Toàn cảnh mưa lũ tại Thanh Hóa ngày 8/9
Ngày 8/9, trên địa bàn Thanh Hóa hậu quả của cơn bão số 3 vẫn khá nặng nề. Để có cái nhìn đầy đủ, Báo Thanh Hóa cập nhật tình hình thiệt hại cũng như công tác khắc phục tại các địa phương.
Báo động I trên sông Lèn
Tối 8/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT,TKCN&PTDS) tỉnh có Công điện UBND các huyện Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn phát lệnh báo động I trên sông Lèn tại Trạm thủy văn Lèn.
Do mưa lớn trên thượng nguồn, mực nước sông Lèn đang lên nhanh, hồi 21h00 ngày 8/9/2024 mực nước sông Lèn tại Trạm thủy văn Lèn là 3.48m (dưới mức báo động I: 0.52m), dự báo mực nước sông Lèn có khả năng đạt mức báo động I (+4.00m) vào khoảng 1-3h sáng ngày 09/9/2024.
Ban Chỉ huy PCTT,TKCN&PTDS tỉnh phát lệnh báo động I trên sông Lèn tại Trạm thủy văn Lèn, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện triển khai ngay việc tuần tra canh gác đê và hộ đê theo cấp báo động.
Tổ chức kiểm tra, rà soát và có phương án xử lý đảm bảo an toàn cho công trình đê điều; đặc biệt là các đoạn đê xung yếu, cống dưới đê trên địa bàn.
Chủ động triển khai phương án sơ tán dân sinh sống ở vùng bãi sông.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ để sẵn sàng xử lý các tình huống ngay từ giờ đầu; thông tin, báo cáo kịp thời về Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh và Văn phòng thường trực Chỉ huy Phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Lê Hợi
Nhanh chóng giúp dân thu hoạch lúa có nguy cơ ngập lụt do nước sông Mã dâng cao
Mực nước trên sông Mã thuộc địa phận thị trấn Quý Lộc (Yên Định) đang dâng cao, có nguy cơ gây ngập úng 30 ha lúa mùa sắp thu hoạch của Nhân dân tổ dân phố số 10. Ngay chiều 8/9, cấp uỷ, chính quyền thị trấn đã chỉ đạo và huy động hội viên Hội LHPN, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên trên địa bàn khẩn trương giúp các hộ dân thu hoạch.
Các lực lượng xuống đồng giúp dân thu hoạch lúa.
Đến chiều tối các lực lượng đã huy động thêm máy móc để khẩn trương hoàn thành xong toàn bộ diện tích lúa có nguy cơ cao bị ngập lụt, giảm thiệt hại đáng kể cho bà con.
Được biết, chiều 8/9 Chủ tịch UBND huyện Yên Định đã ban hành công điện về việc phát lệnh Báo động I trên sông Mã và yêu cầu chủ tịch UBND các xã, thị trấn triển khai ngay việc tuần tra canh gác đê và hộ đê theo các cấp báo động; tổ chức kiểm tra, rà soát và có phương án xử lý đảm bảo an toàn cho công trình đê điều; đặc biệt là các đoạn đê xung yếu, cống dưới đê trên địa bàn; chủ động triển khai phương án sơ tán dân sinh sống ở vùng bãi sông; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ để sẵn sàng xử lý các tình huống ngay từ giờ đầu.
Hiệp Thương (CTV)
Lang Chánh: Thăm hỏi và hỗ trợ người dân, điểm trường học bị tốc mái
Huyện Lang Chánh có 7 ngôi nhà bị tốc mái, hư hại, một số công trình của điểm Trường Mầm non khu Tân Bình và khu Tân Sơn, xã Tân Phúc bị sập và tốc mái; 5 ngôi nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất và gần 2ha diện tích lúa, hoa màu bị gãy đổ... ước tính thiệt hại trên 250 triệu đồng.
Lãnh đạo huyện Lang Chánh thăm hỏi, trao hỗ trợ kinh phí sửa chữa điểm Trường Mầm non khu Tân Bình, xã Tân Phúc
Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh Hoàng Văn Thanh cho biết: Ngay sau khi bão đi qua, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng, các xã, thị trấn khẩn trương huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của cơn bão số 3. Trong chiều 8/9 lãnh đạo huyện đã đến thăm hỏi và hỗ trợ gia đình người dân, các điểm trường học bị tốc mái một phần kinh phí để khắc phục, sửa chữa sớm ổn định cuộc sống cũng như đảm bảo điều kiện dạy và học của các nhà trường.
Trao tiền hỗ trợ ban đầu cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3.
Người dân khẩn trương khắc phục hậu quả do mữa bão gây ra.
Cùng với đó, huyện cũng đã kiểm tra và huy động lực lượng, phương tiện, nhân lực khắc phục điểm sạt lở tại km 76H4 đến km76H5 chân dốc Sáp Ong trên tuyến Quốc lộ 15 A; điểm sạt lở khu phố Phống Bàn, thị trấn Lang Chánh, khu định cư mới tại bản Căm, xã Tam Văn. Đồng thời chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra, hỗ trợ tiêu úng, khắc phục diện tích hoa màu bị gãy đổ để Nhân dân sớm ổn định cuộc sống.
