(Baothanhhoa.vn) - UBND tỉnh vừa có công văn về việc tập trung tổ chức Năm cao điểm thực hiện công tác tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024.

Tổ chức Năm cao điểm thực hiện công tác tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024

UBND tỉnh vừa có công văn về việc tập trung tổ chức Năm cao điểm thực hiện công tác tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024.

Tổ chức Năm cao điểm thực hiện công tác tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024

Ảnh minh họa.

Theo thông tin từ Hệ thống Quản lý thông tin Dịch bệnh động vật Việt Nam - Cục Thú y, tình hình bệnh Dại động vật trên cả nước đang diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng tăng. Từ đầu năm 2023 đến nay đã xảy ra 235 ổ dịch bệnh Dại tại 31 tỉnh, thành phố, làm 80 người tử vong.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, từ đầu năm 2023 đến nay đã xảy ra 3 ổ dịch bệnh Dại tại huyện Thạch Thành (xã Thạch Tượng), huyện Như Xuân (xã Bãi Trành, xã Xuân Bình) làm 2 người tử vong do tiếp xúc với chó mắc bệnh Dại. Hằng năm, trên địa bàn tỉnh có khoảng 10.000 người phải điều trị dự phòng bệnh Dại do bị chó, mèo cắn.

Để chủ động khống chế, ngăn chặn hiệu quả bệnh Dại trên địa bàn tỉnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiệt hại kinh tế, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tập trung nguồn lực để chỉ đạo tổ chức thực hiện Năm cao điểm thực hiện công tác tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu quả.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các phòng, ban, đơn vị liên quan tổ chức thống kê chính xác số hộ nuôi và số lượng chó, mèo nuôi ở từng hộ, từng khu dân cư, thôn, xã, phường, thị trấn. Trên cơ sở số liệu thống kê, xây dựng kế hoạch, phương án và có các giải pháp cụ thể triển khai tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn đạt 100% diện tiêm. Xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm và không chấp hành tiêm phòng vắc xin Dại theo quy định.

Triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh Dại. Phân công lực lượng tăng cường giám sát đến tận hộ dân, thôn, bản, tổ dân phố để phát hiện sớm bệnh Dại trên động vật, có biện pháp xử lý, ngăn chặn và khống chế dịch bệnh kịp thời.

Tăng cường công tác tuyên truyền đến cộng đồng dân cư về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh Dại, các biện pháp phòng, chống bệnh hiệu quả, đặc biệt là vận động người dân tự giác chấp hành công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn chó, mèo.

Công khai địa chỉ các cơ sở y tế và hướng dẫn người bị chó cắn đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, ngăn ngừa tử vong do bệnh Dại.

Đối với các huyện miền núi gặp nhiều khó khăn trong công tác tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo nói riêng, các loại vắc xin gia súc, gia cầm nói chung trong nhiều năm qua, cần chủ động kế hoạch bố trí kinh phí chuẩn bị vắc xin, hóa chất, vật tư, thiết bị hỗ trợ cho công tác tiêm phòng trên địa bàn và báo cáo, đề xuất kịp thời Chủ tịch UBND tỉnh những khó khăn vướng mắc.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, phương án Năm cao điểm thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó mèo.

Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin Dại; duy trì hoạt động của các đoàn công tác, đội phản ứng nhanh của Sở Nông nghiệp và PTNT để đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các huyện, thị xã, thành phố và nhất là hướng dẫn xử lý dứt điểm các ổ dịch ngay khi mới xuất hiện.

Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, phương án, chuẩn bị đầy đủ vắc xin, vật tư, hóa chất phục vụ công tác tiêm phòng vắc xin Dại và báo cáo, đề xuất UBND tỉnh các nội dung khó khăn, vượt thẩm quyền. Tổ chức Hội nghị triển khai Năm cao điểm thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó mèo trên địa bàn tỉnh năm 2024 và công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh năm 2024 với UBND các huyện, thị xã, thành phố trước ngày 28/2/2024.

Sở Y tế chỉ đạo tăng cường công tác giám sát phát hiện các trường hợp bệnh, phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT trong công tác giám sát, chia sẻ thông tin và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống bệnh Dại theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và UBND tỉnh.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Y tế, chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tới cộng đồng về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, lịch tiêm phòng bệnh Dại của các cơ sở, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh Dại, các biện pháp phòng, chống bệnh hiệu quả và đặc biệt là vận động người dân tự giác chấp hành công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn chó, mèo.

Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng từ tỉnh đến cơ sở tham gia tích cực hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh Dại và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về công tác phòng, chống dịch bệnh Dại theo quy định của pháp luật, đảm bảo trật tự an ninh trên các địa bàn. Đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển chó, mèo không rõ nguồn gốc.

TS (Nguồn: UBND tỉnh)


TS (Nguồn: UBND tỉnh)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]