Chậm trả tiền lương cho giáo viên hợp đồng ở Đông Sơn, do đâu?
Dù đã thực hiện công việc giảng dạy sau khi được ký hợp đồng lao động theo N ghị định 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ , nhưng đã nhiều tháng trôi qua, 63 giáo viên hợp đồng trên địa bàn huyện Đông Sơn vẫn chưa nhận được bất cứ một đồng lương nào.
Giáo viên mòn mỏi chờ lương
Cô N.T.T, giáo viên hợp đồng tại một trường mầm non trên địa bàn huyện Đông Sơn chia sẻ: Tôi được ký hợp đồng theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ và bắt đầu đi dạy từ tháng 4/2024. Song từ đó đến nay, tôi vẫn chưa nhận được bất cứ đồng lương nào theo quy định đã ghi trong hợp đồng. Do nhà cách xa trường 8 km nên để có chi phí xăng xe đi lại, tiền chi phí sinh hoạt, tôi đều phải xin bố mẹ. Rất mong các cấp, ngành trong huyện sớm giải quyết để đội ngũ giáo viên hợp đồng chúng tôi được nhận lương, sớm ổn định cuộc sống và yên tâm công tác.
Cô N.T.D, giáo viên hợp đồng đang giảng dạy tại một trường TH&THCS trong huyện cũng cho hay: Việc chậm trễ trong việc chi trả lương khiến cuộc sống của gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân cô đang nuôi 2 con nhỏ đi học, chồng thì ốm đau bệnh tật phải đi bệnh viện thường xuyên, vì vậy để có tiền trang trải cuộc sống cô phải vay mượn nhiều nơi. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên nhà trường song cô vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Theo tìm hiểu, 63 giáo viên hợp đồng tại huyện Đông Sơn được ký theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ từ tháng 4/2024 đến nay đã trực tiếp làm nhiệm vụ giảng dạy, đứng lớp, nhưng hiện tại chưa nhận được bất cứ khoản tiền lương nào. Mặc dù các giáo viên đều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chấp hành đầy đủ nội quy, quy định của nhà trường và thực hiện nghĩa vụ đóng góp theo quy định...
Một góc Trường Mầm non Đông Thịnh.
Trường Mầm non Đông Thịnh hiện có 3 giáo viên hợp đồng được ký theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Cô Mai Thị Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Sau khi nhận được quyết định phân công giáo viên của huyện, nhà trường đã ký hợp đồng với 3 giáo viên từ tháng 4/2024.
Trong quá trình công tác đến nay các cô giáo luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, thực hiện nghiêm quy định của nhà trường. Tuy nhiên, trong gần 6 tháng qua, ngoài việc nhận được 1,4 triệu đồng do nhà trường chi trả chế độ phục vụ tăng giờ bán trú, thì 3 giáo viên hợp đồng trong trường vẫn chưa nhận được bất cứ đồng lương nào. Chúng tôi cũng mong các cấp, ngành trong huyện sớm giải quyết để các cô có thu nhập, ổn định cuộc sống và yên tâm gắn bó với nghề.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo tìm hiểu, ngày 17/4/2024 UBND huyện Đông Sơn đã ban hành Quyết định số 1374/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả xét tuyển và phân công công tác đối với lao động hợp đồng làm giáo viên ngành giáo dục và đào tạo huyện Đông Sơn theo nghị định 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Sau đó, hiệu trưởng các trường mầm non, THCS trên địa bàn huyện đã kí hợp đồng tuyển dụng đối với 63 lao động làm giáo viên (giáo viên mầm non là 25 người, THCS là 38 người). Hợp đồng tuyển dụng do hiệu trưởng các trường kí, ghi rõ quyền lợi của giáo viên hưởng mức lương bậc 1, hệ số 2,34, hưởng 30% phụ cấp đứng lớp và tiền lương trả vào trước ngày 10 hằng tháng. Tuy nhiên, đã nhiều tháng trôi qua các giáo viên hợp đồng tại huyện vẫn chưa nhận được lương.