Phong Sắc - Đình Toàn
Vĩnh Lộc chỉ đạo khẩn trương khắc phục thiệt hại
Theo báo cáo nhanh từ Phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Lộc, mưa đã làm 14,87 ha lúa trên địa bàn huyện đổ nằm rạp; 41,3 ha lúa bị đổ nghiêng, tập trung tại Vĩnh An, Vĩnh Hùng, Minh Tân, Ninh Khang và Vĩnh Yên... Hiện các xã đang huy động lực lượng tổ chức dựng bó buộc thành từng khóm tránh bông lúa bị ngập nước.
Lãnh đạo huyện Vĩnh Lộc và thị trấn Vĩnh Lộc kiểm tra, thăm đồng chỉ đạo khẩn trương khắc phục thiệt hại.
Mưa lớn cũng làm hạ lưu Cống Xuôi ở xã Vĩnh Hùng bị sạt lở về phía bờ sông Mã có chiều rộng khoảng 2,5 m; chiều dài trên 10m, chiều sâu khoảng 5m, làm tê liệt tuyến giao thông này. UBND xã Vĩnh Hùng đã cắm biển cảnh báo và rào chắn 2 đầu đường ngăn không cho người qua lại, đồng thời phân công lực lượng trực 24/24 để đảm bảo an toàn.
Cống Xuôi xã Vĩnh Hùng bị sạt lở về phía bờ sông Mã.
Hiện nay mực nước sông Bưởi đang dâng nhanh, chảy ngược qua cống Khua vào phía đồng, UBND thị trấn Vĩnh Lộc đã huy động lục lực lượng dùng bao đất đắp ngăn không cho nước vào nhằm đảm bảo diện tích lúa cho Nhân dân.
Thị trấn Vĩnh Lộc huy động lực lượng dân quân tự vệ tham gia đắp ngăn không cho nước vào phía đồng.
Trước tình hình trên UBND huyện Vĩnh Lộc chỉ đạo các xã, thị trấn và Chi nhánh Thủy nông huyện tích cực tiêu thoát nước đệm đồng thời thông báo, hướng dân người dân khẩn trương khắc phục tình trạng ngập úng buộc dựng lúa đổ rạp trên cánh đồng.
Lê Thu (CTV)
Thêm 1 tàu cá của ngư dân Thanh Hóa bị chìm khi tránh trú bão số 3
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT,TKCN và PTDS) thị xã Nghi Sơn, Đồn Biên phòng Hải Hoà và UBND phường Hải Thanh vừa nhận được thông tin 2 tàu cá mang số hiệu TH-91926-TS và TH-90658-TS của người dân tổ dân phố Thượng Hải, phường Hải Thanh, do ông Nguyễn Văn Thân, sinh năm 1956 là thuyền trưởng cùng 9 thuyền viên bị mất liên lạc từ 11 giờ ngày 07/9/2024 khi đang tránh trú bão tại Cảng Cái Rồng, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Sau khi nhận được thông tin, các đơn vị đã phối hợp xuống gia đình động viên, thăm hỏi gia đình, nắm bắt thông tin. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng, lực lượng có liên quan để kết nối, liên lạc với chủ phương tiện và các thuyền viên.
Đến 14 giờ ngày 8/9, người thân và địa phương đã liên lạc được với thuyền trưởng và các thuyền viên trên 2 tàu. Hiện tại, các thuyền viên trên tàu vẫn an toàn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa, bão tàu mang số hiệu TH-91926-TS của gia đình bà Nguyễn Thị Cúc ở phường Hải Thanh bị chìm.
Trước đó, đã có 4 tàu cá của ngư dân Thanh Hóa bị chìm khi neo đậu tránh, trú bão tại TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
Lê Hoà
Lũ trên sông Bưởi khả năng đạt mức báo động II vào tối nay
Vào hồi 15 giờ ngày 8/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh tiếp tục phát đi công điện số 08 để phát lệnh Báo động II trên sông Bưởi.
Nước sông Bưởi tại Kim Tân vào chiều 8/9 tiếp tục dâng cao.
Theo đó, mực nước sông Bưởi đang lên nhanh, hồi 14h ngày 8/9/2024 mực nước sông Bưởi đo được tại Trạm Thủy văn Kim Tân là 10.36m, dưới báo động II là 0.64m. Dự báo mực nước sông Bưởi tại Trạm Thuỷ văn Kim Tân có khả năng đạt mức Báo động II (BĐ II +11.00 m) vào khoảng từ 20-22 giờ ngày 08/9/2024.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện Thạch Thành và Vĩnh Lộc:
Triển khai ngay việc tuần tra canh gác đê và hộ đê theo các cấp báo động.
Tổ chức kiểm tra, rà soát và có phương án xử lý đảm bảo an toàn cho công trình đê điều; đặc biệt là các đoạn đê xung yếu, cống dưới đê trên địa bàn.
