(Baothanhhoa.vn) - Chỉ qua đợt tết này nữa thôi, sau khi cởi bỏ bộ áo xanh của những học viên cai nghiện, họ sẽ trở về cuộc sống đời thường với hy vọng sẽ vượt qua được những cám dỗ của ma túy, vượt qua chính mình để làm lại cuộc đời...

Vượt qua nghiệt ngã, làm lại cuộc đời

Chỉ qua đợt tết này nữa thôi, sau khi cởi bỏ bộ áo xanh của những học viên cai nghiện, họ sẽ trở về cuộc sống đời thường với hy vọng sẽ vượt qua được những cám dỗ của ma túy, vượt qua chính mình để làm lại cuộc đời...

Vượt qua nghiệt ngã, làm lại cuộc đờiCác học viên cai nghiện ma túy lao động trị liệu tại Cơ sở cai nghiện số 1.

Sáng sớm, tiếng chuông báo thức toàn khu đánh thức Quang trở dậy. Sau bữa ăn sáng, Quang cùng các học viên theo các nhóm được phân công đến khu vườn rau để tham gia lao động trị liệu. Khu vườn rau xanh mướt nhờ công chăm sóc của những học viên ở đây. Đây là một trong những hoạt động hàng ngày đã được lên lịch từ trước dành cho các học viên tại Cơ sở cai nghiện số 1.

Lần đầu gặp Quang tại Cơ sở cai nghiện số 1, tôi không tin được rằng chàng thanh niên cao ráo, rắn rỏi, gương mặt tươi tắn ấy lại có thời gian dài từng say sưa trong ma túy “đá”.

Quang sinh năm 1993, quê ở một xã thuần nông của huyện Triệu Sơn. Học xong cấp ba, Quang theo học nghề lái xe. Tuổi trẻ, có sức khỏe, có nghề nghiệp trong tay, cậu xin vào làm lái xe đường dài cho một doanh nghiệp. Thu nhập kha khá, những tưởng con đường tương lai rộng mở phía trước thế nhưng chỉ vì phút bốc đồng, ham chơi, vì không vượt qua cám dỗ cuộc sống, Quang đã rơi vào vòng xoáy của ma túy. Cuộc đời của chàng trai trẻ cũng rẽ theo một hướng khác. “Trước khi vào đây em cũng có vài năm “thâm niên” chơi “đá” rồi chị ạ. Cái nghề lái xe đường dài di chuyển nhiều nơi, cộng thêm bị rủ rê nên em nghiện từ lúc nào không rõ. Giờ chỉ biết cuộc đời nhiều cám dỗ, chẳng hiểu sao lúc đó mình lại “dễ ngã” như vậy” - Quang chia sẻ.

Sau gần 2 năm bị cưỡng chế vào Cơ sở cai nghiện số 1, từ những ngày đầu vật vã điều trị cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe đến lúc được lên đội sản xuất để học tập, rèn luyện thể chất và học nghề, Quang tự nhận thấy bản thân mình đã thay đổi nhiều. Sức khỏe tốt, tinh thần tốt và suy nghĩ khác đi rất nhiều. Sự cảm thông, chia sẻ, động viên của các thầy ở cơ sở cai nghiện đã góp phần giúp Quang nhìn nhận lại chính mình và cuộc đời. Quang khoe: “Em học nghề nhanh lắm, giờ em đã thạo nghề may và có thể tự làm ra sản phẩm. Cũng sắp được rời cơ sở cai nghiện để hòa nhập cộng đồng, em cũng suy nghĩ nhiều, những dự định còn mơ hồ nhưng quan trọng nhất với em lúc này là quyết tâm từ bỏ ma túy và tìm một công việc mới để thay đổi cuộc sống”.

Không chơi ma túy “đá” như Quang, Minh (sinh năm 1989, quê ở Nga Sơn) từng có thời gian khá dài chìm sâu trong heroin. Minh đã quá quen thuộc với đường đi, lối lại ở Cơ sở cai nghiện số 1, do đây là lần thứ 3 Minh bị cưỡng chế đưa vào cai nghiện.

