11:38 06/09/2023 GMT+7
(Baothanhhoa.vn) - Bước vào tuổi thứ 27, từ ngày thành lập huyện năm 1996 đến nay, Mường Lát vẫn luôn nhận được sự quan tâm của Trung ương và của tỉnh. Tuy nhiên, là huyện biên giới nghèo nhất của tỉnh Thanh Hóa, sau nhiều năm nỗ lực, Mường Lát vẫn chưa đạt được những kết quả như kỳ vọng. Đây cũng là lý do mà ngày 29-9-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ký ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Nghị quyết số 11).

[Bài dự thi Giải Báo chí về Xây dựng Đảng năm 2023] Kỳ vọng đổi thay nơi thượng nguồn sông Mã - Bài 1: Mường Lát - Hoa về trong tương lai

Bước vào tuổi thứ 27, từ ngày thành lập huyện năm 1996 đến nay, Mường Lát vẫn luôn nhận được sự quan tâm của Trung ương và của tỉnh. Tuy nhiên, là huyện biên giới nghèo nhất của tỉnh Thanh Hóa, sau nhiều năm nỗ lực, Mường Lát vẫn chưa đạt được những kết quả như kỳ vọng. Đây cũng là lý do mà ngày 29-9-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ký ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Nghị quyết số 11).

[Bài dự thi Giải Báo chí về Xây dựng Đảng năm 2023] Kỳ vọng đổi thay nơi thượng nguồn sông Mã - Bài 1: Mường Lát - Hoa về trong tương lai

Toàn cảnh thị trấn Mường Lát. Ảnh TL

Từ cái khó...

Hẳn nhiều người dân Mường Lát còn nhớ, 12 năm trước, theo đường Hồ Chí Minh, bỏ qua nghi thức đón tiếp lãnh đạo Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thẳng Mường Lát - 1 trong 62 huyện nghèo nhất cả nước. Đến bản Khằm I, xã Trung Lý gặp người Mông, đến bản Sáng, xã Quang Chiểu và xã Mường Chanh gặp bà con dân tộc Thái, Tổng Bí thư băn khoăn câu hỏi: Đất nước độc lập 66 năm rồi, hòa bình đã hơn 30 năm, từ nguồn lực của Trung ương, của tỉnh tập trung xây dựng khá quyết liệt, tại sao nơi đây vẫn nghèo, vẫn khó? Và làm thế nào để Mường Lát thoát khỏi danh sách huyện nghèo?.

[Bài dự thi Giải Báo chí về Xây dựng Đảng năm 2023] Kỳ vọng đổi thay nơi thượng nguồn sông Mã - Bài 1: Mường Lát - Hoa về trong tương lai

Cách đây 12 năm, ngày 2 và 3-9-2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về thăm, làm việc tại huyện Mường Lát. Ảnh: Minh Hiếu

Nói về những khó khăn của Mường Lát có lẽ là không cần thiết nữa. Bởi ở đây, bao năm nay kinh tế phát triển chậm, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn nhiều so với bình quân khu vực miền núi của tỉnh. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu là tự cung, tự cấp. Quy mô sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhỏ bé. Mạng lưới dịch vụ, thương mại phát triển chậm và chưa đồng đều. Kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH); một số công trình đầu tư dàn trải, dở dang, kéo dài nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực. Trong nhiều nguyên nhân để dẫn đến cái nghèo đeo đẳng có nguyên nhân khách quan là nơi này địa hình đồi núi phức tạp, điều kiện phát triển KT-XH rất khó khăn, thổ nhưỡng đất đai không thuận lợi và nguyên nhân chủ quan là dân trí, nhận thức của người dân thấp.

Lại nhắc về câu chuyện của năm 2018 và 2019, 2 cơn lũ trong 2 năm liên tiếp đã cuốn đi rất nhiều công sức, sự đầu tư của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Bắt đầu lại, Mường Lát đã hết sức nỗ lực, nhưng kết quả vẫn là con số khá khiêm tốn. Tính đến hết tháng 8-2023, Mường Lát vẫn “trắng” xã nông thôn mới (NTM). Bình quân một xã hiện chỉ đạt 6,14 tiêu chí NTM; đã có 17 bản về đích NTM, phấn đấu đến cuối năm 2023 có thêm 13 bản đạt NTM. Đến năm 2025, Mường Chanh và Quang Chiểu sẽ được công nhận xã NTM, và không còn xã dưới 15 tiêu chí.

