(Baothanhhoa.vn) - Với người Kinh, đôi quang gánh là vật dụng sản xuất của các bà, các mẹ từ bao đời. Thì với đồng bào các dân tộc thiểu số, biểu tượng trong lao động, sinh hoạt của họ là chiếc gùi. Ở một góc nào đó thẳm sâu trong tâm hồn của người dân vùng cao, chiếc gùi như một người bạn tâm giao chia sẻ những buồn vui, nhọc nhằn trong cuộc sống thường nhật.

Chiếc gùi trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao xứ Thanh

Với người Kinh, đôi quang gánh là vật dụng sản xuất của các bà, các mẹ từ bao đời. Thì với đồng bào các dân tộc thiểu số, biểu tượng trong lao động, sinh hoạt của họ là chiếc gùi. Ở một góc nào đó thẳm sâu trong tâm hồn của người dân vùng cao, chiếc gùi như một người bạn tâm giao chia sẻ những buồn vui, nhọc nhằn trong cuộc sống thường nhật.

Chiếc gùi trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao xứ Thanh

Chiếc gùi theo người phụ nữ Thái lên nương ở Bá Thước.

Đồng bào các dân tộc thiểu số Mông, Thái, Dao... quần cư ở 11 huyện miền núi và họ sống trong những ngôi nhà bên triền đồi, dưới tán cổ thụ tỏa bóng, mặt trông về cánh đồng kéo tận chân núi. Họ sống yên bình và an hòa như tính cách của chủ nhân miền sơn cước, vẫn ăn “lộc rừng”, hưởng quả ngọt từ đất và luôn biết gìn giữ những giá trị tinh túy, nguyên sơ cho dân tộc mình. Non cao chào tháng 12 bằng những màn sương lạnh. Mùi đất, nước, cỏ cây, hoa lá... tỏa ra từ sân vườn cho tới nương rẫy, nhịp sống bận rộn cuốn trai gái trong làng mải miết lên nương, cặm cụi với từng hạt ngọc “trời ban”. Các ngôi nhà trong bản cửa đóng then cài, duy chỉ còn thấp thoáng bóng dáng các cụ già ở lại hun nóng căn bếp lửa giữa những ngày đông của vùng non thiêng.

Hễ ai một lần đến với các huyện vùng cao xứ Thanh như Bá Thước, Mường Lát... hình ảnh thân quen dễ bắt gặp nhất là chiếc gùi trên lưng các bà, các mẹ, các chị khi đi làm nương hoặc xuống chợ. Thú vị nhất là hình ảnh khi người phụ nữ lên nương, xuống chợ có con nhỏ thường mang theo gùi để cho con ngồi vào trong đó, chỉ cần xòe chiếc ô ra là em bé có ngay chỗ ngủ ngon lành trên lưng mẹ. Trên những nẻo đường xuống chợ, là những chiếc gùi đầy rau xanh, có khi là con gà, con lợn, con chó, hay một can rượu ngô vừa mới nấu... Khi phiên chợ tan thì chiếc gùi lại làm nhiệm vụ chuyên chở những vật dụng thiết yếu về bản.

Chính vì là vật dụng không thể thiếu nên hầu như chợ phiên nào ở vùng cao: chợ phiên Phố Đoàn (xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước), chợ phiên Nhi Sơn (xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát), chợ phiên bản Pùng (xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát)... đều có hẳn một dãy hàng chuyên bán gùi. Không chỉ làm sẵn mang đến chợ bán, ở những chợ phiên này, không ít lần chúng tôi còn bắt gặp hình ảnh một vài người đàn ông ngồi đan gùi ngay tại chợ. Dạo một vòng quanh chợ, chiếc gùi xuất hiện khắp nơi: Trên lưng những phụ nữ là chiếc gùi đựng đầy sản phẩm váy áo, khăn thổ cẩm để bán cho khách. Bên dãy hàng thực phẩm, chiếc gùi được dùng làm quầy hàng di động, bày bán hàng hóa. Khu đất trống trong khuôn viên chợ, những thiếu nữ Thái, Mông dập dìu váy áo thổ cẩm đang hàn huyên, trên lưng vẫn không thể thiếu chiếc gùi quen thuộc...

