(Baothanhhoa.vn) - Bên cạnh việc đầu tư cải tạo, nâng cấp diện mạo, thời gian qua, nhiều chương trình, sự kiện, hoạt động văn hóa phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh được tổ chức tại Công viên Hội An. Trong đó, việc kêu gọi, kết nối các cá nhân, tổ chức tham gia các không gian văn hóa tại phiên bản dãy phố cổ Hội An cho thấy những nỗ lực, đổi mới trong tư duy, cách thức triển khai, khơi dậy tiềm năng, giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch của TP Thanh Hóa.

Xã hội hóa các hoạt động văn hóa - nhìn từ phiên bản dãy phố cổ Hội An

Bên cạnh việc đầu tư cải tạo, nâng cấp diện mạo, thời gian qua, nhiều chương trình, sự kiện, hoạt động văn hóa phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh được tổ chức tại Công viên Hội An. Trong đó, việc kêu gọi, kết nối các cá nhân, tổ chức tham gia các không gian văn hóa tại phiên bản dãy phố cổ Hội An cho thấy những nỗ lực, đổi mới trong tư duy, cách thức triển khai, khơi dậy tiềm năng, giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch của TP Thanh Hóa.

Xã hội hóa các hoạt động văn hóa - nhìn từ phiên bản dãy phố cổ Hội AnDu khách thích thú chụp ảnh lưu niệm với không gian trưng bày các trang phục truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam tại “Nhà của Mén” (Công viên Hội An).

Công viên Hội An được xây dựng từ năm 2003, trải dài trên hai tuyến đường đẹp và sầm uất bậc nhất TP Thanh Hóa là đường Lê Hoàn và Đại lộ Lê Lợi kéo dài với diện tích khoảng 24ha. Đây là công trình ghi dấu “mối giao hảo” bền chặt giữa TP Thanh Hóa - TP Hội An. Dạo bước giữa không gian xanh, tận hưởng cảm giác thư thái, dễ chịu, du khách có thể tìm hiểu, khám phá, lưu lại nhiều bức ảnh đẹp bên gia đình, bạn bè, người thân thương tại các công trình, hạng mục mang đậm sắc thái văn hóa Hội An như: Nhà truyền thống - nơi lưu giữ tư liệu, hiện vật của 2 thành phố; trụ biểu, phiên bản chùa Cầu; phiên bản dãy phố cổ Hội An...

Nhận thức sâu sắc tiềm năng, giá trị của Công viên Hội An, những năm qua, TP Thanh Hóa đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm quảng bá rộng rãi nét đẹp văn hóa, du lịch và nghĩa tình son sắt giữa TP Thanh Hóa, TP Hội An (Quảng Nam) đến đông đảo Nhân dân, du khách thập phương; đa dạng hóa các sản phẩm, điểm vui chơi hấp dẫn, độc đáo, thúc đẩy du lịch phát triển. Bên cạnh việc định kỳ tổ chức chuỗi sự kiện trong khuôn khổ Tuần văn hóa TP Thanh Hóa - TP Hội An hay các dịp lễ, tết, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND TP Thanh Hóa tổ chức chương trình nghệ thuật tối thứ bảy hằng tuần với chủ đề “Điểm hẹn cuối tuần”...

UBND TP Thanh Hóa đã ban hành phương án quản lý, khai thác và vận hành phiên bản dãy phố cổ Hội An dưới hình thức xã hội hóa. Ông Hoàng Cao Thắng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch TP Thanh Hóa nhận định: “Với mục đích đa dạng hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân, thúc đẩy phát triển du lịch TP Thanh Hóa, một vài năm trở lại đây, các hoạt động văn hóa của thành phố nói chung, không gian văn hóa Hội An nói riêng luôn nhận được sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Tại một số sự kiện lớn như: Tuần Văn hóa TP Thanh Hóa - TP Hội An; Chương trình Văn hóa - Nghệ thuật chào mừng Quốc khánh (2/9)..., một số doanh nghiệp đã phối hợp đầu tư trang trí các không gian, tổ chức các hoạt động Liên hoan Ẩm thực, trưng bày giới thiệu sản phẩm,... với tổng kinh phí hàng tỷ đồng. Nhiều tổ chức, cá nhân tự nguyện tham gia tổ chức các gian trưng bày, quảng bá văn hóa tại phiên bản dãy phố cổ Hội An. Có thể khẳng định, việc huy động xã hội hóa có ý nghĩa lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức các hoạt động, góp phần đưa không gian văn hóa Hội An đẹp và hấp dẫn hơn trong mắt du khách, nâng tầm sản phẩm du lịch cho TP Thanh Hóa”.

Phiên bản dãy phố cổ Hội An gồm 15 gian được bố trí trưng bày và liên kết với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có sản phẩm trưng bày, trải nghiệm, phục vụ đồ uống. Hoạt động của phiên bản dãy phố cổ chia làm 2 khu, tạm gọi là khu A và khu B, lấy phiên bản chùa Cầu làm ranh giới. 9 gian phố cổ (tính từ cổng Công viên Hội An đi vào, tạm gọi là khu A) hoạt động khá sôi nổi, tích cực, vừa có sự đa dạng các sắc thái văn hóa vừa cho thấy rõ nét giao lưu văn hóa xứ Thanh và Hội An.

Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch TP Thanh Hóa đã nỗ lực kết nối với các tổ chức, cá nhân có tình yêu, niềm đam mê, hiểu biết sâu rộng về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, có tinh thần vì cộng đồng, thúc đẩy du lịch TP Thanh Hóa phát triển... tham gia các sự kiện, hoạt động, chung tay làm nên không gian văn hóa đa sắc màu, hướng đến giá trị truyền thống, nhân văn tại phiên bản dãy phố cổ Hội An. Từ đó, ngoài các không gian trưng bày các hình ảnh về lịch sử văn hóa, kết hợp quảng bá du lịch TP Thanh Hóa, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hội An; những không gian văn hóa ấn tượng như: Hạc Thành sử quán; Thanh Hoa thư quán; Cổ phục Việt; Nhà của Mén; Phố Hoài music; Trúc chi quán - Lưu giữ hồn tre Việt; Phòng sách Hội An...

