Bảo đảm tương quan cân đối hài hòa, công bằng giữa các đối tượng khi tăng lương
Chi trả tiền lương cho người dân. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Chính phủ đề xuất tăng mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%) từ ngày 1/7/2024. Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đây là mức tăng cao nhất trong lịch sử từ khi thành lập nước cho đến nay.
Mức tăng cao nhất trong lịch sử
Nhìn lại 20 năm qua, chúng ta đã có 14 lần tăng lương cơ sở, từ mức 290.000 đồng (áp dụng vào thời điểm 1/10/2004) lên 1,8 triệu đồng (áp dụng từ ngày 1/7/2023 đến nay).
Lương cơ sở tăng dần qua các năm trong giai đoạn 2004-2006, 2008-2013 và 2016-2019.
Việc điều chỉnh tăng lương cơ sở theo lộ trình hằng năm là nỗ lực của Chính phủ nhằm đạt mục tiêu lương sẽ là thu nhập chính, đảm bảo đời sống của người hưởng lương.
Từ năm 2004-2012, mức tăng lương cơ sở luôn đạt 2 con số, trong đó, “kỷ lục” là kỳ tăng lương ngày 1/10/2006, tăng 28,57% (từ 350.000 đồng lên 450.000 đồng).
Kỳ tăng lương ngày 1/5/2012 có mức tăng cao thứ hai, khi tăng 26,5% so với mức liền kề trước đó, từ 830.000 lên 1,05 triệu đồng.
Ngày 1/7/2013, mức lương cơ sở tăng lên 1,15 triệu đồng, tăng 9,52% nhưng sau đó gần 3 năm lương cơ sở không tăng.
Giai đoạn 5/2016-7/2019, lương cơ sở tăng từ 1,21 triệu đồng lên 1,49 triệu đồng. Mức tăng mỗi năm chỉ từ 90.000-100.000 đồng (5,2-7,4%).
Thực tế cho thấy mức tăng này không mang nhiều ý nghĩa tích cực với người hưởng lương, bởi chủ yếu để bù đắp phần trượt giá do giá cả hàng hóa tăng lên, nhiều người vẫn nói rằng, “lương đuổi theo giá.”
Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã xác định cải cách chính sách tiền lương từ năm 2021.
Tuy nhiên, những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 khiến chúng ta lỗi hẹn với cải cách tiền lương.
Lương cơ sở 3 năm (2020, 2021 và 2022) “dậm chân tại chỗ” ở mức 1,49 triệu đồng, trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng từ tháng 7/2019 (thời điểm tăng lương cơ sở lên 1,49 triệu đồng) đến hết năm 2022 tăng khoảng 10%.
Do 3 năm liền không điều chỉnh tăng lương cơ sở, đời sống của người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển việc từ khu vực công sang khu vực tư ngày càng nhiều.
Trong bối cảnh đất nước ta đang thực hiện nhiều giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, tình hình chính trị thế giới và diễn biến giá cả, lạm phát của nhiều nước biến động nhanh, phức tạp, khó lường, tác động sâu rộng, ảnh hưởng lớn đến nhiều quốc gia, khu vực và nước ta; Trung ương đã quyết định chưa thực hiện cải cách tiền lương trong năm 2023, thay vào đó là điều chỉnh tiền lương, lương hưu với những người nghỉ trước năm 1995, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công.
Từ ngày 1/7/2023, lương cơ sở đối với khu vực công đã được tăng lên mức 1,8 triệu đồng, tăng 20,8%, là mức tiệm cận với cải cách tiền lương. Cùng với đó, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo cũng được tăng lên.
Điểm lại 14 lần tăng lương trong 20 năm qua để thấy rằng việc tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng từ ngày 1/7 tới theo đề xuất của Chính phủ mang tới nhiều kỳ vọng không chỉ với những người làm công ăn lương trong khu vực công, mà còn mang niềm vui tới hàng chục triệu người đang hưởng chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở.
Thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội
Theo Bộ Nội vụ, tổng hợp sơ bộ, việc điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp tác động lên khoảng 18 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội; khoảng 50 triệu người do ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế; khoảng 16 triệu học sinh, sinh viên và 30 triệu người liên quan chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh...
Tăng lương cho toàn bộ những người hưởng lương và tăng mức trợ cấp tác động tích cực đến nhiều nhóm đối tượng, tạo hiệu ứng tốt, bảo đảm được tương quan cân đối hài hòa, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương, trợ cấp và chính sách liên quan đến mức lương cơ sở, tạo được sự thống nhất đồng thuận lớn trong xã hội. Qua đó, góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương, các đối tượng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở; tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các đối tượng hưởng chế độ, chính sách trợ cấp, phụ cấp.
Nói như Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã quyết một phương án rất sáng suốt.” Điều này để bảo đảm tương quan tất cả các đối tượng cùng hưởng, không ai thấp, không ai cao...