Quyết định về việc bổ sung dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2024 của huyện Đông Sơn.
Nói về vấn đề này, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Đông Sơn Lã Đức Thọ thừa nhận có tình trạng chậm chi trả lương giáo viên hợp đồng được ký theo nghị định 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Sự chậm trễ này do nhiều nguyên nhân, cụ thể là theo quyết định số 3180/QĐ-UBND ngày 29/7/2024 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho các địa phương chi trả cho giáo viên lao động hợp đồng và thông báo số 4327/TB-STC ngày 30/7/2024 của Sở Tài chính về việc bổ sung có mục tiêu ngân sách nhà nước năm 2024, ngày 9/8/2024 UBND huyện Đông Sơn đã có quyết định số 6964/QĐ-UBND về việc bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024.
Cụ thể, theo quyết định này sẽ bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước cho các đơn vị thuộc sự nghiệp giáo dục, kinh phí chi trả cho giáo viên hợp đồng theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP của chính phủ năm 2024 với số tiền 3.284.719.000 đồng.
Từ khi huyện có quyết định phân bổ kinh phí chi trả cho giáo viên hợp đồng theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ, gần 2 tháng trôi qua (từ 9/8 đến nay), số tiền vẫn chưa được chi trả cho các giáo viên hợp đồng.
Theo ông Lã Đức Thọ, lý do là một số thủ tục, quy trình còn vướng mắc. Trong đó, có quy định Phòng Nội vụ và Tài chính - Kế hoạch của huyện phải gửi quyết định về việc giao số lượng người làm việc đối với lao động hợp đồng làm giáo viên ngành giáo dục và đào tạo huyện Đông Sơn theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ năm 2024 cho Kho bạc nhà nước tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, vấn đề này các đơn vị liên quan không nắm được, dẫn đến chưa thực hiện sớm quy trình bàn giao số lượng người làm việc đối với lao động hợp đồng làm giáo viên ngành giáo dục và đào tạo huyện Đông Sơn theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ năm 2024 cho Kho bạc nhà nước tỉnh Thanh Hóa, dẫn đến việc tiền lương chi trả cho giáo viên hợp đồng của huyện “bị ghim” ở Kho bạc Nhà nước từ tháng 8 đến nay.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn Nguyễn Hồng Quang: Từ khi huyện có quyết định phân bổ kinh phí chi trả cho giáo viên hợp đồng theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ, chúng tôi đã giao Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Nội vụ và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện đúng các quy trình, thủ tục liên quan. Tuy nhiên các quy trình, thủ tục cũng cần thời gian để hoàn tất, đối chiếu giữa các bên liên quan, nên đến nay vẫn chưa trả được lương cho giáo viên hợp đồng.
“Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn tất các thủ tục còn lại trong thời gian sớm nhất để nhanh chóng giải quyết việc chi trả lương cho giáo viên hợp đồng”, ông Quang cho biết.
Nhóm PV
- 2024-10-03 12:22:00
Nhiều năm lưu thông trên “con đường đau khổ”, cử tri Lang Chánh đồng loạt kiến nghị
- 2024-09-24 10:02:00
Hố ga mất nắp, nguy hiểm cho người đi đường
- 2024-08-20 16:57:00
Sở Giao thông - Vận tải trả lời sau phản ánh của Báo Thanh Hóa về nguy cơ sạt lở tại dốc Sáp Ong
Đảm bảo quyền lợi trên đất cho hộ gia đình bà Trần Thị Quý
Nắp hố ga “bẫy” người tham gia giao thông
Cảnh báo nguy cơ sạt lở tại dốc Sáp Ong
Nhiều chỉ tiêu môi trường vượt quy định, một trang trại chăn nuôi lợn bị phạt hơn 120 triệu đồng
Tháo dỡ bè, mảng trái phép tại Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Lạch Bạng
Nghĩa trang Bệnh viện K71 cần sớm được tu tạo, nâng cấp
Xử lý dứt điểm tình trạng nuôi cá lồng, bè tự phát
UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, xác minh thông tin sau phản ánh của Báo Thanh Hóa