(Baothanhhoa.vn) - Hôn lễ rềnh rang, sau đám cưới, những cặp vợ chồng người Mông bắt đầu cuộc sống mới với những khoản nợ còng lưng. Nếp sống mới gõ cửa, xua đi những rườm rà lạc hậu ngày cũ, cuộc sống sau hôn nhân ở vùng đồng bào Mông đang dần đổi khác.

Bước chuyển trong việc cưới của đồng bào Mông

Hôn lễ rềnh rang, sau đám cưới, những cặp vợ chồng người Mông bắt đầu cuộc sống mới với những khoản nợ còng lưng. Nếp sống mới gõ cửa, xua đi những rườm rà lạc hậu ngày cũ, cuộc sống sau hôn nhân ở vùng đồng bào Mông đang dần đổi khác.

Bước chuyển trong việc cưới của đồng bào MôngCô dâu chú rể ở xã Pù Nhi (Mường Lát) mặc trang phục truyền thống của đồng bào Mông.

Hoa mắt chóng mặt vì... cảm ơn

Chẳng ai biết từ bao giờ, những đám cưới của người Mông đã được sắp đặt như một điệp khúc buồn. Theo quan niệm “con trâu không lấy con bò”, người Mông phải lấy người Mông, không ít chàng trai cô gái còn tuổi ăn tuổi lớn đã phải nên vợ nên chồng, vướng víu vào hôn nhân cận huyết, nương theo bao hệ lụy buồn thương. Mà câu chuyện về những căn bệnh do đột biến di truyền gây ra đã tàn phá bao mái ấm nơi vùng cao biên viễn.

Ông Lầu Minh Pó, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát kể lại câu chuyện ấy trong những tiếng thở dài ngao ngán. Ông bảo, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết là bề nổi, đã nhiều người biết, nhưng việc cưới của đồng bào Mông ở Mường Lát trước đây còn lắm rườm rà, gây lãng phí, tốn kém, thậm chí có không ít chuyện dở khóc dở cười. Như chuyện tổ chức đám cưới qua đêm, ăn uống linh đình, chú rể phải bái lạy để cảm ơn...

Chuyện là, khi đến nhà gái đón dâu, nhận được một món quà cưới, chẳng kể to nhỏ, giá trị ít nhiều, chú rể đều phải quỳ bái một lạy cảm ơn. Nhận cái chăn bái một lạy, cái chiếu một lạy, cái khăn một lạy... nhưng nhận tiền mừng trong phong bì thì chú rể phải bái hai lạy, dù là 10 nghìn hay 20 nghìn đồng. Gia đình nhà gái khó khăn, ít quà tặng, chú rể đỡ phải đau lưng mỏi gối, nhưng nhà có điều kiện thì chú rể phải hoa mắt, chóng mặt vì quỳ. Mà đến giờ kể lại, nhiều đàn ông người Mông ở Quan Sơn, Mường Lát vẫn nhớ như in ngày cưới, như một kỷ niệm dở khóc dở cười.

Ông Lầu Minh Pó cũng vậy, dù câu chuyện ấy đã lùi sâu hơn 40 năm rồi. “Tôi quỳ lạy cảm ơn xong khi đứng lên thì không còn nhận được phương hướng nữa, mồ hôi túa ra như tắm, phải dựa tay vào vách nhà đứng một hồi lâu. Chẳng người nào không hoa mắt chóng mặt khi quỳ lạy cảm ơn. Có người quỳ xong đứng lên thì chân đứng không vững còn ngã đập đầu vào vách gỗ chảy máu”, ông Pó nói.

