(Baothanhhoa.vn) - Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán năm 2022. Mặc dù, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, song cuối năm vẫn là thời điểm “đắt hàng” nhất, nên hiện nay các cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh đang tăng tốc, sản xuất để kịp chuẩn bị hàng phục vụ thị trường tết.

Các cơ sở chế biến hải sản chuẩn bị hàng tết

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán năm 2022. Mặc dù, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, song cuối năm vẫn là thời điểm “đắt hàng” nhất, nên hiện nay các cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh đang tăng tốc, sản xuất để kịp chuẩn bị hàng phục vụ thị trường tết.

Các cơ sở chế biến hải sản chuẩn bị hàng tếtCơ sở sản xuất hải sản của gia đình ông Đặng Công Nhân, thôn Thuận, xã Quảng Nham (Quảng Xương) đang tất bật chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Chúng tôi tìm đến cơ sở chế biến hải sản của gia đình bà Nguyễn Thị Yến, thôn Bắc Sơn, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa), đúng lúc bà đang tất bật với công đoạn đóng chai hơn 300 lít nước mắm cho khách hàng nội tỉnh. Vừa đong nước mắm vào chai, bà vừa tâm sự: Gia đình tôi làm nghề chế biến hải sản đã nhiều năm nay, chủ yếu là các mặt hàng đồ khô như cá chỉ vàng, cá chỏng và nước mắm mang nhãn hiệu Khúc Phụ. Ngày thường, đối với các mặt hàng đồ khô, chúng tôi xuất ra thị trường khoảng 7 - 8 tấn/tháng; nước mắm khoảng 1.200 lít/tháng. Ở thời điểm này, khi chưa có dịch COVID-19, thương lái từ các nơi đổ về làng rất đông, nhưng hai năm nay do dịch nên chúng tôi chỉ nhận hàng gián tiếp qua điện thoại, sau đó đóng hàng và vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Thường thì, các tháng cuối năm lượng tiêu thụ tăng gấp nhiều lần nên chúng tôi phải chuẩn bị nguồn hàng, nhất là nước mắm từ vài tháng trước đó. Để tạo uy tín với khách hàng, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến khâu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ví như, để làm ra nước mắm ngon thì nguyên liệu làm mắm phải được lựa chọn kỹ càng từ những con cá nục, cá tươi ngon nhất. Cá sau khi được chọn trộn đều với muối rồi đem cho vào các bể chứa ủ chượp với thời gian tối thiểu là 15 tháng trước khi lọc thành nước mắm bán ra thị trường. Ngày thường, nước mắm của gia đình tôi bán có giá từ 40.000 - 120.000 đồng/lít; dịp cuối năm này, gia đình tôi vẫn giữ nguyên giá hoặc có giảm xuống để phục vụ khách hàng.

Không riêng cơ sở của bà Yến mà hiện nay, cả 380 hộ chế biến hải sản trên địa bàn xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) cũng đang tập trung vào việc chiết, lọc, đóng chai các sản phẩm nước mắm và phơi, đóng túi các loại hải sản khô như cá chỉ vàng, tôm khô, mực khô... để kịp vận chuyển đến các cửa hàng, đại lý, nhà phân phối trong và ngoài tỉnh phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán. Để tăng sức cạnh tranh cho các mặt hàng hải sản của địa phương các cơ sở sản xuất và chế biến ở đây đã quan tâm đến việc cải tiến đa dạng mẫu mã, hình thức cho sản phẩm; nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh trong sản xuất... Cũng bởi thế, nên từ bao đời nay các sản phẩm ở đây luôn được khách hàng ưa chuộng, không chỉ tiêu thụ ở trong tỉnh mà còn xuất ra các tỉnh khác với số lượng lớn.

Xã Quảng Nham (Quảng Xương) hiện có 322 phương tiện khai thác thủy sản, giải quyết việc làm cho 1.980 lao động, trong đó có 271 phương tiện tàu thuyền, 41 bè mảng với công suất 48.875CV. Tổng sản lượng khai thác hằng năm là 9.500 tấn. Với điều kiện thuận lợi đó, trên địa bàn xã đã hình thành14 công ty, doanh nghiệp, tổ hợp chế biến hải sản, ước tính chế biến được 8.000 tấn/năm phục vụ thị trường (trong đó, dịch vụ đông lạnh là 5.600 tấn cá khô, moi khô; cá nướng 1.100 tấn; nước mắm 1.300 tấn). Cuối năm là thời điểm các mặt hàng cá khô, tôm khô, mực khô, nước mắm... ở đây tiêu thụ mạnh nhất. Nắm bắt được xu hướng đó nên ngay từ lúc này các hộ, cơ sở làm nghề chế biến hải sản đang tất bật chuẩn bị hàng. Ông Đặng Công Nhân (thôn Thuận), chủ cơ sở chế biến moi khô trên địa bàn xã, cho biết: Hiện cơ sở sản xuất của chúng tôi đang thuê 13 nhân công, thu nhập trung bình mỗi lao động khoảng 3 triệu đồng/tháng. Bình quân cơ sở tiêu thụ khoảng 3 tấn moi khô/tháng, với giá bán lẻ khoảng 60.000-70.000 đồng/kg. Những ngày cận tết như hiện nay, moi là món ăn đặc sản rất “hút khách”. Vì vậy, chúng tôi phải nhập một lượng lớn moi tươi từ vài tháng trước để kịp cho những đơn hàng khách đặt. Đồng thời, để bảo đảm sản phẩm an toàn cho người sử dụng, cơ sở chúng tôi kiểm soát chặt từ khâu nhập nguyên liệu đến khâu sơ chế. Sản phẩm sau khi hoàn thành cũng được đóng gói, bao bì ghi nhãn mác rõ ràng.

Bước vào thời điểm cận tết, theo nhận định của các cơ sở chế biến hải sản, mặc dù năm nay ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng không vì thế mà sức mua trầm lắng hơn. Đến nay, hầu hết các cơ sở sản xuất đều đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng dồi dào phục vụ tết. Việc sản xuất sôi động, tiêu thụ sản phẩm nhanh không chỉ góp phần mang đến một cái tết sung túc, đầm ấm cho những cơ sở sản xuất và nâng cao đời sống người dân, mà còn tạo niềm phấn khởi để họ yên tâm chuẩn bị cho vụ sản xuất mới.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]