(Baothanhhoa.vn) - Những ngày đầu tháng 8, âm vang hào hùng của những ngày sôi nổi, quật cường khởi nghĩa giành chính quyền vọng về từ lịch sử. Người xưa đã hóa thân vào cát bụi nhưng những di tích còn đây, hiện vật, kỷ vật còn đây... Và những trang hồi ký cách mạng của các bậc lão thành như: “Chim vượt gió” – Lê Tất Đắc, Hồi ký Lê Mạnh Trinh,... vẫn luôn được trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, tấu lên những nốt trầm hùng, vang vọng trong bản hòa ca Thanh Hóa anh hùng.

Thanh Hóa anh hùng qua hồi ký cách mạng “Chim vượt gió” của Lê Tất Đắc

Những ngày đầu tháng 8, âm vang hào hùng của những ngày sôi nổi, quật cường khởi nghĩa giành chính quyền vọng về từ lịch sử. Người xưa đã hóa thân vào cát bụi nhưng những di tích còn đây, hiện vật, kỷ vật còn đây... Và những trang hồi ký cách mạng của các bậc lão thành như: “Chim vượt gió” – Lê Tất Đắc, Hồi ký Lê Mạnh Trinh,... vẫn luôn được trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, tấu lên những nốt trầm hùng, vang vọng trong bản hòa ca Thanh Hóa anh hùng.

Thanh Hóa anh hùng qua hồi ký cách mạng “Chim vượt gió” của Lê Tất Đắc

Cuốn hồi ký cách mạng “Chim vượt gió” của Lê Tất Đắc, 1985, NXB Thanh Hóa.

Hồi ký thuộc thể loại ký, tác giả xuất hiện ở ngôi thứ nhất kể lại những sự kiện có thật trong quá khứ mà tác giả đã chứng kiến hoặc trải qua. Hồi ký mang đậm tính chủ quan, “chỉ tái hiện phần hiện thực thường nằm trong tầm nhìn của mình, căn cứ chủ yếu vào những ấn tượng và hồi ức của bản thân người viết”. Vì lẽ đó, hồi ký như những lát cắt chân thực, sống động, là một phần quan trọng cung cấp, bổ sung, đối chiếu các chi tiết, sự kiện, cách nhìn nhận, đánh giá của người đã sống cùng thời đại. Hồi ký cách mạng “Chim vượt gió” của Lê Tất Đắc cũng không nằm ngoài đặc trưng thể loại ấy.

Lê Tất Đắc (1906 - 2000) sinh ra và lớn lên trên quê hương Hoằng Hóa – mảnh đất giàu truyền thống yêu nước, hiếu học, đấu tranh cách mạng. Ông là bậc cách mạng lão thành của Việt Nam, ĐBQH Việt Nam khóa I, từng là Chủ tịch UBND lâm thời tỉnh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ... Với lòng yêu nước nồng nàn, ngay từ khi còn rất trẻ, đồng chí Lê Tất Đắc đã tích cực tham gia các phong trào của học sinh chống lại chế độ thực dân, phong kiến. Năm 1928, ông gia nhập Đảng Tân Việt cách mạng, năm 1929 chuyển sang Đông Dương cộng sản Liên đoàn. Những ngày tháng hoạt động cách mạng sục sôi ý chí, nhiệt huyết, không quản ngại gian khó, hiểm nguy được ghi lại trong cuốn hồi ký cách mạng với cái tên rất gợi: “Chim vượt gió” (1985, NXB Thanh Hóa).

“Yêu nhau nhớ thuở hiểm nghèo/ Thương nhau nhớ buổi chống chèo bên nhau”, hai câu thơ được in đậm ngay từ những trang đầu tiên cùng lời đề tặng của tác giả: “Tặng các bà con cơ sở cách mạng và các đồng chí cùng hoạt động trong thời kỳ bí mật” đã cho thấy tinh thần chung mà tác giả muốn truyền tải trong cuốn hồi ký. Nội dung cuốn hồi ký gồm 6 chương, lần lượt được đặt lên là: “Từ mảnh đất quê hương”, “Bước tới “Đường cách mệnh”, “Tháng năm sôi động”, “Cuộc chiến đấu giữa rừng xanh”, “Vượt ngục”, “Về với dân với Đảng”. Mỗi chương trong cuốn sách cũng chính là mỗi dấu mốc quan trọng trên con đường hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Tất Đắc.

