(Baothanhhoa.vn) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 6/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

ĐBQH Trần Văn Thức (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 6/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

ĐBQH Trần Văn Thức (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An

Qua nghiên cứu các hồ sơ, tài liệu kèm theo, đại biểu Trần Văn Thức, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cơ bản thống nhất với nội dung Tờ trình và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, cũng như nội dung Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về các nội dung có liên quan.

Đại biểu Trần Văn Thức cho rằng, dự thảo Nghị quyết lần này là bước kế thừa triển khai bổ sung tiếp theo Nghị quyết số 36/2021/QH15 để hiện thực hóa những chủ trương của Đảng đã có từ trước đó về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An.

Theo đó, năm 2013 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, năm 2023 ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW với quan điểm: “Xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Nghệ An và cả nước.”

Theo đại biểu Thức, nếu tỉnh Nghệ An không có hoặc không có đủ các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ không thể hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra. Mặt khác, trên tinh thần chung là “thí điểm”, khi Nghị quyết này được thực hiện sẽ có thêm cơ sở thực tế để đánh giá cơ chế chính sách nào có hiệu quả và có thể nhân rộng, có thể luật hóa...

Đại biểu Trần Văn Thức cho rằng việc xây dựng và ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An tại thời điểm này là phù hợp và hết sức cần thiết.

Xem xét các chính sách cụ thể, về cơ bản đại biểu Trần Văn Thức thống nhất với nội dung của các chính sách tại dự thảo Nghị quyết, bao gồm 2 chính sách tương tự hoàn toàn đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại các địa phương khác; 8 chính sách tương tự đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại các địa phương khác, có điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn tỉnh Nghệ An và 4 chính sách đề xuất mới phù hợp thực tiễn phát triển của tỉnh Nghệ An.

Tuy nhiên, đại biểu cũng nêu một số điểm để Quốc hội cùng xem xét, đánh giá kỹ lưỡng hơn.

Thứ nhất, đối với chính sách tại khoản 2 Điều 3 quy định: “Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ tỉnh Nghệ An thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với huyện Nam Đàn và địa bàn miền Tây Nghệ An.”

Quy định vừa nêu không phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước nhưng được Quốc hội cho phép thí điểm thực hiện để phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Nghệ An.

"Nếu là hỗ trợ để bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với địa bàn miền Tây Nghệ An thì có thể hiểu được. Nhưng trong trường hợp hỗ trợ để phát triển kinh tế - xã hội mà chỉ giới hạn, đóng khung ở phạm vi địa bàn huyện Nam Đàn và địa bàn miền Tây Nghệ An liệu đã phù hợp so với định hướng, quan điểm phát triển Nghệ An của Bộ Chính trị, với nguyện vọng của đông đảo cử tri và Nhân dân Nghệ An hay chưa? Nếu địa phương nào đó có mong muốn hỗ trợ cho Nghệ An bằng thế mạnh, bằng nguồn lực của họ trong một lĩnh vực, dự án, công trình cụ thể nào đó để tạo dấu ấn, để làm động lực phát triển chung cho cả Nghệ An nhưng không phù hợp để triển khai trên các địa bàn đã được giới hạn bởi quy định nêu trên thì có thể triển khai được hay không? Quy định giới hạn về địa bàn trong trường hợp này tức là đã giới hạn đi cơ hội phát triển của Nghệ An", đại biểu Trần Văn Thức băn khoăn.

Do vậy, đại biểu đề nghị nên cân nhắc xem xét lại quy định nêu trên để thay thế bởi các quy định theo hướng mở và linh hoạt hơn nhằm mục tiêu tiếp cận tối đa mọi sự hỗ trợ từ các địa phương khác dành cho Nghệ An.

Thứ hai, đối với chính sách quy định tại khoản 3 Điều 3: “Cho phép tỉnh Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản (không bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp) trên địa bàn miền Tây Nghệ An để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội địa bàn miền Tây Nghệ An.”

Đại biểu Trần Văn Thức đề nghị nên cân nhắc mở rộng phạm vi thực hiện chính sách này. Theo đó quy định không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản được áp dụng trên toàn bộ địa bàn tỉnh Nghệ An để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội địa bàn miền Tây Nghệ An. Bởi lẽ, nguồn thu này là nguồn thu tại địa phương và phục vụ trở lại cho nhu cầu của địa phương, tại sao phải giới hạn phạm vi không tính cân đối.

Mặt khác, hầu hết các cơ sở thủy điện và các hoạt động khai thác khoáng sản của Nghệ An chỉ tập trung trên địa bàn miền Tây Nghệ An. Nếu mở rộng như vừa nêu không chỉ tăng thêm nguồn lực cho phát triển địa bàn miền Tây Nghệ An (11 huyện phía Tây) mà còn là cơ sở để tạo đà bứt phá cho khu vực khó khăn nhất của Nghệ An.

Thứ ba, xem xét một cách tổng quát các chính sách mà dự thảo Nghị quyết áp dụng cho Nghệ An, đại biểu Trần Văn Thức nhận thấy các chính sách giúp giải quyết các khó khăn có tỷ trọng lớn hơn là các chính sách nhằm phát huy những tiềm năng, thế mạnh của Nghệ An. Các chính sách đang tập trung giải quyết khó khăn cho địa bàn miền Tây Nghệ An như tăng các khoản thu từ phí, lệ phí, cân đối nguồn thu... trong khi chưa có nhiều các chính sách đặc thù để phát huy thế mạnh, tiềm năng như phát triển kinh tế biển, kinh tế số, kinh tế cửa khẩu, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

“Việc thiết kế các chính sách như vừa nêu liệu có đáp ứng được những yêu cầu của Nghị quyết 39 hay không? Chủ trương đã có, mục tiêu đã có và tinh thần chung là thí điểm nên nếu chúng ta không mạnh dạn làm, không mạnh dạn thí điểm thì sẽ khó có thể thành công”. Đại biểu Trần Văn Thức đề nghị cần có những chính sách mạnh mẽ hơn nữa, tập trung hơn nữa cho việc phát triển các thế mạnh, tiềm năng của Nghệ An bên cạnh những chính sách tháo gỡ khó khăn.

Thứ tư, về vấn đề tổ chức thực hiện và hiệu lực của Nghị quyết. Để đảm bảo tính khả thi của các chính sách đại biểu Trần Văn Thức cho rằng cần phải có những quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện. Thực tế triển khai Nghị quyết về cơ chế đặc thù cũng như các Chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua tại các địa phương cho thấy, mặc dù cơ chế chính sách đã có nhưng không thực hiện được do không có hoặc thiếu những quy định cụ thể về thủ tục, trình tự thực hiện.

Về hiệu lực của Nghị quyết, dự thảo chưa có quy định về thời gian thực hiện nên đại biểu Trần Văn Thức đề nghị cần có quy định cụ thể về vấn đề này để đảm bảo kỹ thuật lập pháp theo quy định.

Quốc Hương


Quốc Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]