Mặc dù đi vào hoạt động, mở cửa đón khách chưa lâu nhưng mỗi không gian văn hóa được đầu tư chỉn chu, mang đậm dấu ấn cá nhân đã thu hút sự quan tâm, yêu thích của đông đảo du khách. Nhắc tới Hạc Thành sử quán; Thanh Hoa thư quán là nhớ ngay đến không gian đậm chất hoài niệm, bác cổ. Chủ nhân của nơi này là ông Nguyễn Hữu Ngôn - người có tình yêu, niềm đam mê, am tường văn hóa. Ông là gương mặt quen thuộc trong các sự kiện, sân chơi văn hóa; thường xuyên hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa; đồng thời là người sở hữu nhiều bộ sưu tập độc đáo như: Bộ sưu tập nông cụ, sưu tập tem, báo xuân, đồng hồ, xe đạp...

Tham gia “cuộc chơi” tại phiên bản dãy phố cổ Hội An từ những ngày đầu tiên, ông Nguyễn Hữu Ngôn không ngoài mục đích nào khác là thỏa mãn niềm đam mê, đóng góp những gì mình có để quảng bá, lan tỏa nét đẹp đất và người Hạc Thành xưa, TP Thanh Hóa ngày nay nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung. Ông Ngôn bộc bạch: “Từ thực tế diễn ra trong đời sống của các khu dân cư, chủ nhân của các không gian văn hóa tại đây đã họp lại với nhau, thống nhất xây dựng quy chế hoạt động, tín nhiệm bầu ra một ông trưởng phố. Quy định mở cửa đón khách vào thứ 7, chủ nhật hằng tuần, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa theo chủ đề, thống nhất trong sự đa dạng, phục vụ miễn phí cho du khách”.

Chị Hoàng Thị Vân (TP Thanh Hóa) cùng con gái và một vài người bạn hào hứng, vui vẻ ngắm nhìn những bộ trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam. Sau khi chụp ảnh lưu niệm, chị Vân cùng bạn tận hưởng cà phê sáng, chuyện trò trong lúc con gái chị say sưa tô tượng. Các dịch vụ như phục vụ đồ uống, tô tượng... mới được các chủ nhân “Nhà của Mén” triển khai gần đây để tăng thêm sức hút, trải nghiệm của du khách khi đến với không gian trưng bày. Chị Vân chia sẻ: “Là cư dân phố thị đã hơn chục năm, không nhớ hết bao nhiêu lần vào Công viên Hội An nhưng thực sự bất ngờ trước sự phát triển của nơi này. Việc tổ chức các không gian văn hóa vừa mang đậm sắc thái, dấu ấn cá nhân vừa hòa vào tổng thể, mục tiêu chung như thế này thực sự mang lại trải nghiệm thú vị, phù hợp với mọi lứa tuổi, đúng chất du lịch văn hóa”.

Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ, nhịp sống đô thị ngày càng hối hả, nhiều áp lực, cư dân đô thị cần nhiều hơn nữa những không gian văn hóa công cộng như Công viên Hội An. Đó là nơi họ được thư thái tản bộ, tập thể dục trong không gian xanh mướt bóng cây, vui vẻ cùng bạn bè, người thân mỗi dịp cuối tuần, được tìm về với những giá trị văn hóa thân thuộc mà không phải di chuyển xa. Ở một cạnh khía khác, với du khách thập phương đến TP Thanh Hóa, điều họ háo hức, mong chờ nhất là được trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc, vừa mang đậm yếu tố bản địa lại có tính mở, kết nối. Công viên Hội An là một trong những điểm đến đáp ứng được những yêu cầu trên.

Ông Hoàng Cao Thắng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch TP Thanh Hóa, cho biết: “Phát triển phiên bản phố cổ vừa mở rộng liên hoàn các vùng không gian đệm, đảm bảo phát huy bản sắc riêng và yếu tố bền vững. Thời gian tới, TP Thanh Hóa tiếp tục đầu tư kinh phí để duy trì và nâng cao chất lượng tổ chức, thực hiện các sự kiện chính trong năm tại không gian văn hóa Hội An như: Tuần Văn hóa TP Thanh Hóa - TP Hội An; Chương trình Văn hóa - Nghệ thuật chào mừng Quốc khánh (2/9); Chương trình Điểm hẹn cuối tuần... Để có thêm nguồn lực tổ chức nhiều các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí hơn nữa, trung tâm sẽ nỗ lực kết nối, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chung tay góp sức. Cùng với đó, trung tâm tiếp tục chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; đổi mới phương thức hoạt động; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch..., từ đó phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế thế mạnh, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội”.

Việc duy trì, phát triển các hoạt động văn hóa tại Công viên Hội An đã và đang thực sự sôi động, hấp dẫn hơn nhờ có sự tham gia, góp sức của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Trong bối cảnh các nguồn lực còn hạn chế, việc xã hội hóa các hoạt động văn hóa là hướng đi đúng đắn, hợp xu thế. Tuy nhiên, nhìn từ hoạt động tại phiên bản dãy phố cổ Hội An, thiết nghĩ, TP Thanh Hóa cần có sự quan tâm, ghi nhận và “trợ lực” kịp thời hơn nữa đối với các chủ thể tham gia, nhất là ở công tác quản lý, đảm bảo an ninh...

Bài và ảnh: Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]