(Baothanhhoa.vn) - Vào mỗi dịp tết đến, xuân về, đồng bào Mông ở Thanh Hóa lại làm bánh giầy đón tết. Đây là món bánh truyền thống, thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, đất trời và dùng để đãi khách quý khi đến nhà.

Đồng bào Mông làm bánh giầy đón tết

Vào mỗi dịp tết đến, xuân về, đồng bào Mông ở Thanh Hóa lại làm bánh giầy đón tết. Đây là món bánh truyền thống, thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, đất trời và dùng để đãi khách quý khi đến nhà.

Đồng bào Mông làm bánh giầy đón tết

Bánh giày là món ăn không thể thiếu trong dịp tết đến, xuân về của đồng bào dân tộc Mông. Ảnh: Pó Ly

Đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa sinh sống ở các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, trong đó đông nhất là huyện Mường Lát. Những ngày này, khi những chùm hoa mận trắng tinh, đào khoe sắc thắm báo hiệu xuân về cũng là lúc bà con các bản Mông dọn dẹp, trang trí nhà cửa và chuẩn bị lương thực, thực phẩm để đón tết. Một trong những món không thể thiếu trong ngày tết của đồng bào Mông chính là bánh giầy.

Đồng bào Mông làm bánh giầy đón tết

Để làm ra chiếc bánh giầy mịn, dẻo, đẹp và ngon rất cần những chàng trai khỏe mạnh giã bánh. Ảnh: Pó Ly

Thầy Ly Ly Pó, dân tộc Mông là giáo viên Trường PTDT bán trú THCS Trung Lý - người con xã Pù Nhi, huyện Mường Lát chia sẻ với chúng tôi về ý nghĩa bánh giầy trong đời sống đồng bào Mông ở Mường Lát và bí quyết để có chiếc bánh giầy mịn, đẹp, ngon.

Theo tiếng Mông, bánh giầy có tên là “Pía” hoặc “Dúa” tùy theo từng vùng khác nhau. Người Mông Thanh Hóa gọi bánh giầy là “Ncuav Piam”, phiên âm Tiếng Việt là “Dúa Pịa”.

Trong đời sống đồng bào Mông, bánh giầy tượng trưng cho đất trời và sự an lành, no ấm của cuộc sống với mùa màng bội thu và bánh giầy cũng tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài.

Xưa kia, cuộc sống của người Mông du canh, du cư, nghèo đói, ăn củ sắn, củ mài. Khi đã trồng được cây ngô, cây lúa nếp trên nương rồi thì người Mông thu hoạch xong xuôi vào đầu tháng 11 hàng năm. Khác với người Thái, đồng bào Mông rất ít ăn cơm nếp. Chỉ ăn cơm nếp khi làm cúng cơm mới. Vì vậy, người Mông sẽ nấu cơm nếp nương để giã bánh giầy là chủ yếu.

Với người Mông Mường Lát, đến tết mọi nhà, mọi người, già hay trẻ đều mong có bánh giầy. Khi giã xong, nặn cái bánh đầu tiên là để cúng tổ tiên, những cái còn lại mới để cho mọi người cùng ăn và làm quà cho khách đến thăm.

Đồng bào Mông làm bánh giầy đón tết

Trong đời sống đồng bào Mông bánh giầy tượng trưng cho đất trời và sự an lành, no ấm của cuộc sống với mùa màng bội thu và bánh giầy cũng tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài. Ảnh: Pó Ly

Khoảng từ 27 tết các gia đình đồng bào Mông ngâm gạo, đồ xôi để giã bánh giầy. Trong bản luôn âm vang những tiếng chày “cắc”, “bụp” vào cối gỗ giã bánh giầy. Để có được những chiếc bánh giầy thơm, dẻo và ngon thì gạo để làm bánh là loại gạo nếp nương thơm dẻo không bị pha tạp. Sau khi chọn được loại gạo ngon thì mang phơi để khi xay xát hạt gạo không bị gãy nát mà vẫn giữ được vị thơm ngon và độ dẻo cho bánh. Nguyên liệu để gói bánh là những tàu lá dong hoặc lá chuối rừng được rửa sạch, lau khô. Khi xôi đã nhuyễn và dẻo quánh thành một khối là lúc các bà, các chị khéo léo nặn thành những chiếc bánh tròn hoàn chỉnh.

Trông có vẻ đơn giản, nhưng trong quy trình làm bánh giầy thì việc giã bánh là công đoạn vất vả nhất. Cối để giã bánh giầy của người Mông được làm bằng thân cây gỗ trắc, mịn thớ, có mùi thơm. Chày giã bánh cũng được làm từ các loại gỗ cứng và nặng. Trước khi giã bánh, để không dính cối, không dính đôi chày và tay thì người Mông Mường Lát thường lấy trứng gà luộc chín, sau đó bỏ lòng trắng đi, chỉ dùng lòng đỏ để xoa đều lên mặt trong của cối giã, bên ngoài đôi chày và tay của người nặn bánh.

Những người thực hiện việc giã bánh bao giờ cũng là những chàng trai người Mông lực lưỡng. Mỗi lượt giã sẽ có 2 người, những cánh tay thoăn thoắt đưa chày lên rồi hạ xuống sẽ làm mềm nhuyễn từng hạt xôi. Khi họ đã thấm mệt thì lại chuyển cho 2 người khác giã thay. Giã càng kỹ thì bánh giầy làm ra càng nhuyễn, càng dẻo, càng ngon và để được càng lâu. Tuy nhiên cũng không thể giã quá lâu, vì khi xôi đã nguội thì việc giã bánh sẽ khó hơn và gạo sẽ không nhuyễn được nữa. Vì vậy, nhiều nhà phải cùng nhau giã bánh chung để còn có nhiều người thay nhau giã. Giã bánh giầy phải nhanh và có kỹ thuật. Nếu giã không nhanh, không dứt khoát thì chày sẽ bị dính gạo, khó nhấc lên lại bị mất sức. Khi giã, lúc đầu cần giã nhẹ cho xôi quyện và dính, sau đó phải dùng hết sức để giã liên tục đến khi xôi dẻo, mịn là có thể đem làm bánh được.

Đồng bào Mông làm bánh giầy đón tết

Phần thi bánh giầy của đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa giành giải A tại Ngày hội văn hóa dân tộc Mông lần thứ III tổ chức ở Lai Châu tháng 12-2021. Ảnh: Pó Ly

Vào những ngày tết, bánh giầy vừa để cúng tổ tiên vừa là món ăn được các gia đình người Mông mời khách quý đến chơi. Bên mâm cỗ, cùng nâng chén rượu ngô thơm nức thì bánh giầy luôn là một món ăn hấp dẫn. Ngoài dịp tết, bánh giầy của đồng bào Mông còn được làm vào dịp cưới hỏi, tết trung thu là nét đẹp, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.

Ngọc Huấn


Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]