Sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 07-NQ/TU: Những chuyển biến tích cực
Sầm Sơn là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử; đồng thời là thành phố du lịch biển có thương hiệu, có bản sắc riêng với nhiều giá trị độc đáo, nổi trội. Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế to lớn đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về xây dựng và phát triển TP Sầm Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Nghị quyết số 07-NQ/TU).
Sầm Sơn rực rỡ sắc màu.
Nghị quyết số 07-NQ/TU đã xác định rõ quan điểm phát triển TP Sầm Sơn trong tương lai là trở thành đô thị du lịch biển thông minh, hiện đại, hấp dẫn, thân thiện, trên cơ sở khai thác và phát huy hiệu quả, bền vững tiềm năng, lợi thế của thành phố. Đồng thời, tranh thủ tối đa sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, sự phối hợp hỗ trợ của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; kết nối có hiệu quả với các khu du lịch, danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa của các địa phương trong tỉnh, trong nước. Cùng với đó là tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đa dạng hóa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; văn hóa, văn minh đô thị là đột phá; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp sạch, công nghệ cao phục vụ du lịch là nền tảng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Trong sự phát triển của thành phố phải lấy trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Đồng thời, phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Cùng với đó là chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; khơi dậy và phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và toàn dân, tạo động lực cho thành phố phát triển.
Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 07-NQ/TU, TP Sầm Sơn đã nắm bắt được những thời cơ rất thuận lợi. Đó là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã xác định ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; trong đó, xác định trung tâm TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn là 1 trong 4 trung tâm kinh tế động lực được tập trung phát triển. Ngoài ra, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 298/2022/NQ-HĐND, ngày 13/7/2022 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố; trong đó, có 3 cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách để tạo điều kiện về nguồn lực cho phát triển thành phố.
Trên cơ sở đó, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Nhờ đó, trong 3 năm đầu triển khai Nghị quyết số 07-NQ/TU, thành phố đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nổi bật là kinh tế tăng trưởng khá và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; tốc độ tăng giá trị sản xuất đứng thứ hai toàn tỉnh. Trong đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 3 năm (2021-2023) ước đạt 12,9%, đứng thứ hai toàn tỉnh. Giá trị sản xuất 3 năm 2021-2023 (theo giá hiện hành) ước đạt 55.295 tỷ đồng đứng thứ 6 toàn tỉnh. Cơ cấu kinh tế giai đoạn 2021-2023 tiếp tục chuyển dịch đúng hướng: giảm dần tỷ trọng nông nghiệp từ 13,44% xuống 10,81%, tăng tỷ trọng dịch vụ - thương mại từ 38,25% lên 40,4% và công nghiệp - xây dựng từ 48,31% lên 49,14%. Tổng giá trị sản xuất (theo giá hiện hành) năm 2023 ước đạt 21.418 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 70,43 triệu đồng, gấp 1,4 lần năm 2020 và đứng thứ 3 toàn tỉnh...
Một dấu ấn nổi bật của thành phố trong 3 năm triển khai Nghị quyết số 07-NQ/TU là sự phát triển đột phá của ngành du lịch. Trong đó, tổng lượt khách du lịch 3 năm 2021-2023 ước đạt 16,56 triệu lượt khách, bằng 79% cả giai đoạn 2016-2020 và chiếm từ 65%-70% tổng số lượt khách toàn tỉnh. Doanh thu du lịch 3 năm ước đạt 31.137 tỷ đồng, gấp 1,6 lần cả giai đoạn 2016-2020. Dịch vụ du lịch có nhiều đổi mới, từng bước khắc phục được những tồn tại hạn chế, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Sầm Sơn. Bên cạnh đó, thành phố đã tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế tài nguyên thiên nhiên, phát huy tốt các giá trị văn hóa, lịch sử; tổ chức thành công các sự kiện văn hóa, lễ hội, thể dục, thể thao, nhất là lễ hội du lịch biển. Cũng trong giai đoạn 2021-2023, thành phố đã định kỳ tổ chức lễ hội Tình yêu - Hòn Trống Mái trở thành lễ hội đặc sắc, riêng có.
Cùng với kinh tế, lĩnh vực văn hóa xã hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác phát triển văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu, tạo hiệu ứng tích cực trong xây dựng xã hội lành mạnh văn minh, văn hóa. Nổi bật là hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được chú trọng. Hằng năm, thành phố đều bố trí nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các di tích, danh thắng, nâng cấp các lễ hội của thành phố thành những sản phẩm du lịch độc đáo thu hút khách du lịch. Trong lĩnh vực giáo dục, thành phố tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trường lớp học; kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho ngành giáo dục; khuyến khích mở rộng hệ thống nhà trẻ và trường mầm non tư thục. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, thành phố có 37/40 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia lên 92,5%.
Ngoài ra, công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm tiếp tục được quan tâm theo hướng bền vững. Nhờ đó, đời sống vật chất của Nhân dân ngày càng được cải thiện, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao. Các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Giai đoạn 2021-2023, thành phố đã thực hiện chi trả chế độ hàng tháng cho 67.961 lượt đối tượng người có công và thân nhân người có công, với số tiền chi trả hơn 125 tỷ đồng. Trong công tác giải quyết việc làm, thành phố đã giới thiệu, tạo việc làm mới cho trên 6.200 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2023 đạt 83,2%. Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động năm 2023 chiếm tỷ lệ 15,2%. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2022 là 1,61%, ước năm 2023 là 0,78% (đạt chỉ tiêu tỉnh giao)...
Quốc phòng - an ninh tiếp tục được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, đã tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội thành phố phát triển. Trong đó, thành phố đã thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, không để hình thành các băng, nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu xã hội đen; đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, trật tự đô thị, phòng chống cháy nổ, kiềm chế tai nạn giao thông. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tiếp tục được đẩy mạnh, với 100% cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn “an toàn về an ninh trật tự”...
Có thể khẳng định, những kết quả bước đầu đạt được sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU sẽ là cơ sở, là tiền đề quan trọng để TP Sầm Sơn tiếp tục khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có, nắm bắt những cơ hội thuận lợi và nỗ lực vượt qua những khó khăn thách thức. Từ đó, từng bước đưa thành phố vươn lên, sớm trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế như mục tiêu Nghị quyết số 07-NQ/TU đã đề ra.
Bài và ảnh: Trần Hằng
- 2024-11-02 19:11:00
Thức dậy dòng sông để thêm thương nhớ hồn làng
- 2024-11-02 15:28:00
Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội tỉnh Thanh Hoá và Bắc Ninh 2024
- 2024-06-23 16:00:00
Quan tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em
Vì sức khỏe cộng đồng: Tăng diện bao phủ BHXH, BHYT vùng ven biển
Trí thức hóa nông dân
Hàng vạn khách du lịch đổ về Sầm Sơn để tránh nóng
Bảo hiểm nhân thọ bù đắp thiệt hại tài chính trước những rủi ro
Thăm hỏi, động viên gia đình có người bị thiệt mạng do đuối nước ở xã Hoằng Phụ (Hoằng Hoá)
Niềm vui trong căn nhà “Mái ấm công đoàn”
Lòng trắc ẩn đặt không đúng chỗ sẽ trở thành tiếp tay, dung túng
Thạch Thành quan tâm xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách
Vốn tín dụng chính sách - động lực cho tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội ở huyện Thiệu Hóa