(Baothanhhoa.vn) - Nếu sân khấu kịch hát (chèo, tuồng, cải lương) chỉ mãi đóng khung theo khuynh hướng hoài cổ với các đề tài lịch sử, dân gian, huyền thoại... thì có lẽ, sẽ vô hình chung tạo ra một “khoảng cách lớn” với thời đại, với công chúng. Trong những năm qua, với trăn trở làm sao để vừa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống (NTTT) vừa đưa sân khấu kịch hát đến gần hơn với khán giả, Nhà hát NTTT Thanh Hóa đã nỗ lực đổi mới, sáng tạo, xây dựng các vở diễn, trích đoạn, tiết mục về đề tài hiện đại, bám sát hơi thở cuộc sống.

Sân khấu kịch hát với các đề tài hiện đại: Để nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với công chúng

Nếu sân khấu kịch hát (chèo, tuồng, cải lương) chỉ mãi đóng khung theo khuynh hướng hoài cổ với các đề tài lịch sử, dân gian, huyền thoại... thì có lẽ, sẽ vô hình chung tạo ra một “khoảng cách lớn” với thời đại, với công chúng. Trong những năm qua, với trăn trở làm sao để vừa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống (NTTT) vừa đưa sân khấu kịch hát đến gần hơn với khán giả, Nhà hát NTTT Thanh Hóa đã nỗ lực đổi mới, sáng tạo, xây dựng các vở diễn, trích đoạn, tiết mục về đề tài hiện đại, bám sát hơi thở cuộc sống.

Sân khấu kịch hát với các đề tài hiện đại: Để nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với công chúng

Hình ảnh xúc động trong “Đất liền và biển cả” - vở diễn giành giải xuất sắc tại Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 của Nhà hát NTTT Thanh Hóa. Ảnh: Hương Thảo

Cuộc sống là nơi khởi nguồn cũng là nơi đi tới của nghệ thuật, đó là mối quan hệ khách quan, bền chặt không thể tách rời. Nếu nghệ thuật cứ mãi ở trong cái bóng hoài cổ thì không thể bắt nhịp với đời sống hiện đại và ngược lại, nếu nghệ thuật cứ thế mải miết vươn mình đi tới, bỏ quên những di sản văn hóa truyền thống thì nhạt nhòa, hời hợt. Nhận thức sâu sắc được điều đó, trong những năm qua, bám sát chức năng, nhiệm vụ của mình, trên tinh thần đổi mới, sáng tạo, Nhà hát NTTT đặc biệt quan tâm, đầu tư dàn dựng, biểu diễn nhiều tiết mục, tiểu phẩm, hoạt cảnh, trích đoạn chèo, tuồng, cải lương về đề tài hiện đại.

Trong năm 2021, nhà hát đã xây dựng nhiều tiết mục phục vụ tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 với nội dung phong phú, hấp dẫn, được các cấp, các ngành, công chúng đánh giá cao, tạo tiếng vang như: “Vững tin nơi tuyến đầu chống dịch” (hoạt cảnh chèo), “Vững chốt” (tiểu phẩm cải lương), “Tiêm hay không tiêm” (tiểu phẩm chèo), “Thần dược chống COVID-19” (tiểu phẩm chèo), “Những tấm lòng nhân ái” (tiểu phẩm chèo), “Mẹ mõ thời COVID-19” (tiểu phẩm chèo)... Các tác phẩm này không chỉ góp phần tuyên truyền, vận động phòng chống dịch COVID-19 sinh động, thiết thực, hiệu quả mà chính là “vắc-xin tinh thần”, cổ vũ, động viên các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, làm phong phú thêm đời sống tâm hồn cho người dân.

Những năm gần đây, chính từ những tác phẩm kịch hát về đề tài hiện đại đã mang lại cho Nhà hát nhiều giải thưởng như: Hoạt cảnh chèo “Vững tin nơi tuyến đầu chống dịch” đạt giải A tại cuộc thi Sáng tác và biểu diễn các tác phẩm về tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức. Vừa qua, tại Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 diễn ra ở Hà Nam, vở diễn “Đất liền và biển cả” của Nhà hát NTTT đã được trao giải Vở diễn xuất sắc, 3 Huy chương Vàng cá nhân, 1 Huy chương Bạc cá nhân, nhà viết kịch, TS. Nguyễn Đăng Chương giành giải Tác giả xuất sắc, Vũ Thiềng nhận giải Nhạc sĩ xuất sắc...

“Đất liền và biển cả” là câu chuyện xoay quanh nhân vật Quân (nghệ sĩ Nhật Hóa thủ vai), một sĩ quan hải quân với trái tim yêu nước nhiệt thành, khao khát được cống hiến nhưng lại nặng gánh lo toan. Gia đình neo người, mẹ mắc bệnh hiểm nghèo, vợ đang mang thai trong khi Quân được đơn vị cử ra đảo Trường Sa làm nhiệm vụ. Tấm lòng của người mẹ, nỗi lo lắng của người vợ và những trăn trở trong lòng Quân được khắc họa chân thực, sâu sắc, chạm đến cảm xúc khán giả. Khép lại mỗi phân cảnh là mở ra một trường cảm xúc với đầy đủ cung bậc, mỗi số phận cá nhân làm nên dáng hình biển cả, non sông, là tấm gương về tình yêu thương gia đình, trách nhiệm với quê hương, đất nước. Tiếng vọng của Quân từ cuốn nhật ký ngân vang mãi trong lòng độc giả: “Mẹ ơi! Con biết mẹ bị bệnh hiểm nghèo nhưng mẹ cố ý giấu, để con yên tâm đi làm nhiệm vụ. Cả một đời mẹ tần tảo hy sinh cho đất nước này, hy sinh cho những đứa con bé bỏng! Con thương mẹ vô cùng... Nước mắt của con hòa vào biển mặn... Con thấy mình là đứa con bất hiếu mẹ ơi... Ước gì con là cánh chim hải âu để bay về với mẹ, được sống như tuổi ấu thơ trong vòng tay của mẹ, được nghe mẹ ru bên cánh võng buổi trưa hè. Được tạ tội với mẹ kính yêu... dẫu chẳng bao giờ mẹ coi con là người có tội. Cho con hôn lên mái tóc pha sương vì cả đời mẹ chấp nhận hy sinh, đắng cay chịu đựng... Con thương mẹ vô cùng”...

