Vùng mía Lam Sơn còn nhớ mãi
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Đoàn ĐBQH về thăm Nhà máy Mía đường Lam Sơn.
Nghe tin nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trần, cán bộ, công nhân Công ty CP Mía đường Lam Sơn và người dân vùng mía Lam Sơn không khỏi bất ngờ, luôn hỏi thăm lãnh đạo công ty khi nào Đảng, Nhà nước tổ chức lễ viếng để được đến thắp nén tâm nhang tưởng nhớ một người lãnh đạo của Đảng gần gũi, chan hòa và giản dị.
Với Công ty CP Mía đường Lam Sơn và người dân vùng mía Lam Sơn vinh dự được đón nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về thăm 4 lần, mỗi lần đều để lại những kỷ niệm sâu đậm, nhớ mãi không quên.
Lật giở từng tấm ảnh kỷ niệm ghi lại thời gian nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về thăm vùng đất mía đường Lam Sơn, Anh hùng Lao động Lê Văn Tam, 84 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Lam Sơn không khỏi bùi ngùi khi những ký ức cứ ùa về, hình ảnh bác Phiêu với cương vị lãnh đạo cao cấp của Đảng đã đi xuống chân ruộng gặp gỡ, chuyện trò với người nông dân đang thu hoạch mía về tình hình đời sống, những khó khăn và tâm tư nguyện vọng của nông dân trong lao động sản xuất; ân cần nói chuyện với công nhân nhà máy để từ đó gợi mở cho lãnh đạo nhà máy xây dựng mô hình liên kết “Công - Nông – Trí thức” nhằm phát triển ngành mía đường tỉnh Thanh Hóa trở thành đơn vị dẫn đầu trong cả nước. Những cử chỉ ân cần, gần gũi và sự quan tâm của nguyên Tổng Bí thư vẫn còn in đậm trong tâm trí của Anh hùng Lao động Lê Văn Tam. Anh hùng Lao động Lê Văn Tam kể lại: Vùng mía đường Lam Sơn vẫn nhớ mãi những lần bác Phiêu về thăm. Bác đi đến tận từng phân xưởng, kiểm tra xem anh em sản xuất thế nào, đời sống ra sao. Bác ân cần hỏi thăm tới từng người. Anh em công nhân hết sức xúc động bởi phong cách gần gũi, giản dị của bác Lê Khả Phiêu. Cho dù ở cương vị nào, khi đang là Tổng Bí thư hay là đại biểu Quốc hội, cũng như đã nghỉ chế độ, mỗi lần về thăm Công ty CP Mía đường Lam Sơn, bác Phiêu thường xuyên nhắc nhở, khuyên bảo cán bộ, công nhân phải hăng say sản xuất, lao động tốt, xây dựng vùng mía Lam Sơn phát triển góp phần vào xây dựng tỉnh Thanh Hóa ngày càng đổi mới.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trò chuyện với công nhân Nhà máy Mía đường Lam Sơn. Ảnh tư liệu do Anh hùng Lao động Lê Văn Tam cung cấp
Anh hùng Lao động Lê Văn Tam vẫn còn nhớ lần đầu tiên bác Phiêu về thăm vào năm 1994 - khi mới được bầu vào Ủy viên Bộ Chính trị: “Đến thăm vùng mía Lam Sơn, khi ấy nhà máy đang vào vụ ép, đi dọc đường ngồi trên xe nhìn thấy bà con nông dân đang thu hoạch mía ven đường, bác nói: Dừng xe lại để tớ xuống thăm bà con tý...” Hỏi thăm bà con, biết được thu nhập của bà con còn thấp, bác nhắc nhở tôi phải làm sao để tăng giá mía cho bà con, bên cạnh đó phải cải tiến công nghệ máy móc giúp cho việc thu hoạch mía của bà con bớt nặng nhọc. Bác căn dặn bà con nông dân cần tập trung chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm để cây mía là cây chủ lực xóa đói, giảm nghèo, cây làm giàu cho nông dân trên chính vùng đất quê hương. Sau khi trò chuyện với nông dân trồng mía, khi ngồi trên xe trở về nhà máy, bác Phiêu đã gợi mở cho tôi về việc xây dựng mô hình liên kết các nhà “Nhà máy – nhà nông – nhà trí thức” để phát triển Nhà máy Mía đường Lam Sơn thành đơn vị dẫn đầu ngành mía đường trong cả nước. Từ sự gợi mở của bác Phiêu đã định hướng cho Công ty CP Mía đường Lam Sơn phát triển thành công mô hình “Công – Nông – Trí thức” và trở thành “cánh chim đầu đàn” ngành mía đường cả nước.
Lần thứ hai về thăm vùng mía Lam Sơn vào năm 1998 khi đang giữ cương vị Tổng Bí thư, sau khi nói chuyện với lãnh đạo nhà máy, bác Phiêu đã trực tiếp xuống các phân xưởng, thấy anh em công nhân đang nghỉ giải lao sau ca sản xuất, bác đã ngồi xuống nói chuyện với công nhân, không có bàn ghế phông rạp gì, bác ân cần dặn dò từng công nhân phải tích cực cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả; phải phát huy thật tốt việc liên kết giữa ba nhà “Công – Nông – Trí thức”, đẩy mạnh các phong trào thi đua hăng say lao động sản xuất đạt hiệu quả tốt hơn. Cùng với đó, phải chăm lo đến sự nghiệp giáo dục đào tạo để con em trong nhà máy học tập có nhiều kiến thức để sau này xây dựng nhà máy, xây dựng công ty ngày càng phát triển vững mạnh hơn nữa.
