Đồng đất “chuyển mình” từ một nghị quyết
Triệu Sơn là huyện bán sơn địa. Bởi nằm ở phía Tây Nam của châu thổ sông Mã và sông Chu nên phần lớn diện tích của huyện là đồng bằng. Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 11/1/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “tích tụ, tập trung (TTTT) đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” ra đời, đã tác động giúp đồng đất Triệu Sơn “chuyển mình”.
Ông Trần Sỹ Toàn - một trong những hộ dân đầu tiên của thôn Đông Thành, xã Hợp Lý đưa cây đào, quất vào trồng thay thế cho cây lúa.
Về Hợp Lý - địa phương điển hình của huyện Triệu Sơn trong việc TTTT đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, chúng tôi được cán bộ địa chính - nông nghiệp xã dẫn đi thăm đồng. Cánh đồng Nông Giang của thôn Đông Thành rộng hơn 28ha giờ đây có thêm màu xanh của cây ăn quả, đào, quất, cây cảnh, cây bóng mát. Thoạt nhìn, chúng tôi nghĩ, đất đai ở cánh đồng Nông Giang thật màu mỡ. Trái lại, đây là khu đồng cao nên khó khăn về nguồn nước tưới. Trước năm 2019, trên cánh đồng Nông Giang, người dân chủ yếu trồng lúa, chỉ có một số ít hộ gia đình mạnh dạn đưa cây đào, cây quất vào trồng thử nghiệm. Khó khăn về nguồn nước tưới không đảm bảo dẫn đến năng suất cây lúa nơi đây luôn thấp. Ông Trần Sỹ Toàn - một trong những hộ dân đầu tiên của thôn Đông Thành đưa cây đào, quất vào trồng thay thế cho cây lúa, cho biết: “Trồng lúa bấp bênh nên từ năm 2016, gia đình tôi đã đưa cây đào, quất vào trồng. Thấy hiệu quả kinh tế cao, từ năm 2019, gia đình tôi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của các hộ dân xung quanh để đầu tư trồng đào. Với hơn 4,5ha chuyên trồng đào, mỗi năm xuất bán khoảng gần 2.000 gốc, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi có thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng”.
Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, xã Hợp Lý đã đẩy mạnh tuyên truyền giúp Nhân dân hiểu rõ chủ trương TTTT đất đai của tỉnh là hướng đến nâng cao đời sống của mỗi hộ sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2020-2025, xã chú trọng triển khai phương án chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao, gắn với xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Đồng thời, lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng, tạo thuận tiện cho sản xuất của người nông dân. Bằng cách làm phù hợp và sự đồng thuận của người dân, từ năm 2019 đến nay, xã Hợp Lý đã chuyển đổi và TTTT được hơn 105,5ha đất nông nghiệp. Gắn việc TTTT đất đai với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trên địa bàn xã đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất quy mô lớn. Đó là vùng trồng đào, quất và cây cảnh với diện tích gần 79ha; vùng trồng cây ăn quả, rau màu có diện tích hơn 11ha; mô hình cá lúa, nuôi trồng thủy sản khoảng 15ha. Từ sản xuất hiệu quả đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của xã lên 63,3 triệu đồng/năm.
Toàn huyện Triệu Sơn có hơn 19.417ha đất nông nghiệp và khoảng 4.840ha đất lâm nghiệp. Với đặc điểm địa hình bao gồm cả miền núi, vùng đồi và đồng bằng, Triệu Sơn hội tụ điều kiện thuận lợi để phát triển các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Bởi thế, khi Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh được ban hành, đã “mở lối” cho huyện Triệu Sơn phát huy tiềm năng đất đai của từng vùng để phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Với quyết tâm tạo ra bước “chuyển mình” mạnh mẽ cho từng đồng đất của địa phương, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Chương trình hành động số 64-CT/HU, ngày 2/4/2019 về việc thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và đề ra mục tiêu đến năm 2025, diện tích đất nông nghiệp được TTTT là 1.490ha.