Những kết quả ấy là thành quả cho những nỗ lực, dám làm, dám đổi mới của Nhà hát NTTT, nhất là trong bối cảnh hầu hết sân khấu truyền thống đang “thiếu vắng” các tác phẩm về đề tài hiện đại. NSƯT Vũ Thị Hảo, Phó Giám đốc Nhà hát NTTT cho biết: “Trong bối cảnh hiện nay, các nhà hát NTTT muốn đứng vững, thu hút được khán giả thì nhất định phải nỗ lực bứt phá ra khỏi “vùng an toàn”, dám làm, làm đổi mới từ phương thức, nội dung hoạt động”. Bởi lẽ, việc đưa các đề tài hiện đại vào sân khấu kịch hát không phải điều đơn giản mà đòi hỏi sự đầu tư tỉ mỉ, kỹ lưỡng cả về nhân lực, vật lực. Trong khi đó, hằng năm, kinh phí hoạt động của nhà hát có hạn, “khan hiếm” nguồn kịch bản có chất lượng, người trẻ thiếu mặn mà với sân khấu kịch hát truyền thống... Được biết, do nguồn kinh phí đầu tư lớn, thời gian chuẩn bị, tập luyện công phu nên khoảng 2-3 năm, Nhà hát NTTT mới có vở diễn được dàn dựng, biểu diễn, chủ yếu là phục vụ các hội thi, hội diễn, liên hoan toàn quốc; còn lại phần lớn là phục dựng tác phẩm cũ, xây dựng các tiết mục tiểu phẩm, hoạt cảnh, trích đoạn... “Đây là khó khăn chung của các sân khấu kịch hát của cả nước chứ không chỉ riêng của Nhà hát NTTT”, NSƯT Vũ Thị Hảo, Phó Giám đốc Nhà hát NNTT cho biết thêm.

Nghệ sĩ Vương Cảnh - phụ trách đoàn Chèo (Nhà hát NTTT) hiện là một trong những cây viết kịch bản, tham gia dàn dựng nhiều chương trình, tiết mục, tiểu phẩm phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa – nghệ thuật của tỉnh. Anh chia sẻ: “Viết kịch bản cho sân khấu kịch hát về đề tài hiện đại khó hơn các bộ môn khác. Như đối với kịch nói chủ yếu sử dụng kịch bản văn học nhưng kịch hát phải hòa quyện giữa múa, các làn điệu hát. Nghĩa là, người viết phải làm thêm động tác chuyển thể và không phải cứ chuyển thể là thành công, mang lại hiệu ứng cao nhất. “So với chèo, cải lương thì bộ môn nghệ thuật tuồng khó ứng dụng các đề tài hiện đại”.

Hoặc như khi không phải chuyển thể mà viết mới thì cũng rất nhiều cái khó. Khi viết về đề tài lịch sử, mình dường như đã có khuôn mẫu, hình dung, căn cứ nhất định để triển khai nhưng với đề tài hiện đại, đối diện với người viết là “trang giấy trắng”, phải bắt đầu đặt xếp từng viên gạch. Muốn thể hiện được các tác phẩm về đề tài hiện đại, người viết phải bám sát hiện thực đời sống, biết gạn lọc chất liệu, “lẩy” được “những hạt bụi vàng lấp lánh” giữa xô bồ chất liệu từ cuộc sống ấy. Quan trọng nhất, người viết kịch bản cho sân khấu kịch hát phải hiểu biết, nhuần nhuyễn các làn điệu, phong cách, kỹ thuật của từng bộ môn chèo, tuồng, cải lương. Các cụ thâm niên, có kinh nghiệm, am tường thì tuổi tác đã cao, dần mai một; lớp trẻ năng động, sáng tạo, nhạy bén với thời cuộc thì còn thiếu kinh nghiệm, thiếu hiểu biết chung về NTTT. Với các vở diễn dự thi, gần như nhà hát phải “đặt hàng” những cây viết tên tuổi của cả nước”.

Việc đưa đề tài hiện đại vào sân khấu kịch hát truyền thống là một xu hướng, hướng đi hiệu quả để các nhà hát đến gần hơn với công chúng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thử thách, song Nhà hát NTTT quyết tâm đổi mới, hài hòa cả truyền thống và hiện đại. Để làm được điều đó, “Nhà hát rất mong muốn được tạo điều kiện tăng thêm kinh phí dựng vở; lan tỏa giá trị các tác phẩm, trích đoạn, tiểu phẩm, hoạt cảnh trên sóng truyền hình để đáp ứng tốt hơn nhu cầu giải trí của người dân. Để chủ động hơn về khâu kịch bản thì cần có chủ trương, cơ chế cho các nhà hát được chọn, cử một vài nhân tố tiêu biểu đi học thêm các lớp nghiệp vụ, bồi dưỡng kỹ năng viết kịch bản...”, NSƯT Vũ Thị Hảo chia sẻ. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực của nhà hát thì cần có sự quan tâm, đầu tư hơn nữa từ các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Hương Thảo


Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]