[Bài dự thi Giải Báo chí về Xây dựng Đảng năm 2023] Kỳ vọng đổi thay nơi thượng nguồn sông Mã - Bài 1: Mường Lát - Hoa về trong tương lai

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt huyện Mường Lát trong chương trình thăm và làm việc, kiểm tra tình hình sản xuất, đời sống Nhân dân, công tác đảm bảo QP-AN đầu năm 2023. Ảnh: Minh Hiếu

Kể lại với chúng tôi hành trình 27 năm thành lập và phát triển của Mường Lát, ông Lầu Thanh Va, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện, cho biết: “So với thời điểm năm 1996, hiện nay mức sống cũng như các hạ tầng thiết yếu của Mường Lát đã khác lắm rồi. Chỉ 10 năm trước đây, không ai tưởng tượng Mường Lát lại có đường xe chạy bon bon, điện thắp sáng các thôn, bản. Khi mới tách ra thành lập huyện, lãnh đạo huyện phải ăn nhờ, ở đậu trong nhà dân. Sau gần 1 năm mới xây xong trụ sở và có nơi làm việc. Muôn vàn khó khăn và chúng tôi đã vượt qua”.

...Đến thời cơ

Quay trở lại với những băn khoăn, trăn trở của Tổng Bí thư khi về làm việc với Đảng bộ và Nhân dân Mường Lát, đồng chí có nói: Các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và huyện Mường Lát cùng suy nghĩ, phân tích sâu sắc, tìm hiểu nguyên nhân vì sao Mường Lát còn khó khăn, vì sao đồng bào các dân tộc nơi đây còn nghèo? Nếu trả lời một cách hời hợt và đơn giản thì dễ thấy: Vì đất đai xấu; vì cơ chế, chính sách chưa phù hợp; vì trình độ cán bộ... Nhưng nếu bằng lòng với câu trả lời ấy thì dường như đồng nghĩa với việc... cam chịu cái nghèo, cái khó? Tại sao có những nơi khó khăn hơn Thanh Hóa, hơn Mường Lát mà người ta lại tìm cách đi lên được, cải thiện đời sống của nông dân và bộ mặt nông thôn?

“Và hơn lúc nào hết, căn bệnh hời hợt và đơn giản phải bắt đầu từ cấp ủy, chính quyền tới từng đảng viên. Chúng ta không thể mãi hời hợt với chính cuộc sống của chúng ta, cái ăn, cái mặc của đồng bào ta”, ông Lầu Thanh Va nói.

[Bài dự thi Giải Báo chí về Xây dựng Đảng năm 2023] Kỳ vọng đổi thay nơi thượng nguồn sông Mã - Bài 1: Mường Lát - Hoa về trong tương lai

Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 1729 trực tiếp quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 29-9-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Ảnh: Quốc Hương

Để giải “bài toán” đó một cách căn cơ và cụ thể, đặt ra từng chỉ tiêu cho từng giai đoạn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 11. Đây là thời cơ và cũng là thách thức. Với mục tiêu chung là tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH thiết yếu; đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, trọng tâm là phấn đấu đến năm 2030 huyện Mường Lát thoát khỏi huyện nghèo. Để nghị quyết đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả, chỉ trong một thời gian rất ngắn, Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển huyện Mường Lát (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 1729) của Tỉnh ủy đã được thành lập. Chủ tịch UBND tỉnh Ban hành Quyết định số 4402 ngày 9-12-2022 về việc ban hành Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 11. Cũng ngày 9-12-2022, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mường Lát đã ban hành Chương trình hành động số 48-Ctr/HU để thực hiện Nghị quyết số 11. Ngày 12-12-2022, tại Trung tâm Hội nghị huyện Mường Lát, đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 1729 dự và trực tiếp quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết.

