Bá Thước nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền các chương trình, chính sách dân tộc trong đồng bào dân tộc thiểu số
Bằng sự chủ động, linh hoạt, trách nhiệm và những giải pháp cụ thể, huyện Bá Thước đã và đang thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho đồng bào các dân tộc thiểu số góp phần thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), giữ vững quốc phòng - an ninh của địa phương.
Quang cảnh bản Đôn, xã Thành Lâm. Ảnh: N.H
Triển khai thực hiện Chương trình 1719
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời tăng cường đoàn kết, gắn bó, nâng cao vị thế, vai trò của các dân tộc. Trong đó, Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030 và được cụ thể hóa tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt Chương trình 1719).
Bá Thước là huyện miền núi cao nằm ở phía Tây tỉnh Thanh Hóa với tổng số dân hơn 104.000 người, gồm có 3 dân tộc chính là Mường, Thái, Kinh, còn lại là các DTTS khác như Mông, Dao, Thổ. Huyện có 21/21 xã, thị trấn thuộc vùng DTTS&MN; trong đó có 1 xã khu vực III; 5 xã khu vực II; 15 xã khu vực I; có 52 thôn đặc biệt khó khăn. Bá Thước là địa phương đã và đang được thụ hưởng, triển khai thực hiện cả 3 chương trình MTQG, trong đó có Chương trình 1719. Đây là chương trình góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS nói riêng, huyện Bá Thước nói chung.
Mới đây, đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc do đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã đến thăm, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình 1719 năm 2023 tại huyện Bá Thước. Đoàn công tác đã đến thăm mô hình du lịch cộng đồng do phụ nữ làm chủ tại bản Báng, xã Thành Sơn; thăm và tặng quà gia đình ông Ngân Văn Núi, thương binh tại xã Thành Sơn; thăm gia đình các ông Vi Văn Hữu, bản Pà Ban và Ngân Văn Quang, bản Pù Luông, xã Thành Sơn được hỗ trợ chính sách làm nhà từ các chương trình MTQG; thăm công trình đường giao thông nông thôn xã Thành Sơn. Qua kiểm tra, giám sát đã giúp huyện Bá Thước nắm bắt kịp thời tình hình triển khai thực hiện chương trình MTQG ở cơ sở, những kiến nghị, đề xuất của các đơn vị và người dân. Đồng thời, phát hiện được những cách làm hay trong phát triển kinh tế, hoạt động văn hóa - xã hội của đồng bào DTTS... Từ đó, đề ra các giải pháp cụ thể, kịp thời tháo gỡ, khắc phục những khó khăn, hạn chế, xử lý các vi phạm cũng như nhân rộng các mô hình tiên tiến. Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chương trình MTQG, củng cố thêm lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Sau 3 năm triển khai Chương trình 1719, huyện Bá Thước đã tích cực trong công tác quản lý, điều hành, tạo sự thống nhất, đồng bộ từ huyện đến xã. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền và tăng cường hoạt động theo dõi, kiểm tra, giám sát trong thực hiện chương trình theo chiều sâu, trọng tâm và chất lượng, hiệu quả... Đến tháng 10/2023, huyện Bá Thước đạt được 2/8 chỉ tiêu theo kế hoạch thực hiện, dự kiến đến năm 2025 huyện sẽ đạt 6/8 chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra. Chương trình 1719 giai đoạn 2021-2023 huyện Bá Thước được giao 94,612 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn đầu tư phát triển 46,467 tỷ đồng; nguồn vốn sự nghiệp 48,145 tỷ đồng. Huyện Bá Thước đã giải ngân các dự án thành phần được hơn 47,737 tỷ đồng, đạt 50,5% kế hoạch giao.
Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong đồng bào DTTS
Bám sát Kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 20/6/2023 của UBND huyện Bá Thước về triển khai thực hiện Chương trình 1719 năm 2023, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân đã và đang đồng thuận, nỗ lực thực hiện. Một số tiểu dự án, dự án thuộc Chương trình 1719 đang được triển khai tại Bá Thước, trong đó thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 10 về biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò người có uy tín; phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động. Cụ thể, huyện Bá Thước tổ chức hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động trong vùng DTTS&MN toàn huyện. Triển khai các lớp tập huấn “Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật”; “Tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý” cho người dân và cán bộ chủ chốt cộng đồng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cùng đoàn công tác làm việc với cán bộ chủ chốt huyện Bá Thước về đánh giá thực hiện Chương trình 1719 trên địa bàn huyện. Ảnh: Lê Hợi
Để đạt được hiệu quả trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn, nhất là Chương trình 1719, huyện Bá Thước tích cực thông tin, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Trong đó, phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng DTTS. Giai đoạn 2021-2023, trên địa bàn huyện có tổng cộng 543 người có uy tín trong cộng đồng DTTS. Riêng năm 2023, toàn huyện có 186 người có uy tín đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đội ngũ người có uy tín đã tích cực phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. Vận động gia đình, dòng họ xây dựng và thực hiện các quy ước, hương ước ở khu dân cư; làm tốt công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng, giải quyết tranh chấp đất đai; không sử dụng, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy... Trong số những người có uy tín, tiêu biểu như bà Lục Thu, dân tộc Mường, hiện cư trú tại thôn Khung, xã Thiết Kế là cán bộ hưu trí. Nhiều năm qua, bà đã vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hương ước, quy ước của thôn; đồng thời phát huy tốt phong trào gia đình, dòng họ hiếu học; giữ gìn và bảo vệ sức khỏe, phát triển kinh tế. Ông Trương Ngọc Quản, dân tộc Mường, hiện cư trú tại thôn Cò Con, xã Hạ Trung luôn gương mẫu trong các phong trào, tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia lao động sản xuất, kinh doanh, được Nhân dân tin tưởng và tín nhiệm, thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Ông Hà Văn Thành, dân tộc Thái, hiện cư trú tại thôn Trình, xã Lũng Cao là bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn tích cực vận động Nhân dân tham gia lao động sản xuất, kinh doanh, XDNTM...
Nhằm biểu dương, tôn vinh, ghi nhận công lao, sự đóng góp của các cá nhân điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Bá Thước cũng đã tổ chức hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS&MN năm 2023. Đã có 130 cá nhân tiêu biểu là người có uy tín, trưởng các dòng họ, nhân sĩ trí thức, doanh nhân, nghệ nhân người DTTS được Chủ tịch UBND huyện Bá Thước khen thưởng giai đoạn 2021-2023.
Từ những đóng góp quan trọng của đội ngũ người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân tiêu biểu vùng đồng bào DTTS đã góp phần phát triển KT-XH của huyện. Nổi bật, kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 30,94 triệu đồng, tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 94%; cơ sở vật chất văn hóa của xã, thôn được đầu tư xây dựng; an sinh xã hội được thực hiện tốt. Bộ mặt NTM của huyện có nhiều khởi sắc. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị được chú trọng củng cố xây dựng vững mạnh.
Phát huy những kết quả đạt được, huyện Bá Thước tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó đẩy mạnh hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, chính sách trợ giúp pháp lý, tăng cường công tác phối hợp trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Phát huy vị trí, vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS để công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý được nâng cao chất lượng. Đây là cơ sở, nền tảng để huyện Bá Thước thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển KT-XH, đáp ứng yêu cầu nâng cao đời sống đồng bào các DTTS trên địa bàn nói riêng, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung.
Huyện Bá Thước tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình MTQG; các cơ chế, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào DTTS&MN nói chung, người có uy tín trong đồng bào DTTS nói riêng đảm bảo kịp thời, thiết thực và hiệu quả. Tăng cường sự phối hợp giữa người có uy tín với các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân tuân thủ quy định của pháp luật; đấu tranh, phòng ngừa và tố giác các hành vi vi phạm pháp luật; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xóa bỏ các tập quán lạc hậu, trái quy định của pháp luật hiện hành. Nỗ lực đưa huyện Bá Thước nhanh thoát nghèo theo hướng bền vững trong giai đoạn phát triển mới.
Ngọc Huấn
- 2024-11-02 10:08:00
Giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng
- 2024-11-02 09:36:00
Đảng bộ xã Hoằng Quý kỷ niệm 70 năm ngày thành lập
- 2023-11-22 14:22:00
BIDV Lam Sơn: Phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh doanh
Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng đoàn HĐND tỉnh
Phát hiện, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm về tham nhũng, tiêu cực
Vai trò của phụ nữ trong phát triển nghề, tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn
Phát huy vai trò giám sát của các đoàn thể chính trị - xã hội
Đảng viên nêu gương, Nhân dân chung sức xây dựng khu dân cư văn hóa ở Thiệu Phú
Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa thực hiện nghiêm túc việc thi hành Điều lệ Đảng
Giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở huyện Bá Thước
Tăng cường vai trò MTTQ trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Củng cố “hạt nhân”, xây dựng “nền tảng” vững chắc cho Đảng (Bài cuối): Tạo đột phá mạnh mẽ