Không phải ngẫu nhiên chiếc gùi hình thành và có ở vùng cao. Tạo hóa thật công bằng khi ban tặng cho người vùng cao chiếc gùi để họ có thể leo ngang sườn dốc mang thóc, ngô hay nắm rau dớn, củ măng rừng về nhà. Nhờ gùi, đôi tay người vùng cao đỡ phần mệt mỏi. Cùng với con dao, cái cuốc, chiếc gùi gắn bó với người dân vùng cao, sẻ chia những nhọc nhằn, vất vả và trở thành vật dụng không thể thiếu trong đời sống của bà con, góp phần để những ruộng lúa, nương ngô phủ khắp núi đồi. Những hình ảnh ấy khiến chúng tôi nhớ đến câu nói của một chị người dân tộc Mông: “Chiếc gùi không phải là món đồ vô tri, nó là người bạn, vật tùy thân với người phụ nữ Mông trong cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn”.

Chiếc gùi trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao xứ Thanh

Chiếc gùi theo những người phụ nữ vùng cao xuống chợ.

Mỗi dân tộc có những kiểu dáng gùi khác nhau và sự sáng tạo hoa văn, họa tiết riêng, tạo nên nét độc đáo của chiếc gùi. Đối với đồng bào dân tộc ở miền núi cao, bà con thường chế tác thân gùi có hình chữ A lộn ngược, đế nhỏ, miệng loe, gọn gàng, thuận tiện khi lên nương làm rẫy. Còn đồng bào dân tộc ở vùng thấp hơn, chế tác miệng và đáy gùi khá cân đối. Với đồng bào dân tộc Mông ở Mường Lát thường đan gùi vào mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm, rồi để gác bếp mùa vụ năm sau mới đưa ra dùng. Lý do là bởi vào mùa mưa không khí có độ ẩm cao, khi chẻ những nan tre không nhanh khô, có độ dẻo tốt, uốn, gập dễ dàng không bị nứt gãy. Đây cũng là thời gian người đàn ông rảnh rỗi hơn sau những ngày lao động vất vả trên nương. Đồng thời, chiếc gùi như sự chuẩn bị cho một mùa thu hoạch với hy vọng về một mùa vụ bội thu, ấm no, hạnh phúc. Vào dịp tết, chiếc gùi cũng được gia chủ dán giấy đỏ làm lễ nghỉ ngơi, chuẩn bị cho một mùa vụ mới.

Xuống khe suối vớt một số thanh tre đã ngâm kỹ từ trước đó lên rửa sạch, phơi khô, ông Sung Văn Cấu, xã Nhi Sơn (Mường Lát) khẳng định: “Việc ngâm cật tre xuống nước chừng 2 - 3 tuần trước khi đan sẽ giúp sản phẩm làm ra bền và không bị mọt”. Cũng theo ông Cấu, mặc dù chiếc gùi gắn liền với cuộc sống hàng ngày của người phụ nữ Mông nhưng đây lại là sản phẩm đan đặc trưng của người đàn ông. Việc đan gùi cũng giống như việc đàn ông dân tộc Mông phải biết thổi khèn. Bắt đầu từ ông truyền sang bố, bố truyền lại cho con, để sau này lập gia đình riêng phải biết đan gùi cho vợ, con đeo. Trong đời người đàn ông Mông có thể phải đan cả trăm chiếc gùi, bởi sau vài năm chiếc gùi lại hỏng hoặc xuống cấp cần đan cái mới. Hơn nữa, trong gia đình, ai cũng có gùi riêng tùy theo độ tuổi của mình và cũng có nhiều loại gùi dành riêng cho các công việc khác nhau như: gùi thưa dùng để mang củi, mang ống nước từ rẫy, từ suối về nhà; gùi cỡ lớn, đan dày dùng đựng thóc, ngô...; có loại đẹp hơn thì dùng đi chợ...

