Đạo diễn Lê Thế Song: Tinh hoa văn hóa dân tộc là kim chỉ nam trong sáng tạo
Hẹn gặp soạn giả, đạo diễn Lê Thế Song vào những ngày cuối năm thật không dễ dàng bởi anh bận rộn với những dự án sân khấu, lễ hội của năm mới Ất Tỵ.
Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 120 năm thành lập quận Hà Đông do tác giả, đạo diễn Lê Thế Song thực hiện. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Vừa gặp tôi, đạo diễn hồ hởi “bật mí” rằng ông đang chuẩn bị cho Lễ hội Đền Trần Thái Bình (tháng Giêng năm Ất Tỵ): “Sẽ có hát xẩm trên nền nhạc điện tử, có Nghệ sỹ Nhân dân Tự Long hát văn với bản phối khí hoàn toàn mới lạ và bắt tai.”
Vậy là ông say sưa kể câu chuyện về việc lan tỏa giá trị truyền thống dân tộc trong nghệ thuật biểu diễn hiện đại...
Cơ duyên với nghệ thuật dân tộc
Tác giả Lê Thế Song sinh ra và lớn lên ở vùng quê chèo đất Hà Nam. Thế nên cũng không có gì ngạc nhiên khi trong con người ông thấm đẫm hơi thở những tích cũ, trò diễn dân gian.
Sau này, ông nên duyên với nghệ sỹ Xuân Hồng, con gái cố soạn giả Hoàng Luyện (Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2017) - người vợ, người trợ lý đặc biệt luôn đồng hành cùng ông trong hành trình lan tỏa văn hóa truyền thống.
Vợ chồng đạo diễn Lê Thế Song-nghệ sỹ Xuân Hồng. (Ảnh: NVCC)
Vốn say đắm kịch hát dân tộc, Lê Thế Song và vợ có một khoảng thời gian khá dài làm dự án cho các tổ chức phi chính phủ. Nhiệm vụ của họ là về các vùng quê, tìm kiếm các nhân tố tài năng, đào tạo họ thành những nòng cốt văn nghệ để phục vụ chính cộng đồng mình.
Từ công việc này, Lê Thế Song đã có cơ hội biết thêm nhiều câu ca, điệu hát, tích trò ở nhiều vùng quê trên cả nước, có thêm nhiều trải nghiệm và tiếp cận sâu hơn vốn di sản văn hóa quý của ông cha, từ đó làm phong phú thêm kiến thức của bản thân về văn hóa truyền thống dân tộc và đưa vào các chương trình.
“Vợ tôi, Thạc sỹ Xuân Hồng là người đồng hành cùng tôi trong sáng tạo nghệ thuật. Mỗi kịch bản được tôi sáng tác, cô ấy sẽ là người đầu tiên đọc, góp ý và có thể tranh luận để làm sao giúp tôi sáng tạo đứa con tinh thần được công chúng yêu thích, mến mộ,” tác giả Lê Thế Song chia sẻ.
Năm 2011, hai vợ chồng ông quyết định theo học lớp Biên kịch Kịch hát dân tộc (K31, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội) - 9 năm mới có một khóa đào tạo.
Tác giả, đạo diễn Lê Thế Song luôn khéo léo đan cài yếu tố văn hóa, dân tộc vào tác phẩm. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Sau hơn 10 năm “xông pha” vào địa hạt kịch hát dân tộc, Lê Thế Song đã đem đến cho các đơn vị nghệ thuật thêm sự lựa chọn cũng như có thể đặt hàng những kịch bản phù hợp để làm phong phú cho đời sống sân khấu kịch hát dân tộc vốn đã trở nên ảm đạm trong đời sống hiện đại.
Theo Lê Thế Song, bây giờ là thời đại của công nghệ thông tin, các phương tiện giải trí mang đến cho lớp trẻ đầy rẫy sự lựa chọn, trong khi đó sân khấu vẫn giữ cách thức tự sự với những câu chuyện cũ thì họ không thích là điều dễ hiểu.
“Muốn đổi mới, trước hết chúng ta cần dàn dựng những vở diễn mang hơi thở thời đại với những vấn đề gai góc của xã hội và thể hiện bằng những mảng miếng hấp dẫn. Trong thâm tâm, tôi vô cùng thích đề tài hiện đại, nhưng khi đặt vấn đề viết kịch bản với đề tài hiện đại, các nhà hát thường bảo, họ thích dựng vở dân gian, truyền tích, huyền sử, lịch sử cho gần gũi với kịch hát, để dễ xem, dễ biểu diễn, dễ nhận hợp đồng,” tác giả Lê Thế Song nhận định.
Theo ông Lê Thế Song, khán giả hiện nay có trình độ thẩm mỹ rất cao và nhịp sống mới đòi hỏi sự thay đổi trong tư duy sáng tạo của tác giả, đạo diễn và êkip sáng tạo. Tác phẩm phải mang hơi thở thời đại, đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt xây dựng được thói quen thưởng thức nghệ thuật truyền thống của lớp khán giả trẻ.
“Tác phẩm sân khấu phải hội tụ đầy đủ các yếu tố về sân khấu, âm nhạc, công nghệ, phong cách đạo diễn, năng lực diễn xuất và quan trọng nhất là kịch bản thật sự hay, hấp dẫn với đặc trưng cần có của kịch hát truyền thống, đó là tinh hoa vốn cổ mà cha ông ta đã dày công vun đắp và trao truyền qua bao thế hệ,” tác giả Lê Thế Song nhấn mạnh.
