(Baothanhhoa.vn) - Glôcôm là bệnh lý nguy hiểm và không có khả năng hồi phục thị lực. Glôcôm được biết đến với tên dân gian thường gọi là bệnh thiên đầu thống hay cườm nước và là nguyên nhân gây mù lòa phổ biến thứ hai thế giới, chỉ sau đục thủy tinh thể. Bệnh có diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng, đa số người bệnh tới các cơ sở y tế thăm khám trong tình trạng đã xuất hiện những cơn đau nhức hoặc khi thị lực đã suy giảm trầm trọng.

Hãy kiểm tra mắt định kỳ để phòng, chống bệnh glôcôm

Glôcôm là bệnh lý nguy hiểm và không có khả năng hồi phục thị lực. Glôcôm được biết đến với tên dân gian thường gọi là bệnh thiên đầu thống hay cườm nước và là nguyên nhân gây mù lòa phổ biến thứ hai thế giới, chỉ sau đục thủy tinh thể. Bệnh có diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng, đa số người bệnh tới các cơ sở y tế thăm khám trong tình trạng đã xuất hiện những cơn đau nhức hoặc khi thị lực đã suy giảm trầm trọng.

Hãy kiểm tra mắt định kỳ để phòng, chống bệnh glôcômBác sĩ Bệnh viện Mắt Thanh Hóa khám mắt cho bệnh nhân.

Tại Thanh Hóa, theo số liệu thống kê của Bệnh viện Mắt Thanh Hóa, hàng năm có hàng trăm người được phẫu thuật glôcôm. Đa số bệnh nhân tới thăm khám ở tình trạng đã xuất hiện những cơn đau nhức hoặc khi thị lực đã suy giảm trầm trọng. Hiện nay, tỷ lệ glôcôm do thuốc khá cao vì người bệnh tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Nếu sử dụng những loại thuốc có thành phần corticosteroid kéo dài mà không có chỉ định của bác sĩ nhãn khoa sẽ dẫn đến những biến chứng khôn lường mà điển hình là bệnh glôcôm.

Ông Đậu Xuân Cường ở huyện Ngọc Lặc đến Bệnh viện Mắt Thanh Hóa khám trong tình trạng bệnh đã diễn biến nặng, nguy cơ mù lòa cao. Ông thấy xuất hiện triệu chứng mờ mắt từ rất lâu, nhưng không đi khám. Khi thị lực gần như mất hẳn, ông mới đến viện và được chẩn đoán glôcôm, thị lực mắt trái chỉ còn 2/10 và mắt phải gần như không nhìn thấy. Mặc dù đã được phẫu thuật, nhưng mắt ông không thể phục hồi như trước, mà chỉ giữ được thị lực hiện có. Ông Cường cho biết: “Mắt tôi cứ mờ dần đi cả một năm nay nhưng lại chủ quan nghĩ rằng do tuổi già. Đến khi mờ quá rồi mới đi khám nên việc điều trị bệnh chỉ còn mang tính kiểm soát đau, không có khả năng phục hồi thị lực và cần phải tiếp tục được chăm sóc, theo dõi thường xuyên nhằm kiểm soát diễn biến bệnh”.

Bác sĩ CKII Trịnh Văn Lâm, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Bệnh glôcôm không phân biệt lứa tuổi, có đến gần 50% người mắc bệnh không biết mình có bệnh do bệnh diễn tiến rất nhanh. Một số nhóm người có nguy cơ cao dễ mắc bệnh và cần được kiểm tra mắt thường xuyên là người trên 40 tuổi, người có bệnh tiểu đường hay tăng huyết áp, người có tiền căn gia đình đã mắc bệnh glôcôm; người bị viễn thị, giác mạc (tròng đen) nhỏ...

Hiện nay, điều trị bệnh glôcôm có nhiều phương pháp: Dùng thuốc, laser, phẫu thuật. Tuy nhiên, kết quả điều trị và tiên lượng bệnh phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm phát hiện và sự tuân thủ phác đồ điều trị của bệnh nhân. Bởi tổn thương thị giác trong bệnh glôcôm là tổn thương vĩnh viễn không hồi phục. Việc điều trị glôcôm là nhằm ngăn chặn bệnh không tiếp tục gây tổn thương đầu dây thần kinh thị giác, giữ được thị giác hiện có và khắc phục các triệu chứng của bệnh.

Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh glôcôm không thể chữa khỏi hoàn toàn. Trong nhiều trường hợp, dù được phát hiện và điều trị kịp thời, nhưng người bệnh cho rằng đã khỏi hẳn nên không tái khám, nên không biết rằng bệnh vẫn âm ỉ và tiếp tục tiến triển, dẫn đến mất dần thị giác. Bệnh cũng có biểu hiện dễ nhận thấy là mắt đau đột ngột, đau nhức dữ dội từng cơn, lan lên nửa đầu cùng bên, người bệnh nhìn đèn thấy có quầng xanh đỏ như cầu vồng, thường buồn nôn hoặc nôn, vã mồ hôi, mắt đỏ lên và nhìn mờ ở nhiều mức độ, có thể chỉ mờ như nhìn qua màn sương nhưng cũng có thể giảm thị lực trầm trọng xuống còn đếm ngón tay hoặc bóng bàn tay. Sờ tay vào mắt thấy nhãn cầu căng cứng như hòn bi. Đôi khi người bệnh thấy sợ ánh sáng, chảy nước mắt nhưng không tiết rử mắt, mi mắt sưng nề, mắt đỏ.

Việc phát hiện sớm có ý nghĩa quan trọng nhất đối với việc điều trị bệnh. Điều này sẽ giúp người bệnh kiểm soát được áp lực nội nhãn và ngăn ngừa sự tổn hại thị giác. Vì thế, người mắc glôcôm cần được theo dõi chặt chẽ từ khi phát hiện bệnh, điều trị cho đến hết quãng đời còn lại, nhằm kiểm soát diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác. Để phòng bệnh glôcôm, người trên 40 tuổi phải thường xuyên đi khám mắt và đo nhãn áp; những người đã mổ glôcôm cần được theo dõi thường xuyên và khám lại định kỳ để được bác sĩ nhãn khoa tư vấn, theo dõi một quy trình chặt chẽ nhằm kiểm soát được diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tình trạng giảm thị lực của mắt. Một người trong gia đình bị bệnh glôcôm thì phải đo nhãn áp cho tất cả mọi người trên 25 tuổi có cùng huyết thống. Khi có triệu chứng nghi ngờ, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám mắt, đo nhãn áp và xử trí kịp thời, không tự ý mua thuốc nhỏ mắt khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa mắt. Mỗi người dân hãy nâng cao nhận thức của mình bằng việc tầm soát để phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, giúp cải thiện đôi mắt và nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]