(Baothanhhoa.vn) - Cùng một loại nông sản hay hàng hóa nhưng được đề xuất công nhận cả chục sản phẩm OCOP với tên gọi khác nhau, thậm chí là ngay trong một khu vực địa lý nhỏ có các điều kiện phát triển tương đồng. Sản phẩm sau đạt chuẩn OCOP xong thì “chết yểu” hoặc không phát triển thị trường. Có sản phẩm chỉ phát triển theo mùa vụ một vài tháng trong năm... Tất cả đang làm lãng phí “danh hiệu” OCOP và “xóa nhòa” những giá trị đặc trưng, đặc hữu mà Chương trình OCOP đang hướng tới.

Để sản phẩm OCOP phát triển hài hòa giữa lượng và chất (Bài 2): Lãng phí danh hiệu OCOP

Cùng một loại nông sản hay hàng hóa nhưng được đề xuất công nhận cả chục sản phẩm OCOP với tên gọi khác nhau, thậm chí là ngay trong một khu vực địa lý nhỏ có các điều kiện phát triển tương đồng. Sản phẩm sau đạt chuẩn OCOP xong thì “chết yểu” hoặc không phát triển thị trường. Có sản phẩm chỉ phát triển theo mùa vụ một vài tháng trong năm... Tất cả đang làm lãng phí “danh hiệu” OCOP và “xóa nhòa” những giá trị đặc trưng, đặc hữu mà Chương trình OCOP đang hướng tới.

Để sản phẩm OCOP phát triển hài hòa giữa lượng và chất (Bài 2): Lãng phí danh hiệu OCOPSản phẩm OCOP “Dưa hấu Đồng Quê” của xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa) sau khi được công nhận chuẩn OCOP nhưng vẫn được bán trôi nổi không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ, mã vạch theo chu trình OCOP.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được đưa vào thành hợp phần nhỏ của Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM nhằm kích thích phát triển sản xuất, tạo ra thu nhập và việc làm cho người dân. Xuất phát đầu tiên ở Nhật Bản từ năm 1979 với tên gọi OVOP (One Villae One Product) - tức là “mỗi làng quê một sản phẩm” nhằm khuyến khích mỗi làng ở tỉnh Oita lựa chọn một sản phẩm đặc trưng để phát triển thành hàng hóa thương mại theo tiêu chuẩn quốc gia và hướng đến toàn thế giới. Chương trình dần chứng minh được hiệu quả trong thực tiễn và được nhân rộng ra toàn nước Nhật. Sau đó, Thái Lan, Philippines, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia, rồi hàng chục nước ở châu Á, châu Âu, Mỹ - La tinh cũng học tập, triển khai những phong trào tương tự. Ở mỗi nước, việc phát triển phong trào được “biến tấu” nên có những điểm khác biệt, như “mỗi cộng đồng một sản phẩm”, “mỗi làng một nhãn hiệu”, “mỗi xứ một sản phẩm”, “mỗi thành phố một sản phẩm”...

Tại Việt Nam, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình OCOP vào tháng 5/2018, tỉnh Quảng Ninh là địa phương đi đầu thực hiện với tên gọi “Mỗi xã một sản phẩm” để khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể tổ chức lại sản xuất, xây dựng nhãn mác, phát triển thị trường, nhân rộng các ngành nghề nông thôn để phát triển kinh tế, tạo việc làm. Trọng tâm của chương trình còn hướng tới phát triển các sản phẩm mang tính đặc trưng, khơi dậy sự sáng tạo ra những đặc thù riêng của sản phẩm... Như vậy, ngoài nâng cao chất lượng, gắn nhãn mác, tuân thủ các quy chuẩn trong quá trình sản xuất thì sản phẩm OCOP phải đáp ứng tiêu chí riêng và tính đặc trưng, nhất là các đặc sản vùng miền. Ở Thanh Hóa, gần 5 năm được triển khai, Chương trình OCOP đã cho nhiều kết quả đáng khích lệ trong phát triển sản xuất, phát triển kinh tế và nhiều mục tiêu khác. Tuy nhiên, nhiều hạn chế của chương trình, trong đó có vấn đề lãng phí danh hiệu OCOP cũng cần được chỉ rõ để các địa phương, đơn vị liên quan từng bước khắc phục.