Tự tin nhờ vốn văn hóa dân tộc
Không chỉ nắm trong tay “gia tài” gần 50 kịch bản sân khấu kịch hát dân tộc, nhiều tác phẩm đã giành giải thưởng cao, gần đây, ông còn sáng tạo ý tưởng, viết kịch bản, làm tổng đạo diễn cho nhiều lễ hội lớn.
Vừa trở về Hà Nội sau những ngày tất bật với lễ hội kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, cặp nghệ sỹ Lê Thế Song-Xuân Hồng lại bắt tay ngay vào nhiều sự kiện khác của năm Ất Tỵ, trong đó gần nhất là Lễ hội Đền Trần Thái Bình do Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình, Ủy ban Nhân dân huyện Hưng Hà, Hiệp hội doanh nhân họ Trần Việt Nam và Công ty sự kiện SHB phối hợp thực hiện. Ngay sau đó là chương trình nghệ thuật mừng Đảng mừng Xuân mang tên “Hưng Yên-Mùa Xuân khát vọng.”
Chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên "Văn Yên-Hành trình 60 năm khát vọng, đột phá, phát triển" tại Lễ Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Nhiều đạo diễn sân khấu có thể lúng túng khi làm các chương trình lễ hội nhưng với đạo diễn Lê Thế Song, ông tự tin vì mình đã có vốn quý là văn hóa dân tộc.
Các chương trình ông tham gia luôn có sự kết hợp giữa văn hóa lịch sử truyền thống và tư duy hiện đại, để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả.
Chẳng hạn, để chương trình đậm chất sử thi, ấn tượng và ca ngợi sự đổi mới vùng đất quế Văn Yên, ông đã dày công nghiên cứu, khảo sát thực tế, tìm hiểu văn hóa dân gian các dân tộc nơi đây, nhất là nghi lễ múa Then người Tày độc đáo trong lễ rước Mẫu... Chính từ quá trình nghiên cứu ấy đã tạo nên cảm xúc, sự rung động để ông bật ra ý tưởng hay cho các kịch bản.
Như với lễ hội Đền Đông Cuông, ông viết tác phẩm “Đông Cuông mở hội đền thiêng” mang âm hưởng dân gian hòa quyện giữa chèo và chầu văn truyền thống. Nhưng với chương trình nghệ thuật khai mạc Đại hội Thể dục Thể thao tỉnh Hà Nam, ông lại cho ra mắt một ca khúc “Hà Nam bừng sáng” đậm chất Rap trẻ trung sôi động...
Nhờ vốn liếng văn hóa chắt chiu bao năm, nên ngoài các tiết mục nghệ thuật đậm bản sắc văn hóa bản địa, tác giả Lê Thế Song còn có những nét riêng cho mỗi lễ hội để tạo dấu ấn cá nhân, không trùng lặp với bất cứ ai.
Đạo diễn, nhà biên kịch Lê Thế Song khẳng định rằng việc gìn giữ truyền thống trong lối tư duy hiện đại là kim chỉ nam trong sáng tạo của ông./.
Những thành tích mà tác giả Lê Thế Song đạt được: - Hai Huy chương Vàng Liên hoan Sân khấu Cải lương Toàn quốc năm 2018 với vở “Dâu bể một kiếp tằm” (Nhà hát Cải lương Hà Nội) và “Kiếp tằm” (Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh) - Giải Đặc biệt Liên hoan Sân khấu Quốc tế tại Vân Nam, Trung Quốc (năm 2021) với vở “Bóng đa huyền thoại” (Nhà hát Tuồng Việt Nam) - Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu Chèo toàn quốc năm 2022 với vở “Thiên duyên huyền tích” (Nhà hát Chèo Thái Bình) - Huy chương Vàng Liên hoan Sân khấu Thử nghiệm Quốc tế năm 2022 với vở “Thượng Thiên Thánh Mẫu” (Nhà hát Cải lương Việt Nam-Liên đoàn Xiếc Việt Nam) - Giải Đặc biệt của Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam cho nhiều bài hát tuyên truyền chống COVID-19... |
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2025-01-13 15:11:00
Ra mắt bộ phim phản ánh tình hữu nghị giữa nhân dân Trung Quốc và Việt Nam
-
2025-01-09 15:23:00
Wicked dẫn đầu danh sách đề cử giải SAG Awards
-
2025-01-08 09:02:00
Mưa trên cánh bướm: Bi kịch của người phụ nữ tự làm khổ mình
Phim chuyển thể “Dế Mèn phiêu lưu ký”: Nhà sản xuất mong thu 40-100 tỷ đồng
Quả cầu Vàng 2025: Tôn vinh nghệ thuật và những câu chuyện đầy cảm hứng
Top 10 phim Việt doanh thu cao nhất 2024: Phim gia đình chiếm ưu thế
Vở cải lương “Cành khế ngọt” giới thiệu nghệ thuật truyền thống đến khán giả quốc tế
“Đào, phở và piano”: Điểm sáng của văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2024
Trò chơi Con mực mùa 2: Kỳ vọng gì từ cuộc trả thù đẫm máu?
Sẽ có tiền truyện phim “Cô Ba Sài Gòn,” có liên quan đến “Công tử Bạc Liêu”
Doanh thu của ngành phim hoạt hình Nhật Bản lần đầu vượt 21 tỷ USD