Việt Nam lần đầu ứng cử vị trí thẩm phán Tòa án Quốc tế về Luật Biển
Việt Nam giới thiệu PGS-TS Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao, ứng cử vào vị trí thẩm phán Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) nhiệm kỳ 2026-2035.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, phát biểu với các thành viên Nhóm bạn bè UNCLOS. (Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại New York, trong khuôn khổ Hội nghị các nước thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển lần thứ 34 diễn ra từ 10-14/6 tại New York (Mỹ), Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, đã chủ trì Hội thảo quốc tế “Nước biển dâng tại khu vực Thái Bình Dương: thực trạng, các vấn đề pháp lý và đánh giá từ góc độ luật biển," và buổi gặp mặt thường niên của Nhóm bạn bè Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày Công ước có hiệu lực và để công bố việc Việt Nam giới thiệu Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao, ứng cử vào vị trí thẩm phán Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) nhiệm kỳ 2026-2035.
Những năm qua, ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu trong đó có hiện tượng mực nước biển dâng là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nước, trở thành chủ đề thảo luận tại nhiều diễn đàn trong khuôn khổ Liên hợp quốc.
Hội thảo quốc tế về nước biển dâng dưới góc độ luật biển do Việt Nam phối hợp với một số nước thành viên Nhóm bạn bè UNCLOS gồm Fiji, Indonesia, New Zealand, Oman đồng tổ chức với sự tham gia đồng bảo trợ của Australia, Canada, Đức, Philippines và Singapore.
Khoảng 100 đại biểu, chuyên gia về luật biển đến từ hơn 60 quốc gia, học giả, đại diện một số cơ quan Liên hợp quốc đã tham dự hội thảo.
Phát biểu khai mạc và cuộc gặp mặt, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử của UNCLOS đối với sự phát triển của luật pháp quốc tế.
Với vai trò là “Hiến pháp của đại dương,” UNCLOS là khuôn khổ pháp lý toàn diện nhất điều chỉnh mọi hoạt động trên biển, là cơ sở để các nước cùng hợp tác trong quản lý các đại dương và biển một cách có trật tự và bền vững.
Việt Nam khẳng định sẽ cùng 115 thành viên của Nhóm bạn bè tiếp tục thúc đẩy đối thoại và hợp tác đa phương trong thực thi và bảo vệ tính phổ quát của UNCLOS.
Tại hội thảo, các chuyên gia pháp lý của Việt Nam gồm Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Anh và Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao, thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc đã chia sẻ đánh giá từ góc độ của Việt Nam - một quốc gia ven biển chịu nhiều tác động nhất của biến đổi khí hậu trong đó có nguy cơ nước biển dâng, đề nghị tiếp tục tuân thủ, thực hiện đầy đủ các quy định của UNCLOS trong quá trình giải quyết các thách thức mới nổi lên trong quản trị biển và đại dương hiện nay như ô nhiễm môi trường biển, biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, đồng thời kêu gọi ủng hộ việc bảo toàn các đường cơ sở, ranh giới các vùng biển xác lập từ đường cơ sở và kết quả phân định biển đã được các nước thống nhất thông qua đàm phán hoặc xác lập theo phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế nhằm duy trì ổn định và trật tự pháp lý trên biển.
Hội thảo được tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam, là một trong những đóng góp quan trọng chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về nước biển dâng vào tháng 9/2024 sắp tới.
Sự tham gia đông đảo của các nước tại hội thảo một lần nữa khẳng định quan tâm chung của các nước đối với giá trị và vai trò của UNCLOS trong quản lý, sử dụng biển và đại dương nói chung và trong hợp tác giải quyết các thách thức mới như biến đổi khí hậu và nước biển dâng thời gian tới.
Nhóm bạn bè là một hình thức phối hợp không chính thức, linh hoạt, nhằm tăng cường hợp tác giữa một số nước có cùng quan tâm về một vấn đề cụ thể tại Liên hợp quốc và các diễn đàn đa phương.
Nhóm bạn bè UNCLOS do Việt Nam và Đức khởi xướng, đồng chủ trì thành lập năm 2021. Nhóm hiện có 115 thành viên đến từ tất cả các khu vực địa lý, trong đó gồm 12 nước nòng cốt chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động của Nhóm.
Trong thời gian qua, Nhóm đã tổ chức nhiều hoạt động như hội thảo, toạ đàm, gặp gỡ định kỳ để trao đổi, thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề liên quan đến thực thi UNCLOS và quản lý, sử dụng bền vững các đại dương và biển nói chung./.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2024-12-15 08:52:00
Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Tầm nhìn mới, cơ hội mới, giá trị mới
-
2024-12-15 08:00:00
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 15/12/2024
-
2024-06-14 11:46:00
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Như Xuân lần thứ IV, năm 2024
Thực hiện toàn diện, có hiệu quả các phong trào thi đua
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thi đua đạt mục tiêu cả nước có 3.000km đường bộ cao tốc trước ngày 31/12/2025
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 14/6/2024
Chuẩn bị diễu binh, diễu hành mừng các ngày lễ lớn của đất nước và quân đội
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng ngày 14/6
Điểm nóng 14/6: Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng thông báo khẩn liên quan đại án Phúc Sơn
[Bản tin 18h] Phấn đấu đóng điện trạm biến áp 500kV Thanh Hóa vào ngày 22/6
Thanh Hóa sẵn sàng cho Vòng chung khảo Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ XVI, năm 2024
TP Thanh Hóa gặp mặt các cơ quan báo chí