(Baothanhhoa.vn) - Cùng với nhiều lĩnh vực khác, du lịch đang “sống trong thấp thỏm” do những diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19. Thiệt hại đã trông thấy, thậm chí có thể được dự báo trước, cho nên tìm cách “sống chung” với dịch bệnh là điều đang được đặt ra cho ngành du lịch.

Du lịch từng bước “sống chung” với dịch bệnh

Cùng với nhiều lĩnh vực khác, du lịch đang “sống trong thấp thỏm” do những diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19. Thiệt hại đã trông thấy, thậm chí có thể được dự báo trước, cho nên tìm cách “sống chung” với dịch bệnh là điều đang được đặt ra cho ngành du lịch.

Du lịch từng bước “sống chung” với dịch bệnhDi tích lịch sử Lam Kinh.

Đại dịch COVID-19 là nhân tố kìm hãm, khiến nhiều mục tiêu phát triển du lịch Thanh Hóa thời gian qua không đạt như kỳ vọng. Tuy nhiên, với sự nỗ lực rất lớn của tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp, tranh thủ những thời điểm dịch bệnh được kiểm soát tốt, du lịch Thanh Hóa đã giữ được “nhịp độ” tăng trưởng nhất định. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, trong 8 tháng năm 2021, doanh thu dịch vụ lưu trú toàn tỉnh ước đạt 946 tỷ đồng (giảm 5,9% so với cùng kỳ); tổng lượt khách ước đạt 2.636 nghìn (giảm 8,8% so với cùng kỳ); ngày khách phục vụ đạt 4.354 nghìn (giảm 8,1% so với cùng kỳ). Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 29 tỷ đồng (giảm 46,5% so với cùng kỳ); lượt khách du lịch theo tour ước đạt 12.500 lượt (giảm 47,1% so cùng kỳ); ngày khách du lịch theo tour đạt 38.800 ngày (giảm 49,2% so cùng kỳ).

Mặc dù đều giảm so với cùng kỳ, song những chỉ số tăng trưởng nêu trên sẽ không thể có được nếu không có sự nỗ lực của tỉnh trong kiểm soát dịch bệnh và sự nhanh nhạy nắm bắt, linh hoạt thực hiện các giải pháp thu hút khách của các doanh nghiệp. Điển hình như Quần thể nghỉ dưỡng FLC SamSon Beach & Golf Resort, tranh thủ khi Thanh Hóa đang khống chế tốt dịch bệnh COVID-19 (hồi cuối tháng 6, đầu tháng 7-2021), đơn vị đã xây dựng và xúc tiến chương trình kích cầu nghỉ dưỡng “đi gần vẫn tuyệt” dành riêng cho người dân Thanh Hóa. Với nhiều ưu đãi đặc biệt hấp dẫn như giảm trực tiếp 60% giá tất cả các hạng phòng; đồng thời, du khách được sử dụng miễn phí nhiều tiện ích khác như khu vui chơi trẻ em, bể bơi, đồ uống trong phòng... Nhờ đó, chỉ trong vòng 1 tuần, FLC SamSon đã thu hút được 3.700 lượt khách nội tỉnh; với tỷ lệ lấp đầy phòng đạt 60% (ngày thường) và 90% (ngày cuối tuần). Cùng với đó, các cơ sở lưu trú ở Pù Luông (huyện Bá Thước) cũng đã chú trọng thu hút khách bằng nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn, như giảm 40% giá phòng và tích hợp các dịch vụ miễn phí. Nhờ đó, tính đến hết tháng 7-2021, các cơ sở đã đón được 23.551 lượt khách (trong đó, khách nội tỉnh là 22.079 lượt khách).