Chủ động triển khai phương án sơ tán dân sinh sống ở vùng bãi sông.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ để sẵn sàng xử lý các tình huống ngay từ giờ đầu; thông tin, báo cáo kịp thời về Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh và Văn phòng thường trực Chỉ huy Phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Lê Đồng
Kết thúc lệnh cấm biển, cho phép các hoạt động trên biển, ven biển
Chiều 8/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh (PCTT,TKCN&PTDS) thông báo kết thúc lệnh cấm biển và cho phép các hoạt động ven biển và trên biển trở lại bình thường kể từ 15 giờ ngày 8/9/2024.
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 3 năm 2024, nhằm đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền trên địa bàn tỉnh trong thời gian có bão, UBND tỉnh đã có Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 5/9/2024, Ban Chỉ huy PCTT,TKCN&PTDS tỉnh đã có Thông báo số 18/TBPCTT,TKCN&PTDS ngày 5/9/2024, trong đó yêu cầu tổ chức cấm biển trên địa bàn tỉnh từ 12 giờ ngày 6/9/2024 cho đến khi không còn ảnh hưởng của bão.
Hiện nay, bão số 3 đang tan dần, Ban Chỉ huy PCTT,TKCN&PTDS tỉnh thông báo kết thúc Lệnh cấm biển và cho phép các hoạt động ven biển và trên biển trở lại bình thường kể từ 15 giờ ngày 8/9/2024.
Lê Hợi
Báo động I trên sông Mã
Chiều 8/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh (PCTT,TKCN&PTDS) đã có Công điện gửi Chủ tịch UBND các huyện: Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Yên Định, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa và thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn phát lệnh báo động I trên sông Mã.
Báo động I trên sông Mã
Hiện nay, mực nước sông Mã đang lên nhanh, hồi 14giờ ngày 8/9 mực nước đo được tại Trạm Thủy văn Cẩm Thủy là 18.97m, dưới mức báo động II là 0.03m (BĐII: 19m); tại Trạm Thủy văn Lý Nhân là 8.85m dưới mức báo động I là 0.65m (BĐI: 9.50m); cảnh báo mực nước sông Mã tại Trạm Thuỷ văn Lý Nhân có khả năng đạt mức báo động I (+9.50m) vào khoảng 18 - 20h ngày 8/9/2024.
Ban Chỉ huy PCTT,TKCN&PTDS phát lệnh báo động I trên sông Mã tại Lý Nhân, yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương triển khai ngay việc tuần tra canh gác đê và hộ đê theo các cấp báo động.
Tổ chức kiểm tra, rà soát và có phương án xử lý đảm bảo an toàn cho công trình đê điều; đặc biệt là các đoạn đê xung yếu, cống dưới đê trên địa bàn.
Chủ động triển khai phương án sơ tán dân sinh sống ở vùng bãi sông.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ để sẵn sàng xử lý các tình huống ngay từ giờ đầu; thông tin, báo cáo kịp thời về Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh và Văn phòng thường trực Chỉ huy Phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Hải Đăng
Nhiều tuyến giao thông bị sạt lở
Đến ngày 8/9 nhiều tuyến Quốc lộ (QL) trên địa bàn Thanh Hóa xảy ra một số điểm sạt lở gây khó khăn cho người dân tham gia giao thông.
Đơn vị quản lý đường bộ cắm cọc tiêu cảnh báo điểm có nguy cơ sạt lở trên Quốc lộ 15.
Trên QL.15, tại Km20+850 phía trái trái tuyến địa phận xã Phú Thanh (Quan Hóa) xuất hiện vết nứt taluy dương có nguy cơ sạt lở với chiều dài khoảng 200m, chiều cao khoảng 15m-30m, bề rộng vết nứt khoảng 0,5m đến 1m; tại Km26+050 phía trái tuyến sạt lở taluy dương chiếm 2/3 mặt đường, giao thông qua lại khó khăn.
Sạt lở Quốc lộ 15C qua xã Trung Lý ngày càng nghiêm trọng.
Trên QL 15C, tại Km64+980 (phải tuyến) địa phận xã Trung Lý (Mường Lát) xuất hiện vết nứt cung trượt taluy âm chiều dài khoảng 30m; tại Km88+750 (phải tuyến) tiếp tục xuất hiện thêm vết nứt mặt đường đến sát lề sát lề đường phía trái tuyến; tại Km99+020 (trái tuyến) đá lăn gây tắc mặt đường.
Đơn vị quản lý đường bộ huy động phương tiện khắc phục sạt lở trên Quốc lộ 15.
Trên QL 16 tại Km11+980 sạt lở, cây đổ chắn ngang đường; tại Km32+200 đá lớn tắc đường; tại Km34+600 (trái tuyến), Km35+400 (trái tuyến) địa phận xã Mường Lý (Mường Lát) xuất hiện vết nứt cung trượt taluy âm chiều dài khoảng 35m.
Trên QL 217B sa bồi rãnh dọc tại Km26+750 với khối lượng khoảng 60m3.