Để nghị quyết nhanh chóng đi vào thực tiễn, huyện Triệu Sơn đã quán triệt sâu rộng nội dung của Nghị quyết số 13-NQ/TU đến các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để Nhân dân hiểu rõ ý nghĩa của việc TTTT đất đai là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với 34 xã, thị trấn chú trọng huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và từng bước hình thành những sản phẩm chủ lực của Triệu Sơn. Cùng với nâng cao vai trò, năng lực các HTX, tổ hợp tác và nhóm hộ trong TTTT đất đai, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư, cải tạo hạ tầng nông nghiệp như đường giao thông, thủy lợi, điện, các cơ sở bảo quản, chế biến sau thu hoạch để tạo điều kiện ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học - kỹ thuật sản xuất.
Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU, từ 2019 đến nay, huyện Triệu Sơn có 246 tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia TTTT được 2.344ha đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đạt 154,2% so với kế hoạch tỉnh giao và đạt 157,3% so với mục tiêu Chương trình hành động số 64-CT/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đề ra. Cụ thể, lĩnh vực trồng trọt TTTT được hơn 2.194ha; lĩnh vực lâm nghiệp TTTT được 130ha; lĩnh vực thủy sản TTTT được gần 16ha. Để chứng minh cho hiệu quả của việc TTTT đất đai sản xuất nông nghiệp quy mô lớn ở Triệu Sơn, anh Nguyễn Lê Khương, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã liệt kê, giới thiệu với chúng tôi về các mô hình trồng lúa, rau màu, cây ăn quả... cho hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn. Tiêu biểu như mô hình trồng cây ăn quả sử dụng hệ thống tưới tự động tại các xã Hợp Lý, Thọ Phú, Thọ Thế, với giá trị bình quân đạt được từ 250 - 300 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu được từ 100 - 150 triệu đồng/ha. Hay mô hình trồng dưa, rau trong nhà màng tại xã Minh Sơn, lợi nhuận thu được từ 300 - 450 triệu đồng/ha. Đó còn là mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa gạo theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã Đồng Thắng, Đồng Lợi, Thái Hòa, Nông Trường, Dân Lý, An Nông, Dân Lực, Thọ Phú, Xuân Lộc, Đồng Tiến, với giá trị bình quân đạt được từ 35 - 45 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu được từ 18 - 20 triệu đồng/ha, cao hơn so với canh tác lúa thông thường từ 15% - 20%. Mô hình TTTT đất đai gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây đào cảnh tại các xã Hợp Lý, Thọ Tân, Vân Sơn, Thọ Dân... với diện tích 20ha. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có gần 600 hộ gia đình thực hiện góp đất, liên kết sản xuất tập trung, gắn với tiêu thụ nông sản.
Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã và đang giúp huyện Triệu Sơn phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai để phát triển nông, lâm, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị và xây dựng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực mang thương hiệu của địa phương. Cùng với đó là hình thành lớp nông dân mới, năng động, sáng tạo và giàu khát vọng vươn lên ngay trên đồng đất quê hương.
Bài và ảnh: Trần Thanh
{name} - {time}
-
2024-11-22 15:05:00
Đổi mới việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng
-
2024-11-21 09:53:00
Đưa khoa học công nghệ trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội
-
2024-06-10 10:14:00
Cẩm Thủy khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện
“Cầu nối” đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở thị xã Bỉm Sơn
Triệu Sơn quán triệt triển khai nghiêm túc các nghị quyết của Đảng
Thọ Xuân phát triển không gian đô thị
Tham gia Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII
“Cuộc cách mạng” mở đường - Từ một nghị quyết “vượt trước” (Bài 2): Mở đường - mở tương lai
“Cuộc cách mạng” mở đường - Từ một nghị quyết “vượt trước” (Bài 1): Nghị quyết mở đường
“Cầu nối” đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở Cẩm Thủy
Khi người dân đồng thuận đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Điền Trung đưa cuộc sống vào nghị quyết