[Bài dự thi Giải Báo chí về Xây dựng Đảng năm 2023] Kỳ vọng đổi thay nơi thượng nguồn sông Mã - Bài 1: Mường Lát - Hoa về trong tương lai

Ngày 12-12-2022, tại huyện Mường Lát, Ban Chỉ đạo 1729 đã tổ chức hội nghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 29-9-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Ảnh: Quốc Hương

Ngay sau đó, Ban Thường vụ Huyện ủy cùng Đảng ủy các xã, thị trấn của huyện Mường Lát tiếp tục tổ chức quán triệt sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong huyện về nội dung, tinh thần của Nghị quyết số 11 cũng như Chương trình hành động của UBND tỉnh và Chương trình hành động của Huyện ủy Mường Lát trong thực hiện Nghị quyết số 11.

[Bài dự thi Giải Báo chí về Xây dựng Đảng năm 2023] Kỳ vọng đổi thay nơi thượng nguồn sông Mã - Bài 1: Mường Lát - Hoa về trong tương lai

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát phát biểu tại hội nghị công bố và bàn giao kết quả nghiên cứu, xây dựng bản đồ Thổ nhưỡng - Nông hóa huyện Mường Lát. Ảnh: Tiến Đông

Gần đây nhất, ngày 21-8, Viện Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Mường Lát đã tổ chức công bố và bàn giao kết quả nghiên cứu, xây dựng bản đồ thổ nhưỡng - nông hóa huyện Mường Lát phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và lập Đề án Phát triển rừng bền vững huyện Mường Lát, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từ đó, huyện xây dựng kế hoạch sản xuất, bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, KT-XH và giúp cho các cấp, ngành, địa phương, tổ chức, đơn vị chủ rừng, doanh nghiệp trên địa bàn chủ động trong công tác tổ chức sản xuất đạt hiệu quả cao nhất.

“Thời cơ này, nếu không quyết tâm thì chúng tôi sẽ phụ ý Đảng, lòng dân”, ông Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát khẳng định.

Thời cơ ở đây biểu hiện rõ nhất là chính sách và nguồn lực. Một nghị quyết đúng và trúng sẽ là động lực quan trọng để địa phương phát triển. Nghị quyết số 11 cũng sẽ bổ sung nguồn lực, cùng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương thúc đẩy KT-XH phát triển. Thông tin từ Văn phòng Điều phối Trung ương Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, theo kế hoạch, tổng nguồn vốn mà huyện Mường Lát sẽ nhận được trong giai đoạn 2022-2025 khoảng 730 tỷ đồng. Trong đó, vốn giảm nghèo sẽ phân bổ cho huyện Mường Lát giai đoạn 2022-2025 là 198,5 tỷ đồng; vốn cấp cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) dự kiến 47 tỷ đồng; vốn cấp cho chương trình NTM 72 tỷ đồng; vốn đối ứng của tỉnh Thanh Hóa 232 tỷ đồng. Đây được xem là nguồn lực to lớn để giúp huyện bứt phá trong thời gian tới.

...Và thách thức

Nghị quyết số 11 đã đặt ra 9 nhiệm vụ mà cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Mường Lát phải triển khai thực hiện. Tuy nhiên, Chương trình hành động số 48-Ctr/HU, Ban Chấp hành Huyện ủy Mường Lát đã tách ra thành 10 nội dung.

[Bài dự thi Giải Báo chí về Xây dựng Đảng năm 2023] Kỳ vọng đổi thay nơi thượng nguồn sông Mã - Bài 1: Mường Lát - Hoa về trong tương lai

Đồng chí Lầu Thanh Va, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy triển khai Kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Lát về thực hiện khâu đột phá thay đổi tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào chính sách của Đảng và Nhà nước theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Ngọc Huấn

Nội dung đầu tiên trong Chương trình hành động số 48 đó chính là “Tập trung tuyên truyền, vận động, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tinh thần tự lực, tự cường, chủ động vươn lên mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc huyện Mường Lát”. Đây cũng chính là khâu đột phá thứ nhất trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mường Lát lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025. Chính vì đòi hỏi cấp thiết này mà Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 66-KH/HU, ngày 13-10-2021 về việc thực hiện khâu đột phá về nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, vai trò quản lý của Nhà nước trong chỉ đạo tuyên truyền làm thay đổi tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

[Bài dự thi Giải Báo chí về Xây dựng Đảng năm 2023] Kỳ vọng đổi thay nơi thượng nguồn sông Mã - Bài 1: Mường Lát - Hoa về trong tương lai

Toàn cảnh hội nghị triển khai Kế hoạch số 66-KH/HU, ngày 13-10-2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Lát.