Minh có hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt. Bố mẹ chia tay từ khi Minh còn học lớp 1, bố đi lấy vợ khác ở miền Nam, nhà chỉ có hai mẹ con. Trước đây, Minh cũng là niềm hy vọng, là chỗ dựa tinh thần cho mẹ, song lớn lên, không vượt qua được những lần đua đòi, ham chơi, những lần thử để biết “mùi” đời, Minh rơi vào con đường nghiện ngập và chìm sâu vào “vũng bùn lầy” đó. Nghiện đồng nghĩa với việc không thể tập trung học tập, tu chí làm ăn. Tiền bạc, tài sản trong nhà cứ dần “đội nón ra đi” vì những cơn thèm thuốc. Minh bán dần những tài sản trong nhà của mẹ, bán đến khi trong nhà chẳng còn gì ngoài cái tủ quần áo đã ọp ẹp. Minh kể: “Lúc không còn tiền, cơn thèm thuốc đến thì cũng phải nghĩ nhiều cách để kiếm được tiền mua ma túy, từ việc xin xỏ, lừa đảo đến trộm cắp vặt để có cái gì đó bán lấy tiền mua thuốc. Nhiều lúc em cũng tự trọng lắm, cũng cảm thấy chán bản thân mình nhưng khi cơn nghiện ập đến thì mọi lý trí trong đầu lại tan biến, nhường chỗ cho những mưu mô, tính toán để làm sao có heroin thỏa mãn cơn thèm khát”.

Minh cũng là học viên sắp được rời cơ sở cai nghiện. Chàng trai ngoài 30 tuổi này cũng nhiều lần thao thức về tương lai ở phía trước, thế nhưng quá khứ như áng mây đen lúc nào cũng ám ảnh Minh. Minh chia sẻ: “Ở trong này có nhiều khoảng thời gian yên tĩnh để tĩnh tâm, suy nghĩ, sắp xếp lại nhiều điều, nhưng đến khi thực sự bước chân ra ngoài xã hội, mọi thứ lại khác. Mỗi lần tái hòa nhập cộng đồng em đều mong muốn trở thành người bình thường, nhưng bước chân về nhà chưa được bao lâu thì bạn bè lại rủ rê, đôi khi chén rượu, cốc bia vào người là lại không cưỡng lại được bản thân... Mình cũng mong muốn tìm một con đường đi để có thể sống đúng nghĩa. Mẹ đã già yếu, bản thân cũng không còn trẻ. Nhưng liệu có đủ nghị lực dũng cảm vượt qua dư luận và sự yếu đuối của chính mình để làm lại cuộc đời, bởi điều mà mình sợ nhất chính là việc thiếu một công việc ổn định, sự kỳ thị, mặc cảm và hụt hẫng dễ khiến mình lại thêm một lần buông thả...”.

Bản chất của cai nghiện ma túy không chỉ là trợ giúp về y tế mà còn là can thiệp về tâm lý. Theo bác sĩ Trần Văn Đức, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện số 1, hàng năm cơ sở tiếp nhận, chữa trị cai nghiện cho hàng trăm đối tượng, mỗi người, mỗi hoàn cảnh. Người thì bị cưỡng chế bắt buộc đưa vào cai nghiện, người thì do gia đình nhờ lực lượng chức năng đưa vào để cai nghiện, nhiều người là thành phần bị xã hội kỳ thị, gia đình ruồng bỏ. Trải qua các giai đoạn điều trị từ cắt cơn, thải độc, ổn định sức khỏe đến quá trình giáo dục, rèn luyện, lao động trị liệu, học nghề..., những học viên chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng giống như Quang, Minh sẽ được các cán bộ nghiệp vụ truyền đạt những kỹ năng phòng, chống tái nghiện, kỹ năng từ chối ma túy; đồng thời tư vấn, hướng nghiệp để học viên tìm kiếm việc làm phù hợp với tay nghề để họ có cơ hội tốt nhất hòa nhập cộng đồng.

Trong cuộc đời mỗi người, không ai có thể tránh khỏi sự sai lầm, nhưng điều đáng trân quý hơn là sau vấp ngã phải mạnh mẽ đứng lên, vượt qua mặc cảm, khó khăn tâm lý để có thể hòa nhập, lạc quan với cuộc sống, từ đó tìm thấy chính mình và sống có ích cho cuộc đời. Hy vọng với những người như Quang và Minh, bước ra từ “vũng bùn lầy" nghiện ngập, những con người ấy sẽ tìm được đường về với hy vọng ngày mai tươi sáng hơn!

Bài và ảnh: Minh Hiền

(Tên nhân vật đã được thay đổi).



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]