Đọc “Từ mảnh đất quê hương”, độc giả bắt gặp cậu bé Lê Tất Đắc từ những ngày thơ ấu bên gia đình – một gia đình có truyền thống cách mạng với người bố “làm nghề buôn cau, quế tại miền rừng núi Thanh Hóa nhằm bắt mối liên lạc với những người yêu nước”; mẹ là con nhà phó Bảng dưới triều Nguyễn – cụ Nguyễn Đôn Tiết – một trong những thủ lĩnh của nghĩa quân Ba Đình. Từ truyền thống gia đình, từ những câu chuyện mẹ kể và thực tế cuộc sống được chứng kiến, Lê Tất Đắc ngày càng khắc ghi rõ nét trong tâm trí hình dung về “con ngáo ộp” – bọn thực dân tàn ác, bóc lột, áp bức những người nghèo khổ khiến bản thân căm ghét: “Những ngày ở tỉnh lỵ, tôi được chứng kiến cảnh sống xa hoa của bọn chủ hiệu và cảnh làm thuê cực nhục của anh em công nhân. Có những hôm, vì không có tiền nộp thuế (tiền thuê) xe tay cho chủ, nhiều phu kéo xe bị chúng chặp nan hoa quất túi bụi vào người... Cảnh nô lệ giai cấp diễn ra tàn nhẫn. Cảnh nô lệ dân tộc càng hết sức tủi nhục”...

Truyền thống gia đình, quê hương cùng những trải nghiệm, nhận thức về bối cảnh xã hội cùng sức ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi là tiền đề quan trọng đưa Lê Tất Đắc đến con đường giác ngộ cách mạng, dấn thân vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang. Bước tới “Đường cách mệnh”, Lê Tất Đắc thường xuyên bắt liên lạc với những người cùng chung chí hướng như: Lê Hữu Lập, Phạm Tiến Năng. Lúc bấy giờ, Thanh Hóa có 3 tổ chức là: Việt Nam Quốc dân Đảng, Tân Việt cách mạng Đảng, Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội. Tán thành với tôn chỉ, mục đích của đảng Tân Việt là: “Trước làm cách mạng quốc gia, sau làm cách mạng thế giới”, Lê Tất Đắc gia nhập Đảng bộ Tân Việt Thanh Hóa. Trước sự khủng bố quyết liệt của quân địch, sau một thời gian hoạt động tích cực, Lê Tất Đắc cùng một số đại biểu tiêu biểu đã tập hợp, tổ chức hội nghị tại đò Trai, tuyên bố thành lập Đông Dương cộng sản Liên đoàn. Từ ngày ấy, Lê Tất Đắc trở thành người chiến sĩ cộng sản tiêu biểu.

“Những ngày tháng sôi nổi” hoạt động cách mạng, trước khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh lên cao, Lê Tất Đắc hết mình với phong trào cách mạng ở Vinh. Sau đó, ông được Xứ ủy Trung kỳ cử về Thanh Hóa “bắt mối với các đồng chí trong Thanh Niên và Tân Việt xây dựng Đảng bộ Cộng sản Việt Nam Thanh Hóa”. Lê Tất Đắc hoạt động cách mạng trong bối cảnh phong trào ở Thanh Hóa trải qua đợt khủng bố cuối năm 1929, đang đứng trước sự bao vây lùng sục của địch. Việc bắt mối liên lạc với cơ sở cũng gặp nhiều khó khăn. Tháng 6–1931, Lê Tất Đắc bị bắt ở ga Si. “Từ đây, trên đường cách mạng, những đòn cân não diễn ra đối với tôi trong một thời gian dài” – ông bộc bạch trong cuốn hồi ký.

Trên con đường đấu tranh cách mạng, có thời điểm Lê Tất Đắc bị kết án, chuyển từ Thanh Hóa đến Lao Bảo – “nhà tù nổi tiếng tàn ác của Trung bộ lúc bấy giờ”. Tuy nhiên, bất chấp cảnh tù đày nhọc nhằn, gian khổ, ông và những người chiến sĩ cách mạng vẫn nêu cao tinh thần bất khuất, ý chí quật cường, sẵn sàng “hòa mình vào cuộc chiến đấu mới” với những hình thức đấu tranh khắc nghiệt: “Mỗi lần chúng tôi đấu tranh là quân thù đàn áp rất dã man. Chúng đưa lính vào đánh đập tàn nhẫn, làm cho mọi người đều toạc đầu, bươu trán, sưng tím mình”. Hồi ký ghi lại những gian khổ đã qua một cách chân thực: “Có lần, chúng hòa nước dơ bẩn với phân người, phân lợn, dội vào chúng tôi giữa ngày đông, rét quá, chúng tôi phải ôm nhau sưởi hơi, nhưng chân bị cùm, không co được mà xiềng sắt lại làm tê buốt thêm”. Độc ác hơn, để bịt miệng những người tù không cho hò la, hô khẩu hiệu đấu tranh, quân giặc “bắn hơi ngạt, làm tất cả sặc sụa, trào nước mắt, nước mũi, ho thổ ra máu”.

Nhưng tất cả những điều đó không đủ sức lay chuyển ý chí, nghị lực đấu tranh của những người chiến sĩ cộng sản ấy. Họ mạnh mẽ, quyết liệt lên tiếng đòi bỏ gông, bỏ xiềng, cùm khiến cho quân địch “hoảng sợ, điện cho công sứ xin đàn áp thẳng tay”. Lê Tất Đắc được cử làm đại biểu đấu tranh, đã dõng dạc tuyên bố trước thái độ hăm dọa của công sứ. Sau hành động ấy, ông bị “4 tên lính mang theo 4 khẩu súng, ghì chặt hai cánh tay lại sau lưng”, xúm nhau khiêng ông đi nhốt tại xà lim trong tiếng hô vang của anh em tù chính trị: “Đả đảo chế độ gông cùm”, “Đả đảo áp bức dã man”... Tiếng hô dội tới lao tù thường, anh em cũng đấu tranh đòi cởi bỏ gông cùm. Sau đó, chế độ gông, cùm, xiềng ở Lao Bảo bị xóa bỏ.

Trải qua những năm tháng tù đày khắc nghiệt tại Lao Bảo, Buôn Mê Thuột, ngày bước chân tự do “nhìn thấy bầu trời như cao lên”, người chiến sĩ cộng sản Lê Tất Đắc đã lại dâng cao khát vọng – “khát vọng bắt tay vào nhiệm vụ trên con đường cách mạng tiếp nối”. Khát vọng ấy đã thôi thúc ông nhanh chóng trở về quê hương, tìm phương án hoạt động. Đọc những trang hồi ký được ghi lại ở chương “Vượt ngục”, “Về với Đảng với dân” của Lê Tất Đắc, độc giả không chỉ trân trọng người chiến sĩ cộng sản kiên trung mà còn cảm phục trước những con người, tấm lòng bình dị mà cao đẹp, luôn hướng về cách mạng. Dường như mỗi con người trên mảnh đất xứ Thanh khi ấy đều sục sôi tinh thần, ý chí cách mạng. Đó là người mẹ già của đồng chí Lê Tất Đắc, dẫu lo lắng cho hạnh phúc riêng của con nhưng sẵn sàng mang hết số tiền dành dụm được để con trai lo việc cách mạng. Đó là những thanh niên yêu nước, tiến bộ, sẵn sàng xả thân vì nghiệp lớn. Những ngôi nhà đơn sơ, bình dị như nhà anh Cựu Số, làng Thượng (Nga Sơn), nhà anh Cung (làng Thuần Hậu), nhà mẹ Tơm... bỗng một ngày trở thành địa điểm che chở, nuôi giấu cán bộ, hội họp, bàn nhiều vấn đề quan trọng về công tác xây dựng Đảng, đoàn thể quần chúng cần tổ chức sao cho phù hợp, công tác tuyên truyền đặt ra yêu cầu phải có một tờ báo cách mạng... Từ những phân tích tình hình thực tế, quyết định “tạm thời lập ra một tổ chức mới lấy tên là “Thanh Hóa ái quốc hội” nhằm nhanh chóng tập hợp quần chúng; ra báo “Đuổi giặc nước”, “Gái ra trận”... Qua quá trình hoạt động trong những năm tháng “Về với dân với Đảng”, độc giả biết rằng: Thời kỳ này, Thanh Hóa là “mảnh đất lành”, nơi nuôi dưỡng, che chở cho nhiều người hoạt động cách mạng tiêu biểu – những “hạt giống đỏ” cho phong trào cách mạng của tỉnh, cả nước như: Tố Hữu, Hoàng Văn Thụ...

Đọc những trang hồi ký “Chim vượt gió” của Lê Tất Đắc, độc giả không chỉ có cái nhìn bao quát, tổng thể về cuộc đời và sự nghiệp của tác giả. Hơn hết, thông qua cuộc đời và sự nghiệp của những con người tiêu biểu ấy đã góp phần khắc họa, làm nổi bật hơn vai trò, đóng góp của tỉnh Thanh Hóa trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc.

Thảo Linh


Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]