Chiếc gùi trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao xứ Thanh

Trong một gia đình người Mông có rất nhiều gùi.

Chặt tre, chọn cây, vót thanh là những công đoạn đầu tiên của một chiếc gùi, nói thì đơn giản nhưng bên trong đó là cả một kho kinh nghiệm quý giá về nghệ thuật đan lát mà không phải ai cũng nắm được và hiểu trọn vẹn về nó. Ông Cấu thường chọn các cây tre thẳng đều vừa tuổi, tầm 4-5 năm, không quá non và cũng không quá già. Bởi nan tre quá non khi khô sẽ teo tóp, còn già quá sẽ giòn, dễ gãy khi đan. Ngoài ra, thời điểm chặt phải tránh ngày trăng sáng vì theo quan niệm của người Mông, chặt lúc có trăng, tre nhanh mọt. Tre được mang về, đo, cưa từng khúc, rồi chẻ, vót thành các nan rộng khoảng 1cm với hai lớp vỏ và lõi để riêng biệt. “Để có được chiếc gùi đẹp hay không thì quá trình vót tre phải tỉ mẩn và chi li. Khi vót tre, người đan gùi chú ý nhiều đến việc bỏ những phần non và chỉ lấy phần cứng của thân tre. Nếu không thận trọng trong quá trình vót tre thì khi đan gùi sẽ bị xơ xước mất giá trị thẩm mỹ. Sau khi vót xong tre đem ngâm, phơi ngoài trời nắng để chống sâu mọt”, ông Cấu chia sẻ.

Chiếc gùi trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao xứ Thanh

Cửa hàng bán gùi tại chợ phiên Phố Đoàn (Bá Thước).

Vì chiếc gùi hình trụ loe dần lên phần miệng nên để đan được đẹp cần nhiều kỹ thuật. Đầu tiên phải đan phần đáy hình vuông trước, sau đó đan chéo đôi nan trúc thứ tự từ đáy lên đến miệng khoảng 10 vòng lõi tre, phần cật đẹp phải hướng ra ngoài để tạo độ thẩm mỹ cho chiếc gùi. Đan một lượt thưa, trước khi gập xuống đáy, lấy một đoạn tre dày khoảng 1 cm, rộng 2,5 cm tạo thành hình tròn chồng lên miệng. Sau đó gập các nan lại xuyên qua các lỗ từ miệng xuống đáy, sao cho các lỗ hổng để gùi kín. Phần thừa của nan gập vào đáy tạo hai lớp giữ gùi vững chắc hơn. Ông Cấu nói: “Đan gùi quan trọng là phần đáy, đây cũng chính là phần khó đan nhất, người đan phải vững tay nghề để có thể gò cong phần đáy. Nhưng tốn thời gian nhất lại là đan thành gùi. Lúc đan, 2 ngón tay trỏ phải lật các thanh dọc đều và cẩn thận. Mỗi đường nan cũng phải kéo thật chặt để không bị hở. Thường để chiếc gùi bền lâu, đẹp mắt, tôi sẽ dùng thêm nan mây hoặc nan tre non để nhiều năm trên gác bếp đan ở dưới đáy và trên miệng”.

Phần phụ của gùi là hai dây đeo được làm từ cây móc mọc trong rừng. Dây được đan giống như tết tóc của phụ nữ nhưng phức tạp hơn để khi đeo dù có nặng đến mấy cũng không thấy đau vai. “Thời gian hoàn thiện một chiếc gùi tùy vào mức độ khéo tay, sự nhanh nhẹn của người đàn ông. Một cái gùi lớn, tôi mất khoảng một tuần để hoàn thành, thường có giá từ 500.000 - 600.000 đồng, gùi nhỏ hơn từ 200.000 - 300.000 đồng. Việc đan gùi cũng giúp gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập, trang trải cuộc sống”, ông Cấu nói.

Bài và ảnh: Tăng Thúy


Bài và ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]