(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, các trung tâm dạy nghề (TTDN) trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng khang trang với hệ thống máy móc, trang thiết bị dạy và học tương đối hiện đại. Tuy nhiên, do đầu tư không đúng hướng, không có kế hoạch cụ thể, lại ít học viên nên rất nhiều máy móc không được sử dụng, hoặc chỉ sử dụng rất ít đang gây lãng phí không nhỏ tại các trường nghề, TTDN trong tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lãng phí cơ sở vật chất tại các trường nghề, trung tâm dạy nghề

Những năm gần đây, các trung tâm dạy nghề (TTDN) trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng khang trang với hệ thống máy móc, trang thiết bị dạy và học tương đối hiện đại. Tuy nhiên, do đầu tư không đúng hướng, không có kế hoạch cụ thể, lại ít học viên nên rất nhiều máy móc không được sử dụng, hoặc chỉ sử dụng rất ít đang gây lãng phí không nhỏ tại các trường nghề, TTDN trong tỉnh.

Lãng phí cơ sở vật chất tại các trường nghề, trung tâm dạy nghềNhiều trường nghề bỏ ra hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng để mua thiết bị máy móc phục vụ công tác giảng dạy nhưng vẫn không sử dụng đến. (Ảnh minh họa)

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Thường Xuân được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 4-2013 với 18 phòng học và phòng chức năng hiện còn khá mới và hiện đại... Tuy nhiên đối lập với cơ sở vật chất khang trang là cảnh các phòng học nghề im ỉm khóa và trang thiết bị dạy nghề đắp chiếu. Kể từ khi được đầu tư xây dựng đến nay, xưởng mộc dân dụng của trung tâm chưa một lần hoạt động đề phục vụ việc dạy và học bởi không có học sinh nào của huyện đăng ký học nghề này. Đồng nghĩa với việc hơn 300 triệu đồng đầu tư trang thiết bị cho xưởng không phát huy tác dụng. Tương tự như vậy, nhiều phòng học của trung tâm cũng đang phải khóa cửa, nhiều trang thiết bị dạy học bị phủ bụi do không có học sinh đăng ký học, nhất là đối với các nghề phi nông nghiệp...

Tìm hiểu được biết, khó khăn lớn nhất trong công tác đào tạo nghề cho lao động miền núi, đặc biệt là các huyện miền núi cao, là đồng bào dân tộc thiểu số thích lao động tự do tại nương rẫy quê nhà, không quen với lao động có tác phong công nghiệp; rất ít lao động chịu đi học nghề để vào làm việc tại các nhà máy. Một lý do nữa là người lao động mơ hồ, không biết chọn nghề gì. Một số học viên đi học với tâm lý để nhận hỗ trợ là chính... Nhận thức của người dân đối với việc học nghề còn hạn chế, thêm vào đó là tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước khiến cho tỷ lệ lao động tại khu vực này đăng ký tham gia học nghề thấp.

Không riêng gì các huyện miền núi, tại các huyện đồng bằng và ven biển, hằng năm ngân sách Trung ương và địa phương cấp hàng chục tỷ đồng chi trả lương cho cán bộ, giáo viên và mua sắm trang thiết bị, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho hệ thống các trường nghề, TTDN. Tuy nhiên, với việc hàng loạt ngành nghề như khai thác, chế biến hải sản; khai thác, điều khiển tàu thủy; kỹ thuật trồng nấm, trồng rau; cắt gọt kim loại... không thể tuyển sinh hoặc số lượng ít, trong khi những nhóm ngành này vẫn có giáo viên cơ hữu (biên chế), gây lãng phí nguồn vốn lớn từ ngân sách. Thực trạng này đã và đang diễn ra tại các trường trên địa bàn TP Thanh Hóa, huyện Quảng Xương, Nông Cống... Đơn cử như tại huyện Quảng Xương, 5 năm trước, bộ phận dạy nghề thuộc Trung tâm GDTX&DN (nay là Trung tâm GDNN-GDTX) huyện được tách ra hoạt động độc lập và thành lập Trường Trung cấp nghề Quảng Xương. Hiện nhà trường được đầu tư khu nhà hai tầng với 8 phòng, mới đây khu công sở của UBND xã Quảng Phong chuyển sang địa điểm mới tiếp tục bàn giao thêm 9 khu phòng khác cho nhà trường. Với hệ thống cơ sở khá dồi dào và đăng ký 7 ngành nghề đào tạo, nhưng những năm qua trường chỉ tuyển sinh được rất ít học sinh, song song với đó là sự lãng phí cơ sở vật chất khi không có người sử dụng. Tương tự như vậy tại các trường Trung cấp nghề số 1, Trường Trung cấp nghề kỹ nghệ đều nằm trên địa bàn TP Thanh Hóa được đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng các khu nhà cao tầng với vài chục phòng học có trang thiết bị khá hiện đại nhằm thu hút học sinh nhưng lúc nào cũng trong tình trạng đìu hiu...