Cũng phải thôi, đám cưới diễn ra, chú rể người Mông đã phải bận rộn nhiều ngày chuẩn bị, rồi tiếp bạn bè, khách khứa ồn ào trên mâm rượu nhiều ngày. Lúc đón dâu, thường lệ họ phải đến nhà gái từ khoảng 3 giờ chiều thực hiện các lễ tục thâu đêm suốt sáng, rồi lại chén chú chén anh cho đến chiều hôm sau. Đi qua “cửa ải” ấy, người mệt mắt mỏi, đến lúc quỳ lạy cảm ơn, những chú rể hoa mắt chóng mặt, ù tai, thậm chí ngã lăn ra đất cũng là điều dễ hiểu.

Chuyện về những rườm rà trong việc cưới ở đồng bào Mông theo lời kể của ông Lầu Minh Pó còn là những mâm cỗ linh đình mời họ hàng suốt đêm ngày. Thanh niên túm tụm “đua tài” uống rượu, rồi cãi vã, xô xát xảy ra, anh em họ hàng phải can thiệp. Có những vụ gây rối trật tự do đám cưới, nghiêm trọng đến mức công an phải vào cuộc. Cuộc sống nơi rừng xanh, cả gia đình đầu tắt mặt tối bao năm tiết kiệm được con trâu, con bò làm vốn rồi cũng “ra đi” vì đám cưới. Và tiếp theo câu chuyện ấy lại quy về chữ “nghèo”. Nhiều cặp trai gái người Mông cưới nhau xong, hạnh phúc chưa thấy, đã có một khoản nợ to đùng...

Vận động để thay đổi

Cuộc vận động đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang được các cấp ủy, chính quyền vùng đồng bào Mông tổ chức thực hiện từ nhiều nhiệm kỳ qua. Mỗi địa phương một cách làm, nhưng đều có điểm chung ở sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và bộ đội biên phòng. Trong đó, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, người có uy tín và trưởng các dòng họ được đề cao.

Huyện Quan Sơn có 3 bản đồng bào Mông sinh sống dọc 12km đường biên giới, ở 2 xã Na Mèo và Sơn Thủy với 217 hộ, 1.058 nhân khẩu. Công tác tuyên truyền, vận động bà con thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang được đẩy mạnh thực hiện từ năm 2017 sau Nghị quyết số 07-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về tăng cường công tác tư tưởng, nhanh chóng thay đổi tập quán canh tác, thói quen sinh hoạt lạc hậu trong Nhân dân; phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, sớm đưa Quan Sơn trở thành huyện khá. Trong nghị quyết này, Huyện ủy Quan Sơn đã chỉ ra những biểu hiện về tư tưởng, tập quán sản xuất và thói quen sinh hoạt lạc hậu để tập trung thay đổi, xóa bỏ. Trong đó có tình trạng rườm rà, lãng phí, tốn kém trong việc cưới, việc tang; không nghiêm túc chấp hành pháp luật và thực hiện hương ước làng bản; uống rượu say, gây mất trật tự công cộng... Tiếp đó, trong triển khai thực hiện Kết luận số 684-KL/TU ngày 10/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025, các cấp ủy, chính quyền huyện Quan Sơn đã triển khai xây dựng các mô hình dân vận khéo, phát huy tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, đề cao vai trò người có uy tín, trưởng các dòng họ đồng bào Mông vào cuộc động viên bà con thay đổi nếp nghĩ, việc làm.

Như tại bản Mùa Xuân (xã Sơn Thủy), Chi bộ, Ban quản lý bản, cán bộ xã, bộ đội biên phòng và trưởng các dòng họ đến từng nhà để tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, cũng như tích cực phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Đối tượng hướng đến chủ yếu là thanh niên chuẩn bị kết hôn và chủ hộ gia đình. Bí thư, Trưởng bản Sung Văn Cấu cho biết: “Đến nay, các đám cưới trong bản được tổ chức gọn nhẹ, không ăn uống linh đình nhiều ngày. Việc này đã được bản đưa vào hương ước để mỗi hộ gia đình thực hiện. Tình trạng hôn nhân cận huyết thống cũng không còn xảy ra nữa”.