“Chính những cán bộ, đảng viên còn chưa gương mẫu, chưa đi đầu, chưa nhận thức, ý thức được trách nhiệm của mình thì làm sao Nhân dân có thể làm theo được”, ông Hoàng Văn Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát khẳng định.

Tư tưởng trông chờ ỷ lại đã ăn sâu bám rễ trong hầu hết Nhân dân huyện Mường Lát. Đa phần người dân sinh sống ở đây thuộc đồng bào dân tộc Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ Mú. Do sống ở khu vực biên giới, vùng núi cao, sông suối hiểm trở, dưới các tán rừng nên người dân được hỗ trợ 15kg gạo/khẩu/tháng. Hộ cận nghèo, hộ nghèo (trên 65%) còn nhận được nhiều chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước. Học sinh từ cấp 2 trở lên đi học tại các trường dân tộc nội trú được hỗ trợ gạo, hỗ trợ tiền (khoảng 700 nghìn đồng/tháng). Những chính sách này cơ bản đã giúp người dân ổn định đời sống. Tuy nhiên, một bộ phận người dân lại trông chờ vào nguồn chính sách hỗ trợ mà không chịu lao động, không tự vươn lên, đeo bám vào chính sách để sống qua ngày.

[Bài dự thi Giải Báo chí về Xây dựng Đảng năm 2023] Kỳ vọng đổi thay nơi thượng nguồn sông Mã - Bài 1: Mường Lát - Hoa về trong tương lai

Một góc khu tái định cư bản Nà Ón, xã Trung Lý.

“Nghị quyết số 11 không phải là nghị quyết mang tiền đến cho dân tiêu mà định hướng cho Nhân dân và cấp ủy, chính quyền Mường Lát làm căn cứ để thực hiện, chủ động triển khai phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong việc đảm bảo an ninh biên giới, chủ quyền quốc gia”, ông Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát khẳng định.

Vì vậy, Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin; Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện biên tập nội dung cốt lõi của nghị quyết (bằng hai thứ tiếng: tiếng Việt và tiếng Mông) để thường xuyên phát thanh trên Đài Truyền thanh của huyện và 8 xã, thị trấn, bằng hình thức chuyển sang USB để phát trực tiếp qua loa kéo ở trung tâm các bản, khu phố và qua mạng xã hội zalo.

[Bài dự thi Giải Báo chí về Xây dựng Đảng năm 2023] Kỳ vọng đổi thay nơi thượng nguồn sông Mã - Bài 1: Mường Lát - Hoa về trong tương lai

Cán bộ xã Trung Lý và Đồn Biên phòng Trung Lý thăm vườn cây ăn quả gia đình ông Lục Văn Phúc, bản Táo.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, ông Hoàng Văn Dũng chia sẻ: “Người dân mình cơ bản rất tốt, nhưng chưa phát huy hết được sức lao động của bản thân. Không ít người đã quen với việc trông chờ ở chính sách, có được cái gì thì dùng cái đó. Dân mình khổ, lạc hậu thì bây giờ phải tháo tung ra, cho họ thấy bên ngoài, thế giới đang phát triển ra sao. Phải khơi dậy, đánh thức được tinh thần tự tôn, tự hào của mỗi cộng đồng dân tộc, mỗi người dân, có khát vọng vươn lên làm giàu”.

[Bài dự thi Giải Báo chí về Xây dựng Đảng năm 2023] Kỳ vọng đổi thay nơi thượng nguồn sông Mã - Bài 1: Mường Lát - Hoa về trong tương lai

Cán bộ Đồn Biên phòng Quang Chiểu cùng người dân làm đường giao thông nội bản trên địa bàn xã Quang Chiểu.

"Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 27 chỉ tiêu, 3 chương trình trọng tâm và 2 khâu đột phá; trong đó có khâu đột phá hết sức cần thiết, cần phải triển khai nhằm thay đổi nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân là nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, vai trò quản lý của Nhà nước trong chỉ đạo tuyên truyền làm thay đổi tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân”, ông Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát cho biết.

Để thực hiện khát vọng vươn lên ấy, bắt đầu từ nhận thức, nhưng đích đến cần hơn cả là hành động.

Kiều Huyền - Ngọc Huấn


Kiều Huyền - Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]