Chỉ thị số 40-CT/TW - khẳng định vai trò “trụ đỡ” trong công cuộc giảm nghèo bền vững (Bài 2): Cánh én dệt mùa xuân
Trên hành trình giảm nghèo bền vững của tỉnh Thanh Hóa những năm qua, không thể không nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của tín dụng chính sách. Trong đó, nguồn vốn tín dụng do Ngân hàng chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (NHCSXH Thanh Hóa) triển khai đã trở thành “cánh én dệt mùa xuân", mang lại ấm no cho nhiều gia đình khó khăn, gia đình chính sách...
Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH Triệu Sơn phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại xã Vân Sơn. Ảnh: Lương Khánh
Khẳng định tính nhân văn
Thị xã Nghi Sơn là một ví dụ sinh động về sự chuyển mình của một địa phương nhiều khó khăn trở thành một đô thị mới đầy năng động. Trong sự đổi thay và phát triển ấy, bên cạnh việc phát huy những lợi thế đặc trưng của địa phương, thì không thể không nói đến sự “trợ lực” từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Bởi, từ thực tiễn 10 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40-CT/TW), cho thấy: Tín dụng chính sách đã trở thành trụ cột quan trọng, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương xuống còn 2,06%. Đây sẽ là cơ sở để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Nghi Sơn quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội cho cả nhiệm kỳ 2020-2025.
Mô hình kinh tế của gia đình bà Hoàng Thị Doanh (phường Xuân Lâm, thị xã Nghi Sơn) có được sự phát triển như hiện nay là nhờ sự quan tâm hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và NHCSXH. Bà Doanh chia sẻ: “Trước đây do không có việc làm ổn định nên cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn. Được tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét và tín chấp với NHCSXH Nghi Sơn, tôi đã được vay 100 triệu đồng để đầu tư nuôi tôm quảng canh. Đến nay, gia đình tôi đã có 3 ao nuôi, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm".
Không chỉ gia đình bà Doanh mà nhiều hộ nghèo, gia đình chính sách ở thị xã Nghi Sơn, nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH và sự quan tâm, động viên của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình và địa phương. Được biết, nhằm cụ thể hóa chủ trương huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách, cấp ủy, chính quyền thị xã đã bố trí 100% chủ tịch UBND cấp phường, xã trên địa bàn tham gia làm thành viên trong Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH thị xã; đồng thời, bố trí về địa điểm và bảo đảm an ninh, an toàn cho các buổi giao dịch... Đến cuối tháng 6/2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn thị xã đạt hơn 820 tỷ đồng, với hơn 14.000 khách hàng vay vốn.
Cũng như thị xã Nghi Sơn, huyện Nga Sơn đã vận dụng linh hoạt các nguồn vốn và rà soát, xác định đối tượng, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi. Giám đốc NHCSXH Nga Sơn Cù Ngọc Thanh, khẳng định: Sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển ổn định, bền vững hoạt động tín dụng chính sách. Nhờ đó, ngân hàng đã xây dựng, tổ chức thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Gia đình anh Nghiêm Văn Trường, thôn Hưng Đạo, xã Nga Thủy là một trong những hộ sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH hiệu quả. Ban đầu vay với số tiền 30 triệu đồng, anh đầu tư phát triển nghề sản xuất chiếu cói. Qua từng năm tích lũy kinh nghiệm, cơ sở sản xuất của gia đình anh có hiệu quả kinh tế và được tạo điều kiện nâng hạn mức vay lên 50 triệu đồng để mở rộng cơ sở, mua thêm máy dệt chiếu. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp gia đình anh Trường thoát nghèo, mang lại nguồn thu nhập ổn định mỗi năm hơn 200 triệu đồng.
“Thấu hiểu lòng dân - tận tâm phục vụ”
Sau một thập kỷ triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn tỉnh, với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống NHCSXH ngày càng được hoàn thiện, hiệu quả. Đối với mỗi cán bộ NHCSXH luôn thấm nhuần phương châm “thấu hiểu lòng dân - tận tâm phục vụ”, gần dân, sát dân, rà soát kịp thời các đối tượng, nắm bắt được nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách để cho vay đúng, cho vay đủ để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong hành trình phát triển kinh tế.
Nhờ đó, 100% các huyện, thị xã, thành phố đã sử dụng nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển qua NHCSXH cùng cấp, để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Giai đoạn 2014-2024, toàn tỉnh đã có 847.900 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, với tổng doanh số cho vay đạt 32.588 tỷ đồng. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ tạo việc làm cho hơn 63.000 lao động; giúp 13.900 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng 520.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 12.536 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống và nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp. Đồng thời, hỗ trợ 14 doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 vay vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh và trả lương ngừng việc cho hơn 2.000 lượt lao động. Nguồn vốn tín dụng đã giúp trên 194.500 hộ thoát ngưỡng nghèo và góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 3,52% vào cuối năm 2023...
Hiệu quả đầu tư nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ tính bằng hiệu quả kinh tế; mà còn góp phần đạt được mục tiêu lớn hơn là nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân. Trên hành trình đó, NHCSXH Thanh Hóa là những “nhịp cầu” đưa nguồn vốn tín dụng chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người nghèo và các đối tượng yếu thế “không bị bỏ lại phía sau”.
Lương Khánh
Bài cuối: Để tín dụng chính sách xã hội phát triển bền vững.
{name} - {time}
-
2025-01-15 11:20:00
Nhiều mô hình nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu
-
2025-01-15 10:01:00
Prudential khai trương Văn phòng Tổng đại lý theo mô hình mới tại huyện Thiệu Hóa
-
2024-07-13 16:01:00
Các chi nhánh Agribank phối hợp chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản ngân hàng
Bá Thước với nhiều giải pháp bứt phá
Bảo vệ an toàn hồ chứa nước phục vụ sản xuất và dân sinh
Tăng trưởng ấn tượng, tạo đà cán đích các mục tiêu phát triển năm 2024 (Bài 1): Nhiều dấu mốc mới
Bản tin Tài chính ngày 13/7: Vàng tiếp đà tăng mạnh
Nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách
Đẩy mạnh phát triển sản phẩm, dịch vụ tài chính vi mô
Chỉ thị số 40-CT/TW - khẳng định vai trò “trụ đỡ” trong công cuộc giảm nghèo bền vững (Bài 1): Chính sách của Đảng - điểm tựa của dân
Chợ OCOP và ẩm thực xứ Thanh sẽ được tổ chức tại Quảng trường biển Sầm Sơn từ 21/7 đến 3/8
Bảo đảm thực hiện đúng tiến độ dự án hồ chứa nước Bản Mồng giai đoạn 1