Bước chuyển trong việc cưới của đồng bào MôngCán bộ xã Mường Lý (Mường Lát) và bộ đội biên phòng tuyên truyền đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới.

Còn tại huyện Mường Lát, công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới được sự tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, người có uy tín và trưởng các dòng họ trong đồng bào Mông. Từ ngày làm Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát, ông Lầu Minh Pó đã dành nhiều thời gian về cơ sở chỉ đạo trực tiếp công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện nếp sống văn minh. Từ năm 2020 đến nay cũng vậy, dù đã nghỉ hưu, là người có uy tín, lại am hiểu về văn hóa đồng bào Mông, ông đã tích cực tham gia cùng với chi bộ, ban quản lý các bản đến từng nhà để nói cho bà con hiểu. Ông cắt nghĩa từng tục, từng lễ trong đám cưới, khuyên lễ nào nên giữ, tục nào nên bỏ để phù hợp với nếp sống mới. Trong đó, câu chuyện về cưới đêm, chú rể phải quỳ bái lạy để cảm ơn từng người tặng quà cưới là điều nên bỏ... Với ông, điều quan trọng nhất của đám cưới là vợ chồng phải được hạnh phúc, không phải gánh nỗi lo trả nợ.

Ông Lầu Minh Pó kể lại: “Thanh niên rất hào hứng và muốn đổi thay, nhưng không dám vượt qua vì còn phải nghe người cao tuổi. Sau đó, chúng tôi đã vận động trưởng các dòng họ cùng vào cuộc tuyên truyền, động viên. Đến nay, hôn lễ của người Mông được tổ chức gọn gàng hơn, thời gian rút ngắn còn một buổi hoặc chỉ tổ chức trong ngày, nhất là không tổ chức vào ban đêm nữa. Chú rể cũng chỉ lạy cảm ơn tượng trưng một vài cái”.

Nhằm chấm dứt tình trạng thách cưới tốn kém đã từng diễn ra, trưởng các dòng họ người Mông ở xã Pù Nhi, Nhi Sơn đã cùng bàn bạc, thống nhất quà cưới nhà trai mang đến nhà gái. Theo đó, trong đám cưới, nhà trai chỉ mang đến nhà gái 1,7 triệu đồng, 1 con lợn chừng 50kg và 10 lít rượu làm quà.

“Những năm trước tình trạng thách cưới diễn ra khá phổ biến. Nhà thách nhiều, nhà thách ít, nhưng thường phải có 30 nén bạc trắng, trâu bò, lợn gà... gây không ít khó khăn cho nhà trai, nhất là những hộ hoàn cảnh khó khăn. Việc cụ thể hóa quà cưới và áp dụng chung đã góp phần tiết kiệm cho các gia đình”, ông Pó nói.

Những đám cưới văn minh, tiết kiệm, an toàn ấy đã mang lại hạnh phúc thực sự cho những cặp vợ chồng người Mông trong hành trình cuộc sống sau hôn nhân. Trong nhiều chuyến hành trình lên miền biên viễn, tôi đã nhìn thấy nụ cười tươi của họ dưới mái nhà gỗ khang trang. Mà trường hợp đặc biệt trong số ấy là cô gái Mông Hơ Thị Dợ (sinh năm 1997) người bản Cá Nọi, xã Pù Nhi (Mường Lát) đã vượt qua định kiến người Mông phải lấy người Mông để kết hôn với Phạm Văn Đức là người dân tộc Thái ở bản Xuân Thành, xã Sơn Thủy (Quan Sơn). Họ đã có hai đứa con khỏe mạnh và một căn nhà khang trang, ăm ắp tiếng cười...

"Đến nay, hầu hết đám cưới trong vùng đồng bào Mông ở Mường Lát đã được tổ chức theo nếp sống mới, văn minh, tiết kiệm và an toàn. Qua đó đã góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện".

Lò Thị Thiết - Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Mường Lát

Bài và ảnh: Đỗ Đức



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]