Hội làng Xuân Phả
Nằm bên hữu ngạn sông Chu, làng Xuân Phả (nay là xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân) là “quê hương” của trò diễn Xuân Phả nổi tiếng. Về vùng đất cổ trong những ngày đầu tháng 2 (âm lịch), du khách được hòa mình vào không gian lễ hội Xuân Phả đặc sắc, chứa đựng nhiều ý nghĩa.
Người dân háo hức xem diễn trò trong lễ hội truyền thống.
Theo sử sách, trong số 12 xứ Láng cổ thuộc huyện Lôi Dương xưa (Thọ Xuân ngày nay), ở buổi ban đầu xây dựng làng mạc, Xuân Phả được biết đến với tên gọi láng Trang. Khoảng thế kỷ XV, láng Trang đổi tên thành Xuân Phổ (có tài liệu viết Xuân Phố) huyện Lôi Dương, về sau Xuân Phổ được đổi tên thành Xuân Phả.
Làng Xuân Phả có con người đến tụ cư cách ngày nay cả nghìn năm. Cùng với quá trình tranh đấu, xây dựng cuộc sống, người Xuân Phả không ngừng vun đắp, tạo nên những giá trị văn hóa đậm nét. Là nghè Đệ nhất thờ Đại Hải Long Vương; nghè Đệ Nhị thờ thần Cao Minh Linh Quang; chùa Tạu...
Đặc biệt, đã là người Xuân Phả, mấy ai không “nằm lòng” và cả tự hào bởi câu ca: “Ăn bánh với giò không bằng xem trò làng Láng”. Ở đó, trò làng Láng chính là trò Xuân Phả - một trong những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của người Xuân Phả nói riêng, xứ Thanh nói chung.
Theo nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Ngọc Khiếu trong sách Lễ hội xứ Thanh (tập 1): “Trò Xuân Phả có từ bao giờ, đến nay câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Vì chưa thấy nguồn tài liệu chữ viết nào ghi chép đầy đủ về nguồn gốc của nó. Lâu nay các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật có hai thuyết về nguồn gốc trò Xuân Phả: Một là trò Xuân Phả có từ thời Đinh (thế kỷ thứ X), thuyết thứ hai cho rằng trò Xuân Phả ra đời sau khi Lê Lợi đánh thắng giặc Minh, nhà Lê được thành lập (thế kỷ XV) và vì thế cho rằng hệ thống trò Xuân Phả có tích từ hai điệu múa “Chư hầu lai triều” và “Bình Ngô phá trận”. Đối với người làng Xuân Phả thì rất tự hào với hệ thống trò diễn của mình, họ coi đó là vốn nghệ thuật của làng được hình thành từ đời vua Đinh trị vì đất nước, rồi được ông cha truyền lại từ đời này qua đời khác dưới dạng truyền khẩu”.
Đi cùng niềm tin cho rằng trò Xuân Phả có từ thời nhà Đinh, cho đến nay các thế hệ người dân Xuân Phả vẫn đời nối đời kể nhau nghe truyền thuyết. Rằng vào thời vua Đinh, khi đất nước có giặc xâm chiếm, nhà vua cho sứ giả đi khắp nơi tìm kiếm hiền tài hiến kế, giúp sức cho vua đánh giặc. Khi sứ giả đến bờ sông Chu làng Xuân Phả ngày nay thì bất ngờ gặp giông tố nổi lên, trời cũng vừa tối, đành phải trú ngụ trong ngôi miếu nhỏ bên sông. Và trong đêm hôm đó, sứ giả mộng thấy một vị thần tự xưng Thành hoàng làng hiến kế đánh giặc. Ngày hôm sau khi tỉnh giấc, cho là thần hiển linh, sứ giả bèn vội về kinh đô cấp báo nhà vua. Cho rằng kế sách hay, vua làm theo, quả nhiên đánh thắng được giặc. Đất nước yên bình trở lại, trong ngày hội mừng công, các nước lân bang, chư hầu, bộ tộc đến chúc mừng Đại Cồ Việt, họ mang theo những điệu múa hát đặc sắc của dân tộc mình, như “Chiêm Thành đồ tiến cống”, “Ai Lao đồ tiến cống”...
“Nhớ ơn Thành hoàng làng Xuân Phả có công lớn với đất nước, nhà vua đã ban đạo sắc phong hiệu cho Thành hoàng làng Xuân Phả là “Đại Hải Long Vương Hoàng Lang tướng quân” và truyền cho dân làng Xuân Phả lập đền thờ. Đồng thời ban thưởng những điệu múa hát hay nhất, đẹp nhất cho dân làng, đó là năm điệu trò cổ Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc, Hoa Lang và Lục Hồn Nhung (còn gọi là Tú Huần)” (sách Thọ Xuân Di tích và danh thắng).
Và theo lưu truyền, cùng với việc ban cho làng Xuân Phả những điệu múa hát hay nhất, vua Đinh còn truyền cho làng hằng năm đến ngày mùng 10 tháng 2 (âm lịch) - được cho là ngày Thành hoàng làng hiển linh mộng báo để mở hội diễn trò. Từ đó, lễ hội Xuân Phả ra đời và tiếp nối bởi những thế hệ người dân trong làng.
