(Baothanhhoa.vn) - 8 tháng năm 2023 đã trôi qua, bức tranh kinh tế ở khu vực doanh nghiệp (DN) vẫn chưa có nhiều khởi sắc. Phần lớn DN trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, dòng vốn lẫn cơ chế... dẫn tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị thu hẹp.

Hoạt động của doanh nghiệp vẫn đối diện nhiều thách thức

8 tháng năm 2023 đã trôi qua, bức tranh kinh tế ở khu vực doanh nghiệp (DN) vẫn chưa có nhiều khởi sắc. Phần lớn DN trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, dòng vốn lẫn cơ chế... dẫn tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị thu hẹp.

Hoạt động của doanh nghiệp vẫn đối diện nhiều thách thứcSản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp INCTO Việt Nam (KCN Bỉm Sơn).

Trong 8 tháng năm 2023, cùng với cả nước, khi số DN thành lập mới giảm, thì nhiều DN hiện hữu lựa chọn cách rút lui, chờ thị trường hồi phục. Thông tin từ Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư), từ đầu năm đến nay số DN thành lập mới cũng như quy mô vốn gia nhập thị trường đều giảm mạnh. Cụ thể, trong 8 tháng, toàn tỉnh có 1.768 DN thành lập mới, chỉ đạt 58,9% kế hoạch và giảm 25,3% so với cùng kỳ. Số vốn điều lệ đăng ký hơn 11.817 tỷ đồng, giảm 62,7% so với cùng kỳ. Cùng với đó, số DN quay trở lại hoạt động cũng giảm hơn 30% cùng kỳ.

Trong khi số DN gia nhập thị trường giảm mạnh, thì số DN rút lui khỏi thị trường lại tăng lên đáng kể. Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có 184 DN thông báo chờ thủ tục giải thể, tăng 55,9% so với cùng kỳ; 127 DN giải thể, chấm dứt hoạt động, tăng 53% so với cùng kỳ.

Theo Hiệp hội DN tỉnh, từ đầu năm đến nay tình hình kinh tế - chính trị thế giới diễn biến phức tạp, lạm phát tăng cao, tổng cầu thế giới và trong nước suy yếu khiến đơn hàng sụt giảm mạnh. Trong bối cảnh đó, nguyên vật liệu đầu vào lại khan hiếm và không ổn định; tín dụng bị thắt chắt, lãi suất vẫn ở mức cao. Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ DN như gói hỗ trợ 2% lãi suất cho vay, giãn nợ, khoanh nợ, lùi thời gian trả lãi... nhưng thực tế số DN được thụ hưởng rất ít do điều kiện ban hành kèm theo khá khắt khe. Bên cạnh đó, việc hoàn thuế chậm khiến nhiều DN lao đao, sản xuất cầm chừng.

Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Cao Tiến Đoan chia sẻ: “Chưa khi nào cộng đồng DN lại phải gồng mình đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay. Đặc biệt, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với DN chính là tình trạng “đá bóng” trách nhiệm ở một số sở, ngành, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức trong thực hiện các thủ tục hành chính. Tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm đang có biểu hiện lan rộng. Hậu quả dẫn đến là quá trình xử lý công việc bị kéo dài, dự án bị chậm tiến độ, mất cơ hội và cản trở sự phát triển của DN, làm suy giảm niềm tin của DN đối với cơ quan Nhà nước”.

Thực tế, những tác động của thị trường đang ảnh hưởng hầu hết tới các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, kể cả những ngành trọng điểm. Trong sản xuất công nghiệp, tuy chỉ số sản xuất công nghiệp có tăng trưởng nhưng ở mức thấp. Đặc biệt, một số sản phẩm công nghiệp truyền thống sản lượng sản xuất tháng 8 vẫn tiếp tục giảm so với những tháng trước đó và cùng kỳ do thị trường tiêu thụ, xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn, điển hình như: xi măng đạt 82% so với tháng trước và 93% cùng kỳ; sáp parafin đạt sản lượng 59% so với tháng trước và 96% cùng kỳ; bia đạt 82,5% so với tháng trước và 87,8% cùng kỳ; ô tô đạt 81,3% so với tháng trước và 82,6% cùng kỳ... Các ngành sản xuất tinh bột sắn, đường, gỗ xuất khẩu sản lượng đều đạt thấp. Sản xuất may mặc, giày da tuy đạt sản lượng xấp xỉ cùng kỳ nhưng lợi nhuận thấp do đơn giá gia công giảm...

Theo Sở Công Thương, sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu tháng 8 có dấu hiệu hồi phục, tuy nhiên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa ở một số thị trường lớn như: EU, Mỹ, Trung Quốc, Nga... vẫn chưa có tín hiệu phục hồi rõ ràng. Tổng giá trị xuất khẩu 8 tháng năm 2023 mới đạt 88,8% so với cùng kỳ và 61% so với kế hoạch năm. Tổng giá trị nhập khẩu cũng chỉ đạt 94,3% so với cùng kỳ, giảm ở cả khối DN tư nhân trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Trước những thách thức hiện nay, Ban Chỉ đạo phát triển DN tỉnh đang chỉ đạo các ngành, địa phương dồn lực quan tâm, nắm bắt khó khăn, tham mưu giải quyết vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động của DN. Tuy nhiên, theo các DN, giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay là lãnh đạo tỉnh tiếp tục tăng cường lãnh đạo công tác cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; rà soát, loại bỏ những quy định không còn phù hợp; đặc biệt là tháo gỡ những “điểm nghẽn” và có những giải pháp mang tính đột phá trong cơ chế, chính sách. Cùng với đó là khắc phục tình trạng chậm và kém trong triển khai các chỉ đạo của cấp tỉnh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện nay.

Bài và ảnh: Minh Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]