(Baothanhhoa.vn) - Xu hướng y, bác sĩ chuyển về xuôi ngày càng tăng, trong khi chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế lại không đạt như kỳ vọng khiến cho công tác khám, chữa bệnh cũng như chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các cơ sở y tế huyện Mường Lát gặp nhiều khó khăn.

Y tế vùng biên gặp khó về nguồn lực

Xu hướng y, bác sĩ chuyển về xuôi ngày càng tăng, trong khi chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế lại không đạt như kỳ vọng khiến cho công tác khám, chữa bệnh cũng như chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các cơ sở y tế huyện Mường Lát gặp nhiều khó khăn.

Y tế vùng biên gặp khó về nguồn lựcMột buổi khám bệnh cho người dân tại Trạm Y tế xã Trung Lý (Mường Lát).

Xã Trung Lý với dân số hơn 7 nghìn nhân khẩu, địa bàn rộng, giao thông đi lại giữa các bản khó khăn, cách trở nhưng trạm y tế xã chỉ có 6 cán bộ, nhân viên y tế (trong đó có 4 y sĩ, 2 điều dưỡng, không có bác sĩ). Lực lượng mỏng, thiếu bác sĩ đang trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh cho bà con Nhân dân.

Ông Đinh Thanh Hải - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Trung Lý cho biết: Vào các đợt cao điểm về tiêm chủng, phòng chống dịch... các cán bộ, nhân viên y tế đều phải làm việc hết sức vất vả, thậm chí quá tải. Để đảm bảo hoạt động chuyên môn, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh tuyến cơ sở, trạm cần từ 8 - 10 cán bộ, nhân viên y tế; trong đó có 1 bác sĩ đa khoa để nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh.

Cũng theo ông Hải, nếu như trước đây hầu hết nhân viên y tế là người miền xuôi, thì nay đã có sự chuyển dịch, chỉ còn 2/6 cán bộ, nhân viên y tế là người miền xuôi. Trường hợp điều dưỡng Vũ Văn Tùng, người có hơn 20 năm gắn bó tại đây cho biết: Đã nhiều lần anh có ý định bỏ ngang công việc, nhưng rồi vì trách nhiệm, tinh thần của người thầy thuốc và sự động viên của gia đình mà anh đã bám trụ cho đến ngày nay. Theo anh Tùng, với mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng như hiện tại của anh, trừ chi phí ăn uống, chi phí xăng xe đi lại, số tiền dôi dư gửi về nhà cho vợ con ở xuôi chẳng còn là bao.

Ngoài những khó khăn về đời sống cán bộ, nhân viên y tế, thì nhiệm vụ chuyên môn cũng rất nặng nề. Địa bàn rộng, đi lại khó khăn, dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông nên vào những đợt cao điểm tiêm chủng hay phòng, chống dịch bệnh... những người làm y tế cơ sở như anh chịu rất nhiều áp lực, đòi hỏi cả tinh thần lẫn sức khỏe. Cũng bởi đặc thù công việc, có khi cả tháng, thậm chí vài tháng anh Tùng mới về nhà thăm vợ con.

Cũng như xã Trung Lý, xã Quang Chiểu có địa bàn rộng, trải dài trên 13 bản, trong khi số cán bộ, nhân viên y tế của trạm y tế xã chỉ có 4 người, không có bác sĩ, gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác khám, chữa bệnh. Ông Lương Văn Ằng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quang Chiểu, cho biết: Trước nhiều áp lực về nhiệm vụ chuyên môn, cũng như việc đáp ứng nhu cầu về khám chữa bệnh, trạm y tế đã đề xuất với Trung tâm Y tế huyện về việc bổ sung thêm nguồn nhân lực, đặc biệt là việc bổ sung thêm 1 bác sĩ.

Tại Bệnh viện Đa khoa Mường Lát, tình trạng y, bác sĩ chuyển về xuôi và khó khăn trong thu hút, tuyển dụng y, bác sĩ đang khiến bệnh viện thiếu nguồn nhân lực. Theo ông Nguyễn Huy Văn, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Trong 5 năm gần đây, đơn vị chỉ tuyển dụng được 3 cán bộ, nhân viên y tế, trong khi số y, bác sĩ chuyển đi, bỏ việc là 5 người.

Sở dĩ có tình trạng trên, theo ông Văn là do cơ chế thu nhập chưa tương xứng, đặc biệt là từ khi bệnh viện bắt đầu chuyển dần sang cơ chế tự chủ. Bên cạnh đó, theo ông Văn, hầu hết đội ngũ y, bác sĩ trẻ khi ra trường đều muốn có được môi trường làm việc hiện đại, đông bệnh nhân để được cọ xát, nâng cao tay nghề nên thường ưu tiên lựa chọn bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện tư nhân để làm. “Để đảm bảo, duy trì hoạt động khám chữa bệnh, đơn vị đang hết sức nỗ lực, tuy nhiên để nâng cao chất lượng cũng như phát triển các dịch vụ y tế lâu dài là rất khó khăn.” - ông Văn lo lắng.

Trong khi đó, ông Hồ Văn Trọng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Lát cho biết: Với đặc thù của huyện vùng biên, các xã, bản có khoảng cách địa lý xa xôi, cách trở, sự chủ động về y tế từ tuyến cơ sở có vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện đến nay vẫn chưa có bác sĩ, có thể kể đến như trạm y tế các xã: Quang Chiểu, Mường Lý, Trung Lý và thị trấn Mường Lát. Thực trạng này đặt ra nhiều thách thức cho công tác nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân cũng như thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. “Để xây dựng nguồn nhân lực y tế tại chỗ bền vững, ngoài những cơ chế, chính sách khuyến khích thì việc định hướng nguồn lực kế cận cho học sinh, sinh viên từ khi còn trên ghế nhà trường là hết sức quan trọng” - ông Trọng khẳng định.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]