Theo thống kê của Phòng GDNN (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), hiện tổng số cơ sở tham gia hoạt động GDNN trên địa bàn toàn tỉnh là 88 cơ sở, trong đó có 12 trường cao đẳng, 17 trường trung cấp; 30 trung tâm GDNN... Ngoài ra, các trường đại học, cao đẳng, các doanh nghiệp cũng tham gia dạy nghề. Giai đoạn 2016-2019, các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và các doanh nghiệp trong tỉnh đã tuyển sinh đào tạo, kèm cặp truyền nghề cho 392.988 người. Trong đó, trình độ cao đẳng 10.458 người, trung cấp 32.672 người, sơ cấp 129.926 người, dưới 3 tháng 219.948 người (có trên 17.000 người được đào tạo ngành, nghề trọng điểm).

Lý giải nguyên nhân vì sao các trường nghề, trung tâm dạy nghề, dù được đầu tư tiền tỷ nhưng đều chung số phận không có hoặc chỉ rất ít học viên, bà Nguyễn Thị Hương, Phó trưởng Phòng GDNN, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng: Vì tỉnh có thế mạnh về cây công nghiệp lâu năm và chăn nuôi nên người dân nông thôn có nhiều cơ hội tìm công việc phù hợp với thu nhập ổn định mà không cần bằng cấp, chứng chỉ nghề. Tuy nhiên, không thể không kể đến nguyên nhân là do nhiều đơn vị dạy nghề cùng đào tạo một nghề nên xảy ra tình trạng “giẫm chân lên nhau”. Rồi dạy những nghề không phù hợp với địa phương, đội ngũ giảng viên dạy nghề chắp vá... nên không thu hút được học viên. Bên cạnh đó, những ngành thế mạnh của tỉnh như lọc hóa dầu, sản xuất thép, quản lý và vận hành các nhà máy nhiệt điện, thủy điện... lại chưa được các cơ sở đào tạo, dạy nghề trên địa bàn quan tâm; cũng chưa có sự gắn kết giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, nội dung giảng dạy còn nặng lý thuyết chưa sát thực tế, chưa chú trọng đào tạo ngoại ngữ và kỹ năng mềm... Mặt khác, việc định hướng lựa chọn ngành nghề đặc trưng của các cơ sở cũng yếu kém, dẫn đến tình trạng đào tạo nghề chồng chéo, chất lượng đào tạo chưa được quan tâm thỏa đáng. Người học ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc, dẫn đến tình trạng thất nghiệp với chính nghề được đào tạo ra...

Có thể nói, tình trạng các trường, các trung tâm dạy nghề xin đầu tư mua sắm trang thiết bị nhưng ít hoặc không sử dụng vẫn đang diễn ra. Chính những bất cập trong giao chỉ tiêu đào tạo nghề và ngành nghề không phù hợp kéo theo việc mua sắm, trang bị thiết bị dạy nghề tràn lan, dẫn đến sự lãng phí kể trên. Hiệu quả công tác dạy nghề còn hạn chế thể hiện ở việc đầu tư của Nhà nước rất lớn nhưng người học nghề ít. Việc đầu tư vẫn còn mang tính chất dàn trải, phong trào, chưa tạo ra được những mô hình hay, điển hình tốt cũng như những đột phá về chất lượng dạy nghề. Bên cạnh đó, sự lãng phí tại các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh không chỉ ở nguồn tiền đầu tư vào máy móc thiết bị rồi “đắp chiếu” mà còn lãng phí ở việc phải duy trì bộ máy của các trung tâm này. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần rà soát lại hiệu quả hoạt động của hệ thống này để có giải pháp thiết thực tránh lãng phí kép và kéo dài.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]