(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, tạo được sự chuyển biến rõ rệt và đạt được nhiều kết quả quan trọng, thúc đẩy hình thành các vùng chuyên canh sản xuất thực phẩm an toàn có quy mô lớn, chất lượng cao; phát triển các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.

Nhân Tháng Hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm:

Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản, thực phẩm trong tình hình mới

Thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, tạo được sự chuyển biến rõ rệt và đạt được nhiều kết quả quan trọng, thúc đẩy hình thành các vùng chuyên canh sản xuất thực phẩm an toàn có quy mô lớn, chất lượng cao; phát triển các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.

Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản, thực phẩm trong tình hình mớiKỹ thuật viên xét nghiệm Trung tâm Y tế TP Sầm Sơn lấy mẫu xét nghiệm tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP Sầm Sơn.

Ở cấp tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang khảo sát, đánh giá, lựa chọn các đơn vị đáp ứng yêu cầu để triển khai xây dựng 2 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, gồm: 1 chuỗi thịt gia súc, gia cầm và 1 chuỗi thủy sản. Sở Công Thương tiếp tục chỉ đạo chợ Chuối (Nông Cống) triển khai xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856:2017. Sở Y tế đã hướng dẫn, công nhận 36 bếp ăn tập thể bảo đảm ATTP (trong đó, 2 bếp ăn tập thể công nhận mới, 34 bếp ăn tập thể công nhận lại). UBND các huyện, thị xã, thành phố đang chỉ đạo thực hiện 109.339/529.904 tấn thực phẩm tiêu dùng chủ yếu thông qua các chuỗi; 88/106 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; 43/46 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đáp ứng quy định về ATTP; 24/30 chợ kinh doanh thực phẩm; 30/31 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn; 4/7 bếp ăn tập thể được công nhận đáp ứng quy định về ATTP; 3/47 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí ATTP; 26/30 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí ATTP nâng cao.

Công tác quản lý điều kiện bảo đảm ATTP; thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về ATTP được tăng cường. Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương đã kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 62 cơ sở, tiếp nhận và đăng tải theo quy định 36 bản tự công bố sản phẩm thực phẩm. UBND cấp huyện đã kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 103 cơ sở; tổ chức cho 1.152 cơ sở ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; xác nhận kiến thức ATTP cho hơn 439 người lao động trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm. UBND xã, phường, thị trấn đã cấp gần 52.200 lượt giấy xác nhận nguồn gốc xuất xứ cho hơn 33.560 tấn sản phẩm thực phẩm của các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.

Trong quý I-2022, toàn tỉnh đã thành lập 598 đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra 11.638 cơ sở, trong đó có 11.199 cơ sở đạt yêu cầu (chiếm 96,2%), phát hiện 439 cơ sở vi phạm (chiếm 3,8% cơ sở được kiểm tra); phạt tiền 235 cơ sở (chiếm 53,5% cơ sở vi phạm) với số tiền 568 triệu đồng; nhắc nhở (không áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính) 204 cơ sở (chiếm 46,5% cơ sở vi phạm); tịch thu, buộc tiêu hủy thực phẩm không bảo đảm an toàn trị giá hơn 26,7 triệu đồng.

Công tác lấy mẫu giám sát, phòng chống ngộ độc thực phẩm tiếp tục được các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm thực hiện, quý I-2022, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.

Tuy nhiên, công tác triển khai thực hiện các chỉ tiêu về ATTP được giao tại một số địa phương còn chậm. Hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm ở một số địa phương còn thụ động; xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đe, nhất là ở cấp xã; năng lực phát hiện hành vi vi phạm của các đoàn kiểm tra và việc xử lý vi phạm về ATTP thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp xã còn hạn chế. Tỷ lệ mẫu thực phẩm vi phạm các chỉ tiêu về ATTP còn cao; vẫn còn tình trạng sử dụng phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm ngoài danh mục cho phép; kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc.

Để tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm, theo sự chỉ đạo của Trung ương, Ban Chỉ đạo về quản lý vệ sinh ATTP tỉnh ban hành kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2022 với chủ đề “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”. Theo đó, tại cấp tỉnh, giao Sở Y tế tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông phát động Tháng hành động bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Tại cấp huyện, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn để có hình thức tổ chức bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp; tạo nên đợt cao điểm phát động chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trên địa bàn tỉnh... Thời gian thực hiện xong trước ngày 20-4-2022. Triển khai chiến dịch truyền thông bảo đảm ATTP từ 5-4 đến 15-5-2022; tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra từ 15-4 đến 15-5-2022.

Tháng hành động nhằm tăng cường công tác thông tin, truyền thông về ATTP, bảo đảm chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến ATTP: quảng bá sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP nông, lâm, thủy sản; kiểm tra, giám sát về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giải quyết kịp thời các sự cố mất ATTP nhằm củng cố niềm tin của người dân, giúp phát triển thị trường thực phẩm an toàn trong nước, xuất khẩu. Tăng cường xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]