Ngày 30/11/2022, Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa đã công nhận sản phẩm “Gà vườn Cẩm Thanh” của HTX Gà chạy bộ Cẩm Thủy là sản phẩm OCOP. Ban đầu, sản phẩm được giới thiệu tại hội nghị và các kênh thương mại là gà làm sẵn, hút chân không, có mã vạch, nhãn mác, hạn sử dụng... Có nghĩa là trong “hành trình” đến với OCOP, sản phẩm đã được các ngành, đơn vị liên quan cấp tỉnh thẩm định về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh trong chăn nuôi, các điều kiện và thủ tục để được cấp nhãn mác và mã vạch... Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn được công nhận OCOP, khi chúng tôi tìm về HTX này ở thôn Cẩm Hoa, xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy), thì sản phẩm đã “chết yểu”. Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Tú cũng thừa nhận: “Anh Bùi Văn Tư, sinh năm 1987, Giám đốc HTX Gà chạy bộ Cẩm Thủy - chính là chủ thể của sản phẩm OCOP đã đi xuất khẩu lao động nên không còn tổ chức sản xuất”. Cuối tháng 11/2023, phóng viên tiếp tục thẩm định lại, anh Tư vẫn đang lao động ở nước ngoài. Địa chỉ đăng ký HTX chính là gia đình anh Tư, thường chỉ nuôi đàn gà một vài chục con kiểu nông hộ, bán cho thương lái đến thu gom, không hề sản xuất sản phẩm OCOP như đăng ký. Như vậy, tên sản phẩm “Gà vườn Cẩm Thanh” vẫn được “định vị” trên các trang điện tử, các văn bản liên quan đến sản phẩm OCOP của tỉnh, nhưng trên thực tế đã không sản xuất.

Tại xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa), dưa hấu đã trở thành đối tượng cây trồng chính, cho thu nhập cao với nông dân địa phương từ hàng chục năm qua. Năm 2020, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoằng Thắng đã đề xuất sản phẩm “Dưa hấu Đồng Quê” và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Theo đó, HTX được hỗ trợ kinh phí mở rộng diện tích sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư tem, nhãn mác và xúc tiến thương mại. Đó cũng chính là cách để “nâng tầm” sản phẩm cả về chất lẫn lượng nhằm phát triển rộng mở thị trường mà Chương trình OCOP hướng đến. Tuy nhiên, qua tìm hiểu trên thực tế, “danh hiệu” OCOP với “Dưa hấu Đồng Quê” chủ yếu mang ý nghĩa “cho oách” và giúp địa phương trong lộ trình XDNTM. Bởi ngay sau công nhận, sản phẩm hầu như không được dán nhãn, mã vạch, tên nhãn hiệu..., mà chỉ bán tự do ngoài đồng như trước.

Lý giải điều này, ông Hoàng Văn Mạo, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoằng Thắng, cho biết: “Người dân địa phương có truyền thống sản xuất dưa hấu từ nhiều năm, chủ yếu sản xuất trên đồng ruộng, theo mùa. Mặc dù được công nhận OCOP song khi chính vụ, sản lượng lớn, chủ yếu tiêu thụ qua hệ thống thương lái, các chợ truyền thống nên các hộ xã viên và HTX chưa chú trọng dán nhãn, mác và các quy định của sản phẩm OCOP”. Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa, xã Hoằng Thắng duy trì gần 95 ha trồng dưa hấu với hơn 100 hộ tham gia sản xuất. HTX và chính quyền địa phương đã tuyên truyền cho người dân và các thành viên HTX biết sản phẩm “Dưa hấu Đồng Quê” đã đạt chứng nhận OCOP nhưng nhiều hộ xã viên vẫn chưa thực sự quan tâm và chú trọng thực hiện quy trình sản xuất. Từ đó, không quảng bá rộng rãi được “thương hiệu” dưa hấu OCOP này đến người tiêu dùng, khách hàng cũng không phân biệt được sự khác biệt của chất lượng theo tiêu chuẩn OCOP so với sản phẩm dưa hấu cùng loại trôi nổi trên thị trường.

Để sản phẩm OCOP phát triển hài hòa giữa lượng và chất (Bài 2): Lãng phí danh hiệu OCOPCác sản phẩm OCOP từ sâm Báo của Thanh Hóa được trưng bày giới thiệu bên lề Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.

Có thể lấy thêm nhiều ví dụ về tình trạng sau khi được tỉnh hỗ trợ tem mác và chứng nhận OCOP nhưng sản phẩm vẫn bán tự do và phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Do chưa xây dựng được chuỗi liên kết nên nhiều sản phẩm OCOP chưa có sự khác biệt so với thời điểm chưa được công nhận. Điều đó đồng nghĩa, tiêu chí OCOP được tích tụ trong sản phẩm đang bị “xóa nhòa” và đánh đồng với sản phẩm thông thường. Cũng có nghĩa, nhiều sản phẩm OCOP chưa phát huy được thế mạnh, chưa nhận diện được “thương hiệu” sản phẩm OCOP trên thị trường.

