(Baothanhhoa.vn) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Đây là năm đầu tiên tổ chức thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới khác biệt được thể hiện rõ nét trong bộ đề thi tham khảo đã được công bố trước đó.

Đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Không còn yếu tố may mắn

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Đây là năm đầu tiên tổ chức thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới khác biệt được thể hiện rõ nét trong bộ đề thi tham khảo đã được công bố trước đó.

Đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Không còn yếu tố may mắnCô trò Trường THPT Lê Văn Hưu (Thiệu Hóa) trong giờ học.

Một trong những điểm mới đáng chú ý là môn Ngữ văn có thể sẽ sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khi xây dựng đề thi. Điều này giúp đánh giá khả năng đọc hiểu và cảm thụ văn bản của học sinh trong các tình huống thực tế, tránh “học tủ”, học thuộc lòng máy móc. Ngữ liệu có thể bao gồm các đoạn văn, thơ, hoặc tình huống mang tính thời sự, đời sống xã hội.

Nhận xét về đề thi tham khảo môn Ngữ văn, cô Vũ Thị Hạnh, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Lê Hoàn (Thọ Xuân) chia sẻ: “Đề thi tham khảo đúng với cấu trúc chương trình mới và yêu cầu mới. Tuy nhiên, giữa đề thi tham khảo lần 1 và lần 2 lại giống nhau về cách ra đề. Nghĩa là cả 2 lần ra đề tham khảo, ở câu 1, phần đọc hiểu lấy ngữ liệu là văn bản văn học và viết một đoạn văn nghị luận văn học. Ở bài viết (4 điểm) lại là viết nghị luận xã hội. Trong khi đó, Bộ GD&ĐT có đưa ra 2 cấu trúc với 2 hướng. Cấu trúc thứ nhất là đọc hiểu văn bản văn học và viết nghị luận xã hội. Cấu trúc thứ 2 là ngược lại, đọc hiểu văn bản nghị luận hoặc văn bản thông tin và viết nghị luận văn học. Tuy nhiên, cả đề tham khảo lần 1 và lần 2 đều ra theo một cấu trúc. Tôi nghĩ rằng điều này sẽ dẫn đến sự ngộ nhận của rất nhiều người cho rằng đề thi chính thức sẽ ra phần viết vào nghị luận xã hội. Thêm vào đó, dư luận xã hội và nhiều học sinh sẽ rất thích nếu Bộ ra đề thi giống như cấu trúc đề tham khảo lần 2. Bởi việc viết nghị luận xã hội sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc các em tiếp cận một văn bản văn học hoàn toàn lạ ngoài chương trình sách giáo khoa. Do đó, nhiều giáo viên, học sinh sẽ tập trung ôn luyện phần viết nghị luận xã hội, điều này hoàn toàn không đúng”.

“Cho đến khi kỳ thi chính thức diễn ra, giáo viên, học sinh mong muốn Bộ GD&ĐT sẽ ra thêm 2 lần đề tham khảo nữa và nên có sự thay đổi trong cấu trúc đề thi để tránh hiểu nhầm rằng đề thi chính thức sẽ ra vào phần viết nghị luận xã hội. Theo tinh thần của chương trình giáo dục mới đối với bộ môn Ngữ văn, nhà trường chúng tôi đang tập trung tăng cường rèn luyện kỹ năng cho học sinh để dù đề thi ra vào bất kỳ tác phẩm nào, bất kỳ dạng đề nào thì học sinh cũng không bị bất ngờ và có thể làm được” - cô Vũ Thị Hạnh chia sẻ thêm.

Đối với đề thi tham khảo môn Toán đã được công bố, sau khi nghiên cứu, so sánh với các dạng thức đề năm trước, nhiều giáo viên cho rằng đề thi tham khảo mặc dù lượng câu hỏi ít nhưng kiến thức rộng và bao trùm.

Cô giáo Đỗ Thị Dịu, giáo viên Toán, Trường THPT Lê Hoàn (Thọ Xuân) nhận định: “Đề thi tham khảo môn Toán đòi hỏi học sinh phải có năng lực thực sự thì mới đạt điểm trên 9 chứ không còn xác suất may mắn “khoanh bừa nhưng chọn đúng” như trước đây. Học sinh phải thực sự hiểu đề bài, biết cách làm mới có thể điền đáp án và giành điểm. Đối với học sinh top dưới thì với dạng đề này để đạt điểm trung bình là rất khó”.

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hoàn Hà Duyên Dũng chia sẻ: “Theo phản ánh của các tổ chuyên môn, sau khi cho học sinh thi thử đề thi tham khảo, đối với học sinh top đầu vẫn khó để lấy điểm 9. Đối với học sinh top khá đề thi vẫn tương đối khó với các em. Đặc biệt, điều mà nhà trường lo lắng nhất là những em học sinh top sau khá khó để lấy điểm 5. Để có thể hoàn thành tốt đề thi, yêu cầu học sinh phải thay đổi phương thức học tập theo hướng hiểu bản chất, gắn kiến thức với các yếu tố thực tiễn ứng dụng, rèn luyện khả năng tư duy, giải quyết vấn đề. Nhà trường đang chỉ đạo chuyên môn theo hướng đổi mới phương pháp dạy, học theo định hướng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018”.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 nhằm mục đích sử dụng kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT; đánh giá lại quá trình dạy, học; sử dụng kết quả để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng... Do đó, đề thi được thiết kế để có sự phân hóa rõ ràng giữa các nhóm thí sinh.

Thầy giáo Trần Hùng Chỉnh, giáo viên Hóa học, Trường THPT Lê Văn Hưu (Thiệu Hóa) cho biết: “Đề khi tham khảo môn Hóa học được chia làm 3 phần rõ rệt, gồm: Trắc nghiệm khách quan; đúng sai; trả lời ngắn. Nếu như trước đây đề thi vẫn có yếu tố may mắn thì đối với đề thi mới không còn yếu tố may mắn nữa, mà chú trọng đánh giá năng lực vận dụng kiến thức của học sinh giải quyết tình huống mang tính thực tiễn. Do đó, đánh giá sát thực học lực của học sinh và là một trong những kênh thông tin tin cậy, các trường đại học có thể dùng để tuyển sinh”.

Tương tự, đối với đề thi tham khảo các môn khác, không chỉ kiểm tra kiến thức mà tập trung hướng đến nhiều hơn vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Do đó, sẽ có nhiều câu hỏi được xây dựng từ các tình huống thực tiễn trong đời sống khoa học, xã hội nhằm đánh giá khả năng tư duy, mối liên hệ giữa kiến thức sách vở và thế giới thực tiễn xung quanh.

Đề thi tham khảo được đánh giá hay, hiện đại và hoàn toàn mới mẻ, là “kim chỉ nam” định hướng việc dạy và học để các nhà trường thay đổi phương pháp, đổi mới tư duy theo hướng đánh giá thực chất năng lực người học.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]