(Baothanhhoa.vn) - “Bập vào Ấn Độ cũng như một lần trót thử ma túy. Nghiện. Ám ảnh. Hành. Nhớ quay quắt. Một thứ ma lực hút ta vào và đời ta mãi mãi không thể nào bình yên được. Tất cả những cảm giác đó như thước phim quay trở lại một thời sinh viên. Và cũng vì thế mà tập truyện ngắn “Ở lại để chờ nhau” của nhà văn Hồ Anh Thái (NXB Thế giới) hấp dẫn người đọc.

Cuộn băng ký ức về thời sinh viên

“Bập vào Ấn Độ cũng như một lần trót thử ma túy. Nghiện. Ám ảnh. Hành. Nhớ quay quắt. Một thứ ma lực hút ta vào và đời ta mãi mãi không thể nào bình yên được. Tất cả những cảm giác đó như thước phim quay trở lại một thời sinh viên. Và cũng vì thế mà tập truyện ngắn “Ở lại để chờ nhau” của nhà văn Hồ Anh Thái (NXB Thế giới) hấp dẫn người đọc.

Cuộn băng ký ức về thời sinh viên

Tại sao viết về sinh viên, ông lại chọn địa điểm ở Ấn Độ? Là do ông có nhiều năm làm công tác ngoại giao ở đất nước này, hay vì sinh viên ở đâu cũng có những căn tính và đặc điểm từa tựa? Hay còn bởi Ấn Độ là đoạn hồi ức đẹp đáng để chia sẻ với mọi người?

Hai mươi truyện ngắn, mở đầu là những ồn ào của sinh viên. Nhất là chuyện vay tiền không trả. Vay tiền để làm màu, để sang chảnh như ngôn ngữ giới trẻ hiện nay. “Nghỉ giữa giờ, hầu hết cánh sinh viên chỉ ra uống nước ở vòi chung, thì Modi lúc nào cũng cà phê và trà sữa thơm lừng”. Nhưng nhiều năm sau Modi đã đi tìm bạn bè ở các nước để trả món nợ thuở sinh viên. Hay truyện “Cách một trời mưa” 3 cậu sinh viên ở 3 quốc gia, bóc bài nhau chỉ vì không chịu nhường chỗ nằm trên tàu. Hay trong “Cuộc đổi chác” là thói quen trái khoáy của anh chàng đã Ấn Độ hóa. Mùa đông thì mở toang cửa sổ để cầu nguyện, bạn cùng phòng bảo sắp chết cóng thì lờ tịt đi và tuyên bố chẳng lạnh tí nào. Có lúc sáng sớm thì anh chàng lại lên sân thượng ném sọ dừa vỡ ra để đi cúng, tiếng ném đinh tai nhức óc khiến không ai ngủ nổi. Hay dự định viết “Truyện tình không có một chữ yêu” với đề cương là trường thiên tiểu thuyết hai tập, ba tập, bốn tập, song chung cục vài chục năm trôi qua mà nó vẫn chỉ là đề cương.

Để trả lời câu hỏi tại sao lại là những câu chuyện về sinh viên học tập ở Ấn Độ. Ngoài việc tác giả gắn bó một quãng đời sinh viên thì hơn hết, nền văn minh sông Hằng có thể tỏa đi khắp nơi, không chỉ là sự bí ẩn, là niềm tin, tín ngưỡng mà còn vô cùng lãng mạn, linh thiêng và đầy tình người.

Ngoài Hồ Anh Thái đã nhiều người viết về Ấn Độ nhưng dưới góc nhìn của kẻ lãng du, là cái mơ hồ thoáng qua, là sự cảm nhận vừa phải. Đến Hồ Anh Thái, viết về sinh viên ở Ấn Độ nhưng vô cùng đời thường, gần gũi, thân thuộc, như hầu hết các sinh viên đang học tập ở Việt Nam. Trước tập truyện ngắn “Ở lại để chờ nhau”, Hồ Anh Thái đã viết “Tiếng thở dài qua rừng kim tước” với màu sắc siêu thực, là những câu chuyện gắn liền với các tập tục ghê rợn của đất nước Ấn Độ. Rõ ràng nếu không yêu văn hóa Ấn Độ, không có những ký ức riêng với mảnh đất này thì chẳng thể có những trang viết vừa dễ chịu, vừa mê hoặc. Ấn Độ huyền bí và đầy thu hút không chỉ với một ai đó mà hầu hết sinh viên, nghiên cứu sinh từ các châu lục khác đến đây sống, học tập dần bị ảnh hưởng và có thể bị “đồng hóa”. Trong đó, có những anh chàng người châu Âu đã chuyển gu ăn mặc, thực hành tín ngưỡng, và sống như một người Ấn Độ thực thụ. Cũng có những người yêu nhau, có tình cảm với nhau đã chọn Ấn Độ là quê hương thứ hai, hoặc ở lại xứ sở này để chờ nhau... Chả thế mà trong truyện ngắn “Họ ở lại để chờ nhau” kể về cô gái Pháp kết hôn với người Ấn, theo chồng về Ấn Độ, sau đó ly hôn nhưng vẫn không rời khỏi đất nước này. Một chàng trai người Ý đến Ấn để tu nghiệp, sau đó trở về nước; nhưng tình yêu với Ấn Độ và cô gái Pháp có lẽ sẽ đẩy anh quay lại với đất nước kỳ bí này.

