Chuyện về những “ngân hàng” máu sống
Nghe tin có bệnh nhân cần máu, chị Nguyễn Thị Thắm gọi chồng dậy lấy xe chạy xuống thành phố trong đêm. "Hai vợ chồng rời nhà lúc hơn 12h đêm, chỉ kịp dặn con vài việc. Lúc đó chẳng có thời gian suy nghĩ nhiều vì biết bệnh nhân đang rất cần", người phụ nữ sinh năm 1974 ở thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân, mở đầu câu chuyện.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thắm và gia đình chị Lê Thị Hương được UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện năm 2023-2024.
Ban đầu, chị Thắm định bắt xe khách nhưng nghĩ sẽ mất thời gian đợi, mà bệnh nhân đang cấp cứu tại Bênh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa nên ngỏ ý nhờ chồng là anh Ngô Đình Thi giúp đỡ và được anh hết sức ủng hộ. Chị kể, suốt đoạn đường di chuyển hai vợ chồng động viên nhau giữ cho mình một tinh thần tốt để đảm bảo sức khỏe khi hiến máu.
Bởi, nếu có sơ suất gì xảy ra máu không đến được người bệnh, bản thân sẽ rất ân hận.
Hơn tiếng sau, vợ chồng chị Thắm có mặt ở bệnh viện. Anh chị làm một số xét nghiệm cơ bản và hiến hai đơn vị máu (350 ml) kịp thời truyền cho bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Nghỉ ngơi khoảng 30 phút, đôi vợ chồng vội vã về nhà để kịp cho ngày làm việc mới.
Kể từ khi bắt đầu con đường thiện nguyện, chị chưa một ngày dám tắt máy khi đi ngủ. Chị sợ bỏ lỡ cuộc gọi của ai đó cần tới mình. “Mỗi lần được hiến máu giúp người, tôi lại cảm thấy cuộc sống của mình ý nghĩa hơn”, chị Thắm nói.
Còn nhớ, năm 2017 lần đầu chị đi hiến máu. Khi đó, lớp chị chủ nhiệm có một học sinh bị bệnh tan máu bẩm sinh. Với những bệnh nhân này, máu là nguồn sống như người bình thường ăn cơm mỗi ngày. Có những lúc thiếu máu, em phải chờ 2 - 3 ngày, thậm chí một tuần mới được truyền. Đến bệnh viện, sau khi khai báo những thông tin cần thiết và làm một số xét nghiệm cơ bản, chị ngồi đợi. Khi chị đi vào, có nhiều người hiến xong ra về, dường như gương mặt ai cũng thể hiện rõ nụ cười hạnh phúc.
Chị Thắm chia sẻ: “Có thể chúng tôi khác về độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, nhưng đến đây hiến máu ai cũng chung một mục đích là muốn cứu người”.
Sau lần đó, chị Thắm âm thầm cùng gia đình tham gia hiến máu nhiều lần. Chị trăn trở với câu hỏi: “Phải làm sao để nhiều người cùng tham gia hiến máu, tạo được một ngân hàng máu để khi cần là có ngay”. Năm 2022, chị và 2 người khác cùng nhau thành lập Câu lạc bộ hiến máu nhân đạo Giọt hồng xứ Thanh. Đây là nơi giao lưu, kết nối của những “ngân hàng máu sống” như vợ chồng chị Thắm và bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Khi có bệnh nhân cần máu, bệnh viện hoặc người nhà bệnh nhân sẽ viết lời kêu gọi trên nhóm, các thành viên trong nhóm nắm bắt và liên hệ cho máu nếu có thể. Hoạt động sôi nổi và hiệu quả, đến nay câu lạc bộ đã có 5.623 thành viên.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thắm và anh Ngô Đình Thi cùng tham gia hiến máu tình nguyện.