Ngay sau khi phát hiện, Sở Giao thông - Vận tải đã đôn đốc các đơn vị quản lý phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cảnh báo người dân và phương tiện chú ý khi đi qua các đoạn tuyến nguy hiểm nêu trên. Đồng thời, lắp đặt biển cảnh báo ở hai đầu vị trí, căng dây an toàn, chuẩn bị thiết bị, nhân công để kịp thời xử lý khi có ách tắc giao thông.
Các đơn vị thực hiện các biện pháp xử lý, đảm bảo giao thông như phát cây, hót sa bồi, cắm biển cảnh báo, rào chắn tại các vị trí sạt lở, sụt trượt, đường tràn ngập sâu... Phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, bố trí người trực gác, hướng dẫn giao thông, nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến. Vì vậy, ngoài các vị trí tràn bị ách tắc cục bộ, giao thông trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh vẫn đang được đảm bảo thông suốt, chưa xảy ra ách tắc.
Lê Hợi
Gần 38 ha lúa, rau màu tại thành phố Sầm Sơn bị đổ, gãy
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Sầm Sơn, đến 14h ngày 8/9 bão số 3 làm thiệt hại gần 38 ha lúa và rau màu, khoảng 2ha diện tích nuôi trồng thủy sản
Hiện UBND thành phố chỉ đạo các xã, phường hướng dẫn các hộ nông dân ra đồng bó dựng lại lúa đổ, ngã và tiêu thoát nước ruộng một số diện tích gieo trồng cây trồng vụ đông sớm.
Lực lượng chức năng thành phố Sầm Sơn khắc phục hậu quả sau mưa bão.
Đối với 35 cây xanh đô thị đã bị gãy, đổ, UBND thành phố giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố khẩn trương đào bỏ, xử lý cây đổ gãy; dựng lại cây bị đổ sạp trên các tuyến đường.
Để chủ động khắc phục thiệt hại của bão số 3, UBND thành phố chỉ đạo các phường, xã phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực tiêu thoát nước ở đồng ruộng, khắc phục tình trạng ngập úng của lúa và hoa màu. Tiếp tục thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân ổn định sản xuất và tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi tiếp tục thu hoạch diện tích đã chín từ 80% trở lên. Đồng thời chỉ đạo các địa phương tiếp tục thống kê số liệu thiệt hại do mưa bão gây ra.
Trần Hằng
Bá Thước có 15 điểm giao thông bị chia cắt cục bộ
Theo thông tin từ UBND huyện Bá Thước, trên địa bàn huyện có 15 điểm giao thông nước lũ dâng cao, chia cắt cục bộ, gồm: Xã Lương Trung có 2 điểm tại thôn Sơn Thủy và hang Khéo thôn Quang Trung; xã Lương Nội tại tràn Mó Tôm, thôn Ben; xã Thiết Kế tại đập suối Cha; xã Ban Công có 3 điểm tại đường 521B đoạn qua khu vườn hoa thôn La Hán, khu suối đúc La Hán đi thôn Cả, khu suối Khằm thôn Ba; xã Cổ Lũng có 2 điểm tại tràn Nà Khà và tràn La Ca; xã Lũng Cao tại thôn Pốn Thành Công; xã Lũng Niêm tại tràn khu Ươi thôn Lặn Ngoài, Lặn Trong; xã Lương Ngoại tại cầu Hón Uông thôn Giầu Cả; xã Hạ Trung 3 điểm tại đường 523D đoạn qua thôn Khiêng, tràn Đồng Xong thôn Chiềng Ai, tràn Chông Bông thôn Cò Mu.
Đá lăn từ trên núi xuống gây ách tắc giao thông tại thôn Khiêng, xã Hạ Trung.
Bên cạnh đó, còn xảy ra sụt lún tại tuyến đường giao thông thôn Đôn, xã Thành Lâm dài 35m; sạt lở taluy dương tại Quốc lộ 521C đoạn qua xã Thành Sơn và Quốc lộ 521B đoạn qua thôn Leo, xã Thành Lâm.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh cùng lãnh đạo huyện Bá Thước kiểm tra ngầm tràn trên địa bàn xã Hạ Trung.
Đối với nông nghiệp, có 349,52 ha lúa; 23,95 ha hoa; 169,85 ha cây hàng năm; 8,1 ha ao, hồ bị hư hại. Nước lũ cũng cuốn trôi 30 rọ thép, làm vỡ đập Tá Lùn ở thôn Khảng gây ảnh hưởng đến công trình thủy lợi. Tại xã Ban Công có 85 guồng nước, 1 thuyền sắt bị cuốn trôi.
Để ứng phó với hoàn lưu bão số 3, lãnh đạo huyện Bá Thước chỉ đạo UBND xã, thị trấn tiếp tục kiểm tra các khu vực xung yếu để có phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản; các cơ quan chức năng khẩn trương di chuyển đồ dùng cho hộ gia đình bị tốc mái và nguy cơ cao ảnh hưởng bởi thiên tai đến nơi ở an toàn và hỗ trợ các điều kiện thiết yếu để đảm bảo sinh hoạt.