Tất nhiên, xã hội nào cũng có 2 mặt của nó, có người mạnh mẽ, dịu dàng, và tử tế; nhưng cũng có những người như cô vũ nữ

devadasi được một sinh viên Đức cứu và cưới trong truyện “Cuộc đổi chác”; hoặc như Vivek trong “Chuyên gia ăn tiệc” - người không bao giờ biết sự tự trọng là gì. Có những con người đầy lòng nhân ái, tinh thần hào hiệp, trượng nghĩa giúp đỡ người lúc khó khăn hoạn nạn trong truyện “Không ra nước mắt” thì cũng có những nhân vật tính toán thực dụng, như một nhà thơ và một nhà kinh doanh bất động sản trong truyện “Chuyên gia ăn tiệc”; hay anh chàng Modi chuyên vay mượn tiền bạn bè tiêu xài hoang phí mà không chịu trả trong truyện “Cho bạn vay tiền”...

Tuy vậy, với văn phong như vừa viết vừa cười tủm tỉm, với tâm thế nâng niu vẻ đẹp tâm hồn, 20 truyện ngắn được Hồ Anh Thái đọc lên khiến ta dễ chịu. “Một đàn chó hoang ăn chay”, chó hoang được làm bạn, được cho ăn, được đặt tên, được vào nhà thăm bạn ốm và được chào khách quý. Kể về chó, về công, về khỉ, về bò và tuyệt nhiên không có một chữ yêu thương, nhưng câu chuyện là biểu tượng về một tình yêu thương vô bờ bến. Có thể bởi “Người Ấn thế này, họ chỉ muốn làm cho người khác cảm thấy vui mừng khi đối diện, ngay cả khi họ sẽ tức giận sau khi bị lừa. Họ không xem đó là lừa dối. Đó chỉ là cách làm người khác hạnh phúc”.

20 truyện chẳng hề nhắc đến những hoài bão, ước mơ to lớn mà chỉ xoay quanh những điều nhỏ bé, vụn vặt mà bất cứ du học sinh nào cũng từng trải qua: là vấn đề tiền nong, tình duyên, khát khao khám phá hoặc những cuộc tranh luận không hồi kết của các bạn trẻ, là những khác biệt văn hóa chính trị của nhiều bạn đến từ nhiều quốc gia. Và trên tất cả là sự gắn kết trong tình bạn từ những năm tháng ấy đã theo họ suốt những chặng đường sau này để họ chờ nhau, đi tìm nhau dù ở trời Âu hay Á, dù chủ động hay tình cờ. Và dù số phận có an bài cuộc sống của mỗi người ra sao, hành trình đã qua có thể nào dễ quên cho được. Bằng cách sử dụng ngôn ngữ đơn giản, kể chuyện một cách rõ ràng và hấp dẫn, tác giả Hồ Anh Thái đã cuốn hút độc giả, khiến họ không thể ngừng đọc từ truyện ngắn này sang truyện khác; rồi cuối cùng họ phải công nhận việc ở lại chờ đợi lẻn vào lòng nhau là cảm giác vừa mơ hồ vừa hy vọng trong tâm lý của người trẻ. Tập truyện không chỉ dành cho người trẻ tuổi và những ai muốn ghi lại ký ức về tuổi trẻ, mà còn là chất men kích thích những người muốn tìm hiểu về Ấn Độ sẵn sàng lên kế hoạch cho một chuyến tham quan đất nước với sự đa dạng văn hóa này trong tương lai gần.

“Ở lại để chờ nhau”, hay là họ đã đi qua đời nhau như một làn gió thu nhè nhẹ thổi. Tất cả đọng lại là dư âm của một thời tuổi trẻ, một thời thanh xuân tươi đẹp. Cuộn băng thanh xuân ấy, với những người đã trải qua đó là ký ức đẹp, với những người đương bước vào thì đó là những háo hức đợi chờ. Thời gian sẽ cho mỗi người một bài học quý giá, sẽ giúp họ tìm thấy ý nghĩa của tình bạn, tình yêu và cuộc sống.

Bảo Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]