Bảo tồn đa dạng các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống
Thanh Hóa là mảnh đất còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của 7 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, nổi bật nhất là các phong tục, tập quán, tín ngưỡng dân gian, các làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi, trò diễn dân gian... Đây chính là niềm tự hào cũng như đặt ra trách nhiệm cho các cấp, ngành, các địa phương trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa quý báu đó.
Tiết mục văn nghệ của đồng bào dân tộc Thái tại lễ hội Nàng Han năm 2024 và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, xã Vạn Xuân (Thường Xuân).
Ông Lê Hữu Giáp, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thường Xuân, cho biết: "Là huyện có đông đồng bào dân tộc Thái sinh sống nên Thường Xuân còn lưu giữ được nhiều loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, tiêu biểu như, khua luống, nhảy sạp, cồng chiêng, ném còn, đẩy gậy, kéo co, đánh đu, nhảy sạp... Trong các loại hình nghệ thuật dân gian đó, thì cồng chiêng là nét văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của đồng bào dân tộc Thái. Cồng chiêng là nhạc cụ dân tộc thuộc bộ gõ, cồng chiêng càng to thì tiếng càng trầm, càng nhỏ thì tiếng càng bổng. Trong một bộ chiêng, chiêng cái (hay chiêng mẹ) là quan trọng nhất. Dàn cồng chiêng ở Thường Xuân phổ biến có 5 cái, treo trên giá gỗ, được xếp lần lượt từ to đến nhỏ, người đánh cồng chiêng là nam giới. Khi đánh cồng chiêng, nghệ nhân luôn lấy ngữ điệu cơ thể để thể hiện cho phù hợp với từng điệu. Người ta thường đánh cồng chiêng trong các dịp lễ, tết của thôn, bản hoặc gia đình nào có tang ma. Có rất nhiều cách đánh cồng, chiêng khác nhau và mỗi cách lại cho một cảm nhận, sắc thái khác nhau. Tiếng chiêng dùng cho các sinh hoạt của cộng đồng thì thánh thót, vui tươi; tiếng chiêng trong lễ hội thì giục giã, tiếng chiêng lễ bỏ mả thì chậm rãi, man mác...".
Để bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, cũng như các dân tộc khác cùng sinh sống trên địa bàn, huyện đã sáng tạo, linh hoạt thực hiện nhiều giải pháp như: tuyên truyền về bảo tồn văn hóa phi vật thể cho người dân nhằm nâng cao nhận thức; kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương để có phương án bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả; có cơ chế đãi ngộ cho các nghệ nhân, những cá nhân và gia đình có công giữ gìn các di sản văn hóa dân tộc...
Hoằng Hóa cũng là huyện đã khôi phục được nhiều loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống như: hát trống quân, chèo, tuồng, hát chầu văn, các trò chơi, trò diễn dân gian, như: vật dân tộc, đua thuyền, chèo trải, trống hội... Để bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống đó, huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích xếp hạng, di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện Hoằng Hóa, giai đoạn 2023-2025". Trong đó, đẩy mạnh công tác sưu tầm, phục hồi các làn điệu dân ca, dân vũ trong Nhân dân để đáp ứng nhu cầu thực tế; xây dựng các tổ, đội văn nghệ truyền thống, nhân rộng các mô hình điểm; tích cực truyền dạy cho con em tại địa phương nhằm kế thừa di sản văn hóa phi vật thể. Cùng với đó, tiếp tục tổ chức các hoạt động như, liên hoan ca múa nhạc dân gian, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, liên hoan các câu lạc bộ nghệ thuật...
Nhiều địa phương khác trong tỉnh như: Ngọc Lặc, Bá Thước, Vĩnh Lộc... đều đã và đang gìn giữ được đa dạng các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống từ phong tục, tập quán, tín ngưỡng đến các làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi, trò diễn dân gian. Nói về việc giữ gìn giá trị của các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thanh Hóa, cho biết: "Các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống được kết tinh trong quá trình sinh hoạt, lao động, sản xuất của các dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh. Trải qua nhiều thế hệ, đến nay các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống vẫn được gìn giữ và ngày càng khẳng định vai trò là sợi dây gắn kết cộng đồng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân. Chính vì vậy, thời gian qua, các cấp, ngành, đặc biệt là trung tâm đã có nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả để các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống được lan tỏa trong cộng đồng. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, trung tâm đã phối hợp với các huyện: Ngọc Lặc, Hà Trung, Đông Sơn, Vĩnh Lộc tổ chức các lớp tập huấn, biên đạo, tập luyện và hỗ trợ đạo cụ, trang phục cho đội văn nghệ tại các địa phương. Đặc biệt, trung tâm cũng đã tổ chức Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa lần thứ XX - năm 2024 với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa các vùng, miền như: thi diễn văn nghệ dân gian và trình diễn trang phục truyền thống; tổ chức “Liên hoan văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao năm 2024” nhằm giới thiệu, quảng bá phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa, tiềm năng, thế mạnh về du lịch của các địa phương.
Có thể thấy rằng, tỉnh Thanh Hóa với đa dạng các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, nếu được gìn giữ và phát huy tốt không chỉ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn làm giàu thêm vào kho tàng di sản văn hóa quý báu của dân tộc.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
{name} - {time}
-
2024-12-13 09:21:00
Phú Quốc trước cơ hội trở thành “giấc mơ mới” của tín đồ du lịch nghỉ dưỡng toàn cầu
-
2024-12-13 08:00:00
“Cơn sốt mùa Đông” trên quê hương ông già Tuyết
-
2024-03-29 09:10:00
Tuyệt tác nghệ thuật phiên bản giới hạn
Sẵn sàng cho ngày khai mạc Lễ hội Đền Bà Triệu năm 2024
Phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia đền Sòng Sơn và Lễ hội Sòng Sơn - Ba Dội
Đến Fansipan đón “khúc giao mùa” của những loài hoa
Nhiều trải nghiệm cho du khách dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng năm 2024
Giải thưởng Cống hiến năm 2024: Đen Vâu và Double2T lập cú đúp chiến thắng
[Podcast] - Tản văn: Lên màu cho nỗi nhớ
Về Ngọc Lặc nghe âm vang cồng chiêng
Linh thiêng Lễ Vía Quán Thế Âm Bồ Tát đản sinh trên đỉnh Fansipan
Đặc sắc Lễ hội đền Phố Cát