Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch
Thanh Hóa có 7 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống là Kinh, Mường, Thái, Dao, Mông, Thổ, Khơ Mú. Mỗi một dân tộc đều mang bản sắc văn hóa riêng từ phong tục tập quán, trang phục truyền thống, kho tàng văn hóa dân gian... dệt nên bức tranh văn hóa đa sắc màu, đồng thời cũng là tài nguyên vô giá để phát triển kinh tế du lịch.
Đồng bào dân tộc Mường trình diễn múa hát Pồn Pôông tại lễ hội Đền thờ Lê Hoàn, xã Xuân Lập (Thọ Xuân).
Với gần 90% dân số là đồng bào các dân tộc Thái và Mường, thời gian qua huyện Lang Chánh luôn chú trọng đến công tác bảo tồn, giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn để phát triển du lịch. Nổi bật là huyện đã tích cực phục dựng, bảo tồn, tổ chức các hoạt động lễ hội, ngày hội gắn với đời sống sinh hoạt, văn hóa của người dân phục vụ phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái hấp dẫn du khách. Hàng năm, bên cạnh những lễ hội do bà con dân làng tự đứng ra tổ chức như lễ mừng lúa mới, lễ mừng nhà mới, lễ cầu mưa... các ngành, địa phương trong huyện cũng tích cực tổ chức các lễ hội truyền thống mang đậm dấu ấn của cộng đồng dân cư bản địa.
Một trong những lễ hội lớn đã và đang tạo được sức hấp dẫn du khách trên địa bàn huyện đó là lễ hội Mường Đeng. Đây là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Thái tại xã Yên Khương, được tổ chức vào tháng 10 hàng năm thu hút nhiều du khách tham dự. Trong lễ hội diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa - thể thao, trò chơi, trò diễn truyền thống của dân tộc Thái. Ngoài ra, du khách và người dân còn được chiêm ngưỡng phần trình diễn trích đoạn tục lệ Chá Mùn mang đậm truyền thống văn hóa của đồng bào Thái. Ngoài ra, du khách còn được tham quan phiên chợ vùng cao bản Ngàm Pốc với những mặt hàng truyền thống như đồ dệt thổ cẩm, mây tre đan, nông sản đặc trưng của địa phương... và được thưởng thức ẩm thực tại phiên chợ; cùng với đó là được trải nghiệm, khám phá danh thắng ruộng bậc thang ở bản Peo, bản Ngàm Pốc, hay hòa mình vào thiên nhiên thung lũng hoa Mường Đeng...
Trên địa bàn huyện Lang Chánh còn có nhiều lễ hội đã được huyện phục dựng như lễ hội Chí Linh Sơn, lễ hội chùa Mèo... Từ việc phục dựng, tổ chức các lễ hội truyền thống, các giá trị văn hóa tốt đẹp mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện ngày càng được phát huy, tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách tham quan, trải nghiệm.
Huyện Thọ Xuân cũng là vùng đất cổ, có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, nơi hội tụ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú. Trên địa bàn huyện có tới 55 di tích được công nhận, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt là Khu Di tích lịch sử Lam Kinh và Di tích đền thờ Lê Hoàn. Hàng năm, trên địa bàn huyện có rất nhiều các lễ hội được tố chức là điểm đến tâm linh, cội nguồn cho du khách như lễ hội Lam Kinh (20 - 22/8 âm lịch), lễ hội Lê Hoàn (6 - 8/3 âm lịch), lễ hội làng Xuân Phả (9 - 10/2 âm lịch) và lễ hội Kỳ phúc tại các thôn, làng gắn với các đình, đền, chùa... Trên cơ sở đó, để khai thác tiềm năng di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Chương trình số 14-CTr/HU ngày 25/2/2021 về phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa, các điểm du lịch huyện Thọ Xuân giai đoạn 2021-2025. Trong đó, huyện đã và đang thực hiện tốt công tác bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị của một số loại hình trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống như trò Xuân Phả, Pồn Pôông, cồng chiêng, đánh mảng... Huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập các câu lạc bộ dân ca, dân vũ, câu lạc bộ liên thế hệ; quan tâm đến việc lập hồ sơ, công nhận, tôn vinh các nghệ nhân, những người có công đóng góp bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, các lễ hội. Qua đó góp phần khơi dậy, gìn giữ những phong tục, tập quán tốt đẹp; phát huy vốn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều Đề án phát triển du lịch gắn với khai thác giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Trong đó có 10 đề án phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở khai thác các giá trị tự nhiên và văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực miền núi. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã phê duyệt các quyết định khác như Đề án “Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ tỉnh Thanh Hóa trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH giai đoạn 2021-2030”; Đề án “Bảo tồn, phát huy và phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030”; Đề án nghiên cứu phục dựng, phát huy giá trị các lễ hội tiêu biểu và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phục vụ phát triển du lịch...
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tích cực phối hợp với các địa phương mở các lớp tập huấn về phương pháp bảo tồn trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc; lớp tập huấn biên đạo, tập luyện và hỗ trợ đạo cụ, trang phục cho các đội văn nghệ du lịch cộng đồng; các lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch; hướng dẫn, hỗ trợ người dân địa phương phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo dựa trên văn hóa bản địa; đồng thời, tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia vào việc quản lý và khai thác các di sản văn hóa.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
{name} - {time}
-
2024-12-12 08:38:00
Khai mạc Triển lãm 3D trực tuyến “Côn Đảo - Bản hùng ca giữa trùng khơi”
-
2024-12-12 08:32:00
Budapest chào đón chiếc xe điện LEGO đầu tiên trên thế giới
-
2024-09-19 16:20:00
Tương lai xanh của các đảo du lịch sinh thái không khí thải
Dừng tổ chức một số nội dung tại Lễ hội Lam Kinh năm 2024
Nga Sơn thực hiện nếp sống văn minh tại các khu dân cư
[Podcast] - Tản văn: Lối ấy ta về
Eschuri Vung Bau Golf – sân golf đẳng cấp bậc nhất tại đảo Ngọc
Vẻ đẹp thoát tục của ngôi chùa gần 1.000 năm tuổi trên đỉnh núi Long Đọi, Hà Nam
Loài ngựa cao nhất thế giới chào đời tại Vinpearl Horse Academy
Điểm mặt các hoạt động thú vị đón Tết Trung Thu
Làng cổ Đông Sơn - nơi tiếng thở của thời gian rất khẽ
Như Xuân quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa