(Baothanhhoa.vn) - Nhà thơ Lâm Bằng làm biên tập thơ tạp chí Xứ Thanh nhiều năm. Ngoài công tác biên tập anh còn sáng tác nhiều tác phẩm văn học. Anh viết truyện ngắn, truyện tranh, bút ký, trường ca và xuất bản nhiều tập thơ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thơ Lâm Bằng từ “Mưa dắt ngang chiều” đến “Từ ban công nhìn ra”

Thơ Lâm Bằng từ “Mưa dắt ngang chiều” đến “Từ ban công nhìn ra”

Nhà thơ Lâm Bằng.

Nhà thơ Lâm Bằng làm biên tập thơ tạp chí Xứ Thanh nhiều năm. Ngoài công tác biên tập anh còn sáng tác nhiều tác phẩm văn học. Anh viết truyện ngắn, truyện tranh, bút ký, trường ca và xuất bản nhiều tập thơ.

Tác phẩm văn học của anh đã được trải nghiệm qua nhiều năm tháng, người đọc mến mộ, quý trọng tác giả và tác phẩm của anh. Mưa dắt ngang chiều (Nxb Hội Nhà văn) là tập thơ hồn cốt của anh, được xuất bản tháng 10-2014. Tập thơ dày 130 trang với 45 bài thơ, với nhiều đề tài, thể loại phong phú và hấp dẫn. Cách biểu đạt gập ghềnh, khúc triết. Nổi và đọng hơn cả là mảng thơ anh viết về quê hương, về mẹ, về người thân. Quê hương nhà thơ Lâm Bằng ở vùng đồng chiêm trũng Hà Trung “Chiêm khê mùa thối”. Người dân lam lũ cực nhọc mà quanh năm vẫn túng thiếu đói nghèo. Anh tả làng anh ngày lũ:

Làng/ Bì bõm lều bều rác rưởi/ Cua ốc đi hoang/ Nghển cổ dài trâu bò ngóng rơm cuối vụ/ Cỏ nẫu sườn đê ếch nhái nhảy vườn/ Tép tôm lách tách vại chum. Chỉ mấy câu thơ ấy cũng cho ta nhìn thấy một bức tranh quê ngày lũ lụt. Tác giả quan sát rất kỹ đàn trâu bò ngóng rơm cuối vụ. Vì đồng đã trắng băng “nước hối”. Anh tìm được cái từ “nước hối” thật độc đáo và chỉ có ở nơi rốn nước như làng anh mới có. Không chỉ mưa, mà nước ở các nơi dồn về, nước “hối” lên mênh mang. Cái làng như thế nên bà anh lúc nào hố mắt cũng: Trũng sâu ngân ngấn nước và Bà nén tiếng thở dài/ Nghiêng bồ cót trở trăn lúa giống và Cày hái chiêm mùa khê vụ/ Đồng làng đau đáu mắt nhìn/ Xa xăm mỏi mòn đồng bái/ Lênh đênh sống áo du miên.

Thơ Lâm Bằng từ “Mưa dắt ngang chiều” đến “Từ ban công nhìn ra”

Cái làng chưa mưa đã ngập trắng băng như thế thì người dân làm sao no đủ, chỉ nhặt tìm con ốc, con tôm. Cái làng như vậy nên mẹ anh là người cơ cực nhất trong những người cơ cực. Trong bài thơ Mẹ tôi anh viết: Nón mê tất tưởi đồng trưa/ Mẹ tôi ba bảy... cau vừa nón bưng/ Tái te sấp ngửa lửa hừng/ Chợ xa quang gánh dài lưng lửng chiều/ Nắng xiên bóng đuổi liêu xiêu/ Mẹ đi gió thốc cả chiều nón mê.

Đó là một hoài niệm thương xót một người mẹ quê nghèo tất bật với ruộng đồng, nhưng ruộng đồng thì nước dâng trắng xóa, phải lặn lội quang gánh chợ xa, chợ gần để kiếm miếng cơm manh áo. Cái hình ảnh “Mẹ đi gió thốc cả chiều nón mê” đủ thấy anh thương mẹ như thế nào mới vắt óc tìm ra câu thơ đắng đót như thế về mẹ. Anh thấu hiểu nỗi khổ đau của mẹ bằng những vần thơ: Sắt se sợi buộc, sợi buông/ Mẹ tôi gánh cả đoạn đường trên vai/ Cau xanh ba bảy... bổ dài/ Lá trầu vội úa, mẹ tôi trở chiều.

Cái lá trầu vội úa ấy đã gánh trên vai cả một đoạn đường kiếm sống, nuôi anh lớn khôn và anh thương mẹ: Đời mẹ như nắng liêu xiêu/ Dặm trưa chưa tới bóng chiều đã buông.

Lời thơ từ ruột gan, từ trái tim của người con hiếu thảo cứ làm ta rưng rưng. Ai không có mẹ, có cha, nhưng người mẹ sinh ra ở làng quê nghèo thì cảnh ngộ càng thương tâm. Cũng viết về cha, về mẹ, nhưng Lâm Bằng chọn ngày mẹ mất để mô tả cái đau đớn tận cùng của một gia cảnh, khi tuổi đời còn thanh xuân mẹ anh ra đi trong đêm mưa:

Mẹ ra đi đêm mưa/ Bước lầy thụt người đưa/ Đóm lửa nhạt nhòa đêm tối/ Và Cha cõng tôi trên lưng gọng vó/ Mưa sụt sùi/ Đường trơn hun hút gió/ Mưa, mưa tức tưởi/ Đoàn người đi về phía cuối làng. Anh mô tả hình ảnh người cha cũng đầy thương cảm và chua xót: Bóng gầy cha đổ liêu xiêu/ Canh cơi bếp nguội, lọc điều muối dưa/ Trời còn khét nắng giá mưa/ Đời cha xiêu vẹo cánh cò... cuối đông.

Và chát đắng hơn:

Lẻ buồm cha ngược dốc đời

Cau xanh một bóng nồng vôi thay trầu.

Cuối cùng là:

Một đời đi muộn về sau

Cõi còm cha chắt mỡ màu dành con.

Ngôn ngữ chọn lọc để tả về cảnh đau đớn khốn cùng của cha mẹ mình. Ngôn ngữ giản dị đầy chất dân gian đã gõ vào tim bạn đọc sự thông cảm sẻ chia nỗi đau và ngôn ngữ ấy cứ đọng lại đau đáu, ám ảnh người đọc.

“Ký ức tôi” là bài thơ dài trong tập “Mưa dắt ngang chiều”. Đó là ký ức một thời thơ dại của anh với những trưa hè nắng cháy, tuổi thơ nghịch ngợm với con dế mèn, con châu chấu, với buổi chiều ngồi tước lá dừa làm con chong chóng ở chân đê, với những nhịp cầu ao bập bềnh hái quả sung xanh và vẫn là ký ức đau đớn cứ găm mãi vào trái tim thơ dại của anh: Mẹ trở dạ sinh tôi đêm mưa gió/ Người ra đi khi tôi chửa rời nôi/ Ký ức tôi không giữ nổi bóng người/ Qua lời kể tôi hình dung chật vật.

Khi mẹ ra đi sớm, để lại cho cha cảnh gà trống nuôi con với bao vất vả cực nhọc, hình ảnh cha cứ hiển hiện trên đầu ngòi bút: Bóng cha liêu xiêu in vào ký ức/ Mái chiều xao xác khói bếp lêu nghêu/ Ấm nước chè xanh ngát thơm xóm ngõ/ Sân nhà tôi vằng vặc ánh trăng treo. Cha anh thân cò lặn lội. Vừa làm cha, vừa làm mẹ ru anh khôn lớn trong cảnh bần hàn.

Tập thơ còn có một cụm bài về di tích thắng cảnh, về những người anh hùng dân tộc, những người có công với nước: Thành đá sáu trăm năm, Lam Kinh dấu lặng, Trăng kinh thành, Với hàng tượng đá lăng vua, Sông Hương đêm, Khúc hát người anh hùng núi Lam, Người mẹ Vĩnh Linh vá cờ Tổ quốc, Tên anh hòa với nước non ngàn trùng... Mỗi bài thơ một nỗi niềm, một câu chuyện, một kiến giải, một câu hỏi lớn, anh cho bạn đọc những kiến thức lịch sử và đặt ra cho mọi người trách nhiệm với nước non tươi đẹp mà bao đời, bao người xưa để lại.

Từ ban công nhìn ra (Nxb Hội Nhà văn) là tập thơ mới xuất bản tháng 10-2018. Tập thơ chỉ gần 100 trang với 50 bài thơ và nhiều hình ảnh minh họa đẹp. Đọc nhanh hết, nhưng phải ngẫm ngợi nhiều. Từ ban công nhìn ra là một cái nhìn xa trông rộng. Lấy hình ảnh nhỏ, câu chuyện nhỏ để nói về cái lớn lao của vũ trụ. Thơ nhiều ẩn dụ, triết lý. Con mắt của cái tôi tinh tường, anh đưa ra những sự việc không cần bình luận, lý giải người đọc cũng hiểu được, đồng cảm và ghi nhận. Anh mỉa mai về sự sính ngoại, khoe khoang chữ nghĩa mà quên ngôn ngữ dân tộc, quên sự giàu có trong kho tàng dân gian phong phú: Siêu thị ăm ắp ngôn ngữ ngoại văn/ Ngôn từ không tem bảo hành/ Tiếng tổ tiên cha mẹ... lơ đễnh long đong/ Luận văn chợ trời/ Khóa luận bày sàng không nhãn mác/ Tri thức bán rao. (Khúc luân vũ của những giá trị).

Từ ban công nhìn ra anh thấy: Người hành khất đêm qua/ Vẫn đứng đấy/ Co ro núp trong tà áo cáu bẩn/ Chị lao công xạc xoài đẩy xe... Cặp vợ chồng già đi bộ hộc tốc/ Như sợ mình đang tụt lại sau/ Đứa trẻ ngúng nguẩy gói xôi/ Thiếu phụ dỗ dành/ Gói xôi rơi xuống đất/ Không ai thèm nhặt. Anh cứ nhìn và thấy bao nhiêu thứ bình thường diễn ra trong cuộc sống, mới đọc tưởng bình thường nhưng ngẫm ngợi lại là bức tranh trong đời sống, kẻ ăn mày và người thừa thãi.

Trong bài Tạp ngôn anh đưa ra một triết lý ở đời không có cái này sẽ không tồn tại cái kia. Trong cuộc sống người với người phải dựa vào nhau, phải đoàn kết lại thì mọi sự mới thành và ngược lại: Cây gậy vịn ông già đi cà nhắc/ Không có ông già, gậy lăn ra đất/ Cái mũ phớt diễu cợt cái đầu/ Tao làm cho mày đẹp/ Đầu bảo: Không có tao mày rơi xuống đất/ Gọng kính mạ vàng nói với đôi mắt/ Tao làm cho mày sáng lên/ Mắt bảo: Không có tao mày ngủ yên trong ngăn kéo.

Từ ban công nhìn ra anh thấy những người đánh giậm kỳ lạ thay, người đánh giậm làng anh lại đi tìm con cá con tôm ở làng khác, người làng khác lại tìm đến làng anh mà giậm: Xì xọp... xì xọp ven sông/ Những người đánh giậm lạ xa đến làng tôi/ Nhặt nhạnh con ốc, con cua/ Dặm cỏ bờ sông trở thành nguồn sống/ Làng tôi cũng có những người đánh giậm/ Nhưng họ lại vác giậm đi sang làng khác/ Họ đi tìm con sông khác/ Con ốc lều bều rong rêu khóe mắt/ Người đánh giậm vấn mảnh áo trên đầu/ Lưng trần/ Giải khố lòng khòng chấm nước/ Thân phận rập rờn cùng cỏ năn, cỏ lác/ Xì xọp, xì xọp.../ Dặm cỏ bờ sông ẩn chứa niềm vui du mục. Vâng. Người đánh giậm cũng có cái triết lý của nó. Cái triết lý của nhà thơ Lâm Bằng đã nhìn thấy và bày tỏ.

Suốt cả tập thơ là một giọng điệu, là một cách biểu đạt, những gì anh đã nhìn thấy và nâng tầm nhìn ấy thành thơ, thành triết lý cuộc sống, thành những bài học làm ta giật mình và ngẫm ngợi. Đó là một tập thơ rất cá tính, rất riêng. Nhưng đọc kỹ ta thấy ngòi bút Lâm Bằng đang tìm ra cái mới, biểu đạt mới nhằm làm mới thơ, làm mới tác giả.

Tuy nhiên, mới đọc qua tưởng rất thường nhưng đọc kỹ lại thấm, lại thấy mình phải nghĩ lại những quan niệm sống, những cái nhìn đời chớ vội vàng mà phải nhìn kỹ từ bên trong sự vật, con người. Nhà thơ Lâm Bằng hiền hòa, giản dị, sáng trong, nhưng ta phải cảm phục sự tìm tòi và biểu đạt có chất thâm thúy, kín đáo của một cụ đồ nho kỹ tính.

Trần Đàm


Trần Đàm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]