Một thực tế khác là có nhiều sản phẩm cùng loại nhưng khi được “khoác” vào các tên gọi khác nhau do chủ thể tự đặt thì lại thành một sản phẩm OCOP khác, tuy chất lượng hầu như không khác nhau. Điều này đang ngày càng trở thành hiện tượng phổ biến trong Chương trình OCOP, gây lãng phí “danh hiệu” OCOP. Sau gần 5 năm phát triển sản phẩm OCOP, đến nay tỉnh Thanh Hóa có tới 16 sản phẩm dưa vàng OCOP với những nhãn hiệu khác nhau. Trong đó, chỉ có 2 sản phẩm là Dưa vàng Vạn Hà (Thiệu Hóa) và Dưa vàng Vạn Hoa (Nga Sơn) đạt chất lượng 4 sao, còn lại đều đạt 3 sao. Điều này cũng khiến người tiêu dùng đặt ra câu hỏi về sự khác biệt trong những sản phẩm dưa vàng 3 sao và 4 sao (?!). Tương tự, cả tỉnh đã có 9 sản phẩm mật ong, 5 sản phẩm miến dong na ná nhau đều là sản phẩm OCOP nhưng với các tên thương mại khác nhau.

Bà Lê Thị Xuân, phường Điện Biên (TP Thanh Hóa), cho biết: “Tại hội chợ Kết nối cung cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn Thanh Hóa năm 2023 vừa diễn ra tại Quảng trường Lam Sơn, có rất nhiều sản phẩm dưa vàng và đều được thông tin đó là sản phẩm OCOP. Bản thân tôi nhận thấy, việc phát triển quá nhiều sản phẩm OCOP cùng chủng loại, đồng đều về chất lượng vô hình chung đang làm giảm đi sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; mất dấu hiệu “định vị” để sản phẩm OCOP dễ bị hòa lẫn cùng những sản phẩm cùng loại khác”.

Qua tìm hiểu nhiều nơi, để hoàn thành mục tiêu có sản phẩm OCOP theo chỉ tiêu, không ít địa phương đã yêu cầu chủ thể tìm đủ cách, thuê tư vấn hoàn thiện giấy tờ, thủ tục để được công nhận sản phẩm OCOP. Tuy nhiên sau khi đạt chuẩn, chất lượng, mẫu mã sản phẩm lại không được đầu tư chú trọng nên sức tiêu thụ rất thấp và không được thị trường, người tiêu dùng đánh giá cao. Việc bắt buộc có 1 sản phẩm OCOP thì mới đủ tiêu chí để công nhận xã NTM nâng cao nên nhiều sản phẩm được “chín ép” theo các tiêu chí OCOP. Đáng lo ngại hơn, từ đầu năm 2023, thực hiện việc chấm, đánh giá sản phẩm OCOP theo Quyết định 148/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ, cấp huyện được quyền xét chọn sản phẩm OCOP 3 sao. Tuy đã có bộ thang điểm chấm với nhiều tiêu chí khắt khe, nhưng cũng khó tránh khỏi việc dễ dãi, “châm trước” để chạy theo số lượng.

Thông tin từ Văn phòng điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, Thanh Hóa hiện có 436 sản phẩm OCOP. Số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh theo từng năm, nhưng chưa bền vững. Một số địa phương còn chạy theo thành tích, tập trung vào những sản phẩm đã được hình thành từ trước, trong đó có sản phẩm không có lợi thế để phát triển, chủ thể chưa chủ động tham gia chương trình. Nhiều sản phẩm OCOP do các chủ thể là công ty nhỏ, HTX hoặc nhóm hộ nên quy mô sản xuất, tiềm lực kinh tế không mạnh, việc đầu tư, hoàn thiện quy trình đánh giá gặp khó khăn. Một số chủ thể sản xuất chưa nhìn nhận được lợi ích khi sản phẩm được đánh giá, công nhận đạt OCOP... Những nhược điểm này cũng đã được nhận diện, Văn phòng điều phối Chương trình XDNTM tỉnh và các sở, ngành liên quan cũng đang dần có những điều chỉnh và giải pháp khắc phục.

Bài và ảnh: Nhóm PV

Bài cuối: Phát triển bề sâu, chú trọng chất lượng.

Tin liên quan:
  • Để sản phẩm OCOP phát triển hài hòa giữa lượng và chất (Bài 2): Lãng phí danh hiệu OCOP
    Để sản phẩm OCOP phát triển hài hòa giữa lượng và chất (Bài 1): Không nên vì số ...

    Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả tích cực, khẳng định được vị thế trên “bản đồ” OCOP quốc gia. Với 436 sản phẩm được gắn sao, Thanh Hóa đã vươn lên đứng thứ 2 toàn quốc về số lượng sản phẩm OCOP, sau TP Hà Nội. Song, cùng với việc hình thành được hệ sinh thái sản phẩm đa dạng, thể hiện được những tiềm năng, lợi thế và nét riêng có của tỉnh Thanh, vấn đề đáng lưu tâm trong thực hiện Chương trình OCOP chính là sự phát triển hài hòa giữa “lượng” và “chất”.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]