Điểm tựa cho người khuyết tật, trẻ mồ côi
Nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người khuyết tật (NKT) và trẻ mồ côi (TMC), Hội Bảo trợ NKT, TMC và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực, giúp NKT, TMC có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Xác định công tác chăm lo, đảm bảo các chế độ, chính sách cho NKT, TMC là nhiệm vụ quan trọng, hội đã thực hiện nhiều chương trình, chính sách dành cho những đối tượng này. Đồng thời, để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng đối với NKT, TMC, hội đã đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của NKT và bảo vệ chăm sóc trẻ em; trách nhiệm của xã hội đối với NKT, TMC; chú trọng tuyên truyền, nêu gương NKT điển hình, vươn lên trong cuộc sống...
Để NKT được chăm sóc và hưởng các chính sách theo quy định, Hội Bảo trợ NKT, TMC và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn về luật, trợ giúp pháp lý cho NKT. Tư vấn, hướng dẫn NKT và gia đình họ làm hồ sơ theo quy định để hưởng bảo trợ xã hội. Đặc biệt, các cấp hội thường xuyên khảo sát, nắm bắt thông tin tình hình đời sống, hoàn cảnh khó khăn của đối tượng để quan tâm động viên kịp thời NKT, TMC. Ngoài ra, một số huyện hội đã triển khai các mô hình, câu lạc bộ để NKT, TMC tham gia. Điển hình như tại huyện Quảng Xương, từ năm 2023 đã thành lập Câu lạc bộ NKT khởi nghiệp và phát triển. Câu lạc bộ có hơn 40 người tham gia, trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, nghị lực sống của NKT. Chị Vũ Thị Hằng, xã Quảng Đức (Quảng Xương) chia sẻ: “Với NKT như chúng tôi, câu lạc bộ như là người bạn đồng hành chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, từ đó giúp cho NKT thêm tự tin, mạnh mẽ vươn lên trong cuộc sống”.
Xác định việc huy động nguồn lực đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các hoạt động, chương trình chăm sóc, hỗ trợ người NKT, TMC, Tỉnh hội đã chú trọng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác hội, trong đó, chú trọng nâng cao năng lực tổ chức hoạt động hội, kỹ năng truyền thông và vận động nguồn lực. Đồng thời, hội đã chủ động đẩy mạnh các phong trào thi đua trong hội viên, chi hội trực thuộc và cộng đồng, khơi dậy tinh thần tự hào, truyền thống tốt đẹp của dân tộc “thương người như thể thương thân” trong công tác vận động nguồn lực. Một số huyện hội đã huy động nguồn lực tốt để triển khai các hoạt động như: Đông Sơn, Hậu Lộc, Quảng Xương, Thọ Xuân...
Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT, TMC và bảo vệ quyền trẻ em huyện Hậu Lộc Hoàng Ngọc Hải chia sẻ: “Hội luôn kiên trì bám sát, nắm chắc hoàn cảnh của từng đối tượng, triển khai các hoạt động công khai minh bạch, hỗ trợ đúng đối tượng, đúng nhu cầu. Nhờ đó, các hoạt động hỗ trợ NKT, TMC ở huyện luôn nhận được lòng tin, sự ủng hộ của nhiều nhà hảo tâm. Đặc biệt, hội luôn phối hợp với các địa phương, hội, đoàn thể để lồng ghép các hoạt động hỗ trợ NKT, TMC và các hoạt động, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị”.
Kinh nghiệm của Hội Bảo trợ NKT, TMC và bảo vệ quyền trẻ em huyện Hậu Lộc cũng là kinh nghiệm chung của các cấp hội trong tỉnh. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, các cấp hội đã tổ chức và phối hợp tổ chức các hoạt động bảo trợ cho 39.120 lượt NKT, TMC, với tổng số tiền hơn 22,9 tỷ đồng. Điển hình, các cấp hội đã phối hợp tổ chức khám, phẫu thuật các bệnh về mắt, thay thủy tinh thể cho 528 người với số tiền hơn 861 triệu đồng; phẫu thuật tim cho 2 trẻ em; khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho 6.923 lượt người với trị giá hơn 1 tỷ đồng; hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho 17 người. Hội đã huy động các nguồn lực để tặng 23 xe lắc, 205 xe lăn cho NKT; tặng 143 xe đạp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Xây mới, sửa chữa 18 nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết cho NKT tại các huyện Đông Sơn, Thọ Xuân và TP Thanh Hóa...
Ngoài ra, Tỉnh hội còn phối hợp với các công ty thực hiện dự án “Hỗ trợ và kiến tạo không gian khởi nghiệp cho NKT”. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, các cấp hội đã mở 12 điểm bán hàng cho 12 NKT; hỗ trợ sinh kế, dạy nghề và tạo việc làm cho NKT, đã có 23 hộ gia đình có NKT được hỗ trợ con giống; 48 NKT được dạy nghề, tạo việc làm. Thông qua việc trợ giúp sinh kế, khởi nghiệp, nhiều NKT đã mạnh dạn làm chủ cuộc sống, tự tin hơn và nỗ lực vươn lên.
Bảo vệ, chăm sóc và hỗ trợ NKT, TMC vươn lên trong cuộc sống là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Trong thời gian tới, cần hơn nữa sự chung tay, giúp sức của cộng đồng xã hội để có nhiều hoạt động, mô hình thiết thực cho NKT, TMC được triển khai. Qua đó, lan tỏa tình yêu thương, lòng nhân ái và thắp lên niềm tin, hy vọng cho NKT, TMC.
Bài và ảnh: Quỳnh Chi
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:12:00
Nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông ở TP Thanh Hóa
-
2024-11-21 14:18:00
Như Thanh nỗ lực chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số
-
2024-08-26 11:34:00
Đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc Khơ Mú
Lan tỏa tinh thần nhân ái trong cộng đồng
Phát huy tinh thần “Tương thân, tương ái” hỗ trợ các đối tượng khó khăn về nhà ở
Bảo đảm công tác cứu nạn trên biển
An toàn cho người dân trong vùng có nguy cơ sạt lở
Hoằng Hoá: Gia cố tạm thời để hạn chế sự phát triển của sạt lở, xâm thực tại bờ biển
LAMORI - Bước ngoặt lịch sử
Thọ Xuân phát huy vai trò mặt trận trong thực hiện chính sách an sinh xã hội
Không ai được làm tổn thương đất nước
BIDV bồi đắp, lan tỏa giá trị văn hóa doanh nghiệp để phát triển bền vững