(Baothanhhoa.vn) - "Sống xanh" có thể hiểu đơn giản là lối sống bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Với nhiều cách làm khác nhau, lối sống xanh đã, đang lan tỏa khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Xây dựng lối sống xanh: Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn

“Sống xanh” có thể hiểu đơn giản là lối sống bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Với nhiều cách làm khác nhau, lối sống xanh đã, đang lan tỏa khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Xây dựng lối sống xanh: Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớnVườn cây trĩu quả của gia đình ông Tô Huy Tước, thôn Phượng Mao, xã Hoằng Phượng (Hoằng Hóa).

Trở lại xã Hoằng Phượng (Hoằng Hóa) vào ngày đầu thu, chúng tôi có dịp đến thăm không gian xanh của gia đình ông Tô Huy Tước, bí thư chi bộ thôn Phượng Mao. Điều ấn tượng đầu tiên của chúng tôi đó là không gian sống rộng rãi, sạch, đẹp, rợp bóng cây xanh. Vườn nhà ông Tước hiện có tới hàng trăm gốc cây ăn quả như bưởi, ổi, mít và các loại rau xanh... Trong khu vườn còn có ao nuôi cá, khu thả gà, vịt.

Ông Tô Huy Tước cho biết: “Sống xanh trước hết mang lại lợi ích cho sức khỏe bản thân, gia đình, sau đó là bảo vệ môi trường. Đến nay, việc phân loại rác thải đã trở thành thói quen của tất cả thành viên trong gia đình chúng tôi. Hàng ngày, rác thải được phân loại cụ thể, các loại rác hữu cơ được ủ làm phân bón hoặc tận dụng làm thức ăn cho vật nuôi; hạn chế tối đa sử dụng túi ni lông và xả rác ra môi trường. Nhờ tận dụng các loại phân bón hữu cơ và thức ăn chăn nuôi tự nhiên, gia đình chúng tôi có thêm nguồn rau quả, thực phẩm sạch sử dụng hằng ngày và một phần cung cấp ra thị trường”.

Không chỉ gia đình ông Tô Huy Tước, mà sống xanh đã trở thành phong trào ở khắp các thôn trên địa bàn xã Hoằng Phượng. Điển hình là phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, không chỉ có sự tham gia của đoàn viên, thanh niên mà còn thu hút đông đảo cán bộ, hội viên các đoàn thể và Nhân dân trong xã tham gia. Vào ngày chủ nhật hằng tuần, ở khắp các thôn, người dân cùng nhau tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông dòng chảy kênh mương, cắt tỉa cây xanh, chăm sóc đường hoa...

Ông Khương Bá Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Phượng, cho biết: “So với những năm trước đây, cảnh quan tại các thôn ngày càng xanh - sạch - đẹp. Không chỉ các trục đường chính mà đến tận các ngõ nhỏ luôn được người dân giữ gìn sạch sẽ, trồng hoa tạo không gian xanh. Tại các cánh đồng, người dân đều tập kết vỏ thuốc bảo vệ thực vật rồi đem đi xử lý. Các thôn đều xác định, việc bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan sạch đẹp là một trong những yếu tố quan trọng trong XDNTM. Để làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ môi trường, xây dựng không gian sống xanh tại các khu dân cư, xã tiếp tục quan tâm chỉnh trang cảnh quan môi trường, duy trì việc lao động tập trung vào buổi sáng ngày chủ nhật hằng tuần; động viên bà con nhân dân xây dựng vườn - hộ, phân loại rác thải tại gia đình”.

Cùng với các vùng quê, lối sống xanh còn thu hút sự quan tâm của các khu dân cư, hộ gia đình tại khu vực thành thị. Điển hình như một nhóm hộ dân tầng 3, nhà 1, khu chung cư Đông Phát (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa). Mỗi hộ tại đây đều tự giác phân loại rác thải tái chế. Tùy vào số lượng rác thải tái chế mà mỗi tháng các hộ sẽ tổ chức gom từ 1 - 2 lần, sau đó đem tặng lại cho những người thường xuyên đi nhặt ve chai, phế liệu trên địa bàn.

Chị Lê Thị Phương Thảo, phòng 304, nhà 1, khu chung cư Đông Phát, cho biết: “Bắt đầu từ năm 2019 chỉ có 2 hộ tham gia, đến nay tầng 3 chúng tôi đã thu hút 7 hộ tham gia phân loại rác tái chế. Các hộ gia đình còn thường xuyên chia sẻ với nhau việc sử dụng bao bì, vật dụng thân thiện với môi trường. Với chúng tôi, việc phân loại rác thải không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn mang đến niềm vui cho những người thu gom phế liệu. Có thể đối với mình các loại chai, lọ, giấy lộn... là những thứ bỏ đi, nhưng đối với những người nhặt phế liệu đó là một “món quà”, thậm chí là cả niềm vui. Và tất cả chúng tôi rất vui khi làm những điều nhỏ, ý nghĩa như vậy”.

Sống xanh đã, đang là xu hướng sống hiện đại được rất nhiều người hưởng ứng. Sống xanh không phải trào lưu, đó là lựa chọn một lối sống tích cực. Thời gian gần đây, một bộ phận giới trẻ đang dần hình thành những thói quen tốt như: nói không với các sản phẩm nhựa dùng một lần; sử dụng đồ tái chế và tái chế đúng cách; trồng cây xanh... Cùng với đó, nhiều quán cà phê trên địa bàn TP Thanh Hóa đã ngưng sử dụng hoặc hạn chế ống hút nhựa, ly nhựa mà thay bằng ly thủy tinh, ống hút làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường.

Có thể thấy, không quá khó để xây dựng lối sống xanh. Đó đơn giản chỉ là thay đổi những thói quen cá nhân hàng ngày một cách lành mạnh hơn, tích cực hơn mà mỗi người hoàn toàn có thể hành động ngay. Giữ gìn không gian sống sạch, phân loại rác thải, hạn chế sử dụng túi ni lông... tuy chỉ là những việc làm nhỏ nhưng sẽ góp phần rất lớn trong việc bảo vệ môi trường sống và hình thành nên một lối sống tích cực - sống xanh.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]