Tiến Đông - Văn An
4 tàu của ngư dân Thanh Hóa bị chìm, 1 ngư dân mất tích tại Quảng Ninh
Ngay sau khi cơn bão số 3 đi qua, UBND huyện Quảng Xương đã chỉ đạo các địa phương phân công các đoàn trực tiếp xuống các gia đình chủ phương tiện và các bến thuyền để nắm bắt thông tin tàu cá đang tránh trú bão ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua nắm bắt, kiểm tra trên địa bàn huyện Quảng Xương có 4 phương tiện bị chìm khi tránh, trú bão tại TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đó là các tàu:
Tàu cá mang số hiệu TH - 92255 - TS của chủ tàu Vũ Văn Phú ở thôn Hải, xã Quảng Nham chìm tại địa chỉ Bến Do, thôn Cẩm Thuỷ, phường Quang Hanh. Thời điểm tàu đứt dây neo bị nhấn chìm trên tàu có 2 thuyền viên là Vũ Văn Cường ở xã Quảng Nham và Nguyễn Văn Bốn ở xã Quảng Thạch. Tuy nhiên, vào thời điểm tàu chìm, anh Cường đã được tàu neo đậu bên cạnh cứu sống, hiện tại Anh Bốn bị mất tích tính đến 9 giờ 30 phút ngày 8/9 chưa tìm thấy.
Tàu cá mang số hiệu TH - 91180 - TS của chủ tàu Hồ văn Hương ở thôn Tiến, xã Quảng Nham bị chìm tại địa chỉ Bến Do, thôn Cẩm Thuỷ, phường Quang Hanh. Thời điểm tàu bị chìm có 2 thuyền viên nhưng đều được thuyền khác cứu an toàn.
Tàu cá TH - 92379 - TS của chủ tàu Trần Văn Nhân ở thôn Trung, xã Quảng Nham bị chìm tại địa chỉ Bến Do, thôn Cẩm Thuỷ, phường Quang Hanh. Thời điểm tàu chìm có 2 thuyền viên ở trên tàu, đều được thuyền khác cứu an toàn.
Tàu cá TH - 90149 - TS của chủ tàu Hoàng Văn Hải ở thôn Trung, xã Quảng Nham đã bị chìm tại địa chỉ Bến Do, thôn Cẩm Thuỷ, phường Quang Hanh. Thời điềm tàu chìm có 4 thuyền viên trên tàu, đều được thuyền khác cứu an toàn.
UBND huyện Quảng Xương đang phối hợp, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hoá và tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ tìm kiếm thuyền viên Nguyễn Văn Bốn đang mất tích.
Lê Hoà
Gần 70 ha lúa sắp vào thời kỳ thu hoạch ở Hà Trung bị nao đổ
Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Hà Trung, đến 10h ngày 8/9, bão số 3 làm gần 70 ha lúa sắp vào thời kỳ thu hoạch bị nao đổ, tập trung ở các xã: Yến Sơn, Hà Bình, Hà Tân, Hà Lai, Yên Dương, Hà Sơn, Hà Tiến... Hiện UBND các xã đã chỉ đạo cho Nhân dân khắc phục bằng việc khẩn trương thu hoạch. Những diện tích lúa chưa thu hoạch được thì bó dựng, đảm bảo không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.
Nông dân xã Yến Sơn dựng, buộc diện tích lúa bị rạp do ảnh hưởng của gió bão.
Cùng với đó, một số cây trồng dọc tuyến đường, cây trồng trong nhà dân và một số đoạn tường bao của công trình công cộng bị đổ. Có 2 cột điện bị đổ nghiêng tại xã Lĩnh Toại và Hà Thái đã được ngành điện xử lý, khắc phục kịp thời...
Người dân xã Hà Đông dọn cây bị gãy đổ sau mưa bão số 3.
Để chủ động khắc phục thiệt hại của bão số 3, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện chỉ đạo các các xã, thị trấn hướng dẫn, tuyên truyền Nhân dân dọn dẹp cây cối bị gãy đổ; thu hoạch hết diện tích đã đến kỳ thu hoạch, dựng, buộc tất cả diện tích lúa bị rạp do ảnh hưởng của gió bão, thực hiện việc tái sản xuất để hạn chế thiệt hại và ổn định đời sống. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra, khẩn trương khắc phục ảnh hưởng do cơn bão số 3 gây ra.
Phan Nga
Sẵn sàng phương án di dân khi nước sông Bưởi lên báo động 2
Mưa to khiến mực nước sông Bưởi tại Thạch Thành dâng cao gây ngập cục bộ một số tuyến đường giao thông, ảnh hưởng đến việc đi lại của Nhân dân.
Nước sông Bưởi đang dâng cao.
Cụ thể, tại xã Thành Minh bị ngập tuyến đường liên thôn với chiều dài 1km, ngập sâu khoảng 40cm. Còn tại xã Thành Công, tuyến đường đi thôn Đồng Chư cũng bị ngập sâu trên chiều dài 0,4km. Tuyến đường từ thôn Chính Thành, xã Thành Trực đi xã Thành Công cũng bị ngập sâu khoảng 70cm với chiều dài 50m.
