(Baothanhhoa.vn) - Xã hội càng phát triển, áp lực cuộc sống càng nhiều khiến bệnh tâm thần đang có xu hướng gia tăng. Đáng lo ngại hơn, hiện nay số người được chẩn đoán và tự biết mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần chỉ chiếm chưa tới 30%. Số còn lại không biết và không thừa nhận mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần nên không được chăm sóc và điều trị kịp thời, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và quá trình điều trị bệnh.

Nâng cao nhận thức và thúc đẩy các hành động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tâm thần

Xã hội càng phát triển, áp lực cuộc sống càng nhiều khiến bệnh tâm thần đang có xu hướng gia tăng. Đáng lo ngại hơn, hiện nay số người được chẩn đoán và tự biết mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần chỉ chiếm chưa tới 30%. Số còn lại không biết và không thừa nhận mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần nên không được chăm sóc và điều trị kịp thời, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và quá trình điều trị bệnh.

Nâng cao nhận thức và thúc đẩy các hành động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tâm thầnCác y, bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa tư vấn chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.

Bệnh nhân V.K.C. ở TP Thanh Hóa, bị chứng mất ngủ kéo dài. Và để khắc phục tình trạng này, ông đã tự mua và sử dụng nhiều loại thực phẩm chức năng để hỗ trợ, điều trị mất ngủ. Thế nhưng sau một thời gian sử dụng vẫn không cải thiện được tình trạng mất ngủ, vì vậy ông đã đến cơ sở y tế để điều trị. Sau khi được kiểm tra và tư vấn điều trị một thời gian, đến nay giấc ngủ của ông đã dần ổn định trở lại dù đôi khi vẫn còn chập chờn. Ông V.K.C. chia sẻ: “Qua một thời gian điều trị, đến nay sức khỏe của tôi đã có bước chuyển biến rất lớn, chỉ cần tích cực phối hợp điều trị thêm một thời gian nữa thì tôi tin rằng, chứng mất ngủ sẽ được dứt điểm”.

Còn với bệnh nhân L.T.T.M. ở huyện Quảng Xương nhập viện điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa do có các triệu chứng mất ngủ, tâm trạng buồn chán, dễ cáu gắt sau sinh con. Do thiếu hiểu biết, người nhà không đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để điều trị nên tình trạng bệnh nhân ngày càng xấu đi. Sau hơn 20 ngày nhập viện điều trị, tình trạng bệnh nhân dần ổn định và đã được ra viện.

Đó là hai trong rất nhiều bệnh nhân bị các rối loạn về tâm thần nhưng lại không phát hiện được, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt, đến khi có bệnh chuyển biến trầm trọng mới đến cơ sở y tế để được điều trị. Điều đáng lo ngại là dù đó là các triệu chứng của bệnh lý tâm thần nhưng do hiểu biết của người dân về các bệnh lý tâm thần chưa đầy đủ khiến cho suy nghĩ và nhìn nhận đang có phần lệch lạc, thường suy nghĩ tâm thần là bệnh “điên” nên không chủ động đi thăm khám, tầm soát mà thường chủ quan, thậm chí là giấu bệnh vì sợ kỳ thị, dẫn đến gây khó khăn trong chăm sóc, điều trị.

Mỗi năm, Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa tiếp nhận khám, điều trị cho hàng chục nghìn lượt bệnh nhân với nhiều bệnh lý như: tâm thần phân liệt, trầm cảm, Alzheimer, động kinh, chậm phát triển, rối loạn tâm thần cấp tính, kích động quậy phá cộng đồng. Bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện luôn duy trì hơn 300 người, trong số này, có gần 30% bệnh nhân được chẩn đoán bị trầm cảm, rối loạn lo âu, mất ngủ. Đáng ngại, đa số bệnh nhân vào viện điều trị đều rất muộn, bệnh đã có những diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác điều trị.

Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thắm, Trưởng Khoa Tâm lý lâm sàng - nhi, Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa, cho biết: Việc phát hiện bệnh lý tâm thần đóng vai trò quyết định trong kết quả điều trị. Nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời, bệnh có thể khỏi nhanh, nếu phát hiện muộn thì sẽ gây khó khăn trong quá trình điều trị và rất khó hồi phục. Có một thực tế là người bệnh thường không chủ động đến cơ sở y tế, đặc biệt là đến cơ sở chuyên khoa về tâm thần thăm khám, tư vấn điều trị do tâm lý chủ quan, e dè. Theo thống kê chưa đầy đủ, một nửa loại bệnh tâm thần khởi phát từ 14 tuổi nhưng hầu hết không được phát hiện và điều trị; trầm cảm chiếm 1/3 nguyên nhân gây ra gánh nặng này của tuổi trẻ. Triệu chứng bệnh tâm thần rất đa dạng, mức độ nhẹ nhất giống như suy nhược thần kinh cho đến các triệu chứng rối loạn tâm thần. Giai đoạn đầu thường có các biểu hiện như: nhức đầu, rối loạn giấc ngủ, thay đổi tính nết, dễ phản ứng, khó tập trung trong học tập và công việc. Có người buồn chán thiếu quan tâm đến xung quanh, xa lánh mọi người. Khi bệnh nặng hơn còn xuất hiện ảo thanh (nghe thấy tiếng nói mà xung quanh không có ai); ảo giác (người bệnh nhìn thấy nhiều người đuổi theo hoặc một sự vật và hiện tượng không có trong thực tế khách quan).

Do áp lực cuộc sống, công việc, các vấn đề về sức khỏe tâm thần có xu hướng ngày càng gia tăng, nhất là trong giới trẻ. Việc giúp đỡ những người trẻ có kỹ năng sống để thích ứng với cuộc sống cần sự quan tâm hơn nữa của các bậc phụ huynh, nhà trường và xã hội. Về phía ngành y tế, cần tăng cường truyền thông, đưa kiến thức sức khỏe tâm thần đến với cộng đồng, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng với những bác sĩ, nhân viên phục vụ trong ngành tâm thần, quan tâm đào tạo chuyên khoa về tâm thần. Về phía người dân, cần tự nâng cao “sức đề kháng” tâm thần bằng việc kết hợp chế độ làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Nếu gặp phải những sang chấn tâm lý nên tự mình giải quyết, không nên kéo dài tình trạng mâu thuẫn, bị ám ảnh, ức chế lâu ngày sẽ dẫn đến rối loạn tâm thần. Khi bị bệnh phải đến các bệnh viện chuyên khoa để được điều trị kịp thời.

Với mục tiêu nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần và kêu gọi đầu tư vào các dịch vụ phòng ngừa và điều trị các bệnh tâm thần, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra với chủ đề nhân “Ngày sức khỏe tâm thần thế giới năm 2023” là "Sức khỏe tâm thần là quyền của mỗi người” nhằm nâng cao kiến thức, nhận thức và thúc đẩy các hành động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tâm thần của mọi người.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]