(Baothanhhoa.vn) - Tết Nguyên đán đến gần cũng là lúc chợ quê thêm rộn ràng, tấp nập người mua bán. Dù phải chạy đua với thời gian nhưng ai cũng thu xếp công việc, tranh thủ đi mua sắm tết cho gia đình mình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chợ quê ngày tết

Chợ quê ngày tết

Hàng hóa được bán ở chợ quê chủ yếu là những sản phẩm do người nông dân tự làm ra.

Tết Nguyên đán đến gần cũng là lúc chợ quê thêm rộn ràng, tấp nập người mua bán. Dù phải chạy đua với thời gian nhưng ai cũng thu xếp công việc, tranh thủ đi mua sắm tết cho gia đình mình.

Những năm gần đây, do công nghệ số phát triển, trên các trang mạng xã hội đăng quảng cáo đầy đủ các mặt hàng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, chỉ cần một thao tác đặt hàng sẽ được chuyển đến tận nhà nên rất nhiều người có xu hướng mua hàng online. Thế nhưng, không vì thế mà chợ quê ngày tết trở nên kém nhộn nhịp, bởi đi chợ quê, chúng ta sẽ cảm nhận được hương vị quen thuộc của xóm làng, được hòa trong không khí náo nhiệt mang âm hưởng của sắc xuân. Từ gạo nếp, lá dong, dưa hành... đến cả những nải chuối, buồng cau... đều có ở chợ quê.

Thông thường ở những phiên chợ quê thì chỉ họp vào buổi sáng hoặc theo phiên. Nhưng vào dịp tết, do nhu cầu mua sắm tăng cao nên chợ có thể họp cả ngày, vì vậy không khí tết ở chợ quê càng trở nên nhộn nhịp, sôi động hơn.

Phiên chợ ngày tết không chỉ là nơi mua bán những sản vật vườn quê, mà còn là nơi giao lưu văn hóa, trao đổi, chia sẻ với nhau những chuyện làm ăn, buôn bán, chuyện vui buồn của năm cũ. Cũng chính chợ quê là sợi dây vô hình giúp cho tình làng, nghĩa xóm được xích lại gần hơn.

Bà Hoàng Thị Lý, xã Hà Lĩnh (Hà Trung) bộc bạch: “Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày giáp tết tôi lại đem gà ra chợ bán. Đây cũng là dịp bà con lối xóm gặp gỡ, hỏi thăm, trò chuyện với nhau chuyện cuối năm, vì vậy, mọi người đều rất vui vẻ, phấn khởi”.

Kế bên bà Lý sẽ là những cô bán vài mớ rau, củ cải, củ kiệu hay lá chuối, ít mớ trầu cau... những sản phẩm rất bình dị, gần gũi và không thể thiếu mỗi dịp tết đến, xuân về.

Điều khác biệt ở chợ quê là phần lớn sản phẩm đều do người dân làm ra rồi tự mang đi bán, nâng cao thu nhập. Những đôi quang gánh, nhiều khi chỉ là vài củ su hào, mấy mớ mùi thơm hay những nải chuối xanh, quả cau, quả bưởi... đều được người nông dân mang ra chợ, vừa tươi, vừa ngon làm cho người tiêu dùng có một cảm giác rất yên tâm và thoải mái mà giá lại “mềm” hơn rất nhiều so với thành thị. Với những người như bà Lý, ngoài việc kiếm thêm chút tiền mua sắm tết thì việc đi chợ dường như đã trở thành thói quen mưu sinh gắn bó bao năm.

Và một hình ảnh không thể không bắt gặp khi đến với buổi chợ quê là những lời chào mời khách thân thương cùng phiên trả giá đối với các mặt hàng. Người bán giới thiệu sản phẩm, người mua có thể ưng ý món hàng, nhưng vẫn cầm lên đặt xuống, rồi do dự mặc cả để mua được giá cả phù hợp với túi tiền. Có thể nói, mặc cả dường như đã trở thành một nét riêng không thể thiếu mỗi khi đi chợ của mọi người. Dù người mua không mua được hàng hay người bán không bán được thì không khí mua bán ở chợ vẫn diễn ra rất vui vẻ, ai cũng tươi cười hồ hởi. Bởi ở chợ quê, mọi người đều là hàng xóm thân thuộc, thuận mua vừa bán, không thì lần sau quay lại.

Đây có lẽ là nét đặc trưng riêng biệt chỉ có ở những buổi chợ quê mới có. Vì nét đặc trưng này mà chợ quê luôn có chỗ đứng trong lòng mọi người, bởi sự mộc mạc, chân tình và khi ra chợ sẽ giúp mọi người cảm nhận được sự giao hòa của đất trời, vạn vật khi mùa xuân đang gõ cửa từng nhà.

Không chỉ có các mặt hàng thường ngày, hoa nhựa, câu đối đỏ, lịch tết... là những mặt hàng gợi nhớ không khí tết và khiến người đi chợ chợt bâng khuâng. Hòa trong không khí tấp nập ấy là hình ảnh thích thú của các em nhỏ theo mẹ đi chợ để được ngắm nhìn những bộ đồ mới mà mẹ sẽ sắm cho ngày tết...

Có thể thấy, dù cuộc sống hiện đại, nhưng những buổi chợ quê như những thước phim quay chậm để lưu giữ lại phần nào hồn quê, nơi chứa đựng nhiều tình cảm ẩn sâu trong tâm hồn mỗi người.

Chợ tết chính là không gian sinh hoạt, không gian văn hóa chuẩn bị cho một năm mới hứa hẹn những điều mới mẻ, thành công, an khang, thịnh vượng và hạnh phúc. Là không gian sinh động phản ánh đời sống của từng gia đình, của cộng đồng dân cư và của người dân cả một vùng quê rộng lớn.

Vào những ngày cuối năm, đi chợ quê mới cảm nhận được không khí tết đang về. Mọi người hồ hởi, phấn khởi mua sắm để chuẩn bị đón chào năm mới. Phiên chợ tết cũng là dịp nhắc nhở thế hệ trẻ hướng về cội nguồn với những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Với những người con phương xa, vào cuối năm có dịp trở về đều mong muốn được một lần ghé đến chợ quê để cảm nhận sắc xuân đang về và sự đổi thay từng ngày nơi “quê cha, đất tổ”.

Hoài Thu


Hoài Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]