động đào tạo tại chỗ, mặt khác liên kết với các trường đào tạo nguồn nhân lực để tuyển dụng thêm, đảm bảo tối đa chất lượng dịch vụ cũng như sự hài lòng của du khách”.

Cùng với sự chủ động của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh, nắm bắt được tình hình thiếu hụt trầm trọng lao động khi du lịch phục hồi trở lại, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Hiệp hội Du lịch (HHDL) tỉnh đã nhanh chóng phối hợp với các cơ sở đào tạo, chuyên gia du lịch liên tục tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ tại chỗ cho người lao động, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Cụ thể, ngay sau thời điểm tỉnh Thanh Hóa mở cửa du lịch nội tỉnh (tháng 9-2021) cho đến cuối năm 2021, đã có hơn 2.000 lao động du lịch được đào tạo lại. Dự kiến, trong 6 tháng đầu năm 2022, Sở VHTT&DL và HHDL sẽ bồi dưỡng cho gần 5.000 lao động sau khi được doanh nghiệp du lịch tuyển dụng. Trong đó, ưu tiên tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho các khu du lịch biển và sinh thái cộng đồng như: Sầm Sơn, Nghi Sơn, Hải Tiến, Pù Luông, Bến En...

Để kịp thời giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động du lịch, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch lớn trong tỉnh như: Trường Đại học VHTTDL; Đại học Hồng Đức; Trung cấp Nghề thương mại du lịch Thanh Hóa đã chuyển đổi chương trình và nội dung đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực, chú trọng đến kỹ năng thực tế, thực hành cho sinh viên; đa dạng hóa hình thức đào tạo theo phương châm “3 tại chỗ”, “đào tạo gắn với yêu cầu của doanh nghiệp”. Nhờ đó đã cung ứng nhanh cho các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh hàng nghìn lao động ngay khi du lịch phục hồi.

Ông Lương Văn Sinh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề thương mại du lịch Thanh Hóa, cho rằng: Để đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của ngành du lịch trong điều kiện mới, các địa phương, cơ quan quản lý, các khu, điểm du lịch cần có đánh giá cụ thể về thực trạng nguồn nhân lực du lịch. Từ đó có phương án phối hợp với các trường đào tạo nghề xây dựng chiến lược phát triển nhân lực. Trong đó, việc đào tạo ngắn hạn, chú trọng các yếu tố thực hành kỹ năng, nghiệp vụ cũng sẽ là phương án để các nhà trường cung cấp thêm lao động cho thị trường du lịch trong bối cảnh hiện nay.

Theo các chuyên gia du lịch, để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, các cơ sở đào tạo cần bám sát yêu cầu trong Bộ Tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam VTOS và 7 tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia theo tiếp cận năng lực của các nghề trong lĩnh vực du lịch đã được ban hành để định hướng các đơn vị trong tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu của từng vị trí việc làm trong cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Tránh tình trạng mỗi nơi đào tạo và hướng dẫn thực hành nghề theo một tiêu chuẩn khác nhau.

Theo báo cáo của Sở VHTT&DL, toàn tỉnh hiện có hơn 900 cơ sở lưu trú, trong đó có gần 200 khách sạn xếp hạng từ 1 - 5 sao, gần 150 hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay, cùng hệ thống các nhà hàng, trung tâm thương mại lớn. Bên cạnh đó, việc khởi công xây dựng hàng loạt dự án du lịch quy mô lớn tại Thanh Hóa đã, đang mở ra cơ hội việc làm rất lớn đối với lao động chất lượng cao trong thời gian tới. Vì vậy, việc chuẩn bị tốt nguồn nhân lực là cơ hội để nâng cao tính cạnh tranh khi du lịch phục hồi là điều kiện hết sức cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành du lịch tỉnh nhà trong bối cảnh hiện nay.

Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]