Chính quyền địa phương đã tổ chức cắm biển báo, lập barie ngăn người và phương tiện không đi vào khu vực nguy hiểm.
Ngoài ra, nước sông Bưởi cũng dâng cao lên gần mặt đường tỉnh 523, đoạn qua công sở xã Thành Trực. Chính quyền đã huy động lực lượng đắp đất, đề phòng nước sông tràn qua đường vào nội đồng.
Tuyến đường từ thôn Chính Thành, xã Thành Trực đi xã Thành Công bị ngập sâu.
Về sản xuất, mưa bão đã khiến 208,2 ha cây trồng trên địa bàn huyện Thạch Thành bị ngập lụt. Trong đó có hơn 156,4ha lúa, 51ha mía, 1,5ha ngô...
Xã Thành Trực huy động lực lượng tại chỗ gia cố một số đoạn cống và đắp đất đề phòng nước sông Bưởi tràn qua tỉnh lộ 523.
Hiện tại nước sông Bưởi đang dâng cao. Hồi 8h30 phút ngày 8/9 Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hoá đã phát đi Công điện số 06, phát lệnh Báo động I trên sông Bưởi tại Kim Tân.
Huyện Thạch Thành đang tiếp tục tổ chức trực ban 24/24, theo dõi chặt chẽ mực nước sông Bưởi và tình hình ngập úng trên địa bàn huyện để chỉ huy kịp thời thực hiện phương án ứng phó. Chỉ đạo các xã, thị trấn có đê, khu vực ven sông Bưởi thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để kịp thời tổ chức sơ tán người, tài sản ra khỏi vùng ngập lũ nếu nước sông dâng cao trên báo động 2...
Đỗ Đức
Quan Sơn khắc phục xong 30 ngôi nhà bị tốc mái
Thông tin từ UBND huyện Quan Sơn, bão số 3 làm 1 người dân bị thương; 30 ngôi nhà bị tốc mái một phần; gần 40 ha lúa ở các xã Trung Tiến, Sơn Điện, Tam Lư, thị trấn Sơn Lư bị đổ; 1 cột thu phát sóng bị gãy.
Cây cối bị đổ gãy.
Cùng với đó, mái taluy âm tuyến đường nối từ quốc lộ 217 đi bản Ngàm (Sơn Điện) với chiều dài trên 50m bị sạt lở; trên quốc lộ 217, quốc lộ 16 một số tuyến đường liên xã cây cối bị đổ gãy.
Huyện Quan Sơn đã phân công các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự trực tiếp xuống địa bàn các xã được giao phụ trách để chỉ đạo khắc phục thiệt hại, thăm hỏi động viên gia đình có người bị thương.
Chỉ đạo UBND các xã Tam Thanh, Sơn Điện, Mường Mìn, Na Mèo, thị trấn Sơn Lư huy động các lực lượng sửa, khắc phục mái nhà cho Nhân dân. Đồng thời cắm biển, căng dây cảnh báo, bảo vệ đoạn đường sạt lở.
Lãnh đạo huyện Quan Sơn kiểm tra tại cơ sở.
Lãnh đạo huyện Quan Sơn kiểm tra tại cơ sở.
Hiện huyện Quan Sơn đã huy động lực lượng cùng các gia đình khắc phục xong 30 ngôi nhà tốc mái. Cây đổ, sạt lở đất trên các tuyến đường cũng được lực lượng chức năng khắc phục xong.
Huyện đang tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn huy động mọi lực lượng để nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão, ổn định phát triển sản xuất.
Xuân Cường
Hơn 325 ha lúa ở Nga Sơn bị gãy, đổ; nhiều nhà màng, nhà lưới hư hỏng
Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Nga Sơn, bão số 3 làm 325,6 ha lúa bị đổ, trong đó có 5 ha thiệt hại trên 70%; 9,7 hoa màu khác bị thiệt hại hoàn toàn. Ngoài ra, mưa kèm gió lớn đã gây hư hỏng một số diện tích nhà màng, nhà lưới trên địa bàn các xã Nga Bạch, Nga Phượng...
Người dân địa phương dựng, buộc lúa bị gãy đổ sau mưa bão số 3.
Để chủ động khắc phục thiệt hại của bão số 3, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện chỉ đạo các các xã, thị trấn và các đơn vị thủy nông chủ động tiêu nước bảo vệ cây trồng, các đối tượng con nuôi và tài sản Nhân dân.
Đồng thời, hướng dẫn người dân khẩn trương tháo kiệt nước trong ruộng và huy động nhân lực, chuẩn bị vật liệu để dựng lúa đứng lên tránh ảnh hưởng đến năng suất.
Cùng với đó, các địa phương tiếp tục rà soát, thống kê và triển khai các biện pháp khắc phục nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra...
Lê Hoà
Cẩm Thủy: 387 ha lúa bị đổ; sạt taluy âm nứt sâu vào mặt đường 1,2m
Tại huyện Cẩm Thủy có 1 nhà ở tại xã Cẩm Thành bị tốc mái hoàn toàn. Gió bão cũng đã làm gãy đổ một số cây xanh tại các tuyến đường. Cùng với đó, 387 ha lúa bị đổ, trong đó ngập cục bộ 40,5 ha. Ngoài ra, còn có 35 ha cây màu bị đổ.