Ưu điểm của phương án này là không tác động, không ảnh hưởng đến các quy định của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước gắn với lương cơ sở, xây dựng các cơ chế, chính sách về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.
Việc thực hiện các nội dung của cải cách chính sách tiền lương và tăng mức lương cơ sở 30% nêu trên cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP bình quân giai đoạn 2024-2026 sẽ tăng khoảng 0,21% và đạt gần 6,9%.
Ngoài tăng lương cơ sở, việc bổ sung quỹ tiền thưởng (bằng 10% quỹ lương cơ bản) của khu vực công tạo nguồn để người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thêm cơ chế, chính sách kịp thời khen thưởng, động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều đóng góp trong thực thi nhiệm vụ được giao.
Để việc tăng lương thực sự ý nghĩa
Tăng lương có kéo giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng theo, gây áp lực lên lạm phát (?), đây là điều nhiều người quan tâm.
Đã có ý kiến lo lắng khi nhắc tới bài học về giá-lương-tiền năm 1984-1986. Chỉ khi kiềm chế được lạm phát thì việc tăng lương mới thực sự có ý nghĩa, đảm bảo nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và gia đình của họ.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, tăng mức lương cơ sở 30% là mức tăng cao nhất trong lịch sử từ khi thành lập nước cho đến nay. Để việc tăng lương thực sự có ý nghĩa, phải làm tốt Nghị quyết 93/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô vừa được Chính phủ ban hành.
“Tăng lương 30% lại dẫn đến lạm phát thì quyền lợi của người lao động cũng không được hưởng bao nhiêu, bởi giá cả thực tế đi trước rất nhiều,” Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu.
Bà cho biết hiện đã có “kịch bản” để kiềm chế lạm phát. Những dịch vụ công ích thuộc điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan sẽ được điều chỉnh phù hợp theo lộ trình.
Với giá một số loại hàng hóa, dịch vụ rất dễ tăng, ảnh hưởng đến đời sống thường nhật của người dân, cần phải rất lưu ý để kiểm soát.
Trao đổi với báo giới tại buổi họp báo mới đây, người đứng đầu ngành nội vụ mong muốn các cơ quan báo chí góp phần truyền thông để kiềm chế lạm phát, bởi, nếu lạm phát bị đẩy lên cao quá thì dù cán bộ, công chức, viên chức được hưởng mức lương rất cao nhưng “khi đó tiền lương tăng lên sẽ không giải quyết được vấn đề gì.”
Lương-giá là bài toán đang được đặt ra, hiện Chính phủ đang hết sức tập trung giải quyết.
Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo, đã nhấn mạnh “không để tăng lương dẫn đến tăng giá bất hợp lý, thành thói quen, làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương.”
Làm được điều này, vấn đề đặt ra là phải theo dõi sát, kiểm soát chặt giá cả hàng hóa, đề ra những giải pháp và kịch bản phù hợp, kịp thời, kiểm soát được lạm phát trong mức giới hạn Quốc hội cho phép là 4,5%.
Để chủ động có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, từ sớm, từ xa, từ nơi bắt đầu, không để lúng túng, bị động trong mọi tình huống, trong công điện về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá vừa ban hành sáng 23/6, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kịp thời các ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá; trong phạm vi, lĩnh vực quản lý đẩy mạnh tổ chức triển khai theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
“Cần tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá theo quy định pháp luật. Các bộ, ngành, địa phương thường xuyên theo dõi sát thông tin, nắm bắt diễn biến giá cả một số mặt hàng có tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng và tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định,” Thủ tướng yêu cầu.
Với hàng hóa, dịch vụ phải thực hiện lộ trình điều chỉnh giá, Thủ tướng lưu ý phải đánh giá kỹ tác động đến lạm phát, tính toán, chuẩn bị sẵn sàng các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá để xem xét, quyết định khi cần thiết với mức độ, thời điểm phù hợp, tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả, không tăng giá đột ngột hoặc tăng giá dồn vào cùng một thời điểm, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát./.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2025-01-13 16:11:00
Quỹ Thiện Tâm tặng 3.400 suất quà tết cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn
-
2025-01-13 15:07:00
Kịp thời dập tắt đám cháy tại Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước
-
2024-06-24 14:13:00
Đánh thức tiềm năng du lịch biển Quảng Xương
Học bơi - hoạt động bổ ích của trẻ ngày hè
Xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông
Giữ sạch "vùng xanh” nơi biên viễn (Kỳ 1): Khi “cơn bão” ma túy tràn về
Sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 07-NQ/TU: Những chuyển biến tích cực
Quan tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em
Vì sức khỏe cộng đồng: Tăng diện bao phủ BHXH, BHYT vùng ven biển
Trí thức hóa nông dân
Hàng vạn khách du lịch đổ về Sầm Sơn để tránh nóng
Bảo hiểm nhân thọ bù đắp thiệt hại tài chính trước những rủi ro