(Baothanhhoa.vn) - Thời gian gần đây, tại các tỉnh phía Bắc đang có hiện tượng gia tăng số lượng các bệnh nhân mắc cúm. Bệnh thường sẽ tự khỏi, nhưng đôi khi cúm và các biến chứng nghiêm trọng của nó có thể gây tử vong ở nhóm có nguy cơ cao. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nên chủ động tiêm vắc-xin phòng cúm A sớm nhằm giảm bớt mức độ nặng của bệnh.

Gia tăng bệnh nhân mắc cúm mùa, người dân nên chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh

Thời gian gần đây, tại các tỉnh phía Bắc đang có hiện tượng gia tăng số lượng các bệnh nhân mắc cúm. Bệnh thường sẽ tự khỏi, nhưng đôi khi cúm và các biến chứng nghiêm trọng của nó có thể gây tử vong ở nhóm có nguy cơ cao. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nên chủ động tiêm vắc-xin phòng cúm A sớm nhằm giảm bớt mức độ nặng của bệnh.

Gia tăng bệnh nhân mắc cúm mùa, người dân nên chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh

Bệnh nhân mắc cúm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lang Chánh.

Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lang Chánh, gần một tháng qua, tỷ lệ bệnh nhân mắc cúm đến khám tại bệnh viện tăng đột biến, bệnh nhân chủ yếu có các triệu chứng như: sốt, ho, viêm đường hô hấp. Bệnh nhân đến khám ở nhiều các lứa tuổi khác nhau. Số lượng bệnh nhân mắc cúm trong cộng đồng có thể sẽ nhiều hơn do người dân chủ quan không đến cơ sở y tế mà tự mua thuốc điều trị vì nghĩ rằng đây là những triệu chứng thông thường, năm nào cũng bị.

Bác sĩ Phạm Văn Dưỡng, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa huyện Lang Chánh cho biết, căn cứ vào tình hình, triệu chứng của người bệnh, những trường hợp nặng, các bác sĩ sẽ cho nhập viện; trường hợp nhẹ thì kê đơn uống thuốc đồng thời khuyến cáo người bệnh chủ động các biện pháp phòng, chống, giảm lây nhiễm cho những người xung quanh. Với bệnh nhân có triệu chứng nặng sẽ tư vấn chuyển tuyến để xét nghiệm xác định chủng cúm. Hiện bệnh viện chưa ghi nhận bệnh nhân mắc cúm A có các triệu chứng nặng.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, ước tính hàng năm có khoảng 5 - 10% người lớn và 20 - 30% trẻ em mắc cúm A hoặc B trên toàn cầu. Bệnh cúm có thể xảy ra quanh năm. Những năm trước, cao điểm của bệnh cúm thường là khi thời tiết chuyển mùa từ thu sang đông, đông sang xuân, cúm A rất ít xuất hiện vào mùa nắng nóng. Thế nhưng năm nay, mùa hè số lượng bệnh nhân mắc cúm A lại có xu hướng tăng.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hơn 1 tháng trở lại đây tại các cơ sở y tế trong tỉnh ghi nhận nhiều ca mắc cúm nhập viện điều trị, trong đó có nhiều bệnh nhân mắc cúm A, số ca bệnh ghi nhận tăng cao so với cùng kỳ các năm trước. Trong thời điểm tháng 7-2022 ghi nhận 5.528 ca mắc cúm, nâng tổng số ca mắc cúm trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay lên 42.287 ca. Các bệnh nhân chủ yếu ở thể nhẹ và vừa. Tuy nhiên, người dân không được chủ quan bởi bệnh có thể nặng và gây tử vong đối với những nhóm người có nguy cơ cao như: người cao tuổi, người có hệ miễn dịch kém và người mắc bệnh mạn tính.

Theo nhận định của ngành y tế, bệnh cúm nói chung, cúm A nói riêng là bệnh lây qua đường hô hấp, tiếp xúc, dễ lây lan nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thì nguy cơ bùng phát là rất lớn. Bởi vậy cơ quan chuyên môn cần chủ động giám sát, khoanh vùng, xử lý kịp thời chùm ca mắc trong cộng đồng; tăng cường tuyên truyền hướng dẫn phòng bệnh; thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân; thường xuyên đeo khẩu trang và tiêm vắc-xin phòng cúm mùa hàng năm... Sở Y tế đề nghị các đơn vị trong ngành tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc cúm mùa tại cộng đồng và tại các cơ sở khám, chữa bệnh, đặc biệt là tại các khu vực nguy cơ cao như: Cơ sở nuôi dưỡng trẻ, trung tâm bảo trợ xã hội, khu thuê trọ, khu sinh sống của công nhân các khu công nghiệp... để kịp thời phát hiện và xử lý sớm, hạn chế thấp nhất số ca mắc bệnh và tử vong. Bên cạnh đó, rà soát, kiện toàn lại các đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch, đồng thời, chuẩn bị đầy đủ cơ số trang thiết bị phòng, chống dịch để sẵn sàng ứng phó với các hình huống khi dịch lây lan trên địa bàn.

Để phòng bệnh, ngành y tế khuyến cáo người dân có các biện pháp bảo đảm vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên với xà phòng bằng nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; che miệng khi hắt hơi; thường xuyên vệ sinh không gian sống và môi trường xung quanh; nên hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Bên cạnh đó, cần nâng cao sức đề kháng, sức khỏe bằng cách ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin khoáng chất, vitamin tổng hợp theo lứa tuổi. Khi có các biểu hiện của cúm như ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Cùng với đó, tiêm vắc-xin cúm là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất. Các loại vắc-xin cúm được đánh giá là an toàn và có hiệu quả bảo vệ với tỷ lệ tương đối cao 70 – 90%. Vắc-xin cúm làm giảm 60% tỷ lệ mắc bệnh ở người già và 70 – 80% tỷ lệ tử vong có liên quan đến cúm. Hiệu quả bảo vệ của vắc-xin cúm phụ thuộc vào tuổi tiêm và đáp ứng miễn dịch của người được tiêm, mức độ giống nhau giữa thành phần vi-rút của vắc-xin và các vi-rút đang lưu hành. Tiêm phòng cũng là cách giảm chi phí cho chăm sóc y tế và tình trạng mất khả năng lao động do bị bệnh. Vắc-xin cúm còn tạo miễn dịch chéo, tăng đề kháng đối với các bệnh đường hô hấp khác. Tổ chức Y thế thế giới khuyến cáo nên tiêm phòng cúm hàng năm cho tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân không tự ý mua Tamiflu để điều trị bệnh cúm, vì thuốc này được chỉ định trong trường hợp người bệnh nhiễm cúm có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ. Với những người không có bệnh lý nền khi mắc cúm triệu chứng nhẹ, việc dùng Tamiflu không cần thiết. Sử dụng Tamiflu không đúng cách, sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc, gây nên những tác dụng không mong muốn.

Bài và ảnh: Tô Hà


Bài và ảnh: Tô Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]