Khi không còn giữ cương vị Tổng Bí thư, các năm 2002 và năm 2005 với cương vị đại biểu Quốc hội khóa IX và khóa X, bác Phiêu đến thăm nhà máy và vẫn với những cử chỉ ân cần, gần gũi hỏi thăm công nhân, nông dân về đời sống và sự phát triển đi lên của nhà máy, cũng như ở vùng mía Lam Sơn. Trên cương vị là đại biểu Nhân dân, qua những buổi tiếp xúc cử tri, bác Phiêu luôn tìm hiểu, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cử tri để có ý kiến, đề xuất Đảng, Nhà nước có những cơ chế, chính sách giúp cho người nông dân và Nhân dân nâng cao đời sống kể cả vật chất, lẫn tinh thần. Lần nào về thăm bà con vùng mía Lam Sơn, bác Phiêu cũng động viên bà con cùng với lao động sản xuất, phải tạo điều kiện, động viên chăm lo cho con cái học hành; các cháu thanh, thiếu niên, học sinh phải học thật tốt để sau này góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển, văn minh, hiện đại.
Với Anh hùng Lao động Lê Văn Tam những lời căn dặn của “anh Phiêu” đã trở thành động lực rất lớn để trên cương vị người đứng đầu Công ty CP Mía đường Lam Sơn cùng với tập thể lãnh đạo và cán bộ, công nhân xây dựng công ty trở thành đơn vị dẫn đầu ngành mía đường như ngày hôm nay và mô hình liên kết “Công – Nông – Trí thức” đã tạo sức lan tỏa mạnh ra khắp cả nước. Trong 10 năm, từ năm 2010 đến năm 2020, mặc dù ngành mía đường Việt Nam và thế giới có nhiều biến động, khó khăn với những thời kỳ khủng hoảng thừa, thiếu nhưng do được đầu tư công nghệ thiết bị hiện đại, sáng tạo trong đổi mới quản lý và gắn bó chặt chẽ với nông dân, nông nghiệp, sản xuất của công ty về sản lượng luôn ổn định, giá trị kinh doanh liên tục tăng trưởng. Năm 2019, doanh thu tăng 127,89%; nộp ngân sách Nhà nước bình quân 85,6 tỷ đồng/năm; lợi nhuận bình quân trên 141,04 tỷ đồng/năm; thu nhập của người lao động tăng 136%, cổ tức đều tăng, tình hình tài chính vững vàng, vốn điều lệ 700 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tăng 2 lần so với năm 2010. Thương hiệu LASUCO được tín nhiệm của người tiêu dùng, được tặng thưởng nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế. 7 năm liên tục được xếp hạng tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam; 6 năm liên tục vào tốp 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đi xa, nhưng những tình cảm của bác đối với quê hương Thanh Hóa nói chung và trong tâm trí của các cán bộ, công nhân Công ty CP Mía đường Lam Sơn và người dân vùng mía sẽ mãi không thể nào quên. Vùng đất Lam Sơn đang từng ngày phát triển, nhiều công trình trọng điểm đã và đang được xây dựng như: Cảng Hàng không Thọ Xuân; tuyến đường Cảng Hàng không Thọ Xuân – Nghi Sơn; Khu Công nghệ cao Lam Sơn – Sao Vàng..., tạo động lực để Lam Sơn cùng với Nghi Sơn - Sầm Sơn – Bỉm Sơn trở thành 4 trung tâm kinh tế động lực của tỉnh, phấn đấu để xây dựng Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển; xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu.
Minh Hiếu
{name} - {time}
-
3 giờ trước
Thành phố Thanh Hóa - Rộng mở tương lai
-
6 giờ trước
Khát vọng mùa xuân - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
-
15:05 14/08/2020
Bác Lê Khả Phiêu với văn nghệ sĩ - nhà báo
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Trọn đời cống hiến
Thay đổi thói quen để “chung sống an toàn với dịch”
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - người lãnh đạo vì dân
Huyện Như Xuân điều động luân chuyển và bổ nhiệm 14 chức danh cán bộ chủ chốt sau Đại hội
HĐND huyện Triệu Sơn khóa XVII bầu chức danh Phó Chủ tịch UBND huyện
Thành kính tiễn biệt nhà lãnh đạo xuất sắc, trọn đời vì nước, vì dân
Hình ảnh Lễ viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tại quê nhà Thanh Hóa
Huyện Hoằng Hóa: Bầu bổ sung Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện và 2 Phó Chủ tịch UBND huyện
[Infographic] - Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (1931 - 2020)
Địa phương
Thời tiết
- 12°C - 18°CNhiều mây, không mưa
- 13°C - 18°CNhiều mây, không mưa