"Không có tiền thì tôi giúp đỡ người ta bằng những giọt máu. Mỗi lần cho đi là mình thấy vui ở trong tâm. Khi nào còn máu là tôi còn cho". Đó là bộc bạch của chị Lê Thị Hương, sinh năm 1974, xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương.
Lần đầu tiên người phụ nữ quê miền biển biết đến hiến máu nhân đạo là khi nhìn thấy băng rôn đỏ vận động người dân treo ở giữa đường. Lúc đó, chị không hiểu “hiến máu” là như thế nào nên tìm đến trung tâm hiến máu nhân đạo để hỏi. Khi biết được ý nghĩa những giọt máu mình cho đi sẽ cứu được người khác, chị liền đăng ký. Tuy nhiên lần đó, chị đang ốm nên không thể hiến máu.
Ít lâu sau chị tình cờ đọc được lời kêu gọi giúp đỡ trên mạng xã hội: "Cháu mình bị bệnh cần thay máu. Anh chị em hay bạn nào đủ điều kiện làm ơn đến bệnh viện xét nghiệm để hiến giúp cháu", và chị đã tìm đến Trung tâm Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa để hiến máu. "Lần đầu tiên ấy vừa nhìn thấy cây kim tôi phát hoảng lên, hai tay lật bật, mắt thì nhắm tít. Nghĩ rằng máu mình sẽ cứu được người khác nên dần dần tôi can đảm hơn. Những lần sau đó từ từ quen dần nên cũng bớt sợ", chị Hương tâm sự.
Cũng bắt đầu từ đây, cứ 3 tháng một lần chị lại đến các trung tâm để hiến máu. Đặc biệt, những lần sau chị đều có chồng song hành. Sau 3 năm, vợ chồng chị đã tham gia hiến máu nhân đạo 24 lần. “Chúng tôi nghĩ, trong cuộc đời mình rồi cũng có lúc cần đến sự giúp đỡ của người khác nên giờ mình còn sức thì mình cứ cho đi”, chị Hương chia sẻ.
Sau mỗi lần hiến máu trở về, chị thấy được cuộc sống ý nghĩa hơn. Thế rồi chị vận động thêm những người thân, bạn bè, hàng xóm cùng đi hiến máu với chị. "Có lần một người điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh cần rất nhiều máu để cứu chữa. Khi nghe tin, chúng tôi thuê một chiếc xe ôtô chở 10 người đến cho máu, nhờ đó bệnh nhân này được cứu sống", chị Hương kể.
Hiến máu cứu người, còn để cứu chính ta trong tương lai. Bởi một lần hiến máu, là một lần bạn được truyền máu miễn phí khi phải nằm viện sau này. Thực sự khi hiến máu, người hiến xem như được kiểm tra sức khỏe. Lượng máu hiến sẽ được thay mới trong vài ba ngày. Máu mới sẽ tốt hơn cho sức khỏe của người hiến. Quan trọng hơn, tham gia hiến máu, bạn đã tạo ra khác biệt giữa sự sống và cái chết...
Bài và ảnh: Tăng Thúy
{name} - {time}
-
2025-01-19 13:19:00
Nữ thẩm phán tận tâm vì nhiệm vụ
-
2025-01-18 13:57:00
Gương sáng học và làm theo Bác
-
2024-10-21 15:04:00
Bí thư chi bộ, trưởng bản gương mẫu, làm kinh tế giỏi
Những người mẹ đặc biệt
Cán bộ hội phụ nữ tâm huyết, trách nhiệm
Bác sĩ CKI Nguyễn Văn Sơn - Tấm gương sáng về y đức
Cầu thủ Nguyễn Tiến Linh được vinh danh “Thanh niên sống đẹp” năm 2024
Chi hội trưởng phụ nữ nhiệt huyết, trách nhiệm
Lan tỏa phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu”
Cô giáo “truyền lửa” đam mê học môn Lịch sử cho học sinh
Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận tận tâm với công việc của dân
Thanh niên trồng nấm làm giàu cho quê hương