Lực lượng chức năng huyện Cẩm Thủy khẩn trương thu dọn cây xanh bị gãy đổ tại các tuyến đường.
Về giao thông, do ảnh hưởng của bão số 3 đoạn đường Thôn Muất, xã Cẩm Thành đi Bá Thước bị sạt taluy âm nứt sâu vào mặt đường bê tông 1,2m.
Lực lượng chức năng huyện Cẩm Thủy kiếm tra diện tích lúa chưa thu hoạch
Huyện Cẩm Thủy đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các ngành tập trung các nguồn lực, phương tiện để khắc phục lũ lụt, tiêu úng cho diện tích hoa màu có khả năng bị ngập trên địa bàn toàn huyện. Chỉ đạo đảm bảo an ninh - trật tự và khắc phục hậu quả do lũ lụt.
Nguyễn Đạt
Phát lệnh Báo động I trên sông Bưởi
Hồi 8h30 phút ngày 8/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hoá đã phát đi Công điện số 06, phát lệnh Báo động I trên sông Bưởi tại Kim Tân.
Mực nước sông Bưởi tại Kim Tân đạt mức 9,08m vào 8 giờ sáng 8/9 và đang tiếp tục dâng cao.
Theo đó, lúc 8h ngày 08/9/2024 mực nước sông Bưởi đo được tại Trạm thủy văn Kim Tân là 9,08m, dưới báo động I là 0,92m; tại Trạm Thủy văn Thạch Quảng là 14,80m, dưới báo động báo động II là 0,2m. Cảnh báo mực nước sông Bưởi tại Trạm Thuỷ văn Kim Tân có khả năng đạt mức báo động I (+10.00m) vào khoảng 11-13h ngày 08/9/2024.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự, Chủ tịch UBND các huyện Thạch Thành và Vĩnh Lộc thực hiện các giải pháp cấp bách sau:
1. Triển khai ngay việc tuần tra canh gác đê và hộ đê theo các cấp báo động.
2. Tổ chức kiểm tra, rà soát và có phương án xử lý đảm bảo an toàn cho công trình đê điều; đặc biệt là các đoạn đê xung yếu, cống dưới đê trên địa bàn.
3. Chủ động triển khai phương án sơ tán dân sinh sống ở vùng bãi sông.
4. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ để sẵn sàng xử lý các tình huống ngay từ giờ đầu; thông tin, báo cáo kịp thời về Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh và Văn phòng thường trực Chỉ huy Phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Lê Đồng
Thường Xuân: Nhiều diện tích lúa hư hại, đập tràn ngập sâu, một số nhà dân hư hỏng
Tại huyện Thường Xuân, do ảnh hưởng của bão số 3, từ ngày 6/9 đến 9h ngày 8/9 trên địa bàn có mưa to (lượng mưa phổ biến từ 90-122 mm) và gió làm thiệt hại nhiều diện tích hoa màu và nhà ở.
Một phần diện tích lúa tại xã Ngọc Phụng (Thường Xuân) bị đổ rạp.
Cụ thể, một ngôi nhà ở xã Ngọc Phụng bị tốc mái tôn. Một căn nhà khác ở xã Thọ Thanh cũng bị hư hỏng do cây xanh đổ trúng. Gió bão cũng làm gãy đổ một cây cột điện và đứt nhiều đoạn dây điện ở các xã Bát Mọt, Luận Khê.
Thiên tai từ bão số 3 cũng đã làm 41,5ha lúa ở các xã Luận Khê, Xuân Cao, Ngọc Phụng, Tân Thành bị đổ rạp. 10ha sắn ở xã Xuân Cao cũng bị gẫy đổ.
Cơ quan chức năng lập baire ngăn không cho người và xe qua lại tràn Ná Cộng (xã Vạn Xuân).
Mưa lớn do ảnh hưởng của bão cũng khiến nước ở các sông suối trên địa bàn huyện Thường Xuân dâng cao, gây ngập cục bộ nhiều đập tràn, khiến giao thông bị chia cắt. Cụ thể, tràn Cửa Dụ (xã Luận Khê) và tràn Ná Cộng (xã Vạn Xuân) bị ngập sâu khiến giao thông bị chia cắt. Cơ quan chức năng đã cắm biển báo, lập barie ngăn không cho người và xe qua lại khu vực nguy hiểm.
Lãnh đạo huyện Thường Xuân trực tiếp về cơ sở chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 3 tại các vị trí xung yếu.
Chủ động ứng phó với bão số 3, trước đó Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện Thường Xuân đã tổ chức di dời khẩn cấp 123 hộ dân với 500 nhân khẩu sống trong khu vực có nguy cơ cao bị lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở các xã Bát Mọt, Yên Nhân; chỉ đạo các các xã, thị trấn và các đơn vị thủy nông, thủy điện, các đơn vị quản lý hồ, đập chuẩn bị đầy đủ điều kiện vật tư để vận hành và phòng chống thiên tai trong mọi tình huống...