Hội làng Xuân Phả với các trò diễn đặc sắc tạo nên sức sống lâu bền trong đời sống người dân.
Lễ hội Xuân Phả diễn ra trong hai ngày mùng 9, 10 tháng 2 (âm lịch) với phần lễ và hội. Trong đó, phần lễ thành kính, linh thiêng với rước văn, rước sắc, rước cỗ, rước trò về Nghè và tế Thành hoàng làng. Còn phần hội sôi động, náo nhiệt bởi các trò diễn.
Theo các cụ cao niên trong làng, khi xưa trong hội làng Xuân Phả, các trò diễn sẽ được “chia đều” cho các giáp, như giáp Thượng, Trung, Trường múa trò Hoa Lang; giáp Giữa múa trò Lục Hồn Nhung; giáp Đoài múa trò Chiêm Thành; giáp Đông múa trò Ai Lao; giáp Yên múa trò Ngô Quốc... Và hiện nay, việc diễn các trò vẫn theo lệ cũ, do người dân các làng (thôn) đảm trách. Trong đó, làng Thượng diễn trò Hoa Lang; làng Trung diễn trò Tú Huần; làng Đoài, làng Liên Thành diễn trò Chiêm Thành; làng Đông diễn trò Ngô Quốc; làng Yên diễn trò Ai Lao.
Dù những trò diễn đã “ăn sâu” vào trong đời sống văn hóa của người Xuân Phả, trở thành sinh hoạt văn hóa thường xuyên. Tuy nhiên năm nào cũng thế, về Xuân Phả dịp đầu xuân, ghé thăm các thôn làng, du khách sẽ không khỏi bất ngờ trước không khí tập luyện sôi nổi của người dân địa phương trước ngày diễn ra hội làng. Ông Đỗ Văn Khương, người làng Yên (85 tuổi), tự hào chia sẻ: “Lễ hội Xuân Phả chứa đựng yếu tố thiêng liêng, là nét đẹp văn hóa tín ngưỡng thấm sâu vào đời sống tinh thần của người dân địa phương. Để lễ hội diễn ra, mỗi thôn làng, mỗi người đều ý thức mình có một phần trách nhiệm. Và trong lễ hội Xuân Phả, việc diễn trò ví như cuộc thi giữa các đội, đội nào diễn trò hay hơn, hấp dẫn hơn sẽ nhận được sự ngợi khen, tán thưởng của người dân trong làng. Bởi vậy, càng gần đến ngày diễn ra lễ hội, các thôn làng đều nỗ lực tập luyện”.
Dù đều mang ý nghĩa “chúc mừng” nhưng mỗi trò diễn trong hội làng Xuân Phả lại được diễn theo những “hoạt cảnh” tươi vui, sôi động với màu sắc khác nhau, tạo nên sức hấp dẫn của trò diễn và hội làng Xuân Phả.
“Lý giải” về các trò diễn trong hội làng Xuân Phả, theo sách Thọ Xuân Di tích và danh thắng: Trò Hoa Lang mô phỏng người nước Hoa Lang (một bộ tộc ở Cao Ly) đến tiến cống vua Đại Việt; trò Ai Lao mô phỏng người nước Ai Lao (Lào) sang tiến cống; trò Chiêm Thành (còn gọi là Xiêm Thành) mô phỏng người Chiêm Thành sang tiến cống, nhân vật trò Chiêm Thành là chúa, mế nàng, phỗng, quân, trang phục màu đỏ; trò Tú Huần mô phỏng tộc người Tú Huần ở miền núi phía Bắc đến cống tiến, so với các trò khác, trò Tú Huần được lưu truyền rộng rãi hơn cả... Những điệu múa trong trò Xuân Phả vừa vui, mạnh mẽ mà không kém phần uyển chuyển, nhịp nhàng, tạo nên những “lớp lang” chặt chẽ, cuốn hút người xem.
Trải qua thời gian dài với nhiều biến động, trò diễn và lễ hội Xuân Phả đã từng bị gián đoạn, mai một. Và đầu những năm 2000, với sự quan tâm của các cấp, ngành và nỗ lực tận tâm của người dân địa phương, trò diễn và lễ hội Xuân Phả suốt những năm qua đã được khôi phục thành công. Ông Bùi Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường cũng đồng thời là nghệ nhân có nhiều đóng góp trong việc khôi phục trò diễn và lễ hội Xuân Phả, cho biết: “Hội làng Xuân Phả cùng các trò diễn đặc sắc trong lễ hội ví như mạch nguồn âm thầm chảy trong đời sống văn hóa tinh thần người dân địa phương, dẫu có những khoảng thời gian trầm lặng, gián đoạn nhưng không mất đi. Di sản văn hóa ấy đã góp phần làm nên màu sắc rực rỡ của “bức tranh” văn hóa xứ Thanh, văn hóa Việt Nam... Mời du khách về với Xuân Phả, về với hội làng truyền thống để hiểu hơn về nét đẹp của di sản văn hóa ông cha”.
Khánh Lộc
{name} - {time}
-
2024-11-22 10:04:00
Những người giữ hồn di sản
-
2024-11-22 09:59:00
“Bật đèn xanh” cho dạy thêm, học thêm (Bài 3): Nới lỏng và quản lý
-
2024-03-20 06:39:00
Khát vọng tuổi trẻ - khát vọng cống hiến