Xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP của rừng
Với lợi thế vùng đồi núi có nhiều loại hoa rừng tự nhiên, người dân xã Trí Nang (Lang Chánh) đã tận dụng, phát triển nghề nuôi ong lấy mật, đồng thời, xây dựng thương hiệu “Mật ong rừng Chí Linh Sơn” thành sản phẩm OCOP.
Công nhân Công ty CP Đầu tư và Phát triển Ma Hao tiến hành lọc mật ong.
Chí Linh Sơn nằm trên vùng núi Chí Linh (Pù Rinh) của huyện Lang Chánh, độ cao trung bình là 800m, cao nhất là đỉnh núi Chí Linh (Pù Rinh) cao 1.291m. Nơi đây núi non trùng điệp, địa hình chia cắt tạo nên cảnh quan thiên nhiên kỳ thú với những thác nước lớn nhỏ ẩn trong cánh rừng tự nhiên đại ngàn, cây cối tốt tươi, bốn mùa hoa đua nở... Nhận thấy núi rừng Chí Linh Sơn là những vùng sinh thái được đánh giá có tiềm năng để trở thành vùng sản xuất mật ong tập trung, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Ma Hao, bản Năng Cát, xã Trí Nang đã tạo môi trường thuận lợi cho ong làm tổ, đồng thời khai thác, nhân giống, phát triển đàn ong để lấy mật.
Năm 2020, công ty đã đầu tư xây dựng xưởng sản xuất với diện tích 3.000m2, diện tích chăn nuôi 4.000 ha với quy mô ban đầu khoảng 100 bọng ong rừng, từ năm 2021 đến nay số đàn ong đã phát triển lên thành 4.000 thùng, được chia thành 2 khu, mỗi khu có tổng đàn từ 1.800 - 2.000 đàn ong nuôi tự nhiên, trung bình mỗi năm sản lượng mật ong của công ty đạt 34.000 - 40.000kg/năm, với tổng thu nhập khoảng 8 - 12 tỷ đồng/năm. Việc quay lấy mật được công ty thực hiện theo đúng quy trình an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng. Sản phẩm được gắn nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc và đóng lọ thủy tinh với thể tích là 280 - 730ml trở lên. Thu nhập trung bình của người lao động khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng...
Ông Lê Thành Sơn, thành viên của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Ma Hao cho biết: Nghề nuôi ong lấy mật đòi hỏi kỹ thuật cao, các thành viên tham gia sản xuất phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật để đảm bảo cả về sản lượng và chất lượng mật ong. Quá trình thu mật được thực hiện đúng thời gian mật chín tự nhiên trong tổ, tổ ong vít nắp hoàn toàn thì mật ong mới đậm đặc và đảm bảo được các khoáng chất và vitamin thiết yếu. Để nâng cao giá trị, thời gian sử dụng, chất lượng an toàn thực phẩm cho sản phẩm. Công ty đã đầu tư xây dựng khu chăn nuôi, khu vực chế biến với máy móc, thiết bị hiện đại tiên tiến như: Máy hạ thủy phần mật ong để xử lý từ mật ong thô trở thành sản phẩm nguyên chất; hệ thống máy ủ diệt nấm khử vi sinh; máy lọc thô; lọc mịn và siêu mịn; hệ thống chiết rót chống tạo bọt; máy đóng nắp chai; khúc xạ kế dùng đo hàm lượng nước trong mật ong... giúp cho sản phẩm chứa hàm lượng nước ổn định, tinh khiết với giá trị chất lượng sử dụng cao gấp 2 lần so với mật ong thô, qua đó nâng tầm giá trị sản phẩm...
Với những giá trị có được, tháng 5/2023, sản phẩm “Mật ong rừng Chí Linh Sơn” đã trở thành sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao. Hiện, công ty đang nỗ lực đầu tư xây dựng, quy hoạch phát triển du lịch sinh thái gắn với hoạt động bảo vệ rừng, đồng thời kết hợp phát triển và khai thác sản phẩm mật ong rừng thiên nhiên từ vùng núi rừng Chí Linh Sơn phục vụ khách đến du lịch, làm quà biếu. Đây không chỉ là món quà đặc sản tinh túy, mà còn góp phần vào công tác giảm nghèo, thay đổi cuộc sống cho nhiều người dân nơi đây - ông Sơn cho biết thêm.
Việc xây dựng thành công sản phẩm “Mật ong rừng Chí Linh Sơn” đạt tiêu chuẩn OCOP sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm mật ong, là cơ hội để giới thiệu, quảng bá, đồng thời không những đưa sản phẩm mật ong bản Năng Cát trở thành sản phẩm OCOP phục vụ khách du lịch mà còn hướng đến xuất khẩu mật ong trong thời gian tới. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 45.000kg mật/năm, xã Trí Nang sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng nghị quyết HĐND huyện về phát triển thương hiệu mật ong Năng Cát đến người dân ở các thôn, bản để người dân hiểu về giá trị kinh tế mật ong đem lại. Đồng thời có chính sách khuyến khích các hộ gia đình nuôi ong lấy mật, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Bài và ảnh: Trường Giang
{name} - {time}
-
2025-01-14 08:00:00
[REVIEW OCOP] Cá thu nướng Quân Thuỷ - Thức quà từ biển cả
-
2025-01-12 10:36:00
Chế biến sâu để mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP
-
2024-02-22 07:00:00
[REVIEW OCOP] Sứa biển Thảo Linh - Món ăn tươi ngon, thanh mát
Túi xách Bảo Hường - Thời trang xanh vì tương lai xanh
Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP
Phụ nữ dân tộc thiểu số đưa nông sản vùng cao nâng tầm OCOP
[REVIEW OCOP] Ấm nồng hương bài Mậu Tiên
[REVIEW OCOP] Lưu giữ và phát triển hương vị mắm truyền thống hàng trăm năm tuổi
[REVIEW OCOP] Nếp Cay nọi Mường Xia - Hạt ngọc vùng cao
[REVIEW OCOP] Đưa các sản phẩm từ cói vươn xa
[REVIEW OCOP] Bò khô Mường Hạ - Đậm đà hương vị núi rừng
[REVIEW OCOP] Thơm ngọt đặc sản tiến vua nức tiếng xứ Thanh