Đỗ Đức
Nước suối dâng cao tại ngập tràn Cửa Dụ, giao thông tạm thời chia cắt
Theo thông tin của Sở Giao thông - Vận tải, mưa lớn trong đêm 7/9 đến sáng 8/9 nước sông, suối dâng cao khiến Ngập tràn Cửa Dụ (km 22+550), trên đường tỉnh 519B xã Luận Thành (Thường Xuân) bị ngập. Hiện giao thông trên tuyến đường này tạm thời bị chia cắt.
Trước thực trạng trên, đơn vị quản lý đường bộ thực hiện các biện pháp cắm biển báo hiệu để cảnh báo người dân biết không lưu thông qua, nhằm bảo đảm an toàn giao thông.
Đơn vị quản lý đường bộ thực hiện các biện pháp cắm biển báo hiệu cảnh báo người dân.
Theo dự báo, mưa to vẫn còn tiếp tục kéo dài, ngoài việc tiếp tục rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn trên các tuyến giao thông, Sở Giao thông - Vận tải khuyến cáo người dân tuyệt đối không đi qua các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
Hải Đăng
Nhà máy Thủy điện Cẩm Thủy 1 thực hiện xã lũ ứng phó với bão số 3 từ đêm 7/9
Vào hồi 23 giờ ngày 7/9 2024, Nhà máy Thủy điện Cẩm Thủy 1 đã có công văn về việc tăng lưu lượng xả lũ hồ chứa thủy điện Cẩm Thủy 1 để ứng phó với những diễn biến phức tạp do bão số 3 tác động.
Công nhân Nhà máy Thủy điện Cẩm Thủy 1 vận hành máy thực hiện xả lũ để ứng phó với những diễn biến phức tạp do bão số 3 tác động.
Vào thời điểm này, trên sông Mã mực nước đang về hồ Nhà máy thuỷ điện Cẩm Thuỷ 1 với lưu lượng 1.800 m3/s. Căn cứ theo lưu lượng xả của hồ thủy điện Trung Sơn và lưu lượng xả của hồ thủy điện Bá Thước 2 về hạ dụ, hồ thủy điện Cẩm Thủy 1 dự báo tổng lưu lượng nước về hồ sẽ tăng từ 1.800 m3/s đến 3.300 m3/s.
Thời gian xả lũ dự kiến từ 23giờ 00 phút ngày 7/9/2024; thời gian kết thúc xả dự kiến từ 17 giờ 30 phút ngày 16/09/2024. Lưu lượng xả dự kiến từ 1.800m3/s đến 3.300m3/s (tùy theo lưu lượng nước đến hồ) và đảm bảo duy trì mực nước hồ ở mực nước chết là 25.5m.
Các địa phương vùng hạ du chủ động phòng tránh lũ đồng thời đảm bảo việc xả lũ của Nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1 đúng kế hoạch không ảnh hưởng tới con người, tài sản của Nhân dân.
Nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1 sẽ thực hiện việc xả lũ bằng hiệu lệnh 3 hồi còi, mỗi hồi còi kéo dài 20 giây và cách nhau 10 giây trước 30 phút khi tích hoặc xả nước. Đề nghị UBND các huyện: Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa và các địa phương thông báo khẩn cho Nhân dân và các thôn nằm dọc bờ Sông Mã có kế hoạch chủ động bảo vệ con người, tài sản, cây cối hoa màu, trâu bò, cá, vật nuôi, thủy hải sản, nhà cửa, kiến trúc. Tuyệt đối Nhân dân không đi lại, vớt củi, đánh bắt cá... tại những khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở cao, nước chảy xiết, những vị trí đã được cắm biển cảnh báo lũ.
Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hạ tầng và Giao thông sẽ không chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu các hộ gia đình, tổ chức cá nhân, xã, phường, huyện không thực hiện biện pháp phòng tránh bảo vệ con người, tài sản theo thông báo này.
Khánh Phương
{name} - {time}
-
2025-01-15 12:18:00
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lê Quang Hùng kiểm tra sản xuất, đời sống Nhân dân huyện Thạch Thành
-
2025-01-15 12:06:00
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn thăm, kiểm tra sản xuất, đời sống Nhân dân huyện Quảng Xương
-
2024-09-08 13:53:00
Công bố quyết định về công tác cán bộ Trường Đại học Hồng Đức
Triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 8/9/2024
Điểm nóng sáng 8/9: Tạm giữ 685kg vàng, hơn 1.000 sổ đỏ từ các vụ án tham nhũng kinh tế
Sở chỉ huy tiền phương chỉ đạo phòng, chống bão số 3 hoàn thành nhiệm vụ
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng 8/9
Những sự kiện nổi bật trong tuần
Nông Cống huy động gần 200 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ giúp dân phòng, chống và khắc phục ảnh hưởng của cơn bão số 3
Mưa lớn khiến nhiều tuyến Quốc lộ trên địa bàn miền núi bị sạt lở
Hậu Lộc chủ động ứng phó với bão số 3