Xây dựng vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP
Sau 6 năm triển khai, Chương trình OCOP đã mang lại những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng, thương hiệu cho nhiều sản phẩm của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Các sản phẩm OCOP đã có thị trường tiêu thụ lớn hơn, sản lượng tăng cao đòi hỏi các chủ thể sản xuất phải xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, liên kết theo chuỗi giá trị để đảm bảo nguồn cung sản phẩm ra thị trường.
Vùng trồng cây dong riềng nguyên liệu để sản xuất sản phẩm OCOP 3 sao của HTX Dịch vụ nông nghiệp Yên Lạc (Như Thanh).
Không phải là một trong những chủ thể đầu tiên của tỉnh xây dựng được sản phẩm OCOP, song HTX mắc ca Thành Phát (Như Xuân) lại rất thành công trong việc xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm mắc ca theo chuỗi giá trị. Hiện nay, HTX chủ động phát triển khoảng 5ha cây mắc ca và tổ chức cho hàng chục hộ dân trên địa bàn huyện Như Xuân phát triển vùng mắc ca nguyên liệu. Riêng trong vụ thu hoạch năm 2024, HTX mắc ca Thành Phát đã thu mua, chế biến hơn 30 tấn quả; trong đó, khoảng 10 tấn do HTX tự sản xuất và hơn 20 tấn thu mua tại các vùng sản xuất của các huyện Thạch Thành, Thường Xuân, Cẩm Thủy...
Ông Đỗ Trọng Học, giám đốc HTX, cho biết: "HTX mắc ca Thành Phát là đơn vị đầu tiên của huyện Như Xuân xây dựng vùng sản xuất cây mắc ca và phát triển sản phẩm mắc ca sấy khô (nguyên hạt và bóc nhân) thành sản phẩm OCOP 3 sao. Do đó, việc phát triển vùng nguyên liệu, vùng trồng tập trung, chuyên canh đã giúp HTX tạo ra sản lượng lớn hơn, chất lượng đồng đều hơn. Tuy nhiên, hiện nay, sản phẩm mắc ca thành phẩm tiêu thụ lớn nên HTX vẫn phụ thuộc nhiều vào việc thu mua nguyên liệu, việc sản xuất chưa thực sự chủ động. Vì vậy, để đảm bảo sản xuất ổn định, đơn vị đã hợp tác với các hộ trồng mắc ca trên địa bàn nhằm tự chủ và kiểm soát vùng nguyên liệu tại chỗ. Ngoài ra, HTX cũng mong muốn được tạo điều kiện trong việc liên kết, hình thành vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn để sản xuất bền vững, không bị gián đoạn, đủ năng lực cung ứng số lượng lớn sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường”.
Cũng là một trong những HTX có sản phẩm OCOP được thị trường đánh giá cao về chất lượng, tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm miến dong Yên Lạc của HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Lạc (Như Thanh) ở nhiều thời điểm bị gián đoạn. Ông Phạm Công Bảo, giám đốc HTX, cho biết: “HTX sản xuất miến dong số lượng lớn từ tháng 10 đến tháng 1 âm lịch, vì đây là mùa thu hoạch cây dong riềng. Tuy nhiên, do chưa phát triển được vùng nguyên liệu lớn cũng như áp dụng công nghệ trong thu hoạch, bảo quản nguyên liệu nên việc sản xuất chưa ổn định, cung chưa đủ cầu, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển thị trường và sức cạnh tranh của HTX”.
Tìm hiểu tại nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất sản phẩm OCOP được biết, việc không chủ động được nguồn nguyên liệu tại chỗ khiến HTX gặp một số khó khăn như tăng chi phí sản xuất, khó kiểm soát chất lượng nguồn đầu vào. Đồng thời việc phát triển thị trường cũng hạn chế...
Theo thống kê của Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, tính đến tháng 10/2024, toàn tỉnh đã phát triển được 531 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Số lượng sản phẩm OCOP gia tăng qua từng năm, ngày càng hoàn thiện từ chất lượng đến mẫu mã, bao bì, chủng loại... Tuy nhiên, khả năng hình thành được vùng nguyên liệu riêng của các cơ sở, doanh nghiệp, HTX hết sức khó khăn. Không phải đơn vị nào cũng có đủ tiềm lực để thuê được đất sản xuất, hoặc xây dựng được mối liên kết bền vững với vùng sản xuất tập trung hoặc việc tiêu chuẩn hóa nguồn nguyên liệu chưa được quan tâm... Điều này ảnh hưởng lớn tới quy mô sản xuất, định hướng phát triển sản phẩm OCOP và duy trì việc làm cho người lao động.
Để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các chủ thể OCOP phát triển vùng nguyên liệu, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và các địa phương đã, đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng được hàng trăm vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo quản, chế biến. Đồng thời, khuyến khích người dân ứng dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, như VietGAP, GlobalGAP...; xây dựng mã số vùng trồng tạo thuận lợi cho việc kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt, việc triển khai Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025, đã và đang góp phần hỗ trợ thúc đẩy hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, cũng như khuyến khích các chủ thể thực hiện những giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.
Thực tế cho thấy, việc hình thành vùng nguyên liệu sẽ giúp chủ thể sản xuất kiểm soát được chất lượng nguyên liệu; chủ động được thời gian sản xuất, số lượng và chất lượng của sản phẩm. Song để đạt được hiệu quả cao nhất, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các chủ thể OCOP của tỉnh cần phải nâng cao năng lực tài chính, hệ thống kho bãi, dây chuyền sản xuất, chế biến và chủ động xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để mở thêm cơ hội giới thiệu sản phẩm đặc trưng tới người tiêu dùng.
Bài và ảnh: Thanh Hòa
{name} - {time}
-
2025-01-21 07:30:00
[REVIEW OCOP] Khám phá quy trình sản xuất trứng gà chuẩn VietGap
-
2025-01-16 08:00:00
[ REVIEW OCOP] Ruốc sấy Quang Vinh Tự Vũ: Dinh dưỡng từ biển cả
-
2024-10-17 07:00:00
[REVIEW OCOP] - Bánh lá Quý Hương: Dẻo thơm trọn vị quê nhà
Triệu Sơn hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP
Hà Trung phát huy tiềm năng địa phương từ các sản phẩm OCOP
[REVIEW OCOP] - Cam Vihad: Vị ngọt thanh mát từ thiên nhiên
[REVIEW OCOP]: Giò Lụa Chinh Hằng đậm đà, chuẩn vị
[REVIEW OCOP] Bí quyết làm nên thương hiệu nem chua Mạnh Hương
[REVIEW OCOP] Mật ong đông trùng hạ thảo Đăng Khoa: Bảo vệ sức khỏe toàn diện từ thiên nhiên
Các HTX khẳng định tên tuổi nhờ sản phẩm OCOP
[REVIEW OCOP] Thưởng thức hương vị đặc biệt của chả ốc nhồi ống nứa Hiệp Thu
Quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch trải nghiệm