(Baothanhhoa.vn) - Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Thường Xuân được UBND tỉnh giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và sử dụng hơn 13.214 ha rừng. Trong đó có 10.121 ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất trên địa bàn 9 xã thuộc huyện Thường Xuân. Để chủ động xây dựng và quản lý bền vững rừng phòng hộ đầu nguồn gắn với nâng cao đời sống Nhân dân, BQLRPH Thường Xuân đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

BQL rừng phòng hộ Thường Xuân phát triển cây dược liệu nâng cao đời sống người dân

Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Thường Xuân được UBND tỉnh giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và sử dụng hơn 13.214 ha rừng. Trong đó có 10.121 ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất trên địa bàn 9 xã thuộc huyện Thường Xuân. Để chủ động xây dựng và quản lý bền vững rừng phòng hộ đầu nguồn gắn với nâng cao đời sống Nhân dân, BQLRPH Thường Xuân đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

BQL rừng phòng hộ Thường Xuân phát triển cây dược liệu nâng cao đời sống người dânNgười dân xã Luận Khê chăm sóc cây hoài sơn.

Theo khảo sát của các đơn vị liên quan, trên địa bàn BQL có nhiều vùng tiểu khí hậu, độ ẩm tương đối cao như khu vực các xã Luận Thành, Luận Khê, Xuân Lộc... rất phù hợp cho sự phát triển của các loài thực vật, đặc biệt là các loài cây dược liệu quý hiếm, có giá trị kinh tế. Trong những năm qua do không có các chương trình, dự án trồng cây dược liệu, việc người dân vào rừng thu hái các loài dược liệu để bán cho các thương lái một cách quá mức, không được kiểm soát. Chính vì vậy về số lượng và trữ lượng của các loài dược liệu nguy cấp, quý hiếm bị suy giảm nghiêm trọng, một số loài có nguy cơ bị tuyệt chủng cục bộ tại khu rừng phòng hộ và khu bảo tồn thiên nhiên như: cát sâm, thiên niên kiện, lan kim tuyến, thổ phục linh, khôi tía, củ bình vôi... Vì vậy, với các loài này cần thiết phải triển khai hỗ trợ người dân trồng để phát triển rộng diện tích trên địa bàn, để vừa bảo tồn các loài dược liệu quý hiếm, có giá trị khoa học và vừa tạo ra giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Việc trồng các loài cây dược liệu trên địa bàn là một giải pháp rất quan trọng để giúp người dân có việc làm ổn định và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Để góp phần quy hoạch, xây dựng vùng trồng dược liệu tập trung, phù hợp với điều kiện sinh thái của khu vực nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, liên doanh, liên kết trồng, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu, tạo đầu ra ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất cây dược liệu, đồng thời khuyến khích người dân phát triển mở rộng diện tích sản xuất cây dược liệu trên địa bàn tỉnh, BQL rừng phòng hộ Thường Xuân đã đề xuất thực hiện Dự án: “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng, chế biến, tiêu thụ một số loài dược liệu cát sâm, hoài sơn... tại miền núi tỉnh Thanh Hóa". Dự án thực sự cần thiết, đúng chủ trương, định hướng phát triển sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh Thanh Hóa. Dự án do Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Thanh Hóa cấp kinh phí. Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa chỉ đạo, kiểm tra giám sát các nội dung hoạt động.

Mục tiêu của dự án nhằm mở rộng vùng trồng dược liệu, phát triển du lịch sinh thái, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân tham gia thực hiện. Thời gian thực hiện từ tháng 9-2021 đến tháng 9-2023. Dự án đang được triển khai thực hiện và được Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa nghiệm thu bước 1 đảm bảo đúng thời gian và tiến độ. Sản phẩm cây trồng cát sâm sau chu kỳ chăm sóc, thu hoạch trừ các chi phí ước tính thu nhập 500-600 triệu đồng/ha sau 5 năm trồng.

Năm 2022, đơn vị đã triển khai chỉ đạo các hộ tham gia dự án thu hoạch gần 5 ha cây hoài sơn, sản lượng đạt trên 15 tấn khô, thu về lợi nhuận sau khi trừ chi phí đầu tư và khai thác là 60 triệu đồng/ha/năm. Sau 2 năm thực hiện dự án, BQL đã tuyên truyền phổ biến kỹ thuật, hiệu quả kinh tế đến Nhân dân trong vùng. Đến nay ngoài 10 hộ tham gia dự án trồng 15 ha hoài sơn và cát sâm, có 5 cán bộ đơn vị, 9 hộ dân tự bỏ vốn để thực hiện trồng cây cát sâm với diện tích hơn 15 ha.

Tại các xã Vạn Xuân, Luận Khê, Luận Thành, đơn vị liên kết đã phối hợp tổ chức hội thảo, liên kết với các hộ dân có đất trồng phù hợp với cây cát sâm, ký các hợp đồng cung cấp cây giống, chuyển giao khoa học - công nghệ và bao tiêu sản phẩm. Dự kiến từ năm 2023 trở đi các hộ dân của các xã trồng mở rộng mỗi năm 30 ha trở lên để tạo thành vùng nguyên liệu lớn trên địa bàn. Đơn vị tiếp tục liên kết với các xã và các hộ trên địa bàn huyện để từ năm 2025 nhân rộng diện tích cây cát sâm với quy mô trồng mới ước đạt 50 ha/năm trở lên.

Kết quả bước đầu của dự án phát triển cây dược liệu đã có sự lan tỏa rộng trên địa bàn đơn vị quản lý, góp phần nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế bền vững, từng bước sản xuất ra các sản phẩm đặc sản, trở thành hàng hóa đặc trưng của vùng miền núi, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, có thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Dự án đã đề xuất xây dựng một số mô hình phát triển phù hợp, bền vững với tiềm năng, thế mạnh và trình độ của người dân trên địa bàn. Ngoài giúp người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, cơ cấu cây trồng trong khai thác tiềm năng đất đai phát triển cây dược liệu và hỗ trợ người dân biết áp dụng kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa để cung cấp nguyên liệu công nghiệp chế biến dược liệu, góp phần chủ động quản lý, bảo vệ rừng, sẽ xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật là người dân trên địa bàn triển khai dự án, góp phần đưa công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào nông nghiệp, nông thôn khu vực miền núi.

Bài và ảnh: Thu Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]