Có thể nói, để “sống chung” với dịch bệnh COVID-19 trước hết các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp cần luôn sẵn sàng tâm thế và các phương án phù hợp để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh. Đó là khi bệnh được khống chế thì tranh thủ thời gian triển khai các kế hoạch, chương trình kích cầu nhằm thu hút du khách; hoặc dịch bệnh phát sinh thì thu gọn hoạt động, tập trung vào các nhiệm vụ như bảo dưỡng cơ sở vật chất lưu trú, bảo vệ cảnh quan môi trường, bồi dưỡng nguồn nhân lực... Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh là một trong những trọng điểm của du lịch Thanh Hóa. Lam Kinh mở cửa đón khách quanh năm, nhưng tập trung đông vào các thời điểm Tết Nguyên đán, các kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5, 2-9 và đặc biệt là lễ hội Lam Kinh. Tuy nhiên, kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đến nay, di tích luôn được đặt trong 2 trạng thái vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa đón khách; hoặc dừng đón khách và tập trung cho các hoạt động chuyên môn khác như nghiên cứu, sắp xếp và bảo quản hiện vật, cải tạo cảnh quan và vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp... Mặc dù việc dừng đón khách đã ảnh hưởng đến doanh thu của đơn vị. Song, Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Lam Kinh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, bảo đảm một phần thu nhập thêm nhằm giảm bớt khó khăn về đời sống cho đội ngũ nhân viên, người lao động.

Trải qua nhiều đợt dịch bệnh bùng phát, ngành công nghiệp không khói đã có được nhiều bài học “xương máu”. Cả các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đã ít nhiều quen với trạng thái “bình thường mới” khi dịch được kiểm soát; đồng thời, không để quá bị động, bất ngờ khi dịch tiếp tục diễn biến khó lường. Đặc biệt, khi ngành du lịch buộc phải “đóng cửa” với thị trường khách quốc tế, trong khi thị trường khách nội địa thường xuyên biến động lên - xuống theo diễn biến dịch bệnh, thì việc xây dựng kịch bản “kép” vừa ứng phó với dịch bệnh, vừa thu hút du khách, đang đặt ra cho cả nhà quản lý lẫn doanh nghiệp. Theo đó, đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và quản trị doanh nghiệp là một giải pháp giúp du lịch “sống chung” với sự thất thường của dịch bệnh. Đồng thời, ứng dụng công nghệ cũng là một giải pháp tiếp cận khách hàng hiệu quả; góp phần quảng bá hình ảnh, tiềm năng lợi thế và xúc tiến du lịch địa phương.

Trước yêu cầu khách quan, việc thúc đẩy phát triển du lịch thông minh, hay đưa du lịch trở thành ngành kinh tế số, là một đòi hỏi tất yếu. Để tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy ngành du lịch Thanh Hóa phát triển du lịch số, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản có liên quan, như Kế hoạch số 180/QĐ-UBND ngày 24-8-2020 của UBND tỉnh về “Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng nguồn lực cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025”; Quyết định số 4216/QĐ-UBND ngày 6-10-2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về “Kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”... Một lợi thế để chuyển đổi số ngành du lịch Thanh Hóa là mạng thông tin di động đã được phủ sóng đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và 98% các thôn, bản, cụm dân cư. Đồng thời, hạ tầng cung cấp dịch vụ internet băng thông rộng cố định đã được các doanh nghiệp viễn thông triển khai đến 100% phường, xã, thị trấn và hầu hết các thôn, bản khu vực đồng bằng, trung du của tỉnh. Riêng các điểm du lịch đều phủ sóng thông tin di động, cung cấp dịch vụ internet băng thông rộng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng và tiếp nhận thông tin liên lạc của du khách.

Ngoài ra, để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm hiểu các thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách, được biết Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa (VCCI) đã xây dựng website https://hotro.vibonline.com.vn. Với kênh thông tin này, các doanh nghiệp sẽ được VCCI hỗ trợ cập nhật thông tin về chính sách hỗ trợ; thủ tục để thụ hưởng các chương trình hỗ trợ theo nhóm ngành nghề, quy mô doanh nghiệp, địa bàn. Bên cạnh đó, thông qua kênh này, VCCI cũng kịp thời nắm bắt nhu cầu hỗ trợ của nhóm các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, để phản ánh tới các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương. Ngoài ra, đây cũng là kênh chia sẻ những kinh nghiệm tốt, những thực tiễn hay trong hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19.

Tận dụng khi dịch được khống chế để nối lại đà tăng trưởng bằng các giải pháp kích cầu phù hợp; đồng thời, xây dựng các phương án, các kịch bản phù hợp để vừa phòng, chống dịch bệnh vừa duy trì phát triển. Đó là cách để ngành du lịch từng bước “sống chung” với dịch COVID-19 còn kéo dài và diễn biến khó lường.

Bài và ảnh: Kim Ngân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]